Một triết lý về cái đẹp

Thứ năm - 04/05/2023 05:14  2186
3025 face vector wallpaperKhát vọng về cái đẹp hay “Mỹ” là một khát vọng rất người, một khía cạnh không thể tách rời của hữu thể người cùng với hai khía cạnh “Chân và Thiện”. Dù trong bất cứ hoàn cảnh và giai đoạn nào của lịch sử nhân loại, khát vọng vươn lên cái đẹp tuyệt đối luôn là một khát vọng sâu xa và làm nên bản chất của con người. Nếu “Chân” là đối tượng riêng của trí năng, “Thiện” là đối tượng của ý chí phải hướng tới, thì “Mỹ” lại là đối đối tượng làm cho chủ thể thích thú, một đối tượng liên quan đến sinh hoạt tình cảm[1]. Như thế, có thể nói cái đẹp là một phần ý vị của cuộc sống, cái đẹp cách nào đó làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa và đáng sống hơn[2], và cùng với khát vọng “Chân” và “Thiện”, con người vươn tới hữu thể tuyệt đối là chính Thiên Chúa, Đấng là “Chân - Thiện - Mỹ”.

Trong dòng chảy lịch sử, cách riêng lịch sử thẩm mỹ, con người đã không ngừng tìm hiểu về cái đẹp, chiêm ngưỡng nó và cảm thụ nó. Thế nhưng, mỗi thời cảm quan về cái đẹp lại có những đổi khác và đặc trưng riêng, nên dù cố gắng đến đâu, con người mỗi thời cho tới ngày nay vẫn loay hoay tìm cách định nghĩa về cái đẹp cũng như tìm ra những tiêu chuẩn chắc chắn cho cái đẹp, một nhiệm vụ không hề đơn giản. Plato đã nói "Cái gì đúng là đẹp", nghĩa là ông đã thấy sự gần gũi trực tiếp giữa cái Đẹp và chân lý, còn Aritote lại nói đến khái niệm về “trật tự” trong nghệ thuật, hay cái đẹp và cái tốt trong cuộc sống, nghĩa là một sự hài hòa, cân đối trong nghệ thuật. Trong khi đó, E.Kant đã có câu nói dí dỏm nổi tiếng để nói về tính chất chủ quan này khi phán xét về cái Đẹp, ông bảo: "Vẻ đẹp của người phụ nữ không phải là đôi má ửng hồng như trái táo, mà là ở trong đôi mắt của kẻ si tình"[3]… và còn vô số những học giả, những nhà nghiên cứu cũng đưa ra những định nghĩa về cái đẹp. Tuy nhiên vẫn không thể có một định nghĩa hay một tiêu chuẩn nào mang tính phổ quát và chắc chắn, đúng như Denis Diderot đã nhận định: “Những gì mà thiên hạ nói đến nhiều nhất lại thường là những điều mà người ta biết ít nhất, và cùng với bao vấn đề khác, vấn đề cái đẹp là như thế. Tất cả mọi người đều lý luận về cái đẹp, người ta ngưỡng mộ nó… người ta đòi hỏi nó trong các tác phẩm nghệ thuật, người ta thường xuyên thừa nhận hoặc phủ nhận cái tính chất ấy…” nhưng không hiểu và không thống nhất về nó[4].

Tuy thật khó để có một định nghĩa và một tiêu chuẩn chắc chắn về cái đep, vì mọi định nghĩa, mọi tiêu chuẩn về cái đẹp chỉ phảng phất những hương vị, những hình bóng bất toàn về hữu thể Mỹ tuyệt đối là Thiên Chúa, nhưng trong giới hạn bài viết, ta có thể dựa vào quan điểm của thánh Tôma Aquino về cái đẹp và những tiêu chuẩn của nó. Thật vậy, thánh nhân đã đưa ra một định nghĩa khá hợp lý khi ngài cho rằng “cái đẹp là cái hễ nhìn thấy là thích”[5],  nghĩa là gây sự thích thú và tạo cho người cảm thụ những cảm giác tích cực. Thật thế, quan năng và lòng muốn của chúng ta thường bị thu hút đến những gì được gọi là đẹp. Nhiều cái đẹp đôi khi làm chúng ta mê mẩn nhưng không biết vì sao. Chúng ta chỉ biết chúng đẹp vì chúng ta cảm thấy thích nó, muốn chiêm ngưỡng hay thưởng thức nét đẹp đó. Cái đẹp đánh vào ngay trực giác của lòng muốn và cuốn hút chúng ta một cách rất tự nhiên. Nhưng nói đến lòng muốn hay niềm thích thú thì mỗi người mỗi khác nhau. Định nghĩa cái đẹp của thánh Thomas phần nào nói lên rằng cái đẹp chịu ảnh hưởng phần nhiều nơi sở thích chủ quan của mỗi người.

Cùng với đó, thánh nhân còn nêu lên ba nền tảng của vẻ đẹp đó là sự hài hòa cân xứng, tính toàn vẹn, đầy đủ và tính sáng chói của nó. Những sự vật nào có được những nền tảng trên đều là đẹp về mặt khách quan, còn tính chủ quan là thuộc về cách đánh giá của mỗi người và tùy theo thị hiếu mỹ học của từng trường phái, từng thời thì khác nhau. Theo đó, một vật nào đó là đẹp khi thể hiện đầy đủ các phần nó buộc phải có, thiếu một phần quan trọng hay chính yếu, chẳng hạn một bức tượng bán thân lại thiếu đôi mắt, hay bể mũi,nó sẽ trở nên xấu, khó hiểu và làm nản lòng người khác, đó là tính toàn vẹn. Về tính hài hòa cân đối các thành phần của đối tượng chẳng những đầy đủ, lại phải còn cân đối với nhau nữa, phải cân đối, ta mới thấy tính thống nhất của đối tượng, chẳng hạn đầu một người lớn lại đặt trên cổ và thân của một em bé, thì sẽ thật khó hiểu và mất tính thẩm mỹ. Càng thống nhất, càng hợp với luật của trí khôn, càng dễ hiểu và gợi cảm. Và để được coi là đẹp thì sự vật đó phải đảm bảo tính sáng chói nổi bật, nghĩa là cần phải hiển hiện rõ trước trí khôn và thu hút người cảm thụ với những đặc tính nổi bật mà đa số người cảm thụ đều nhận ra[6].

Tóm lại, có rất nhiều tiêu chuẩn để đánh giá cái đẹp, không chỉ những yếu tố khác quan, chủ quan mà còn cả những yếu tố mang tính siêu hình. Như thế, khi tìm hiểu về cái đẹp ta thấy rằng cái đẹp thường nghiệm là điều mang tính chủ quan nơi mỗi người là điều chắc chắn. Nhưng ở góc độ khác quan và siêu hình, cái đẹp nằm ngay nơi bản chất hiện hữu của sự vật. Không cần con người cho là đẹp thì nó vẫn là đẹp khi tham dự vào cái đẹp tuyệt đối nơi Đấng tuyệt đối. Tuy vậy, quan niệm về cái đẹp là vấn đề con người đặt ra và nói cho cùng sự vật dù đẹp đến mấy nhưng không có người chiêm ngắm thì cái đẹp cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tạo hóa sáng tạo mọi sự là cho con người và vì con người do vậy nói đến cái đẹp người ta thường gắn với sở thích chủ quan của mỗi người là như thế.

 

[1] Trần Văn Hiến Minh, Con người suy tư về giá trị sinh hoạt của mình, tr 324
[3] /SangkienOpenEdu/posts/1419985921462408/
[4] Denis Diderot, Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật, Nxb Tri Thức, tr 93-94
[6] Trần Văn Hiến Minh, Con người suy tư về giá trị sinh hoạt của mình, tr 3326-327
 

Tác giả: Khiêm Nhu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập92
  • Máy chủ tìm kiếm57
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay44,209
  • Tháng hiện tại276,521
  • Tổng lượt truy cập77,070,769
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây