Đức Maria & cuộc chiến đức tin của ta

Thứ tư - 01/06/2022 04:14  810
web pope francis fatima vincenzo pinto afp 000 dv2025512 jpgKhông gì hoàn hảo bằng nhiều tiếng từ khắp nơi trên thế giới cùng dâng lên van xin rất Thánh Đồng Trinh Maria qua sự suy ngắm những mầu nhiệm Chúa Kitô. Từ đó, những ơn lành của lòng từ ái Mẹ không ngừng ban xuống trên Giáo Hội. (Thánh Piô V, Giáo hoàng)

Đối với một người được sinh ra và lớn lên tại miền quê Bắc bộ, tháng Năm về là lúc bản mang trong mình thật nhiều cảm xúc. Đây là khoảng thời gian mà đất trời, cảnh sắc quê hương bắt đầu bước vươn cao với những cành lá non mơn mởn bên tiếng ve kêu. Đàng khác, được sinh ra trong một giáo xứ có truyền thống đạo đức, Tháng Năm cũng là lúc tôi được cùng với mọi người trong giáo xứ “bách bộ” quanh sân Thánh Đường mỗi buổi chiều tối và cùng râm ran những lời kinh kính Mừng. Giờ đây, nơi miền đất Sài Thành, có lẽ tôi không còn được cảm nếm không khí đất trời của những ngày ấy nữa, nhưng tâm tình, bầu khí cầu nguyện của những ngày xưa kia dường như vẫn còn nguyên vẹn.

Trong những ngày cuối cùng của tháng hoa này, bước ra bàn học với âm vang của lời kinh Kính mừng vẫn đang văng vẳng bên tai, tôi chợt nảy ra trong mình đôi chút suy tư vụn vặt.

Từ một vấn đề của kinh Mân Côi …

Vào thế kỷ XII, các tín hữu dần thay thế việc cầu nguyện bằng 150 Thánh vịnh bằng 150 kinh Lạy Cha. Dần dần, các tín hữu chuyển sang đọc 150 kinh Kính Mừng. Với sự tiếp nối đó, thánh Đa Minh gọi là “Thánh vịnh Đức Mẹ”. Sang thế kỷ XIII, các tín hữu đọc 150 kinh Kính Mừng kèm với 150 kinh Lạy Cha, nghĩa là mỗi kinh Kính Mừng đọc chung với một kinh Lạy Cha. Đến thế kỷ XIV, thầy Henry Kalkar (1328-1408), dòng Carthusian do thánh Brunô sáng lập, chia 150 kinh Kính Mừng thành từng chục (10), mỗi chục kèm với một kinh Lạy Cha. Thế kỷ XV, Cha Đaminh Prussia (1384-1460), dòng Carthusian, chia 150 Kinh Kính Mừng thành 3 chuỗi 50. Cũng trong thế kỷ này, Chân phước Alanô de la Roche hay là De Rupe thêm phần suy niệm các mầu nhiệm trong khi lần chuỗi. Từ nay tràng kinh Mân Côi gọi là “Vòng hoa hồng”. Chân phước Alanô nhiệt thành phổ biến kinh Mân Côi mà theo tương truyền, Đức Mẹ đã trao truyền cho Thánh Đa Minh như vũ khí giúp cải hóa bè rối Albigense. Năm 1521, Cha Albertô da Castello, O.P., sửa lại mỗi kinh Lạy Cha với một mầu nhiệm.

Sang thế kỉ XVI, với uy thế đang gia tăng trên chiến trường Âu châu, đế quốc Ottoman bắt đầu tiến công vào vịnh Lepanto. Nếu các nước thuộc vùng Italia bây giờ bị thất thủ, Tòa Thánh sẽ bị đe dọa. Khi ấy, Đức Piô V đã kêu gọi mọi người cầu nguyện bằng kinh Kính mừng. Ngày 7/10/1571, quân Ottoman bại trận, hòa bình được lập lại tại vịnh Lepanto cũng như tại các nước lân cận, mọi người đều tin rằng Mẹ Maria đã can thiệp để cứu giúp Giáo hội. Trong bối cảnh đó, Đức Piô V quyết định thiết lập lễ Đức Bà chiến thắng để ghi nhớ biến cố này, sau đó, lễ này đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi; và với bửu sắc “Consueverent Romani Pontifices”, ngài thêm phần thứ hai của kinh Kính Mừng: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời...” với kinh Sáng Danh, và ấn định kinh Mân Côi như chúng ta đọc ngày nay.

Việc cử hành một ngày lễ trong phụng vụ nếu chỉ nhắm đến việc kỷ niệm một chiến thắng quân sự trong lịch sử e là thật nguy hiểm, vì điều đó dẫn đến nguy cơ, ngày lễ này bị biến này một lễ kỷ niệm thông thường nơi các thể chế chính trị. Bên cạnh đó, người tín hữu dễ rơi vào một cảm thức tôn giáo thế tục, đó là chạy đến xin ơn với Mẹ để chiến thắng kẻ thù. Lúc đó, chúng ta xem việc cầu nguyện như phương thế đạt các mục tiêu thế gian hơn là hướng về các giá trị của Tin Mừng. Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta không phủ nhận nguồn gốc ngày lễ, nhưng có lẽ ý nghĩa của ngày lễ còn vượt lên trên đó. Thiết nghĩ, cách tốt nhất để mừng ngày lễ này, đó là chiêm ngắm Mẹ qua từng lời kinh Mân Côi, từ đó khám phá ra cuộc chiến đấu đức tin nơi Đức Mẹ. Cuộc chiến đấu đức tin nơi Mẹ cũng như là cuộc chiến đấu đức tin nơi mỗi tín hữu.

… đến cuộc chiến đấu đức tin của Đức Maria, …

Dưới ngòi bút của thánh sử Luca, sau khi nghe lời truyền tin của sứ thần Gabriel: “Thưa bà Maria […] này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,30-31), Mẹ đã thể hiện sự bối rối nơi mình khi trả lời: “Việc ấy xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34). Với lý trí tự nhiên, việc Đức Maria thắc mắc như vậy là rất đỗi bình thường. Trước thắc mắc đó, sứ thần dường như đang trấn an Mẹ, cũng như muốn Mẹ xác tín rằng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Sau đó, Mẹ đã sẵn sàng đón nhận và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Như thế, ngay từ đầu, Mẹ đã bước vào cuộc chiến đấu đức tin. Khi lắng nghe lời truyền tin, lý trí của Mẹ đã mách bảo về một khả năng không thể có nếu xét về khía cạnh con người Mẹ. Thế rồi, Mẹ đã vượt lên lí trí tự nhiên để quy phục thánh ý Thiên Chúa. Để lý trí đặt vấn đề và vượt lên giới hạn của lý trí bằng sự tin yêu Thiên Chúa là chiến thắng đầu tiên trong cuộc chiến đấu đức tin nơi Mẹ Maria.

Theo luật pháp của Người Do Thái lúc bấy giờ, một người phụ nữ đã đính hôn với một người nam thì họ coi như là vợ chồng, chỉ là chưa dọn về sống cùng với nhau. Nếu như thế, về khía cạnh con người, việc Mẹ có thai là không thể, và với tiếng “Xin vâng”, Mẹ lập tức phải đối diện hình phạt của luật: bị ném đá. Cuộc chiến đấu đức tin nơi Mẹ khởi đi từ sự bối rối của lý trí, và giờ đây, Mẹ phải đối mặt với nguy cơ mất mạng sống. Thử hỏi, lúc đó, lý trí tự nhiên có mách bảo Mẹ về nguy cơ bị ném đá không? Tôi nghĩ là có, vì rõ ràng Mẹ đã đặt vấn đề: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?” Câu hỏi này không đơn thuần là hỏi về cách thức thế nào để thụ thai, nhưng nó còn hướng đến cái hệ quả kéo theo sau đó: “Sau khi tôi mang thai, liệu Giuse có còn đón nhận và yêu thương tôi không? Và xã hội ngoài kia liệu có để tôi được yên thân? Rồi còn đứa con đó nữa, nó sẽ ra thế nào?” Một lần nữa, lời trấn an “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” phát huy hiệu quả nơi Mẹ. Một lần nữa, Mẹ đã vượt thắng lý trí nhờ ánh sáng của niềm tin vào lời sứ thần và vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

… và cuộc chiến đấu đức tin của chúng ta,…

Chính nhờ cuộc chiến của Mẹ mà chúng ta được mời gọi sống vượt lên sự tự mãn của lý trí tự nhiên trong cuộc chiến đấu của riêng mình. Có lẽ mầu nhiệm đức tin chúng ta được biết theo lẽ thường thật khó có thể chấp nhận, nhưng chúng ta được mời gọi không phải để phủ nhận nhưng là để vượt lên trên và thuộc trọn về Thiên Chúa. Đời sống đức tin không chỉ dừng lại nơi những điều chóng qua, như việc kỷ niệm chiến thắng vịnh Lepanto hay việc tự hào vì là con cháu của thánh Đa Minh, người được Đức Mẹ trao chuỗi Mân Côi, mà phải biết chấp nhận bước vào một cuộc chiến với nhiều hi sinh, từ bỏ.

Đức Maria vừa là mẫu gương để chúng ta noi theo, nhưng mặt khác, Mẹ cũng là người đồng hành với chúng ta trong cuộc chiến ấy, đặc biệt, Mẹ sẽ dùng tràng chuỗi Mân Côi để chiến đấu cùng ta. Khi ta đọc Kinh Mân Côi, lý trí đôi khi sẽ “than phiền” về những lời đọc lặp đi lặp lại quá nhàm chán. Thế rồi, đức tin ta lãnh nhận nơi Bí tích Thanh Tẩy sẽ “thì thầm” ngay sự trong nhàm chán ấy. Khi ta để cho tâm hồn mình tĩnh lại, chúng ta tìm được chính mình trong tương quan với Chúa, với tha nhân; tìm thấy sự bình an, mà đó không phải là bình an theo kiểu thế gian mà đó là “bình an của Thầy” (Ga 14,27).

“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24), vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống đời đời” (Mt 7,14). Mỗi ngày với chúng ta đều là những cuộc chiến hướng về Thiên Quốc, mà ta phải kiên tâm. Từ “chiến đấu” mà Đức Giêsu nói đến ở đây là chiến đấu với chính bản thân, với cái tôi cồng kềnh, nặng nề vì những thu tích riêng, cái tôi phình to vì kiêu căng và đầy tham vọng. Bởi lẽ, sau khi Tổ tông con người phạm tội, thì “tình trạng cùng khốn đang đè nặng lên con người, cũng như họ hướng chiều về sự dữ và sự chết” (GLHTCG, số 403). Trong cuộc chiến đấu ấy, mỗi Kitô hữu không thể không có trong mình hành trang, đó là tràng kinh Mân côi, bởi lẽ “cầu nguyện kinh Mân Côi chính là trao lại tất cả những gánh nặng của chúng ta cho trái tim nhân hậu của Chúa Kitô và của Mẹ Ngài” (Thánh Gioan Phaolô II).

Lời kinh Mân Côi sẽ như vũ khí trợ lực cho các tín hữu trong cuộc chiến đấu đức tin của riêng mình. Qua mỗi lời kinh Kính Mừng và các mầu nhiệm suy ngắm, chúng ta có thể thấy kinh Mân côi trở nên lời kinh của sự sống, và của ơn cứu độ. Các mầu nhiệm Vui giúp cho chúng ta tái khám phá niềm vui và hạnh phúc khi được sinh ra giữa lòng nhân thế, trong lòng Mẹ Giáo Hội. Qua mầu nhiệm năm sự Sáng, ta cảm nghiệm được ân sủng của Chúa tưới gội qua dòng thời gian, cụ thể qua việc học tập, lao động, qua đời sống thánh hiến cũng như đời sống thường. Mầu nhiệm Thương cho chúng ta thấy rằng: thử thách, buồn phiền, đau khổ, bệnh hoạn, tuổi già và cái chết luôn song hành với ta trong cuộc sống thường nhật, từ đó ta biết kết hiệp đau khổ đó với mầu nhiệm Thập giá. Năm sự Mừng gợi lên trong ta niềm hi vọng về cuộc sống mai hậu. Sau khi từ giã cuộc sống tạm bợ nơi trần gian, ta sẽ được Thiên Chúa ân ban vui hưởng hạnh phúc với Người và Mẹ Maria trên Thiên Quốc.

“Thưa Mẹ, việc ấy sẽ xảy ra thế nào được?” – “Con yêu, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Maria! Mẹ rất thánh, khi sống ơn gọi làm người của mình, Mẹ đã chọn phần tuyệt hảo là lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Xin cho chúng con hằng biết noi gương Mẹ quyết tâm trở thành người môn đệ trung tín thi hành những lời Đức Kitô đã truyền dạy, biết quảng đại dâng hiến cuộc đời mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập162
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm145
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại872,641
  • Tổng lượt truy cập69,932,515
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây