Người giáo dân Việt Nam và lời mời gọi “hiệp hành”

Thứ tư - 06/04/2022 04:35  1158
y nghia logo chinh thuc cua thuong hoi dong ve hiep hanh 2Khi Công đồng Vatican II trình bày về Giáo hội như là một dân Thiên Chúa quy tụ quanh Chúa Kitô thì phẩm giá và vai trò của mỗi thành phần trong Giáo hội cũng được nhìn nhận khác đi. Nếu như trước đó phẩm giá của hàng giáo sĩ được nhìn nhận cao hơn giáo dân bởi chức thánh thì giờ đây mọi thành phần trong dân Thiên Chúa, những người cùng lãnh nhận Bí tich Rửa tội, đều có phẩm giá và hành động ngang bằng nhau. Mặc dù hàng giáo sĩ và người giáo dân thi hành những sứ vụ khác nhau: giám mục có sứ vụ của giám mục, linh mục có sứ vụ của linh mục, tu sĩ có sứ vụ của tu sĩ, giáo dân có sứ vụ của giáo dân… nhưng tất cả các sứ vụ riêng biệt ấy đều quy hướng về một sứ mạng chung là phục vụ và có chung một mục đích là xây dựng Giáo hội.

Thượng Hội Đồng Giám mục lần thứ XVI với chủ đề là “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ” được hiểu nôm na là tất cả mọi người, mọi thành phần dân Chúa cùng nắm tay nhau, dìu dắt nâng đỡ nhau tiến thẳng về quê Trời. Thượng Hội Đồng lần này nhấn mạnh đến vai trò và sứ mạng của người giáo dân, qua việc mời gọi người giáo dân đóng góp ý kiến như là một cách để trở thành một thành phần của Thượng Hội Đồng. Từ lâu, Giáo hội đã luôn ý thức rằng, Giáo hội sẽ không thể trở thành muối của thế gian nếu như không có giáo dân, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh của Giáo hội. Cũng nhờ đó, người giáo dân Việt Nam có cơ hội tái khám phá vị trí, vai trò và sứ mạng của mình trong lòng Giáo hội, để qua đó góp phần xây dựng sự hiệp thông từ chính cộng đoàn địa phương của mình.

Chung nhịp bước với Hội Thánh

Được sinh ra nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta trở thành những Kitô hữu và được trở nên anh chị em với nhau trong gia đình Hội Thánh. Kể từ đó, Hội Thánh như người mẹ luôn đồng hành, hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta trong mọi biến cố cuộc sống. Hội Thánh luôn dõi theo từng bước chân của chúng ta, từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi lìa đời. Nhờ các Bí tích, Hội Thánh thông ban ân sủng và nuôi dưỡng chúng ta trong đời sống đức tin.

Lời mời gọi chung nhịp bước với Hội Thánh giống như một cuộc song hành, ở đó người giáo dân nhận ra vị trí và tầm quan trọng của mình trong lòng Hội Thánh lữ hành. Họ giờ đây không còn giống như “một người ở trọ” ngay trong chính nhà của mình nữa. Trong một khoảng thời gian quá dài, với bối cảnh của một Giáo hội thượng tôn hàng giáo sĩ, thì vai trò người giáo dân trở nên mờ nhạt, họ như những người trọ trong khi đang sống dưới chính ngôi nhà của mình. Đời sống đức tin của người Công giáo Việt Nam cũng không tránh khỏi tâm thức đó, họ dường như đóng vai trò thụ động, coi mình chỉ là những người được ban phát ân sủng nhờ hàng giám mục, linh mục nên dễ dẫn đến một tâm thức sợ hãi, né tránh và khép nép. Thiết tưởng, chúng ta cần vượt qua những quan niệm thiển cận như thế, người giáo dân phải được trả lại vị trí đúng đắn của mình, vì họ có một nền linh đạo, hay một đường hướng nên thánh đặc thù, chứ không phải là một thứ bản sao của hàng giáo sĩ.

Đồng cảm với nỗi thao thức của các mục tử

Đời sống tâm linh của người giáo dân được gắn liền với sứ mạng của các mục tử. Họ là những người được cất nhắc, tuyển lựa ngay trong dân Thiên Chúa, được trao ban chức thánh để thì hành sứ mạng chăn dắt đàn chiên của mình. Với sứ mạng là họa lại hình ảnh của Đức Giêsu – vị Mục Tử Nhân Lành mang vào mình mùi của đàn chiên. Như Chúa Giêsu là mục tử nhân lành bởi vì Người dám hy sinh tính mạng để bảo vệ đàn chiên, các mục tử của dân Chúa cũng được mời gọi dấn thân vì đoàn chiên của mình, dầu có phải lam lũ, thiếu thốn và đau khổ. Như Chúa Giêsu là mục tử nhân lành bởi vì Người biết rõ từng con chiên, con nào ốm đau, con nào cần được chăm sóc đặc biệt, các mục tử cũng được mời gọi sống gần gũi thân tình và liên đới với mọi người bằng cách lắng nghe, thấu hiểu những nỗi khổ, lầm than trong cuộc sống của đàn chiên của mình. Và như Chúa Giêsu là mục tử nhân lành vì Người luôn mang trong mình khao khát và nỗ lực tìm cách hợp nhất chiên thành một đàn duy nhất, vai trò của các mục tử trong Hội Thánh được thể hiện qua việc xây dựng một đàn chiên mang đặc tính của Hội Thánh là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Để đồng cảm với nỗi thao thức của các mục tử, người giáo dân cần phải có một trái tim biết cảm thông, yêu mến để hiểu được vai trò và trọng trách to lớn mà các ngài đang phải gánh vác. Bởi vì thực tế trong xã hội Việt Nam ngày nay, càng ngày người giáo dân càng có nhiều phản ảnh về những tiêu cực của đời sống của các mục tử: lối sống hưởng thụ, xử lý công việc bằng quyền hành hơn là bằng tình thương của một người cha, hay cả việc thích lui tới với những người giàu có mà xa cách những tín hữu nghèo khó… Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là do lòng kính trọng có phần quá mức của người giáo dân Việt Nam dành cho các ngài. Đó là những cám dỗ mà các mục tử cần phải thanh luyện hàng ngày để trở nên giống như Mục Tử Giêsu hơn. Hiểu được những thách đố mà các ngài phải đối diện, người giáo dân có bổn phận chia sẻ, cộng tác với các ngài trong những công việc chung của cộng đoàn giáo xứ. Và đặc biệt là bổn phận nâng đỡ các ngài qua lời cầu nguyện và thánh lễ hàng ngày, bởi vì các mục tử của chúng ta cũng mang trong mình thân phận con người bất toàn và yếu đuối.

Ý thức hơn về vai trò của mình trong tinh thần hiệp thông

Công đồng Vaticano II khẳng định: “Hội Thánh chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu chưa có hàng giáo dân đích thực. Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập, Hội Thánh phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Kitô giáo trưởng thành”. Giáo dân có bổn phận xây dựng Hội Thánh bằng những đóng góp tích cực và thích đáng, để làm cho Hội Thánh ngày thêm vững mạnh về lượng, nhất là về phẩm chất thánh thiện theo gương Chúa Kitô.

Người giáo dân thời nay có một vai trò và vị trí quan trọng, họ không chỉ đơn thuần là những cộng tác viên của hàng giáo sĩ nữa nhưng là được đồng trách nhiệm trong những công việc chung. Đồng trách nhiệm, ví như chi thể, trong thân thể mầu nhiệm, mà Chúa Kitô là đầu. Đó không chỉ là bản chất mà là còn cả trong hoạt động của Giáo hội. Một tinh thần đồng trách nhiệm đòi hỏi một sự cộng tác chặt chẽ và mang vào mình phận vụ của cả một cộng đoàn.

Thái độ tham gia và lòng nhiệt thành sứ vụ

Tinh thần hiệp thông của người giáo dân được thể hiện qua những việc làm rất cụ thể như tích cực tham gia vào các sinh hoạt chung của giáo xứ, như trong các hội đoàn dành cho các giới, các lứa tuổi như hội Huynh đoàn Đa Minh, hội con Đức Mẹ, hội Gia trưởng, các ca đoàn phục vụ các thánh lễ sáng chiều, hay tham gia các ban dạy giáo lý, ban phụng vụ…

Người tín hữu Việt Nam có rất nhiều cách thế để biểu lộ một tinh thần hiệp thông và lòng nhiệt thành sứ vụ của mình, một phần vì sự gắn kết chặt chẽ và liên đới trách nhiệm giữa các thành viên trong một cộng đoàn giáo xứ, giáo họ. Ở các vùng quê thì điều này càng được thể hiện rõ hơn, bởi lẽ phần lớn chúng ta được sống gần gũi với nhà thờ từ hồi thơ bé. Từ những việc làm rất nhỏ bé như làm cỏ, quét dọn khuôn viên, lau chùi bàn ghế trong nhà thờ… nếu được làm với tất cả lòng yêu mến và một tinh thần phục vụ thì những việc làm nhỏ bé đó sẽ thật hữu ích không chỉ cho chúng ta mà cho cả cộng đoàn.

Với vị thế đặc biệt và những cơ hội mà mình có được trong một bầu không khí đạo đức tại các xứ đạo, người giáo dân Việt Nam được nỗ lực trở thành men, thành muối ướp cho đời. Họ có thể thi hành những sứ mạng mà hàng giáo sĩ không thể nào chu toàn nổi. Bằng những công việc nhỏ bé hàng ngày thể hiện dấu chỉ luôn sẵn sàng cùng chung nhịp bước với Hội Thánh trong phận vụ của mình, để tích cực xây dựng một Hội Thánh hiệp hành. Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn và hạn chế nhất định trong đời sống luân lý hay đức tin nhưng bù lại, một nếp sống đạo đức, một tinh thần vì công việc chung vẫn luôn sâu đậm trong tâm trí của mỗi tín hữu Việt Nam.

Tác giả: Thiên Tâm, OP

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập352
  • Máy chủ tìm kiếm76
  • Khách viếng thăm276
  • Hôm nay73,711
  • Tháng hiện tại692,391
  • Tổng lượt truy cập70,720,148
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây