Con người và “virus sợ hãi"
Chủ nhật - 14/05/2023 19:23
924
Trong một thế giới đầy bất tất, dù là một sinh vật thượng đẳng, con người vẫn là một hữu thể đầy giới hạn. Cũng vậy, dẫu là một ngôi vị trọn vẹn với hồn và xác, có đầy đủ ý chí, lý trí và tự do, con người đã lạm dụng tự do, phá vỡ mối dây liên kết nền tảng với Thiên Chúa - Nguồn Mạch Trọn Hảo, để từ một hữu thể tự do, con người trở thành nô lệ của tội lỗi và chỉ còn là một hữu thể bất toàn, phải đau khổ và phải chết. Khi các mối tương quan bị phá vỡ, thay vì được bao bọc và an hưởng sự bình an, niềm hạnh phúc viên mãn, kiếp người lại bị vây bủa, đe dọa bởi biết bao nỗi sợ. Nỗi sợ trở thành “một loại virus vô hình” không ngừng gặm nhấm con người, khiến con người luôn phải dằn vặt trong đau khổ và nó có lẽ chỉ buông tha khi con người đi qua nỗi sợ lớn nhất và đáng sợ nhất là cái chết.
Thật vậy, con người, với trí tuệ đáng kinh ngạc, đã không ngừng cải tạo thế giới để đáp ứng mọi nhu cầu của con người, cũng như nỗ lực tìm mọi cách để loại trừ nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, khi thế giới ngày càng phát triển, khi con người bắt đầu vẽ ra và ảo tưởng về một thế giới hạnh phúc không có đau khổ và chẳng còn sợ hãi, thì lại là lúc con người nhận ra một cách rõ nét hơn sự ẩn tàng đầy tinh vi của vô số nỗi sợ hãi nơi vũ trụ thiên nhiên, nơi các tạo vật hay nơi chính con người. Bởi càng cố gắng giãy giụa để trốn chạy, con người càng sợ hãi, nhâ là khi con người tác động khiến sự cân bằng, hài hòa mong manh vốn đã rạn nứt giữa con người với thế giới bị phá hủy. Khi đó, thay vì có bình an, sự hiện hữu và cuộc sống của con người ngày càng bị đe dọa và nhấn chìm trong sợ hãi và tuyệt vọng của kiếp nhân sinh.
Kinh nghiệm về nỗi sợ là một kinh nghiệm thực tế nhất mà bất cứ ai cũng có và phải có trong cuộc đời, nhất là khi con người càng sở hữu quá nhiều thứ để mất. Vì là một hữu thể bất toàn, không ai không có ít hơn một nỗi sợ, bởi nỗi sợ dường như chi phối mọi mặt trong đời sống và sự hiện hữu của con người. Con người luôn phải đối diện với quá nhiều nỗi sợ trong cuộc sống cũng như nơi chính tâm hồn mình, nên việc ai cũng có nhiều hơn một nỗi sợ là một chuyện hết sức bình thường. Nếu ai nói rằng mình không sợ gì, thì đó là kẻ nói dối, thậm chí lại là kẻ chất chứa nơi mình nhiều nỗi sợ nhất… Nỗi sợ ẩn chứa dưới muôn hình muôn vẻ. Có những nỗi sợ có thể nhìn thấy: bom đạn, chiến tranh, khủng bố, bệnh tật, chết chóc… nhưng cũng không thiếu những nỗi sợ vô hình, thậm chí không có nhưng vẫn sợ: ma quỷ, thần linh, zombie… Như thế, không ai không sợ cái gì và cũng chẳng một ai cái gì cũng sợ.
Tuy nhiên, đôi khi hay nhiều lúc, con người sợ những thứ không đáng sợ, thậm chí sợ vô cớ, nhưng lại chẳng những không sợ những thứ đáng phải sợ, mà còn coi thường, phủ nhận, chống đối hay loại bỏ những thực tại ấy... Chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, bạo lực… những thứ lẽ ra con người có lẽ vẫn sợ và chẳng hề muốn, nhưng thay vì loại bỏ và có khả năng loại bỏ, thì trong lịch sử hiện hữu, con người lại không ngừng gây ra cho nhau, thậm chí thích gây ra những nỗi sợ mang tên chẳng đẹp đẽ đó. Để rồi, thay vì mang đến cho nhau bình an, con người lại không ngừng biến chính mình thành nạn nhân không lối thoát của những nỗi sợ do chính mình gây ra… Cũng vậy, với Thiên Chúa, thực tại mà con người đáng ra phải kính sợ và tôn thờ, thì con người lại nhân danh tự do tự tung tự tác của mình để hoặc chạy trốn, hoặc phủ nhận hay loại trừ Ngài. Để rồi, thay vì được giải thoát và tự do đích thực trong tương quan với Thiên Chúa, con người lại thể hiện nỗi sợ hãi với ma quỷ, nhưng thay vì chạy trốn hay chống trả, con người lại đối thoại, thất bại và trở thành nô lệ cũng như nhấn chìm sự hiện hữu của mình trong đau khổ và sự chết.
Như thế, con người trở thành mảnh đất màu mỡ để nỗi sợ sinh sôi và phát triển, một “vật chủ” hoàn hảo để nỗi sợ kí sinh và lây lan. Từ đó, như “một loại virus” nguy hiểm, khi gặp môi trường và vật chủ phù hợp, nó lây lan, ám ảnh và dính bám lấy bất cứ ai mà nó tiếp xúc. Nếu hệ thống miễn dịch hay sức đề kháng của con người không đủ sức chống trả, nỗi sợ sẽ ngay lập tức xâm nhập, gây bệnh và phá hủy cuộc sống và sự bình an vốn đã ít ỏi và mong manh của con người. Và cứ như thế, nỗi sợ với nhiều loại biến thể khác nhau, ẩn mình dưới vô số thực tại khác nhau với mức độ nguy hiểm tinh vi khác nhau, cứ hằng ngày hàng giờ lây lan chóng mặt và thống trị con người, dù con người vẫn cố gắng tăng cường sức đề kháng hay sử dụng nhiều loại vắc-xin khác nhau để khống chế, nhưng vẫn thất bại... Nỗi sợ khiến nhân loại không một giây phút nào có một sự bình an, hạnh phúc trọn vẹn vì nó không né tránh và không miễn dịch với bất cứ ai. Bất cứ ai cũng mang nơi mình nhiều hơn một dạng biến thể của virus sợ hãi, phải đối diện với nó mỗi ngày, vật lộn với nó, để rồi hoặc chấp nhận làm nô lệ cho nó trong sự dằn vặt và đau khổ, hoặc chiến đấu, tìm ra loại vắc-xin phù hợp và hiệu quả để khống chế hay loại bỏ nó.
Cũng vậy, kể từ khi tự mình cắt đứt sợi dây liên kết với Thiên Chúa, con người cũng đánh mất loại vắc-xin hoàn hảo nhất đến từ Thiên Chúa, vắc-xin có sức đề kháng với mọi loại virus, trong đó có sợ hãi. Để rồi con người phải sinh ra trong sợ hãi, chung sống với sợ hãi cho tới khi không còn hiện hữu. Trong lịch sử hiện hữu, con người dù ý thức rất rõ về việc loại trừ nỗi sợ, nhưng thật nghịch lý, con người dường như luôn tỏ ra không muốn và sợ những cái đáng sợ, nhưng lại thích gây ra những thực tại đáng sợ cho đồng loại và cho chính bản thân mình. Những thực tại mà lẽ ra con người đáng sợ và có thể loại bỏ như chiến tranh, bạo lực, bất hòa, chía rẽ, dịch bệnh… thì con người lại không ngừng gây ra cho nhau, mà những trang sử dài trong lịch sử nhân loại đã ghi dấu biết bao hậu quả đau thương do nỗi sợ hãi gấy ra và sẽ còn kéo dài mãi cho đến tận thế… Thay vì loại bỏ những thực tại đáng sợ, con người lại thích gây sợ hãi cho nhau, thậm chí dùng chính nỗi sợ hãi để thống trị nhau, hành hạ nhau, làm tê liệt ý chí và sẵn sàng ra tay tàn độc để gieo rắc nỗi sợ hãi cũng như cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu người. Như vậy, con người từ đối tượng của nỗi sợ hãi lại trở thành một chủ thể đáng sợ chuyên đi gieo rắc và làm lây lan nỗi sợ hãi dưới muôn hình muôn vẻ và ngày càng tinh vi cho thế giới và cho đồng loại, khiến thế giới không một ngày được hưởng một sự bình an đích thực… Việc lây lan và dùng nỗi sợ để thống trị nhau len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống con người từ tâm hồn, gia đình, xã hội, thậm chí ngay trong lòng Giáo hội.
Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn yêu thương con người bằng một tình yêu muôn thở, Ngài không muốn con người phải chìm đắm và hư nát trong nỗi sợ do tội lỗi và cái chết gây ra. Trái lại, Ngài đã ban chính Con Một Ngài đến trần gian, sống như một con người, đồng cảm với thân phận và nỗi sợ của con người, nhất là để cứu độ và nâng con người lên khỏi vũng lầy của tội lỗi, giải thoát con người khỏi nỗi sọ hãi, để họ được tự do hoàn toàn và đáng hưởng hạnh phúc viên mãn trong tư cách là dưỡng tử của Thiên Chúa. Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa làm người, đã sống kiếp nhân sinh như chúng ta. Nỗi sợ cũng không né tránh Ngài, chính Ngài cũng phải trải qua và đối diện với nỗi sợ hãi, Ngài cũng sợ hãi, nhất là trước đau khổ và cái chết. Tuy nhiên, nếu con người là một hữu thể đầy sợ hãi và run rẩy, dẫu vẫn sợ tội, ghét tội nhưng rồi vẫn thất bại trước nỗi sợ hãi và phạm tội, thì Đức Giê-su Ki-tô, Ngài cũng sợ, nhưng vượt qua nỗi sợ, Ngài vâng phục trọn ý Chúa Cha, để rồi phó thác trọn vẹn trong bàn tay Thiên Chúa. Ngài đã chiến thắng không chỉ nỗi sợ, mà cả tội lỗi và cái chết, để qua cái chết và sự Phục sinh của Ngài, Ngài dẫn đưa nhân loại đi theo con đường duy nhất và hoàn hảo nhất để vượt qua sợ hãi, tội lỗi và cái chết là con đường Thập Giá và Phục Sinh.
Nỗi sợ là một thực tại vẫn tồn tại và con người không thể phủ nhận hay chạy trốn, nhưng phải nhìn nhận sự hiện diện của nó dưới mọi dáng vẻ ở khắp mọi nơi và mọi thực tại. Nỗi sợ sẽ tiếp tục kí sinh nơi hữu thể người, tiếp tục gặm nhấm và hành hạ sự hiện hữu vốn đã mong manh này. Do đó, sự hiện hữu của con người luôn ngập tràn trong cơ man sợ hãi mà nếu không có một sức đề kháng tốt, sự hiện hữu của con người sẽ vị vùi lấp và hủy diệt bởi nỗi sợ, nhất là nỗi sợ mang tế đau khổ và chết chóc. Thế nhưng, nhờ công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã vì yêu, đã chết và phục sinh để chiến thắng hoàn toàn mọi nỗi sợ hãi, con người tìm ra “vắc-xin toàn năng” giúp con người có đủ sức đề kháng, loại trừ và vượt thắng nỗi sợ hãi để đạt tới thành công và hạnh phúc đích thực dù vẫn phải đối diện và trải qua những nỗi sợ cuối cùng là đau khổ và cái chết. Nhờ đó, thay vì tiếp tục gieo rắc và đè nặng lên nhau những gánh nặng sợ hãi, con người biết mỗi ngày biết học cách can đảm đối diện với mọi nỗi sợ hãi, để chiến đấu và chế ngự nó, tránh việc làm lây lan cho người khác. Từ đó, nhờ sự bao dung, tha thứ, nhất là một tình yêu vị tha, cuộc sống và sự hiện hữu của con người trở nên nhẹ nhàng hơn, bình an hơn và đáng sống hơn, dù vẫn còn đó những nỗi sợ, nhưng chỉ còn là những nỗi sợ trong tầm kiểm soát, những nỗi sợ giúp con người biết cảm thông hơn, khiêm tốn hơn, tha thứ nhiều hơn và nhất là yêu thương nhiều hơn.