Đáp trả tiếng gọi của Trời Cao

Thứ tư - 14/06/2023 05:07  1127
Cuộc sống là chuỗi ngày chiến đấu nội tâm để có những đáp án cho bài toán cuộc đời. Cho dù có được chọn đúng ý mình đi nữa, thì chắc gì đã là yếu tố quyết định? Người đời chẳng có câu: “Nhân tính không bằng trời tính” đó sao? Phải chăng, việc chọn đúng “dự định” của Trời mới là yếu tố then chốt làm nên thành công của cuộc đời? Với mỗi Kitô hữu, việc tìm ý Trời mang một ý nghĩa cao siêu hơn, đó là khám phá ơn gọi để sống một cuộc đời theo đúng kế hoạch của Người, từ đó chúng ta có được sự bình an nơi tâm hồn.

Thiên Chúa mời gọi…

Trong Kinh Thánh, không ít lần các tác giả ghi lại tiếng gọi của Thiên Chúa đối với con người. Đó là tiếng gọi từ trời cao dành cho Abraham “Hãy rời bỏ quê hương xứ sở, ra đi đến miền đất ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1-4), hay là lời mời của Đức Giêsu dành cho ông Anrê và người em ông là Simon “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Lc 1,17). Nhìn chung, tất cả những lời mời gọi trên đều xuất phát từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người và Người cho họ quyền tự do đáp trả.

Tự thuở đời đời, Thiên Chúa đã yêu thương và cất tiếng gọi ta qua việc cho chúng ta được hiện hữu làm người trên cõi đời này với linh hồn có lý trí để phán đoán và ý chí để chọn lựa. Hơn nữa, qua ơn gọi làm Kitô hữu, Người còn mời gọi chúng ta trở nên “những người con đích thực của Thiên Chúa […] và để cho Thần Khí Thiên Chúa dẫn dắt” (Rm 8,14). Khi trưởng thành cũng là lúc ta đáp lại lời mời gọi của Chúa trong ơn gọi thứ ba. Đó là lúc chúng ta đứng giữa ngã ba đường, đứng trước hai ngã rẽ buộc phải quyết định: “Đi tu” hay “lập gia đình”. Nhiều khi chúng ta băn khoăn không biết chọn con đường, ngã rẽ nào đây. Nếu đi tu thì lại tiếc nuối thế trần, còn nếu lập gia đình thì lại nuối tiếc đời tu! Biết làm sao đây?

“Đi tu” hay “lập gia đình” đều là ơn gọi Chúa đã “dự định” cho mỗi người từ trước muôn thuở. Mỗi ơn gọi đều có một nét đẹp riêng nhưng cùng với đó là những khó khăn thử thách đang đợi chờ. Nhiều người nói: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Nếu cứ đi tu mà cuộc đời “tự động” trở thành hoàn hảo ngay thì các nhà Dòng sẽ chẳng còn chỗ để nhận các ứng sinh. Nếu mọi mối tình đều là dây oan thì nhân loại này có nguy cơ tuyệt mất giống nòi. Rõ ràng, tu có là cõi phúc hay không còn tùy thuộc vào người đi tu, tình có là dây oan hay không phụ thuộc vào những chủ thể đang đi xây dựng mối tình ấy. Trong cuộc đời này, vẫn có thật nhiều người tự chuốc cho mình những dây oan để rồi tự giam hãm đời mình trong những đắng cay. Hoặc vẫn còn đâu đây những bạn trẻ sống trong nhà Chúa mà hồn cứ như ở trên mây, lúc nào cũng sống trong âu lo, không bình an. Chính vì vậy, việc phân định ơn gọi là điều tối cần thiết để giúp mỗi người có được quyết định thuận theo Thánh ý Chúa.

“Đi tu”, có nhiều người cho rằng là để dấn thân phục vụ tha nhân, phục vụ Giáo Hội, phục vụ dân Chúa. Điều đó không sai. Nếu đời tu hệ tại ở đó thì hẳn có người nói rằng như vậy đâu cần phải đi tu, vì có người không đi tu, lập gia đình nhưng còn phục vụ tốt hơn nữa chứ! Thật vậy, phục vụ tha nhân, phục vụ Giáo Hội hay phục vụ dân Chúa đó cũng là một khía cạnh của đời tu, nhưng mục đích chính của đời tu là gì? Mời các bạn dừng chân lại một chút. “Đi tu”. Hãy để ý từ “tu”. Theo quan niệm thông thường, tu nghĩa là “sửa chữa”, “điều chỉnh”, “hoàn thiện”, v.v., chính con người, bản thân mình. Tuy nhiên, đi tu Kitô giáo lại có một ý nghĩa sâu xa hơn. Mục đích đời tu trước hết là đáp lại lời mời gọi yêu thương của Chúa Kitô, lấy Chúa làm cùng đích đời mình, liên lỉ hiệp thông với Người bằng việc thờ phượng. Nhờ sống gắn bó với Chúa, lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời mình, lúc ấy người tu sĩ mới có khả năng từ bỏ, hy sinh và sửa đổi cách sống theo khuôn vàng thước ngọc là Chúa Kitô.

Theo Chúa Kitô có nghĩa là chấp nhận thập giá. Bước vào đời tu, người tu sĩ từ bỏ quyền quyết định cho bản thân để sống vâng phục theo Thánh ý Chúa, khước từ quyền sở hữu để sống khó nghèo vì tha nhân, từ bỏ tình yêu đôi lứa để sống khiết tịnh vẹn toàn vì lòng yêu mến Chúa và trở nên dấu chỉ Nước Trời. Theo Chúa Kitô là học nơi Người để biết sống yêu thương. Nói đến đây, nhiều người có lẽ hình dung ra được phần nào cuộc sống của những con người sống bên trong những nhà dòng “kín cổng cao tường” kia.

Thế còn việc lập gia đình thì sao? Thông thường, khi bàn về hai chữ ơn gọi, người ta chỉ nhắc đến ơn gọi tu trì, chẳng mấy ai nói đến “ơn gọi gia đình” cả. Thế nhưng, trong ánh sáng Lời Chúa, tình yêu đôi lứa chính là hồng ân Thiên Chúa ban cho con người “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người” (St 2, 22). Khi lập gia đình, con người ta có được sự nâng đỡ lẫn nhau, có những đứa con, cùng với đó là những niềm vui bên người bạn đời của mình. Thế nhưng, cũng sẽ có rất nhiều điều mỗi người phải hy sinh thì mới có được hạnh phúc gia đình. Đó là biết chấp nhận sự khác biệt của người bạn đời, phải biết sống cho người khác. Suy cho cùng, xét về bản chất của tình yêu, sống gia đình đòi hỏi người ta phải từ bỏ và dâng hiến đó cũng là “tu”.

… Con người đáp trả

Việc đi tu hay lập gia đình không phải là chuyện sớm chiều. Đây là việc chọn lựa để đi đến quyết định cho cả cuộc đời, cao hơn nữa đó là thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Sẽ quả là dại dột khi ta quyết định dựa vào cảm xúc nhất thời. Đó phải là cả một quá trình suy xét và phân định. Xin được chia sẻ ở đây một vài trải nghiệm bản thân.

“Lặng để nghe tiếng Chúa, nói trong, trong tâm hồn ta…” những ca từ trong ca khúc “Lặng” của linh mục nhạc sĩ Trần Tuấn như một cách thức để ta khám phá ra tiếng gọi của Thiên Chúa. Trong cuộc sống đầy ồn ào náo nhiệt này, ta cần phải biết dành những khoảng lặng, dành “một cõi riêng tư” – nơi ấy chỉ có ta và Chúa. Nhiều khi ta cứ thầm trách Chúa không gọi, nhưng hiếm khi nào ta đặt ngược lại vấn đề rằng Chúa vẫn gọi mà ta chẳng thể nào nghe. Ta chẳng thể nghe vì không có mối tương quan mật thiết với Chúa, chẳng thể nghe vì đôi tai tâm hồn ta lúc nào cũng hướng đến những tiếng gọi mời của thế gian, chẳng còn chỗ cho Chúa nữa.

Có thể nói, cầu nguyện là chìa khóa ưu tiên cho việc biện phân ơn gọi. Nó là điều kiện cho một người luôn tỉnh thức trước tiếng gọi của Chúa. Dụ ngôn mười cô trinh nữ trong Tin Mừng thánh Mátthêu tựa một lời giải thích cho vấn đề này. Có thể thấy, yếu tố quan trọng nhất nơi dụ ngôn này chính là “dầu”. Các cô trinh nữ nếu muốn luôn tỉnh thức thì phải tích trữ đầy dầu. Cây đèn cuộc đời ta chỉ luôn cháy sáng khi được đổ tràn đầy chất dầu của sự cầu nguyện. Bao lâu đèn còn dầu, thì cây đèn sẽ vẫn toả sáng. Bao lâu ta còn cầu nguyện, bấy lâu tình yêu “với Chúa và với tha nhân” của ta vẫn bừng cháy. Bao lâu tình yêu của ta còn cháy sáng, bấy lâu ta còn có sức làm lan toả Chúa Kitô đến với tha nhân.

Nếu cách thứ nhất mang tính cách siêu nhiên, thì cách thứ hai này bắt mỗi người chúng ta cần phải suy nghĩ, tìm hiểu và có sự phân biệt giữa những hình thức ơn gọi. Có lẽ nhiều câu hỏi được đặt ra như: suy nghĩ cái gì, suy nghĩ thế nào? Suy nghĩ nghĩa là ta đặt ra cho mình những câu hỏi chẳng hạn như: Tôi biết gì về đời sống tu trì? Tôi hiểu gì về lý tưởng, đời sống hôn nhân? Tôi đang hướng chiều mạnh hơn về đời sống nào? 
 
Những câu hỏi như vậy có lẽ phần nào là tiền đề để giúp chúng ta có thể bắt đầu tìm hiểu, rồi đi đến phân định và chọn lựa. Đã là chọn lựa, chắc chắn phải có ít nhất hai đối tượng để lựa chọn. Muốn hi vọng có sự lựa chọn chính xác, chúng ta cần phải biết rõ mỗi thứ, nghĩa là phải biết rõ cả hai ơn gọi.

Nếu chúng ta không đi tìm hiểu để hiểu rõ về cả hai ơn gọi, lựa chọn của chúng ta khó mà đảm bảo chính xác với Thánh ý Chúa được. Khi đó chúng ta sẽ hoài nghi về ơn gọi của mình. Không thiếu những người vì không có sự tìm hiểu kĩ lưỡng nên đã than thân trách phận rằng: Phải chăng nếu biết trước là khổ thế này thì tôi đã đi tu rồi, hoặc ngược lại. Vì thế, việc tìm hiểu ơn gọi là cần thiết đối với các bạn trẻ không loại trừ một ai. Chúng ta tận dụng những cơ hội để khám phá ơn gọi của đời mình như tham dự các lớp tìm hiểu ơn gọi, tĩnh tâm, trao đổi với các vị hữu trách về vấn đề ơn gọi, v.v..

Nhìn qua, có lẽ nhiều người nghĩ rằng nó chẳng hề ăn nhập gì với ơn gọi. Nhưng thực ra, qua những biến cố đã xảy ra trong cuộc đời, “sống với Mẹ Maria” là một điều không thể thiếu. Kinh nghiệm sống với Mẹ chắc mỗi Kitô hữu ai cũng có. Từ những việc nhỏ bé trong cuộc sống như trong một cơn ốm đau, hay muốn tìm một sự bình an trong một hành trình dài…chúng ta đều cần đến bàn tay Mẹ chở che nâng đỡ phương chi là trong việc tối quan trọng này – việc đi tìm ơn gọi cho cả cuộc đời ta lại không cần đến Mẹ hay sao? Sống với Mẹ để học với Mẹ hai tiếng Xin vâng trước lời mời gọi từ nơi Thiên Chúa, sống với Mẹ để học nơi Mẹ sự khiêm nhường thẳm sâu, sống với Mẹ để học nơi Mẹ lòng yêu người tha thiết. Khi đã có những đức tính ấy, việc lắng nghe tiếng Chúa sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Không chỉ dành riêng những người “đi tu”, ơn gọi nên thánh thuộc về bản chất của mọi Kitô hữu. Công đồng Vaticanô II viết: “Tất cả các Kitô hữu, bất kể thuộc bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Đức Ái” (LG 40). Giờ đây, còn ngần ngại gì nữa, tôi và bạn, dù ở ơn gọi nào, hãy cùng sánh vai, bước tiếp cuộc “hành trình nên thánh” của mình.

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập308
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm266
  • Hôm nay32,099
  • Tháng hiện tại87,112
  • Tổng lượt truy cập71,453,458
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây