Bản văn Lễ Lá và những đảo ngược được khám phá

Thứ hai - 03/04/2023 04:24  533
unknownTin Mừng Chúa nhật Lễ Lá là một trình thuật vừa mang tính nhân bản, vừa mang tính siêu nhiên thẳm sâu về mầu nhiệm Khổ nạn của Chúa Kitô.

Bài Thương khó (Mt 26,14-27,66)

Vào Chúa nhật Lễ Lá, người Công giáo trên khắp thế giới, cho dù ở quốc gia và múi giờ nào, công khai hay thầm kín, đều quy tụ để lắng nghe trình thuật Tin Mừng dài nhất trong cả năm phụng vụ. Hẳn là không phải đưa ra nhiều lời giải thích, mọi người dù cho là trẻ hay già, nam hay nữ, có học thức hay bình dân, cao sang hay thấp hèn, tất cả đều hiểu và bị cuốn vào câu chuyện trong trình thuật Tin Mừng. Tại sao câu chuyện lại có thể phổ biến như vậy? Câu trả lời hẳn là vì đây là một câu chuyện của con người. Câu chuyện ấy có các nhân vật, hành động, cốt truyện, tình tiết phụ,và cảm xúc. Nào ai trong chúng ta chưa từng trải qua cảm giác bị phản bội, sợ hãi, sỉ nhục, xuyên tạc, bất lực, ác ý từ người khác, hối hận hoặc sống trong thời gian đen tối? Câu chuyện về cuộc Thương khó này không được kể bằng ngôn ngữ triết học, thần học hay ẩn dụ. Không, câu chuyện này là câu chuyện của chúng ta, chứa đầy những sự thật của cuộc sống mà không cần ai dạy chúng ta.

Vì dài và nhiều chi tiết, nên không thể có một bài bình luận toàn diện ở đây.[1] Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta cần học để biết để tâm. Chúng ta cần điều ấy vì than ôi, chúng ta giống như các môn đệ, cứ ngủ vùi trong khi Chúa Giê-su chịu khổ hình trong vườn Ghếtsêmani.

Kể từ Vườn Địa Đàng, khi con rắn hứa “mở mắt” cho Ađam và Eva cũng là lúc nó gây ra sự mù lòa về tâm linh. Hành trình đời người luôn chứa đầy sự chớ trêu. Có những lời nói hoặc sự kiện dường như thể có ý nghĩa này nhưng thực ra lại có ý nghĩa khác. Câu chuyện Tin Mừng này rất nhân văn, nhưng cũng đầy rẫy những điều chớ trêu. Hãy dõi theo những chủ đề dưới đây:

Trong Bữa Tiệc Ly, tất cả các tông đồ đều phủ nhận việc họ bỏ Chúa Giêsu, nhưng tất cả các ông, trừ Gioan, đều làm như vậy (Mt 26,56). Giuđa hôn Chúa Giêsu, một dấu hiệu biểu lộ tình thầy trò, nhưng nụ hôn đó là một sự phản bội. Những kẻ bắt Chúa Giêsu xuất hiện với gươm giáo và gậy gộc, nhưng tất cả những gì họ từng thấy Ngài làm là ngồi trong Đền thờ và giảng dạy. Cả Caipha và Philatô, những kẻ âm mưu giết Chúa Giêsu, đều tuyên xưng bằng chính môi miệng của họ rằng Ngài là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa” (Mt 26,63) và là “Vua dân Do Thái” (Mt 27,11) trong khi Chúa Giêsu không hề nói bất cứ điều gì ngoại trừ “Chính anh nói đó” (26,25). Còn Baraba, tên của y có nghĩa là “Con Đức Chúa Trời” và là người phạm tội nổi loạn, nay được ra tù để rồi “Con Đức Chúa Trời” thật đã phải thí mạng vì y. Tất cả con Chúa Trời, trong đó có bạn và tôi hẳn cũng muốn Chúa Giêsu bị đóng đinh, cũng kêu gọi: “Máu của hắn đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi”. Tuy nhiên, máu của Ngài không phải là máu tội lỗi, mà là máu chuộc tội, để muôn người được tha tội.

Và còn nữa, những người lính mặc cho Chúa Giêsu bộ y phục giống như một vị vua với áo choàng, vương miện và vương trượng. Họ nghĩ rằng điều này là để sỉ nhục và vạch trần Ngài là một kẻ lừa đảo, nhưng thay vào đó, họ thừa nhận rằng Ngài là Vua của một vương quốc không thuộc về thế gian này. Trên Thánh giá của Ngài, trong một tấm biển được viết bằng ba ngôn ngữ chính của Đế quốc Hy Lạp-La Mã, họ đã vô tình tuyên bố Chúa Giêsu là vua của hết thảy các quốc gia.[2] Cuối cùng, trong một nỗ lực để đảm bảo không ai có thể đánh cắp xác của Chúa Giêsu rồi tuyên bố Ngài đã sống lại từ cõi chết, họ bảo vệ ngôi mộ “bằng cách đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ” (Mt 27,66). Tuy nhiên, đây là bằng chứng đảm bảo cho lời giải thích duy nhất về sự “tái hiện” của Chúa Giêsu, nếu điều đó xảy ra xảy ra, không gì khác là Sự Phục Sinh của Ngài. Vị “vua” trông có vẻ yếu đuối và bất lực đã bị chết dưới tay những kẻ khinh thường, nhưng bằng chính sự yếu đuối và đau khổ này, Ngài sẽ đánh bại kẻ thù mạnh nhất của loài người là Thần chết.

Bài đọc I (Is 50,4-7)

Tiên tri Isaia, vì sống trong thời kỳ dân Chúa có nhiều bất trung trong giao ước với Thiên Chúa[3], đã phải đưa ra những lời cảnh báo nghiêm trọng về thảm họa sắp đến nếu dân chúng không ăn năn. Isaia tiên báo về sự phán xét chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng Isaia cũng nói về sự khôi phục sắp đến, khi sự trừng phạt kết thúc và dân chúng sẽ lại hưng thịnh trong xứ của họ. Điều đáng chú ý là những lời tiên tri của Isaia bao gồm những mô tả chi tiết về vai trò quan trọng Người Tôi Trung Đau Khổ trong sự khôi phục này. Một số “bài ca” trong sách Isaia nói về Người Tôi Trung Đau Khổ này. Bài đọc hôm nay nêu bật quyết tâm của Người tôi tớ tiếp tục con đường đã định cho vị Ngôn sứ. Lời tiên báo này đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, Đấng“quyết tâm lên Giêrusalem” (Lc 9,51) và âm thầm chịu đựng sự khinh bỉ, như chúng ta thấy trong bài Tin Mừng. Mặc dù Chúa Giê-su vật lộn trong Vườn Cây Dầu với ước muốn tự nhiên của Ngài để tránh đau khổ, nhưng Ngài đã đứng dậy từ lời cầu nguyện thống khổ để làm ứng nghiệm lời của Isaia: “Tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50,5).

Thánh vịnh (Tv 22,8-9,17-20,23-24)

Chúng ta không thể không ngạc nhiên khi đọc bài Thánh vịnh này về cách mô tả chính xác một số chi tiết của Cuộc khổi nạn. Đó là lý do tại sao chúng ta hiểu đó là một bài thánh ca về Đấng Mêsia, do Vua Israel là Đavit, viết hàng trăm năm trước đó. Đavit, giống như Chúa Giêsu, đã bị bắt bớ một cách bất công. Kẻ thù của ông muốn tiêu diệt ông, và sự đau khổ của ông khiến ông kêu lên: “Chúa ơi, Chúa ơi, tại sao Ngài bỏ rơi con?” Tuy nhiên, trong một câu không có trong phần bài đọc Thánh lễ, Đavít thừa nhận rằng Đức Chúa không từ bỏ ông: “Hỡi những ai kính sợ Đức Chúa, hãy ca tụng Người đi! Hỡi toàn thể giống nòi Gia-cóp, nào hãy tôn vinh Người! Dòng dõi Ít-ra-en tất cả, nào một dạ khiếp oai! (Tv 22,24). Đây là bước ngoặt của Thánh Vịnh. Đavít tiếp tục nhìn thấy thời điểm mà ông sẽ được phục hồi và có thể “rao danh Ngài cho chư dân giữa lòng đại hội” (Tv 2,25), và “ăn no nê” (Tv 22,26). Nói cách khác, Đavít nhìn thấy cuộc sống sau sự đau khổ của mình, một tuyệt vời đến từ Đức Chúa ở phía bên kia cuộc sống sẽ khiến toàn thể Israel “tôn vinh Ngài…tôn kính Ngài” (Tv 22,23). Vậy thì có gì ngạc nhiên khi bài Thánh vịnh này này được thốt ra từ miệng của Chúa Giêsu khi Ngài hấp hối trên Thập tự giá? Việc xa cách Thiên Chúa mà Ngài đã trải qua khi gánh toàn bộ gánh nặng tội lỗi của cả nhân loại có lẽ cũng khiến Ngài cảm thấy bị bỏ rơi giống như Đavít. Nhưng Ngài cũng có hy vọng như Vịnh gia: “Mọi kẻ ngủ yên trong lòng đất sẽ đều bái lạy một mình Người, phàm những ai trở về cát bụi sẽ cùng phủ phục trước Thánh Nhan. Phần tôi, nguyện sẽ sống cho Chúa” (Tv 22,30). Hẳn là bài Thánh Vịnh này đã cho Chúa Giêsu can đảm khi Ngài uống cạn chén đau khổ của mình cho đến tận cùng đắng cay.

Bài Đọc II (Pl 2,6-11)

Thánh Phaolô cho chúng ta một bản tóm tắt về mầu nhiệm Nhập Thể và cùng với đó là một bản xem trước về những gì nằm ngoài những chi tiết của trình thuật Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu đã rời bỏ vinh quang của Ngài trên Thiên đàng để trở thành một người trong chúng ta, nhưng Ngài đã trở thành “chúng ta”! Thiên Chúa dựng nên chúng ta để vâng lời Ngài, điều này sẽ giúp chúng ta sống theo “hình ảnh và chân dung” của Ngài để được hạnh phúc thực sự. Tuy nhiên, chúng ta luôn chọn sự bất tuân. Vì lẽ ấy, chúng ta không bao giờ thực sự đạt được con người thật của mình. Chúa Giêsu đã chọn sự vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Vì vậy, Thiên Chúa đã ban cho Ngài một danh hiệu mà cuối cùng sẽ khiến mọi đầu gối phải quỳ xuống và mọi miệng lưỡi phải xưng nhận rằng “Đức Giêsu Kitô là Chúa.” Trong tất cả các bài đọc hôm nay, chúng ta thấy Người Tôi Trung Đau Khổ, bị tước đoạt quyền lực và vinh quang, là hình ảnh của sự yếu đuối và thất bại, nhưng trong thư này, chúng ta thấy Vua Giê-su, được tôn cao, vinh hiển và đáng ngợi khen như một sự tiên báo hoàn hảo về niềm vui của Lễ Phục sinh!

[1] Pope Benedict XVI, Jesus of Nazareth: From the Baptism in the Jordan to the Transfiguration.
[2] Ba ngôn ngữ tuyên bố Chúa Giêsu là vua vẫn còn xuất hiện ngày nay trong Thánh lễ. Kyrie là tiếng Hy Lạp; Alleulia là tiếng Do Thái; Sanctus là tiếng Latinh.
[3] Khoảng thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập255
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm219
  • Hôm nay61,937
  • Tháng hiện tại648,819
  • Tổng lượt truy cập70,676,576
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây