Maria Madalena - Chứng nhân trên đỉnh Calvario

Thứ sáu - 27/05/2022 04:15  897
12012 st madalenaTrong cách dịch quen thuộc của tiếng Latinh, ta quen gọi tên của bà là Maria Madalena (Tiếng Hy Lạp là Ma-da-le-nê). Bản dịch Tin Mừng của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ gọi bà theo tên thành phố là Maria Mác-đa-la. Trước đây, người ta thường đồng hóa bà với người phụ nữ tội lỗi trong Tin mừng Luca (x. Lc 7, 36 - 49), hoặc với cô Maria, em của Mác-ta ở Bêtania. Trong bài viết này, xin được trình bày một vài suy tư dựa trên những góp nhặt qua các bài học từ quý Cha giáo và quá trình tìm hiểu của bản thân về Thánh nữ, đặc biệt là trong cuộc Khổ nạn và Phục Sinh, với ước mong dung nhan vị Thánh trong hàng môn đệ Chúa được thể hiện rõ hơn.

Khi đọc bản văn Tin Mừng thứ tư, ta khám phá được sự trình bày cách hài hòa giữa Cựu Ước và Tân Ước. Trong toàn bộ 21 chương của Tin Mừng, Maria Madalena xuất trong hai sự kiện có thể nói là quan trọng nhất trong cuộc đời trần thế của Đức Giêsu: Dưới chân Thập giá (x.Ga 19,25) và Biến cố phục sinh (x.Ga 20,1-18) và mỗi sự kiện ấy đều làm ta liên tưởng đến Cựu ước. Qua biến cố thứ nhất, ta thấy Maria Madalena cùng với những người thân cận cửa Đức Giêsu đứng dưới chân thập giá để chứng kiến việc Người trao thân mẫu cho môn đệ người yêu, tượng trưng cho việc một đoàn dân đông đúc được sinh ra. Điều này gợi nhớ lại lời mà ngôn sứ Isaia loan báo Sion sẽ phải trải qua cơn đau sinh nở để có những đứa con mới (x.Is 66,7-8). Qua biến cố thứ hai – biến cố Phục sinh, ta bắt gặp một Maria Madalena ra mộ Đức Giêsu vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, hốt hoảng khi thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ và vui mừng khi biết Thầy mình đã sống lại; làm ta liên tưởng đến hình ảnh “người yêu đi tìm chàng” (x.Dc 3,1-4) mà sách Diễm ca đã thuật lại, cùng với đó là nhấn mạnh đến những chi tiết mang tính “thời gian” để làm nổi bật sự đối lập trong hành động giữa Maria Madalena và Giuđa – kẻ phản bội.

Dưới chân thập giá

Trong Tin Mừng thứ tư, ta thấy Maria Madalena xuất hiện trong khung hình chung với Đức Mẹ giữa cảnh im lặng của sự chết chóc: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la” (Ga 19,25) và ta bỗng nghe thấy tiếng Đức Giêsu nói với thân mẫu và với người môn đệ:

“Đức Giêsu nói với thân mẫu người rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà’. Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh’. Kể từ giờ phút đó môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,26-27).

Với Thánh nữ Maria Madalena, thánh nữ xuất hiện trong Tin Mừng Gioan, mà lại trong thời khắc khủng khiếp nhất nơi cuộc đời trần thế của Đức Giêsu. Chắc hẳn sự xuất hiện như vậy có một ý nghĩa gì đó đặc biệt? Để hiểu thấu đáo, ta cần trở về với tiệc cưới tại Cana – nơi mà lần đầu tiên thân mẫu Đức Giêsu xuất hiện trong Tin Mừng này.

Trong tiệc cưới Cana, khi thân mẫu đến thưa với Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3b), Đức Giêsu trả lời như thể từ chối can thiệp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.”(Ga 2,4b). Điểm đáng để ta lưu ý là “giờ của tôi chưa đến”. Vậy giờ đó là giờ nào? Câu trả lời có lẽ nằm ở chương 12, khi những người Hy Lạp đến tìm Đức Giêsu, Đức Giêsu nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (Ga 12,23). Vậy “giờ của Chúa” chính là giờ Chúa được giương cao trên đỉnh đồi Calvario. Vì thế, ta thấy câu trả lời của Chúa tại Cana không phải là một lời từ chối, nhưng đây là một lời loan báo gián tiếp về mối tương quan mới giữa Chúa và thân mẫu khi giờ ấy đến. Khi giờ ấy đến, chúng ta thấy “đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la”. Điều quan trọng nhất ta có thể thấy ở đây chính là Maria Madalena nằm trong số những người thân cận nhất của Đức Giêsu, người chứng kiến một trong những sự kiện rất quan trọng: Chúa Giêsu nói với thân mẫu: “Đây là con của bà” và với người môn đệ thương mến: “Đây là mẹ của anh”. Tuy nhiên, nếu việc chứng kiến ấy chỉ dừng lại ở việc trăng trối theo kiểu thế gian thì chẳng có gì đáng nói, mà điều quan trọng là làm nên ý nghĩa của sự hiện diện này: Maria Madalena đứng dưới chân thập giá như là một nhân chứng quan trọng nhất của “Giao ước mới”, tận mắt diện kiến thân mẫu Người có một người con mới: người môn đệ Chúa Giêsu thương mến. Trong bối cảnh này, thân mẫu tiêu biểu cho Xi – on[1] sinh đàn con mới nhờ máu và nước từ cạnh sườn Đức Giêsu. “Người môn đệ Chúa Giêsu thương mến” là Đại diện cho tất cả đàn con mà anh ta là trưởng tử, rước thân mẫu về nhà với tư cách là mẹ của mình, để rồi, ngày hôm nay mỗi chúng ta là những tín hữu đều có thể nói: Tôi chính là người môn đệ yêu dấu được trao làm con của Đức Mẹ, của Xion, của Hội Thánh.

Biến cố Phục Sinh

Trong Cựu Ước, lời chứng của những người phụ nữ chỉ có giá trị khi liên quan đến những lãnh vực mà người ấy có mặt. Như đã trình bày, thân mẫu Đức Giêsu có một đoàn con mới mà người đại diện cho đoàn con ấy chính là người môn đệ Chúa yêu. Cảnh sinh nở kết thúc bằng câu “kể từ giờ đó, người môn đệ rước Người về nhà mình”, cho ta cảm tưởng như thân mẫu, người môn đệ cùng các bà rời khỏi Calvarrio. Tuy nhiên, trình thuật Tin Mừng thứ tư tiếp tục với cảnh Đức Giêsu kêu khát, trao thần khí và bị đâm thủng cạnh sườn và “người xem thấy việc này đã làm chứng”. Trong bối cảnh này, nét bút của Gioan như thể tập trung hoàn toàn vào Chúa Giêsu, nhưng vẫn cho ta thấy là những người dưới chân thập giá đã ở đó cho đến cùng. Trong cảnh hạ xác, chúng ta thấy một sự chớ trêu khi những môn đệ “chui” là Nicôđêmô và Giôxép làm toàn bộ công việc, còn các môn đệ công khai lẽ ra phải là những người làm việc này thì lại trốn hết.

“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: ‘Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu’” (Ga 20,1-2).

Trong bữa tiệc ly, khi Giuđa ra khỏi phòng thì “đêm đã xuống”, tương phản với biến cố ấy là việc một mình Maria Mađalêna ra mộ vào “sáng sớm, lúc trời còn tối”, nhưng không phải đi viếng mộ, càng không phải là mang dầu thơm đi ướp xác, bởi ông Nicôđimô đã mang theo cả trăm cân. Điều này gợi nhớ về đêm diễn tả cảnh đi tìm người yêu của nhân vật “tôi” được sách Diễm ca thuật lại:
“Suốt đêm, trên giường ngủ, tôi tìm người lòng tôi yêu dấu.

Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp!

Vậy tôi sẽ đứng lên, đi rảo quanh khắp thành, nơi đầu đường cuối phố, để tìm người yêu dấu của lòng tôi. Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp!
Đang tuần tiễu trong thành, bọn lính gác gặp tôi. Tôi hỏi họ: ‘Các anh có thấy chăng người lòng tôi yêu dấu?’
Vừa rời họ mà đi, tôi đã gặp người lòng tôi yêu dấu.
Tôi vội níu lấy chàng
và chẳng chịu buông ra cho đến khi đưa vào nhà thân mẫu,
tới khuê phòng người đã cưu mang tôi” (Dc 3,1-4).
Chàng năn nỉ, nàng từ chối mở cửa, đến khi dậy mở cửa thì…
Tôi mở cửa cho người tôi yêu,
Nhưng chàng đã quay đi khuất dạng
Chàng đi rồi, hồn tôi như đã mất
Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp,
Tôi mãi gọi chàng, không một tiếng đáp!...

Gặp lính canh, bị đánh và cướp mất áo choàng, gặp đám con gái, nhờ nhắn tin: “Tôi đang ốm tương tư”, rồi tả hình dáng người yêu. Nghe xong, bọn con gái cũng mê, xin đi tìm.

Giờ đây, nơi trình thuật Tin Mừng Gioan, trong cái thinh lặng của “sáng sớm, lúc trời còn tối” Maria thơ thẩn đi ra mộ, như thể bà đã đi suốt đêm để tìm người yêu, đàng khác, bối cảnh trình thuật cho phép hiểu “trời còn tối” theo nghĩa biểu tượng. “Trời còn tối” gợi đến bóng tối trong lòng chị. Bóng đêm của sự chết vẫn còn đè nặng tâm hồn Maria Madalena, lòng trí của chị vẫn còn ở trong bóng tối của biến cố Thương Khó. Đó là lý do khiến Maria không nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh trong trình thuật tiếp theo (x. Ga 20,11-18). Chị đã khóc và chỉ mong tìm lại xác Đức Giêsu vì nghĩ người ta lấy mất xác Chúa (x. Ga 20,11). Ở Ga 20,1, chi tiết “tối trời”, “tối lòng” cho thấy Maria hoàn toàn ở về phía con người, biến cố Đức Giêsu chết đang ám ảnh lòng trí của chị. Có thể hiểu, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối và lòng Maria lúc ấy cũng tối. Khi đó, ta bỗng nghe tiếng thút thít gần bên mộ, nhìn lại thì thấy bà Maria đứng khóc ở đó.

“Bà Maria đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: ‘Này bà, sao bà khóc?’ Bà thưa: ‘Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!’. Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: ‘Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?’ Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: ‘Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về’.  Đức Giêsu gọi bà: ‘Maria!’ Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: ‘Rápbuni!’ (nghĩa là 'Lạy Thầy’). Đức Giêsu bảo: ‘Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: 'Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’’. Bà Maria Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: ‘Tôi đã thấy Chúa’, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà”(Ga 20,11-18).

Có thể thấy, cuộc đối thoại trên tựa như một đoạn phim được dựng nên dựa trên bản nền của sách Diễm ca. Câu hỏi của thiên thần và câu hỏi của Đức Giêsu không chỉ gợi lại câu hỏi của đám con gái trong sách Diễm ca (x. Dc 5,9), mà còn gợi lại chính lời Đức Giêsu trong nói trong nhà Tiệc Ly: “Người đàn bà… khi sinh con rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một người đàn bà đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16,21). Bản văn không kể sau khi nhận ra Chúa thì bà làm gì, nhưng câu Chúa ra lệnh: “thôi đừng giữ thầy lại…” cho ta hiểu bà đã ôm lấy Chúa. Sau đó, Chúa sai bà “đi gặp anh em của Thầy”. Maria Madalena được chọn bởi vì bà là chứng nhân khi những người anh em này được sinh ra từ thập giá, nên bà hoàn toàn biết những người đó là ai. Chính việc Chúa sai bà đi nói với anh em của Chúa mới cho ta thấy được ý nghĩa của “Diễm ca mới”: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17b). Họ trở nên anh em của Chúa trong một tương quan hoàn toàn khác qua sự viên mãn của Giao Ước Mới. Lúc này, lời nhắn của Chúa Giêsu là công bố lời hứa cứu độ đã được thực hiện: Người được sai đi công bố sứ điệp trọng đại này là Maria Mađalêna – nhân chứng của biến cố trọng đại trên núi Sọ.

Thay lời kết

Lệnh truyền và sứ điệp loan báo Tin Mừng không đến từ con người, nhưng đến từ Thiên Chúa. Do đó, để có thể chu toàn sứ mạng, cần đón nhận năng quyền Thiên Chúa ban. Đó là năng quyền rao giảng: công bố Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô. Đó là năng quyền chữa lành và thánh hoá nhằm cải thiện đời sống và phong hoá trần gian. Tuy nhiên, sự cộng tác của chúng ta là điều cần thiết, bởi Chúa muốn chúng ta trở nên khí cụ sắc bén để loan truyền niềm vui cứu độ ấy. Mà thiết nghĩ, điều căn cốt để có thể trở nên khí cụ hữu ích đó là noi gương thánh nữ Maria Madalena với hai nét chính yếu:

Thứ nhất: Luôn ở bên Chúa để “chứng kiến” những điều Chúa muốn ta thi hành trong cuộc đời, ở bên Chúa để với tình yêu của Ngài, ta hăng say trong công cuộc trở nên nhân chứng cho Tin mừng.
 
Thứ hai: Luôn khao khát tìm kiếm Chúa trong mọi nơi mọi lúc, kể cả lúc thất vọng nhất, ta vẫn luôn vững lòng trông cậy bởi Chúa luôn vẽ nên con đường thẳng của hạnh phúc viên mãn từ những “nét cong”. Và chỉ qua sự khao khát tìm kiếm Chúa bằng sự vâng phục của Đức Tin[2], ta mới có thể được “xem thấy” niềm vui Phục sinh và loan tin vui ấy cho mọi người.

Lạy Thánh nữ Maria Madalena, xin cầu cho chúng con.

 

[1] Thân mẫu đức Giêsu được người môn đệ Chúa yêu nhận về nhà, làm ta nhớ lại lời mà ngôn sứ Isaia loan báo Sion sẽ phải trải qua cơn đau khi sinh nở:
“Trước thời chuyển dạ nó đã sinh con,
Trước cơn đau, nó đã cho con trai chào đời…
Có nước nào sinh ra nội một ngày?
Có dân nào chào đời trong một lúc?
Thế mà Xi-on vừa chuyển dạ đã sinh được đoàn con” (Is 66,7-8)
[2]x. GLHTCG số 144.

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập157
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm117
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,015,460
  • Tổng lượt truy cập79,018,911
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây