Hy vọng

Thứ sáu - 15/04/2022 22:19  655
picture1Hy vọng – hai tiếng ngắn gọn nhưng lại hàm chứa một sức mạnh lớn lao. Đó là chìa khóa để mở cánh cửa hạnh phúc cho con người. Trong thời đại với quá nhiều biến thiên, phức tạp như ngày hôm nay, thao thức tìm kiếm niềm hy vọng đích thực và bền vững là một thách đố cho con người. Thế nhưng, dưới nhãn quan Kitô giáo, đức tin cho chúng ta xác quyết về niềm hy vọng mà chúng ta trông chờ. Niềm hy vọng ấy được đặt nơi Đức Giêsu tử nạn và phục sinh như lời Đức Thánh Cha Phaxicô đã khẳng định: “Vào đêm Phục Sinh, chúng ta đã chinh phục được một quyền cơ bản, và nó sẽ không bị tước đoạt: quyền được hy vọng. Đó là một niềm hy vọng mới, niềm hy vọng sống động đến từ Thiên Chúa.”

Thật thế, con người có thể hy vọng vào nhiều thứ tốt đẹp cho cuộc sống tương lai như mong mỏi có được sự thành công trong công việc hay mong cho gia đình nhỏ của mình được hạnh phúc và cao cả hơn là hy vọng thế giới sẽ bình an. Thế nhưng, tất cả những thứ đó liệu có thể bền vững không khi nó phát xuất từ con người vốn không phải là Đấng toàn năng? Niềm hy vọng mà chúng ta xác tín phát xuất không từ con người nhưng bởi Thiên Chúa thực hiện qua chính Đức Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh. Người là Đấng duy nhất và ngoài Người ra không có một ai đã công bố với toàn thể nhân loại rằng: “Ta là sự sống lại và là sự sống.” (Ga 11,25).

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc niềm hy vọng này không phải chịu sự thử thách gắt gao như lời Thánh Phêrô đã nói: “Sự thử thách đức tin anh em quý hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa” (1Pr 1,7a). Điều gì sẽ xảy ra nếu Đức Giêsu bị đem đi đóng đinh, chịu chết trên cây Thánh giá, được mai táng trong mồ, nhưng không sống lại? Kinh Thánh tường thuật cho chúng ta về những bước chân mệt mỏi, rã rời của hai môn đệ trên đường trở về Emmaus sau cái chết của Thầy mình. Cùng lúc đó là sự sợ hãi, lo âu của Phêrô và của các môn đệ trong căn nhà với cánh cửa được đóng kín hay như giọt nước mắt đau khổ của Mađalêna cố tìm cách níu kéo hình ảnh người Thầy kính yêu nơi thân xác bất động mà nay không biết “người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” (Ga 20,13) .Nỗi thất vọng đang dày vò tâm hồn chính những môn đệ thân tín nhất của Chúa là những người được mặc khải rõ ràng về cái chết và sự phục sinh của Người. Biết bao điều tốt đẹp, một thế giới mới, niềm hy vọng mới đặt nơi Thầy nay đã bị chôn vùi cùng với nấm mồ chôn xác Thầy. Và như thế sự ra đi của Thầy cũng chẳng khác gì cái kết của biết bao danh nhân được tích vào trong trang vàng lịch sử nhân loại, để lại cho hậu thế sự mất mát chia ly cùng với lòng tri ân, tưởng nhớ.

Có hay chăng thấp thoáng hình ảnh của mỗi chúng ta qua Phêrô, Mađalêna hay của hai môn đệ Emmau khi mất đi niềm hy vọng vào những khoảnh khắc phải đối diện với những đau khổ trong cuộc đời? Giáo lý dạy chúng ta và lẽ thường tình tất cả mọi người có thể đồng ý rằng con người được sinh ra là để sống hạnh phúc và luôn khát khao có được sự hạnh phúc ấy. Có lẽ vì thế nên đứng trước những điều đối lại với cuộc sống đó, hệ miễn dịch của chúng ta dường như trở nên yếu đuối và thất đảm hơn. Người ta có thể hân hoan, vui mừng, dễ dàng đón nhận một trẻ thơ được sinh ra đời nhưng thật khó để chấp nhận cùng một con người đó hai mươi, năm mươi hay thậm chí một trăm năm sau ra đi vĩnh viễn. Càng hy vọng được sống bao nhiêu thì con người lại càng cảm thấy sợ khi phải đối diện với cái chết. Những đau khổ cùng với nỗi sợ hãi như những con virus vô hình đang gặm nhấm cuộc đời con người bởi cuộc sống đó được mô tả trong Thánh vịnh “mạnh giỏi chăng là được tám mươi mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ” (Tv 90). Niềm hy vọng mất đi khiến chúng ta lần bước đi những bước chân vô định trong ngõ hẻm tăm tối của cuộc đời mà oái ăm đó lại là cái “Hẻm cụt” không có lối thoát.

Thật bất hạnh thay nếu điều chúng ta đã giả định trở thành hiện thực! Thế nhưng sự thật là gì? Điều gì đã xảy ra với niềm hy vọng của chúng ta? Tảng đá lấp cửa mồ được mở ra, Đức Giêsu đã sống lại như lời Người tiên báo. Bằng Hy tế Vượt Qua, Con Chiên đã tái lập lại giá trị mới cho sự đau khổ, thập giá trở thành thánh giá đem lại ơn cứu rỗi cho con người. Những tiếng khóc, tiếng than van, tiếng lòng của con người giờ đây cũng có thể cất vang lời “Alleluia-Hãy ngợi khen Thiên Chúa”. Ánh sáng đã chiến thắng bóng tối, chiến thắng cái lạnh lẽo, ghê rợn của mộ phần và đã biến đổi một Saolê nhiệt thành bắt bớ, sẵn sàng ra tay với những ai tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô trở thành Phaolô mới - vị tông đồ của dân ngoại. Ngày hôm nay, ánh sáng Phục sinh vẫn đang chạm tới những góc khuất thẳm sâu nhất trong cõi lòng con người và Ngài cũng gọi tên cho những đau khổ của con người bằng một tên mới thật đẹp là “Hy vọng”. Niềm hy vọng đem đến cho con người một sự sống mới, đưa ta trở về với cội nguồn là chính sự sống trong Thiên Chúa đằng sau ngõ hẻm của cái chết. Thế nhưng cũng như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Niềm hy vọng là một sự táo bạo”. Sự táo bạo này đòi buộc ta phải chọn lựa hoặc tin hoặc từ chối và đó chắc hẳn sẽ là một quyết định khó khăn cho con người dễ hướng chiều về sự kiêu ngạo do hậu quả của tội và mang trong mình sự tự do vốn là quà tặng cao quý Thiên Chúa dành tặng cho họ.

Cuộc sống trong tiếng Anh là “Live” nhưng viết ngược lại nó biến đổi thành “Evil” có nghĩa là “Quỷ”. Chúng ta không thể chối bỏ sự thật dù muốn hay không muốn, tin hay không tin rằng “chết không phải là hết” và “ sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay”. Thế nhưng cuộc sống ấy sẽ hạnh phúc viên mãn hay bị cầm tù vĩnh viễn bởi quỷ dữ đó còn tùy thuộc vào việc chúng ta đặt niềm hy vọng ở đâu. Hy vọng tự bản chất vừa là một danh từ nhưng đồng thời cũng là một động từ, nó mang trong mình sự linh động mà không phải là thụ động. Vậy nên, hy vọng cũng hướng ta phải hành động, chiến đấu vì cuộc sống hạnh phúc của chính mình.

 Ước mong sao niềm vui Phục sinh mà cả Giáo Hội hân hoan mừng kính sẽ tỏa chiếu niềm hy vọng vào trong tâm hồn mỗi chúng ta. “Đức Giêsu đang vươn cánh tay Ngài ra trong sứ điệp Phục sinh, trong mầu nhiệm các bí tích, nhờ đó Phục sinh có thể là “cái bây giờ”, để cho ánh sáng thiên đàng chiếu soi vào trong thế gian này và những cánh cửa có thể mở ra.”[1]

[1] ĐHY JOSEPH RATZINGER, bản dịch Phaolô Nguyễn Nhật Khoa, Đấng Chịu đâm thâu, nxb Tôn giáo trang 202.

Tác giả: Nguyễn Oanh (MTG)

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập143
  • Máy chủ tìm kiếm45
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,015,406
  • Tổng lượt truy cập79,018,857
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây