Thượng Đế sẽ thắng!

Thứ năm - 09/02/2023 04:16  615
jb podcast trusting the god 1280x768 34420dc9e6c2be531843df7449b49686Cõi hồng trần đa tạp lắm phen loạn lạc. Xã hội thời kĩ thuật số khiến con người xây xẩm mặt mày khi dòng thác thông tin, các xu hướng, thịnh hành, thị hiếu thay đổi theo từng giây. Những bước nhảy vọt quá độ khiến nhiều nền tảng của xã hội không được nhìn nhận đúng giá trị. Nguyên lý căn cốt làm nền móng để xiết chặt các tương quan, nuôi dưỡng những điều tôn quý và chữa lành tâm hồn mỏi mệt là gia đình đang cheo leo, mong manh vô cùng. Bên cạnh đó, việc dễ dàng định cư trong một vùng miền mới lạ, tương quan làng xã mất đi tính chất bền chặt, để nghĩa tình kia chảy máu cách thương đau. Nhiều người bi quan nhìn xã hội thời nay với sự ngán ngẩm, tiếc nuối tình người mặn nồng nơi lũy tre thời xưa. Chưa hết, trước tình trạng ly hôn, sống lang chạ, quan điểm thác loạn về tính dục nơi người trẻ, nhận định đau thắt ruột rằng Thượng Đế đang run rẩy, gồng mình đỡ ngai bệ gia đình trước những nhát búa đập, rung lắc của ma quỷ khiến lòng ta tê tái.

Tôi có người em họ đã bước sang tuổi tam thập được bốn năm. Mấy năm trước về gặp gỡ trong dịp sum vầy ngày Tết, câu chúc nửa thúc giục, nửa hi vọng “đầu năm đi một, cuối năm đi đôi” tưởng là thừa thãi, vô duyên đối với người đang trong trạng thái chán, ngại lấy vợ. Bẵng đi hai năm, Tết năm nay, người em đấy không chỉ đi đôi, mà là đi bốn cách “hiên ngang”. Em ấy quen một bà mẹ đơn thân có một đứa con đầu lòng được năm tuổi. Mối duyên muộn màng kia đã gắn kết hai người, để tình yêu cháy bỏng của nửa sau tuổi trẻ kia đốt cháy tâm can, em có một người con riêng với nàng. Đứa con bế ngửa trên tay hôm tôi gặp đã tròn năm dư một tháng. Chuyện sẽ đáng mừng và bình phẳng theo quy luật tự nhiên của luân thường đạo lý. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân không giá thú, không phép tắc đạo đời, không tổ chức nội ngoại gì đấy đã làm cho các đấng sinh thành chua xót, cay đắng và buồn tủi. Giục giã thế nào chăng nữa, em tảng lờ, nói tuế tóa cho qua chuyện rồi chuyển sang vấn đề khác. Quan điểm sống nơi thị thành vô cảm, khỏi cần quan tâm đến ánh nhìn cộng đồng, thượng tôn quan điểm cá nhân mà chẳng cần biết điều đó có hợp với chuẩn mực đạo đức hay không đã khiến em trở nên một người khác. Hạnh phúc của em, em tự xây, không cần người khác, nhất là không cần Thiên Chúa chúc phúc! Cần chi mối ràng buộc kiểu khuôn mẫu pháp lý, nghi thức và ân sủng bí tích phức tạp kia cản lối tan hợp hợp tan của tình duyên. Nặng nề gì nữa tư tưởng cổ hủ, lạc hậu của bố mẹ khi cứ phải e tiếng, ái ngại trước con mắt xăm xoi, lời đàm tiếu của dân làng chưa đạt tới nhịp sống thời thượng. Khỏi cần lời chúc phúc từ môi miệng, sáo rỗng trong ngôn từ hay hình thức công khai này nọ trong nhà thờ, trong hôn trường, vì hạnh phúc là do mình làm chủ, nắm giữ trong tầm tay mà! Những luận điểm đó bám chặt trong suy nghĩ của em, bẻ lệch bánh lái nhân sinh quan em đã được bẩm thụ ngày chuyên chăm nhà thờ và lớp giáo lý.

Nhan nhản những trường hợp như cậu em họ tôi xung quanh chúng ta. Không còn nỗi sợ gọt đầu bôi vôi, thả bè trôi sông thời phong kiến. Bận lòng chi việc lỗi đạo, sai luân lý, vô lề luật, vì quanh ta đầy rẫy những cặp đôi, cảnh sống góp gạo thổi cơm chung như vậy. Khi nào không còn hợp tính hợp nết, bất đồng quan điểm hay cuộc sống nặng nề cho cả đôi bên vì phải chịu đựng nhau, chia tay là xong. Tình nghĩa đến đó là hết. Duyên nợ phủi tay và ngoảnh mặt cất bước trong một thỏa thuận chép miệng là cùng!

Chao ôi! Nghĩ đến viễn cảnh đó, ta không khỏi xót xa cho định chế gia đình và thấy ghê tởm lòng người. Dẫu vậy, điều gì là tôn quý, thiêng liêng, căn cốt vẫn luôn khẳng định được giá trị của mình. Bằng chứng là cảm thức gia đình trong ngày Tết đậm sâu và rất riêng nơi mỗi người. Đâu là nơi ai ai cũng nô nức, nao lòng muốn về nhất, nếu không phải là gia đình khi thời khắc chuyển giao năm mới và năm cũ đến. Tết buồn, tết nghẹn ngào đối với ai, nếu đó không phải là người xa xứ, đang phải tha phương cầu thực nơi mảnh đất không phải là quê hương của mình. Nỗi bất hạnh được gọi tên khi ai đó không được đoàn tụ cùng gia đình bên nồi bánh chưng, đĩa bánh mứt hạt dưa. Hơi ấm Tết mang đến sẽ không được cảm nhận cách đậm sâu nơi những đứa trẻ vô gia cư, nơi những con người nằm ngoài giá thú, không biết đến cha mẹ mình là ai. Nỗi lòng ê ẩm, đau buốt, nặng chịch kia sẽ trồi lên, bao trùm lấy toàn thân những ai đã bỏ nhà đi hoang, nay thấy cần một nơi để về, để buông mình vào đó cách vô tư mà không phải toan tính, đề phòng. Hơn nữa, giữa tác động của kinh tế thị trường và cơn lốc của cuộc sống hiện đại cuốn đi ý nghĩa cao cả và giá trị truyền thống, các hoạt động ngày Tết bị cắt giảm, bỏ quên, khiến con người đương thời cảm thấy Tết “nhạt”, Tết mờ dần thì niềm hạnh phúc, vui lòng của dịp Tết được cảm nhận, thụ hưởng cách ngọt ngào trong các bữa cơm gia đình. Tiếng cười nói, lời chúc Tết rôm rả vang cả một góc trời nhỏ của mỗi người là điều không ai không khao khát. Niềm vui trong tâm hồn thoáng xuất hiện khi ta biết trân trọng nơi mình thuộc về, nơi mình gắn bó, nơi mình xuất phát và nơi mình trở về. Đó là gia đình – chiếc nôi êm ấm đời ta.

Thượng Đế quá độ lượng khi đặt con người được sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong gia đình. Tương quan con người bền chặt nhất, trọn tình nhất, giàu cảm xúc nhất được mong đợi và thể hiện nơi đó. Quả vậy, gia đình đang đứng trước những cơn khủng hoảng về giá trị tự thân và bởi sự hiểu biết phiến diện về vai trò của gia đình nơi nhiều người. Nhưng trong tâm thức của mỗi người, gia đình vẫn luôn mang nơi mình tính chất thiêng liêng, bất khả thay thế và bất khả phá hủy. Hãy làm mới lại nhận thức, cảm thức về gia đình trong ta. Hãy chung lòng hướng đến nhau khi được sống trong cùng một tổ ấm, để hàn gắn những vết nứt đang làm tổn thương nhau. Hãy tin rằng điều Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly ấy sẽ luôn chất chứa nội lực, vững vàng giữa những cơn sóng xô đập của xã hội và nơi lòng người. Thượng Đế sẽ thắng trong cuộc chiến bảo vệ gia đình bởi chưng chẳng ai có thể đào khoét đi một góc phần không nhỏ được dành riêng cho gia đình trong trái tim của ta!

Tác giả: Nguyên Mộc

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập182
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm146
  • Hôm nay44,784
  • Tháng hiện tại489,026
  • Tổng lượt truy cập70,516,783
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây