Niềm hoan lạc của tình hiệp thông

Thứ tư - 30/11/2022 03:20  560
images 5Giáo hội dành riêng tháng 11 để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Việc làm này trước hết là một hành vi của đức tin vào sự sống lại. Đây không chỉ đơn giản là niềm tin vào một thế giới nào đó mơ hồ sau khi chết, nhưng là niềm xác tín mỗi người chúng ta sẽ sống lại với thân xác này trong ngày sau hết để hoặc là sống mãi trong cung lòng Thiên Chúa hoặc phải xa Ngài mãi mãi.

Hiệp thông trong lời nguyện chúc nơi Thiên Chúa

Người viết xin được mạo muội so sánh những ngày cầu nguyện trong tháng 11 này như những ngày tết. Nếu như trong ngày tết, chúng ta trao cho nhau những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống được bao hàm trong cái mới của thời gian, thì trong thời gian của tháng 11 này, các tín hữu đã ra đi trước chúng ta đều nhận những điều tốt đẹp trong cái mới của Thiên Chúa.

Trong ngày Tết Nguyên Đán, chúng ta dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp: Nào sức khỏe, nào là giàu sang, nào là hạnh phúc, nào là thành đạt. Trong tháng 11, các tín hữu đã qua đời cũng nhận được biết bao Thánh lễ, lời kinh của các tín hữu còn sống ngang qua mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Lời cầu nguyện cao cả nhất các tín hữu đã qua đời mong đợi không gì khác là được dự phần vào trong hạnh phúc vĩnh cửu nơi cung lòng Thiên Chúa. Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi (Tv 27,4).

Ngoài ra, lời “nguyện chúc” thể hiện mối tương quan lớn hơn. Đó là mối dây hiệp thông giữa Giáo hội vinh quang và Giáo hội đau khổ. Xét theo cái nhìn văn hóa, đây cũng chính là hành vi của đạo hiếu, đó là một nghĩa cử cao đẹp của chúng ta với những bậc tiền nhân, những người đã ra đi trước chúng ta.

Hiệp thông trong việc khám phá sự mới mẻ nơi Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu Kitô

Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời (Dt 13,8). Chỉ có con người chúng ta là giới hạn: Có quá khứ, hiện tại,tương lai thay đổi. Thiên Chúa thật mầu nhiệm. Vì lẽ ấy, hành trình đức tin của mỗi người là lên đường tìm kiếm và thi hành Thánh ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thánh ý Thiên Chúa thì vượt xa, thậm chí trái ngược với ý muốn của con người. Một khi chúng ta sống Thánh ý Chúa trong cuộc đời cũng là khi chúng ta dần dần khám phá ra sự mới mẻ nơi Thiên Chúa. Thánh Augustinô có lẽ là một nhân chứng giúp chúng ta học hỏi kinh nghiệm này. Ngài viết trong cuốn Tự thuật như sau:

“Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung. Con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó.

Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa. Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa. Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn tiếng kêu gọi con, Chúa đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con. Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con. Chúa thở ra hơi thơm ngào ngạt, con hít vào và con khao khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con luôn cảm thấy nung nấu được hưởng sự bình an của Chúa.”

Sự mới mẻ trong Thiên Chúa sẽ khiến chúng ta kinh ngạc hơn nữa khi chúng ta biết rằng trên thiên quốc, các thánh chiêm ngắm Thiên Chúa không lúc nào ngơi. Khi đó chúng ta mới thấy Thiên Chúa “diện đối diện”[1]. Đó là mục đích mà mọi người đều mong đạt tới, dù ý thức hay không ý thức: “Ở đó chúng ta sẽ yên nghỉ và chiêm ngắm, chúng ta sẽ chiêm ngắm và yêu mến, chúng ta sẽ yêu mến và ca ngợi. Đó sẽ là cùng đích vô tận. Việc chiêm ngưỡng như vậy trong vinh quang thiên quốc được Hội Thánh gọi là sự “hưởng kiến vinh phúc - visio beatifica” [2]. Vinh quang thiên đàng vượt trên bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng: Điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe… điều mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Ngài (1Cor 2,9).

Hiệp thông trong sự thay đổi từ cái chết đến sự sống

Đối với các tín hữu Chúa, chết không phải là hết, mà là bước vào một đời sống mới, mới tuyệt đối trong cung lòng của Thiên Chúa. Trước khi mạc khải về sự sống sau cái chết, những người tín hữu hữu của Chúa đã trải qua một thử thách lớn lao suốt một đời tín Trung với Chúa với biết bao nhiêu cố gắng và kiên nhẫn, với bao nhiêu hi sinh cố gắng, với biết bao những thăng trầm của cuộc sống. Tuy nhiên, chớ trêu thay, sau khi chết, con người lại phải vào chốn lại phải sống trong tình trạng vắng bóng Thiên Chúa. Khi ấy, người tín hữu phải sống trong cảm giác sợ hãi tột cùng vì không có Chúa ở bên. Thiên Chúa là Chúa của sự sống, và dĩ nhiên, trong tình trạng của sự chết, Thiên Chúa không ở trong đó.

Một thử thách cam go khác những người tín hữu phải đối diện đó là phải sống trong tình trạng chưa thanh luyện. Một thắc mắc lớn đối với người công chính trong cuộc đời này đó là:  Lạy Chúa, như thế là con đã uổng công giữ lòng trong trắng, giữ tay thanh sạch! (Tv 73,13). Vì thế, cả người công chính và những người không công chính sống và chết đều bằng nhau. Phải chăng có một cái gì đó thiệt thòi, không công bằng, làm cho người công chính thắc mắc về sự công chính của Thiên Chúa?

Tuy nhiên, Thiên Chúa của chúng ta là thế, Ngài luôn biết vẽ đường thẳng từ những nét cong. Câu trả lời cho những người “công chính thiệt thòi kia” được sách Khôn ngoan ghi lại, cho biết những điều oan khiên kia chỉ là thử thách để thanh luyện tâm hồn những người công chính:

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn (Kn 3,1-9).

Chúng ta, những người công chính, hãy sống hết mình cho Chúa, sống hết tình cho anh chị em, cho dẫu phải gặp những thiệt thòi, nhưng cuối cùng chính Chúa sẽ trả lại sự công bằng cho chúng ta.

Nguyện xin Thiên chúa thực hiện nơi các tín hữu đã qua đời sự mới mẻ của Ngài. Xin cho tất cả các tín hữu đã qua đời được sống trong hạnh phúc Vĩnh Cửu. Như một lời tưởng, xin cho các tín hữu được đặt trong bàn tay quan phòng của Chúa. Trong niềm cậy trông, xin cho các tín hữu được diện kiến tôn nhan Chúa: Đấng là gia nghiệp, là niềm mong đợi của tất cả chúng ta.
 

[1] GLHTCG, Số 1023.
[2] GLHTCG, Số 1028.

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập356
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm309
  • Hôm nay69,074
  • Tháng hiện tại729,667
  • Tổng lượt truy cập70,757,424
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây