Quy luật "chuyển hoá" của Thiên Chúa
Thứ hai - 05/06/2023 09:21
1112
Ở cuối hành lang nhà nguyện, bên cạnh phòng thánh, một bà Sơ già đang đốt những chiếc lá dừa, và những cành thiên tuế của Lễ Lá năm trước, để chuẩn bị cho ngày Thứ Tư Lễ Tro năm nay. Nhìn những ngọn lửa lem lém liếm lên, Sơ âm thầm từ biệt từng chiếc lá, sau khi lá đã cháy hết, nhìn đống tro tàn trên đất, lòng Sơ dâng lên bao điều nghĩ ngợi: nếu Sơ muốn nhìn lại những chiếc lá khô cách đây chừng một phút, thì có nại đến tất cả các thế lực trên toàn thế giới này cũng không thể làm được… Chăm chú nhìn đống tro tàn, Sơ hầu như muốn nhận ra thi hài từng chiếc lá, giữa những hạt tro giống hệt nhau, Sơ muốn tìm ra: đâu là tro của những chiếc lá dừa, đâu là tàn của những cành thiên tuế, rồi chốc nữa, Sơ lấy một ít để dọn lễ, số còn lại chẳng rõ kết cuộc thế nào: nếu tan tác theo gió, thì bay đến những đâu, tro của lá dừa bay vào nhà ai, tàn của thiên tuế lạc đến chốn nao, nếu Sơ đổ ra vườn, nó sẽ nuôi dưỡng được những cây nào… lòng Sơ ngập tràn những câu hỏi mông lung không lời đáp…
Nhìn dãy hành lang dài, Sơ nhớ lại ngày: trước Lễ Lá năm ngoái, bọn trẻ trong giáo xứ ngồi xúm xít lại để gấp những chiếc lá dừa: các bé gái thì gấp hoa hồng, lồng đèn, chong chóng, các bé trai thì gấp máy bay, tàu lửa, con rết, cào cào… Sơ cứ để cho lũ trẻ mặc tình: tạo ra những sản phẩm chúng ưa thích. Đối với bọn trẻ, những cành lá chỉ là phương tiện để chúng tha hồ tự do sáng tạo, nhưng, đối với Sơ, mỗi chiếc lá ấy là một mầu nhiệm mà Sơ hằng chiêm ngắm và suy đi nghĩ lại trong lòng. Với đôi mắt chiêm niệm, Sơ nhìn thấy có cả mặt trời trong từng chiếc lá dừa, có cơn mưa trong từng cành thiên tuế. Không có mặt trời, không có cơn mưa, sao có được những chiếc lá này, thậm chí, Sơ còn nhìn thấy các anh chị Giáo Lý Viên đã trèo lên cây dừa, để chặt những cành lá cho Sơ, Sơ hình dung ra từng khuôn mặt một, Sơ nhìn thấy cả cha mẹ của các anh chị, những người mà trước đây đã từng học các lớp giáo lý dự tòng, hôn phối của Sơ, họ đã lưu truyền sự sống và đã tảo tần, khó nhọc để nuôi dạy các con cái mình… Sơ nhìn thấy: mặt trời, cơn mưa, đất đai, các khoáng chất làm cho hạt giống nảy mầm, kết trái, Sơ nhìn thấy biết bao lớp người, biết bao thế hệ đã, đang, và sẽ qua đi… Tất cả đều tụ họp lại trong những chiếc lá đơn sơ dung dị này.
Liệu rằng Sơ có thể làm cho những chiếc lá này từ “có” trở thành “không” được chăng? Dù có đốt những chiếc lá thành tro, thì Sơ cũng không thể là cho những chiếc lá từ “có” thành “không” được. Quan sát tiến trình đốt lá của mình, Sơ nhận thấy những chiếc lá được tiếp nối với những hình thái khác nhau: ban đầu, chúng chuyển hóa thành sức nóng, mà nếu Sơ chạm tay quá gần, thì sẽ, có thể bị phỏng, chúng chuyển hóa thành sức nóng, năng lượng đi vào không gian, vào trong người Sơ, mà nếu có máy đo, Sơ cũng có thể đo lường được nhiệt lượng của chúng theo từng khoảng cách xa gần. Tiếp đến, chúng biến thành khói, khói bay lên hòa nhập với một đám mây nào đó, sau này, biết đâu nó sẽ trở thành giọt sương, hạt mưa rơi trên đầu Sơ, hay lẫn vào trong tách trà, chén súp để nuôi dưỡng Sơ. Rồi cuối cùng, những chiếc lá sẽ biến thành tàn tro, Sơ đem đổ ra vườn, thế rồi, hình thái mới của tàn tro sẽ là những lá cỏ hay bông hoa nào đó sau này. Từ đó, Sơ nhận ra rằng: những chiếc lá không thể từ “có” mà trở thành “không” được, chúng chỉ chuyển từ hình thái này sang hình thái khác mà thôi. Mỗi chiếc lá luôn chất chứa những điều kỳ diệu của Thiên Chúa, mà vì những bận rộn, to toan của cuộc sống này, chúng ta đã vô tình giẫm đạp lên những mầu nhiệm mà không hay biết. Đứng trước mỗi chiếc lá, thái độ của những người chiêm niệm là: Thôi hỡi trần gian! Im tiếng đi mà chiêm ngắm những kỳ công của Thiên Chúa…
Quy luật “chuyển hóa” của Thiên Chúa cũng chính là quy luật của ơn cứu độ. Ơn cứu độ xuất phát từ một mình Thiên Chúa, được chuyển hóa qua trung gian một Đấng Cứu Độ Duy Nhất là Đức Kitô, rồi đến, một Hội Thánh Duy Nhất, là bí tích cứu độ của toàn thể nhân loại…
Khi sắp có một cơn bão, mà lại là siêu bão, đang đổ bộ vào đất liền, thì các trung tâm dự báo thời tiết, chính quyền địa phương các cấp không chỉ dùng một phương tiện, hay một cách thức duy nhất để thông tin đến người dân, nhưng, họ sẽ dùng mọi phương tiện, mọi cách thức: để thông tin về cơn bão, đến được với người dân cách sớm nhất, nhanh nhất, chính xác nhất, nhằm giúp người dân có thể nhanh chóng di tản, và có những biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất, hầu giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Thiên Chúa còn hơn thế nữa, Người muốn cứu độ toàn thể nhân loại này, vì thế, Người không chỉ dùng một phương tiện, một cách thức nghèo nàn nào đó, nhưng, ơn cứu độ của Thiên Chúa luôn mặc lấy “thiên hình vạn trạng” những hình thái khác nhau, có thể nói, thế giới có bao nhiêu tỷ người, thì Thiên Chúa có bấy nhiêu tỷ cách, và còn nhiều hơn thế nữa, để cứu độ con người.
Thánh Gioan cố tình để cho Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất, 7 lần tuyên bố: “Ta là…”, trong Thánh Kinh, con số 7 là con số dành cho Thiên Chúa, chỉ sự trọn vẹn nhất, viên mãn nhất, vô cùng vô tận. Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Viên cũng có loạt bài Đức Giêsu Kitô – Đường… Đường Sự Thật, Đường Tình Yêu, Đường Ánh Sáng… Đấng Cứu Độ, ơn cứu độ của Thiên Chúa luôn mặc lấy “thiên hình vạn trạng” những hình thái khác nhau nơi các tôn giáo, các nền văn hóa, các đảng phái chính trị… như bức tượng đã có sẵn trong khối đá cẩm thạch, việc của chúng ta là đục đẽo, lấy đi những gì dư thừa, để Đấng Cứu Độ, ơn cứu độ của Thiên Chúa được tỏ hiện ra mà thôi.
Thật vậy, Đức Kitô là Đấng Cứu Độ Duy Nhất, là những con đường cứu độ bất tận, mang vô vàn hình thái cứu độ khác nhau. Ơn cứu độ là sáng kiến của Thiên Chúa, Người mở ra vô vàn vô số những con đường, để mời gọi chúng ta bước vào hưởng ơn cứu độ của Người. Trong Lời Nguyện Hiến Tế, Đức Giêsu thưa với Chúa Cha rằng: Những kẻ Cha ban cho Con, Con sẽ không để mất một ai, ngoại trừ, đứa con hư hỏng… Đứng trước trăm vạn nẻo đường, vô vàn hình thái của ơn cứu độ, có bao nhiêu người: biết dùng ý chí tự do để chọn cho mình một con đường, một lối rẽ hướng về ơn cứu độ mà Chúa đã dành sẵn cho ta, hay lại để mình bị sa lạc, bị liệt vào số những đứa con hư hỏng? Tất cả đều tùy thuộc vào tự do chọn lựa của chúng ta.
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB