Bàn tay và đôi môi

Thứ năm - 07/04/2022 04:04  988
hand loving care 46648Nếu như bàn tay là công cụ để gặp gỡ thì đôi môi, là phương tiện để đối thoại. Cử chỉ của đôi tay hay lời nói từ môi miệng là những dấu chỉ diễn tả một con tim nồng nàn thiện chí hay một cõi lòng băng giá vô cảm. Hành động và lời nói là hoa quả của lòng dạ con người. Hữu ư trung tất hình ư ngoại. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra (Lc 6,45) và đôi tay mới hành động. Quả thực, con tim có đầy lòng mến thì đôi tay mới mau mắn dấn thân gặp gỡ và môi miệng mới sẵn sàng đối thoại trong yêu thương.

Cuộc sống luôn chứng kiến có những bàn tay nồng ấm sẵn sàng đụng chạm, gắn kết, gánh vác, đỡ nâng nhưng cũng có những đôi tay lạnh lùng thoái thác, gây hấn, hận thù, phá đổ. Có những đôi môi dịu dàng trao lời yêu thương, an ủi, chia sẻ, cảm thông, lại cũng có những môi miệng chua cay buông lời dối gian, xúc phạm, khích bác, chia rẽ. Trước hết, dõi theo những hành động nơi bàn tay và lắng nghe những lời nói từ môi miệng Chúa Giêsu để cảm nhận trái tim Thiên Chúa luôn thổn thức vì yêu con người. Tiếp đến, dành thời gian nhìn lại những gì mà nhân loại đã nói, đã làm mà đối xử với Chúa trong Cuộc Khổ Nạn. Và rồi cùng nghĩ về những đôi bàn tay và môi miệng con người hôm nay.

Bàn tay và đôi môi của Chúa Giêsu

Lần giở các trang Phúc Âm, dừng lại lâu hơn trước Cuộc Khổ Nạn để chiêm ngắm Thiên Chúa nhân lành và yêu thương hạ mình đến gặp gỡ và ngỏ lời với con người để trao ban ơn cứu độ[1]. Cuộc đời Chúa Giêsu là kinh nghiệm về những nẻo đường gặp gỡ và đối thoại với mọi đối tượng: dù là giới lãnh đạo hay thường dân, người môn đệ thân tín hay những người ở vùng ngoại biên, người nghèo khó và yếu thế, người thân thuộc hay dân ngoại, người tội lỗi, bệnh tật cho đến những người bị hắt hủi, loại trừ, không được nhìn nhận, và thậm chí cả những người phản bội, chống đối và làm hạiNgài,...

Suốt quãng đời công khai, bàn tay Chúa không ngần ngại đụng chạm đến những mảnh đời đau khổ để chữa lành và đôi môi Ngài không mệt mỏi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Đôi tay ấy cũng không ngừng thi ân giáng phúc cho con người và môi miệng ấy không ngừng kêu gọi con người ta ăn năn sám hối để được cứu độ.

Chúa khiêm tốn quỳ xuống, dùng đôi bàn tay đổ nước vào chậu, rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Ngài dạy họ bài học hy sinh phục vụ: “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” và truyền thực thi điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (x. Ga 13,5.14.34).

Cũng trong Bữa Tiệc Ly, tay Chúa cầm lấy bánh và rượu, dâng lời chúc tụng, rồi trao cho các môn đệ mà đọc lời truyền phép: “Này là Mình Thầy... Này là Máu Thầy... đổ ra cho muôn người được tha tội” (x. Mt 26,26-28). Từ đây, Chúa hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và trở nên của ăn của uống nuôi dưỡng linh hồn loài người. Gặp gỡ là trao ban. Đối thoại trong sự hy sinh tự huỷ.

Giữa khung cảnh hỗn loạn, lộn xộn của hận thù, bắt bớ ở vườn Ghếtsêmani, bày tay nhân lành Chúa nhẹ nhàng sờ vào tai tên đầy tớ của thượng tế mà chữa lành còn miệng Ngài mạnh mẽ cản ngăn bạo động: “Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm” (x. Lc 22,51; Mt 26,52).

Đường lên núi Sọ gập ghềnh dốc đá, Chúa lê bước chân gánh gồng nhục hình. Trái tim Chúa động lòng trắc ẩn, cánh tay Chúa đỡ cây thập giá nặng nề trên vai mà đứng lại nói những lời yên ủi con dân thành Giêrusalem lầm lạc: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (x. Lc 23,28).

Như loại hương mộc tiết hương thơm ra cho cả chiếc rìu đốn hạ chúng, dù đớn đau giơ bàn tay gân guốc ra cho quân lính đóng đinh vào thập giá mà tự đáy lòng Chúa đã thoát toả ra một lời nguyện thầm thĩ đầy êm ái về sự dung thứ và xá tội: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (x. Lc 23,34).

Khi đôi bàn tay rướm máu đã giang ra trên thập giá vì tội lỗi nhân loại, Chúa lấy hết chút sức lực tàn hơi còn lại của nhân tính mà đôi môi thều thào nói với người gian phi biết ăn năn hối cải một lời hứa mà tất cả mọi người đều hy vọng được nghe: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (x. Lc 23,43).

Và giữa bầu khí ảm đạm, hoang mang lo sợ ở Nhà Tiệc Ly, như thấu hiểu cơn hoảng hốt, ngờ vực các tông đồ, Chúa Phục Sinh hiện ra đứng giữa các ông. Ngài đưa tay chân ra cho các tông đồ xem mà công bố sứ điệp: “Bình an cho anh em” (x. Lc 24,36-40). Gặp gỡ là hiện diện. Đối thoại để đem lại bình an.

Quả thực, Chúa Giêsu không có kẻ thù. Nơi ngài, không có ai bị loại trừ. Tất cả mọi người đều được Ngài đón nhận và yêu thương. Tất cả đều có chỗ đứng trong trái tim của Chúa. Tất cả đều có giá trị trong con mắt của Chúa.

Đôi tay và miệng lưỡi nhân loại

Chúa Giêsu đã làm tất cả cho con người. Nhưng thật trớ trêu, nhân loại lại dùng chính bàn tay và miệng lưỡi Thiên Chúa tặng ban để phản bội, để kết án, để sỉ nhục, để đóng đinh Chúa.

Buồn cho các môn đệ thân tín khi Chúa lâm cơn hãi hùng xao xuyến trong vườn Ghếtsêmani. Đúng lúc Chúa cần các môn đệ nhất thì các ông lại bàng quan mê mệt ngủ say. Chúa mời gọi canh thức và cầu nguyện thì các ông chỉ biết lấy tay dụi vào đôi mắt còn nặng trĩu, còn miệng lưỡi ú ớ chẳng biết trả lời Chúa làm sao (x. Mc 14,38-39).

Thương thay Giuđa được Chúa tin tưởng giao cho nhiệm vụ quản lý. Nuôi trong lòng ý định phản bội, hắn vẫn giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy mà miệng lưỡi giả tạo thưa thốt: “Rápbi, chẳng lẽ con sao” (x. Mt 26,23.25). Rồi sau đó, chính hắn đi trước vời tay dẫn theo một đám người đông đảo tay mang gươm giáo gậy gộc và dùng cái hôn hèn hạ mà nộp Thầy mình (x. Mt 26,47.49).

Buồn cho Phêrô mới ngày nào thề sống chết sẽ không bao giờ bỏ Thầy. Mới trông thấy Thầy bị quân bính điệu đi, đã vội trà trộn vào đám đầy tớ và thuộc hạ. Vì lạnh hay vì sợ mà giơ đôi tay run lẩy bẩy ra sưởi, còn miệng thốt lên những lời độc địa mà chối phắt tương quan với Thầy: “Tôi thề là tôi không biết người ấy” (x. Ga 18,18; Mt 26,74). Nghe tiếng gà gáy, thánh nhân kịp ăn năn, chạy ra ngoài, tay ôm mặt khóc lóc thảm thiết (x. Mt 26,75).

Xót xa cho những bàn tay tráo trở và miệng lưỡi lật lọng của đám đông xu thời. Mới hôm nào họ lấy áo choàng trải xuống mặt đường cho Chúa đi, tay cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người vào thành còn miệng reo hò vang dậy: “Hoan hô con vua Đa vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa!” (x. Mt 21,8-9). Nhưng cũng những cánh tay ấy, giờ lại hung hãn giơ lên còn miệng đồng thanh la to: “Đóng đinh nó vào Thập giá” (x. Mt 27,22-23).

Ánh mắt cuồng căm, hằn học giận dữ đối diện với Đức Giêsu đang bị trói chặt, các thượng tế và kỳ mục như trút cơn ghen ghét đố kỵ, thẳng tay đấm đánh, tát Người còn những môi miệng dơ dáy ấy thoả sức khạc nhổ vào khuôn mặt từ ái, vẹn sạch của Chúa (x. Mt 26,67).

Tổng trấn Philatô bạc nhược phủi tay vô trách nhiệm. Dầu biết Đức Giêsu là người công chính nhưng rồi ông lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói những lời vô tâm vô tình: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này” (x. Mt 27,24).

Đám lính tráng của tổng trấn tập hợp cả một cơ đội, dùng những đôi tay khoẻ mạnh, lực lưỡng lấy cây sậy mà đập vào đầu Chúa rồi bĩu môi mỉa mai chế giễu: “Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái” và buông những câu nguyền rủa, nhạo báng Người (x. Mt 27,30-31).

May sao, trên đường ra pháp trường còn có Simôn Kyrênê dân ngoại chung tay vác đỡ thập giá Chúa và mấy người phụ nữ yếu đuối vừa đấm ngực vừa than khóc Người (x. Lc 23,26-27).

Đôi bàn tay và môi miệng hôm nay

Đẹp biết bao những tấm lòng đầy quảng đại hy sinh, hăng hái dấn thân đến với những người khốn khó, bị loại trừ, sẵn sàng để đôi tay đụng chạm vào những vết thương của đồng loại mà nói những lời khích lệ, cảm thông.

Đẹp biết bao những con tim đầy thân ái luôn biết nối vòng tay thân tình để môi miệng trao tặng nụ cười thân thiện và nói những lời thân thương.

Đẹp biết bao những con người không sợ thiệt thân rộng đôi tay giúp đỡ, cùng gánh vác trách nhiệm và luôn biết nói những lời dựng xây, chia vui sẻ buồn.

Đẹp biết bao những con người cởi mở thật lòng, biết vỗ tay tán thưởng khâm phục người khác lúc họ gặp thành công còn môi miệng nói lời chúc mừng, chung vui.

Đẹp biết bao những đôi môi âm thầm lặng lẽ nhưng đôi tay nên lời nhân ái, thành những ngôn sứ chở mến thương đến trao cho người, gọi tin vui đến đời hắt hiu để hạnh phúc ươm xanh tim người[2].

Nhưng phải chăng còn đó những con tim đã trở nên chai đá nên dễ dàng khoanh tay vô can và câm lặng vô tình, không dám lên tiếng trước những bất công, gian dối,... để tìm kiếm một lối sống an phận, coi đó “không phải việc của mình”.

Phải chăng vì thiếu nhiệt tâm mà có những bàn tay nhanh chóng rụt lại khi nghĩ đến chuyện phải chịu thiệt thòi, liên luỵ còn đôi môi mau lẹ biện minh lắt léo để đùn đẩy, quanh co tránh né trách nhiệm. Mồm miệng đỡ chân tay!

Phải chăng có những con tim cạn lòng mến, như thể hờ hững vô tâm, vội xua tay làm ngơ trước những mảnh đời nghèo hèn khốn cùng đang thở than mong chờ sự giúp đỡ còn miệng lưỡi lại chần chừ nói những lời an ủi, động viên.

Phải chăng trong lòng còn chất chứa hận thù nên đôi khi miệng nói lời êm ái nhưng đôi tay khiến màu gươm giáo, vô tình thành những Pharisêu thuở nào, cho tin vui lên đỉnh núi cao và chôn sâu giấu kín[3].

Phải chăng con tim còn nặng nề ghen ghét nên khó khăn lắm mới chìa bàn tay cứng đờ nắm lấy một bàn tay khác để làm lành và ngượng nghịu làm sao mỗi khi cần mở miệng ra nói lời xin lỗi, thứ tha.

Phải chăng chỉ vì toan tính đố kỵ mà sẵn sàng giơ đôi tay chặn đường cản lối người khác thăng tiến còn miệng lưỡi hẹp hòi chỉ tìm dịp chỉ trích, trù dập.

Phải chăng con tim còn cưu mang cái tôi ích kỷ nên bàn tay rụt rè, do dự mãi mới chịu mở ra đan kết với những bàn tay khác để cộng tác nhưng môi miệng băng giá vội vàng nặng lời sỉ vả, kết án khi không cùng quan điểm.

Chắp đôi tay nguyện cầu cùng Chúa

Lạy Chúa, xin canh giữ miệng con và trông chừng lưỡi con (Tv 141,3).
Xin dạy con đừng xoè tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi (x. Hc 4,31).
Xin cho chúng con biết nắm tay nhau và chung lời ca ngợi tình thương Chúa.
Xin dùng đôi bàn tay dù nhỏ bé, môi miệng dù bất xứng của con để nên như khí cụ bình an và tình thương của Chúa.
Xin cho con biết ý thức mỗi lần chúng con gặp gỡ và đối thoại với tha nhân là chúng con đang gặp gỡ và đối thoại với chính Chúa.
Xin cho con biết dang rộng vòng tay để đón nhận những khác biệt và biết tha thiết nói lời dựng xây tình hiệp nhất trong cộng đoàn.
Xin biến đổi tay con và thanh tẩy miệng lưỡi con để chúng con biết tích cực góp phần kiến tạo những cuộc gặp gỡ và đối thoại nồng nàn tình Chúa và ấm áp tình người.

[1] x. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Dei Verbum (18/11/1965), số 2.
[2] x. Bài hát Nên lời ngôn sứ của nhạc sỹ Lê Đức Hùng.
[3] x. Bài hát Nên lời ngôn sứ của nhạc sỹ Lê Đức Hùng.

Tác giả: Xuân Giang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập300
  • Máy chủ tìm kiếm63
  • Khách viếng thăm237
  • Hôm nay73,711
  • Tháng hiện tại680,840
  • Tổng lượt truy cập70,708,597
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây