Sống tinh thần Mùa Chay cách tích cực

Thứ năm - 10/03/2022 03:03  2425
b345c6829473ae91645fd34af97ad226catholic lent catholic churchesToàn thể Giáo hội bước vào bốn mươi ngày chay thánh với Thứ Tư Lễ Tro, trong đó có cử hành việc làm phép và xức tro trên đầu. Nghi thức phụng vụ khởi đầu Mùa Chay muốn nhắc nhở con người về thân phận hữu hạn và tội lỗi của mình để biết khiêm nhường ăn năn sám hối mà trở về cùng Chúa: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Thông thường, người ta nghĩ về Mùa Chay một cách không tích cực lắm vì đôi khi quá nhấn mạnh đến chiều kích khổ chế. Đa số cho rằng đó là khoảng thời gian của kiêng khem, tiết giảm ăn uống, hạn chế vui chơi... Hiểu như thế, chúng ta dễ nhìn Mùa Chay trong sự chán nản, rầu rĩ với những cấm đoán, thiệt thòi. Nhất là năm nay, nhiều nơi trên thế giới cử hành Mùa Chay trong bầu khí ảm đạm, hoang mang với nhiều lo ngại, sợ hãi đến từ thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, khủng bố, bạo loạn...

Thực ra, Mùa Chay là thời gian của sám hối đền tội nhưng đó không phải là thời gian của u buồn, tang chế. Đây là một sự cam kết vui tươi và nghiêm chỉnh, để trút bỏ tính ích kỷ ra khỏi con người chúng ta, trút bỏ con người cũ của chúng ta, và để đổi mới con người chúng ta dựa theo ơn Bí tích Thánh tẩy của chúng ta[1]. Chỉ khi nhìn nhận như vậy, Mùa Chay thánh mới thật sự là mùa hồng phúc đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng. Mỗi người Kitô hữu chúng ta được mời gọi sống tinh thần Mùa Chay cách tích cực qua việc khám phá ý nghĩa năng động của mùa hồng ân này và nỗ lực thực hành các phương thế sống những ngày chay thánh cách mới mẻ, lạc quan và vui vẻ.

1. 
Khám phá ý nghĩa năng động của Mùa Chay thánh
 
Mùa Chay, có gốc tiếng Latinh là quadragesima, nghĩa là mùa bốn mươi. Đây là mùa giúp các tín hữu dọn lòng cử hành mầu nhiệm Vượt Qua bằng việc lắng nghe tiếng Chúa và cầu nguyện chuyên chăm hơn, đặc biệt qua việc nhớ lại (đối với các tín hữu) hoặc chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận (đối với các dự tòng) Bí tích Thánh tẩy và qua hành vi thống hối[2]. Chúng ta có thể đào sâu những ý nghĩa phong phú dồi dào của mùa hồng ân này qua các bản văn phụng vụ dùng trong Mùa Chay.

Việc các tín hữu sửa soạn tâm hồn hầu sốt sắng đón mừng lễ Phục Sinh gợi nhắc cuộc hành trình bốn mươi năm trường của dân Israel trong sa mạc đi về Đất Hứa. Trong suốt thời gian dài đằng đẵng này, dân Chúa thường phải đối diện với đói khát, thiếu thốn cùng với bao sóng gió gian truân và hiểm nguy chờ chực, thậm chí nhiều lần cận kề cái chết. Nhiều lần dân Chúa tỏ ra nản chí, bất lực, nổi loạn, phản bội. Họ càm ràm kêu trách Đức Chúa vì thiếu ăn, họ bị cám dỗ chạy theo tôn thờ ngẫu tượng và đòi thách thức Thiên Chúa. Đúng là Israel phải chịu nhiều thử thách đau thương nhưng đây cũng chính là khoảng thời gian Dân riêng được trưởng thành hơn trong niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất. Kinh nghiệm bốn mươi năm ấy là kinh nghiệm về đường lối sư phạm nhiệm lạ và lòng ưu ái thiết tha của Thiên Chúa dành cho Israel: Thiên Chúa là Đấng “chỉ lối” cho dân, Ngài cùng rong ruổi vất vả với con người. Xuyên qua tất cả nẻo đường vòng sa mạc, nghĩa tình giữa Thiên Chúa và con người từng bước một được thắt chặt. Thiên Chúa vẫn nhẫn nại và từng bước thanh luyện biến đổi dân[3]. Bao phen quỵ ngã bất trung nhưng kinh nghiệm hoang mạc dạy cho Dân riêng biết rằng, họ cần đến Chúa và chính họ đã được Người dẫn dắt. Trong mọi biến cố, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện để mang lại cho dân hy vọng và niềm tin.

Bốn mươi ngày chay tịnh tương ứng với bốn mươi ngày đêm Chúa Giêsu ròng rã ăn chay trong sa mạc, trước khi Ngài đi rao giảng Tin Mừng (x. Mt 4,1-11; Mc 1,12-13; Lc 4,1-13). Ngài đã can đảm đối diện và chiến đấu với các cơn cám dỗ của ma quỷ. Ngài đã chiến thắng dựa vào sức mạnh đến từ Lời Chúa. Ngài cương quyết đi trên con đường của sự trung thành dù cho con đường ấy dẫn tới thập tự. Như vậy, Đức Giêsu đã thánh hiến thời gian bốn mươi ngày trai tịnh[4] và dạy con người về tầm quan trọng của đời sống thiêng liêng. Hơn nữa, Đức Giêsu là Đấng vô tội nên Ngài không cần phải hoán cải nhưng chính Ngài đã chịu thử thách và như thế, Ngài trở nên mẫu gương sống Mùa Chay thánh. Quả thật, khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Ngài đã nêu gương chay tịnh, và khi phá vỡ mưu chước của con rắn xưa, Người dạy chúng ta thắng mọi cơn cám dỗ, để khi cử hành mầu nhiệm Vượt Qua với tâm hồn trong sạch, chúng ta có thể tới dự lễ Vượt Qua muôn đời[5].

Giáo hội không muốn con cái mình sống Mùa Chay thánh với những khuôn mặt buồn bã, u ám, bi quan nhưng với tất cả niềm hân hoan của những người lòng đầy tràn hy vọng đang chờ đón Phục Sinh. Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện thì không thể dung túng cho tội lỗi nhưng sẵn sàng đón đợi tội nhân ăn ăn hối cải để được hưởng ơn cứu độ. Nói như thánh tông đồ Phaolô, chúng ta là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa vẫn nhẫn nại chờ đợi chúng ta quay trở về với Ngài, Đấng giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta (x. Ep 2,4). Thiên Chúa không bao giờ biết mệt mỏi khi tha thứ[6] và Ngài cũng sẽ không mệt mỏi đưa bàn tay rộng mở ra. Thiên Chúa luôn đứng về phía con người với tất cả quyền năng, sự trung tín và lòng thương xót. Mùa Chay là mùa hồng ân để cảm nghiệm sự trở về, giao hoà với Chúa và sống trong tình yêu của Ngài.

Mùa Chay trao tặng cho chúng ta cơ hội để thay đổi lối suy nghĩ và cải biến cách sống của mình. Đây là thời gian thích hợp để tập luyện chiến đấu thiêng liêng[7], qua việc tập tành các nhân đức và chế ngự những tính mê nết xấu. Chắc hẳn không ai dám ngạo mạn tự cho mình là công chính nhưng biết nhìn nhận mình là tội nhân để được hưởng lòng xót thương vì Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn và tha thứ cho kẻ biết ăn năn[8]. Có kinh nghiệm này, chúng ta mới có thể vui vẻ thực hành khổ chế, bỏ mình qua việc sẵn sàng từ chối ăn uống, giảm thiểu nhu cầu sống và từ bỏ những đòi hỏi vui thích. Giống như tay đua thì phải kiêng kị đủ điều để đoạt giải, người môn đệ cũng phải chấp nhận những hy sinh để được hưởng phần thưởng không bao giờ hư nát (x. 1Cr 9,24-25).

Như thế, trong Mùa Chay thánh này, chúng ta được mời gọi kiểm điểm, sửa chữa những hợp âm nghịch trong cách thức sống đức tin và đổi mới đời sống cầu nguyện để có kinh nghiệm thân mật với Thiên Chúa và tham dự vào sự chiến thắng của Đức Giêsu trên tội lỗi và ma quỷ. Một khi người tín hữu nỗ lực cộng tác với ơn Chúa để được canh tân trở nên thụ tạo mới thì mùa hồng ân sẽ có giá trị sáng tạo năng động chứ không dừng lại ở một thực hành theo truyền thống được quy định trong niên lịch phụng vụ của Giáo hội. Mùa Chay chỉ lặp lại cách nhàm chán, thậm chí trở nên nặng nề khi chúng ta không có bất kỳ một cảm nhận nào về sự biến đổi trong con người mình.

 
2. Nhìn lại các phương thế thực hành sống Mùa Chay thánh
 
Cầu nguyện, ăn chay hãm mình và chia sẻ bác ái là những phương thế quan trọng mà truyền thống Giáo hội luôn kêu mời chúng ta thực hiện, nhất là trong Mùa Chay. Ba điều này giúp mỗi người cải thiện những mối tương quan của mình trở nên tốt đẹp hơn để được lớn lên trong tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân. Cầu nguyện để kết hợp với Chúa cách sâu đậm hơn. Thi hành bác ái để biết mở lòng ra quan tâm đến anh em đồng loại trong tình thương và tinh thần trách nhiệm. Ăn chay để biết nhìn vào lòng mình mà hối cải. Tuy nhiên, chúng ta cần thực hiện những phương thế quen thuộc này với thái độ chân thật, linh động, tích cực để không rơi vào sự giả hình như các kinh sư và người Pharisêu xưa đã bị Chúa Giêsu khiển trách. Họ thích phô trương khi làm việc lành cho người ta thấy, ưa cầu nguyện lâu giờ ở nơi công cộng để tỏ ra thánh thiện trước mặt người đời và làm bộ rầu rĩ, thiểu não để thiên hạ biết là mình ăn chay (x. Mt 6,1-6.16-18).

Đầu tiên là việc cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, là tiếp xúc, gặp gỡ, gắn kết và trò chuyện thân tình với Ngài. Tình yêu chân thành thì luôn tìm cách gần gũi người mình yêu. Kinh nghiệm tình yêu nhân loại cũng đã cho thấy, khi hai người đã dành tình cảm cho nhau thì dường như ở bên nhau bao lâu cũng không coi là đủ. Hiểu như thế thì cầu nguyện sẽ không còn phải là một thứ hy sinh dành giờ cho Chúa cho bằng khao khát mọi lúc mọi nơi kết hợp với Đấng mãi luôn trung thành trong tình yêu. Và cầu nguyện cũng đâu phải để cho người khác thấy và ca ngợi rằng mình đạo đức. Sống tinh thần Mùa Chay cách tích cực là phải cầu nguyện luôn, không nản chí (x. Lc 18,1), là biến đời sống thành lời cầu nguyện, là chìm sâu vào đời sống cầu nguyện để lắng nghe và thi hành Thánh ý Chúa trong cuộc đời. Lơ là, ươn lười, trễ nải trong việc cầu nguyện, chúng ta có nguy cơ xa rời ý muốn của Thiên Chúa mà chỉ mải mê đi tìm và làm theo ý riêng của mình, vốn rất dễ hướng chiều về điều xấu.

Phương thế thứ hai là ăn chay hãm mình. Thực ra, giữ chay tịnh là một thực hành được các tôn giáo chia sẻ. Người Do Thái từ xưa đã quy định việc giữ chay rất nghiêm ngặt. Các tăng ni và nhiều Phật tử cũng ăn chay trường để diệt dục, tránh sát sinh. Người Hồi giáo dành cả tháng Ramadan để ăn chay. Nhiều bậc vĩ nhân cũng chủ trương và cổ xuý việc ăn chay. Mặc dù không chấp nhận những hình thức hành xác theo hướng quá khích khinh thường thân xác nhưng Giáo hội Công giáo rất đề cao việc giữ chay hãm mình để giữ gìn thân xác và tâm hồn trong sạch. Sống tinh thần Mùa Chay cách tích cực là “đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (x. Ge 2,13). Ăn chay cách thật lòng thì không còn bận tâm thắc mắc thực phẩm nào được phép hay không được phép, không còn lý luận này nọ về cách thức giữ chay. Hơn nữa, đó còn là việc giữ chay lòng, chay lời nói, chay ham muốn... Biết hãm mình thật sự là biết làm chủ bản năng và các đam mê.
Thi hành bác ái là phương thế thứ ba. Người Kitô hữu được khuyến khích làm các công việc bác ái để nhận ra Đức Kitô trong những người anh em hèn mọn nhất. Điều này làm cho bác ái Kitô giáo khác hẳn với những việc cứu trợ, từ thiện đơn thuần. Chính Chúa Giêsu đã dạy: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Mỗi lần mau mắn thi hành đức bác ái là chúng ta đang thể hiện danh xưng của mình, danh xưng là Kitô hữu, danh xưng thuộc về Đạo yêu thương. Sống tinh thần Mùa Chay cách tích cực là “vui vẻ dâng hiến” (x. 2Cr 9,7), là “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (x. Mt 6,4). Điều này đòi hỏi mỗi người luôn biết cởi mở đối với người khác, nhạy cảm nhận ra nhu cầu của anh em mình và cảm thông với những nỗi đau buồn của họ để chân thành chia sẻ và mau mắn giúp đỡ.

Như thế, sống tinh thần Mùa Chay cách tích cực là nỗ lực cầu nguyện trong tin yêu phó thác, thực hành việc khổ chế cách thật lòng và thi hành bác ái cách quảng đại hơn. Tất cả những việc này cần được làm trong âm thầm vì tin rằng Thiên Chúa hiện diện nơi kín đáo và thấu suốt những gì bí ẩn. Có như thế, chúng ta không còn sợ bị coi là “dại khờ” trong một thế giới hưởng thụ và đề cao hiệu năng. Hơn hết, chúng ta không làm những điều này chỉ trong ý thức khổ hạnh cá nhân nhưng là để hướng về ơn cứu độ. Hội Thánh muốn con cái mình đón nhận sứ điệp cứu độ với một tấm lòng quảng đại đặc biệt.

Một khi khám phá ý nghĩa năng động đích thực của Mùa Chay, mỗi người tín hữu sẽ vui tươi bước đi trên con đường hẹp để trở về với Chúa, một “hành trình vòng” băng qua sa mạc của cõi lòng, một cuộc chiến đấu liên lỉ với những cám dỗ trong cuộc đời. Cùng lúc nhìn lại các phương thế sống bốn mươi ngày chay thánh, các tín hữu không còn coi Mùa Chay như là đến lúc phải thực hiện ăn chay hãm mình trong một khoảng thời gian nhất định, để trang bị cho mình một chút sốt sắng đạo đức nào đó, hoặc để mở tay làm phúc bố thí cho kẻ này người nọ chút ít nhưng là một lời mời gọi tha thiết sám hối và canh tân với ý thức sâu xa rằng Mùa Chay là lúc thuận thiện: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân. Đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2).

“Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy để học biết Đức Kitô và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”[9].


[1] x. PHANXICÔ, Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 18/02/2018.
[2] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (04/12/1963), số 109; x. Những quy luật tổng quát về Năm phụng vụ và Niên lịch, số 27.
[3] x. MAI VĂN KÍNH, Ngũ Thư - “Ta sẽ chỉ cho”, Nxb Đồng Nai, 2021, tr. 297.
[4] x. Thánh thi Kinh Chiều ngày thường Mùa Chay Phần I.
[5] x. Kinh Tiền tụng Chúa Nhật I Mùa Chay.
[6] x. PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), số 3.
[7] x. Lời nguyện Thứ Tư Lễ Tro.
[8] x. Lời nguyện Làm phép Tro.
[9] Lời nguyện Chúa Nhật I Mùa Chay

Tác giả: Xuân Giang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập163
  • Máy chủ tìm kiếm60
  • Khách viếng thăm103
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,017,207
  • Tổng lượt truy cập79,020,658
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây