Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật?

Thứ tư - 15/05/2024 09:17  1042
adobestock 547452107 900x900Bất kỳ ai muốn tiếp cận với Đức Kitô đều phải tự mình trả lời câu hỏi mà chính Ngài đã đặt ra: “Người ta bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 13), hay “Anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15). Khi đối diện với vấn nạn này sẽ có nhiều người đưa ra những giải đáp khác nhau[1]. Có người cho rằng Ngài là ông Gioan Tẩy giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó (Mc 8,28); có người coi Đức Kitô chỉ là một nhân vật hư cấu, một huyền thoại; có người lại cho Ngài chỉ là một nhân vật lịch sử, một nhà lãnh đạo hay sáng lập tôn giáo[2]; có người nhìn Ngài chỉ là một nhân vật được kinh nghiệm về Thiên Chúa cách đặc biệt, một người được giác ngộ[3]; thậm chí có người thờ ơ và chẳng quan tâm Ngài là ai. Tuy nhiên, dựa trên nền tảng Mạc khải, Kinh Thánh và Thánh Truyền, khi trình bày về căn tính của Đức Giêsu Kitô, Huấn quyền Giáo hội xác tín và long trọng tuyên bố “Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật trong một Ngôi vị duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa”. Như vậy, Đức Giêsu Kitô nằm ở vị trí trung tâm trong niềm tin của Giáo hội, trong đó mầu nhiệm “Thần-Nhân” hay Ngôi hiệp của Ngài chính là Nhà tạm thánh của Giáo hội. Do đó, vấn đề cốt lõi liên quan đến niềm tin và lối sống của người Kitô hữu hệ tại ở chỗ làm sao trả lời được câu hỏi Đức Kitô là ai?[4]

Thật vậy, dù Tân Ước không khẳng định một cách minh thị theo mặt chữ về sự duy nhất của Ngôi vị Đức Kitô[5], nhưng theo một nghĩa nào đó lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mc 16,16) đã thâu tóm toàn bộ đức tin Kitô giáo về mầu nhiệm Ngôi hiệp[6]. Theo đó, Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là người là một chủ thể đơn nhất, một ngôi vị duy nhất hiện hữu trong hai bản tính thiên tính và nhân tính. Đấng là Thiên Chúa thì cũng đồng thời là con người mà ngay trong lời tuyên tín ấy, một sự duy nhất như thế đã được diễn tả cách minh bạch[7]. Cũng vậy, những chứng từ trong Kinh Thánh như của thánh Gioan“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1) và “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14); hay của thánh Phaolô khi trình bày về mầu nhiệm tự hủy, Kenosis (Pl 2, 6-11)… cũng có ý nghĩa liên quan đến sự duy nhất của Ngôi vị Đức Kitô[8].

Tuy nhiên việc tuyên tín Đức Giêsu Kitô là Thiên chúa thật và là người thật không phải dễ dàng được đón nhận, nhưng gây ra rất nhiều tranh luận ngay từ những thế kỉ đầu. Thật vậy, quả là quá táo bạo và điên rồ khi coi một khuôn mặt đặc thù, hơn nữa ngày càng chìm mất trong mây mù quá khứ, như là quy chiếu tối hậu của tất cả lịch sử. Một điều không thể quan niệm nổi, đó là sự nối kết giữa LogosSarx, giữa Ý nghĩa phổ quát và khuôn mặt đặc thù trong lịch sử. Một lời tuyên xưng như thế quả thực là chuyện điên rồ đối với lý trí con người.[9] Những vấn nạn đó đã làm rung chuyển Giáo hội sơ khai trong năm thế kỉ đầu[10] và làm nảy sinh những cuộc tranh luận và lạc giáo. Theo đó, có hai lạc thuyết chính nằm ở hai đối cực của vấn đề, một bên là trường phải Alexandria vốn đề cao thiên tính của Đức Kitô, một bên là trường phái Antiokia vốn đề cao nhân tính của Đức Kitô[11]. Một bên thì tìm cách lý giải sự duy nhất của Đức Kitô nhưng lại đi tới chỗ không phân định một cách tương xứng giữa hai bản tính nơi Ngài; còn bên kia thì theo hướng ngược lại, tức là quá nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa hai bản tính đến độ chối bỏ luôn sự duy nhất của Đức Kitô.[12] Điển hình cho những lạc thuyết này là lạc thuyết Nestorio và Nhất tính thuyết mà đại diện chính là Eutykê và Điosscurô.[13] Cùng với đó là những lạc thuyết như Arius, Thuyết Apolinaire, Ảo thân thuyết hay Dưỡng tử thuyết… liên tục tấn công Giáo hội.

Trước những tranh luận đó, Giáo hội không thể làm ngơ hay im lặng. Thật vậy, Giáo hội gặp nhiều khó khăn trong việc chứng tỏ Đức Giêsu là con người, chống lại kẻ chối bỏ điều đó, giống như trong việc chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa.[14] Trái lại, sự xuất hiện những lạc thuyết này chính là lý do và cơ hội để Huấn quyền của Giáo hội đang khi phi bác những lạc thuyết thì cũng đồng thời minh định đức tin chân thực bằng một hệ thống các tín điều và thuật ngữ ngày càng chuẩn xác hơn[15]. Ngay từ các Công đồng đầu tiên, từ Công đồng Nicea (325) cho tới Constantinopoli III (681) đều bênh vực và xác tín về căn tính của Đức Kitô. Đặc biệt, Công đồng Chalcedonia năm 451 – Công đồng Kitô học, đã long trọng định tín về mầu nhiệm ngôi hiệp, theo đó “…chỉ có một và cùng một Chúa Con, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, chính Ngài toàn hảo trong thần tính và cũng chính ngài toàn hảo trong nhân tính, cũng chính ngài là Thiên Chúa thật và là người thật,[…] nơi Ngài có hai bản tính, không lẫn lộn, không thay đổi, không chia cắt, không phân ly (...)[16] Cũng vậy, Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, dưới ánh sáng của Công đồng Vaticanô II cũng tiếp tục khẳng định mầu nhiệm này.[17]

Như thế, từ lời tuyên tín chính thức của Giáo Hội, chúng ta thấy, trước hết, Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, nghĩa là sự duy nhất tính của Ngài bao gồm hai bản tính vừa hoàn toàn là Thiên Chúa (100%) vừa hoàn toàn là người (100%) tồn tại trong một Ngôi vị duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa[18].

Theo đó, là con người toàn vẹn, Đức Kitô có một thân xác và một linh hồn như chúng ta. Lời tuyên xưng cũng khẳng định cách dứt khoát Chúa Giêsu là một con người đích thực, một con người cao vời nhất qua sự phục vụ triệt để của Ngài.[19] Theo đó, “Ngài đã làm việc với đôi tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh nữ Maria a, Ngài đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta về mọi sự, ngoại trừ tội lỗi”.[20] Như thế, vì là một người nảy sinh giữa nhiều người, Đức Kitô đã đưa mình vào thế uốn xuống dưới bản thân, để thanh lọc, để điều khiển và để siêu kích hoạt, sự đi lên chung, nơi Người lồng mình vào, của các ý thức[21], nghĩa là nên người trọn vẹn để cứu độ chúng ta. Cũng vậy, chỉ có duy nhất Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người… không đến chỉ để cứu độ con người, nhưng còn để sửa chữa và để kéo con người ra khỏi tình trạng lấm lem và để ban cho nó tất cả bề rộng và sự trung thực trong thân phận con người[22]

Cùng với đó, là Thiên Chúa toàn vẹn, Ngài là Con Một Thiên Chúa, Sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.”[23] Vì là một Kitô triệt để  nên Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, và vì Ngài là Con Thiên Chúa, nên Ngài cũng chính là Thiên Chúa, một Thiên Chúa toàn vẹn.[24]

Tiếp đến, Công đồng Chalcédoine còn thêm bốn trạng từ cần ghi nhận để hiểu đúng mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người theo mạc khải: “Chỉ có một Đức Giêsu Kitô duy nhất, một con người duy nhất trong hai bản tính không lẫn lộn, không phân chia, không thay đổi, không tách rời”. Theo đó, không thay đổi vì Trong mầu nhiệm làm người, Con Thiên Chúa không trở thành một chủ vị khác; không lẫn lộn vì Thần tính là thần tính, nhân tính là nhân tính. Không thể có thần tính pha nhân tính, nhân tính pha thần tính; không phân chia vì Tình yêu làm cho nên một hai thực thể hoàn toàn khác biệt, khác biệt mà vẫn là một, là một mà vẫn khác biệt và không tách rời vì từ lúc Con Thiên Chúa làm người, không còn có thể tách rời con người Giêsu với Ngôi Hai Thiên Chúa nữa. Mãi mãi Ngôi Hai Thiên Chúa là Giêsu Nazareth và mãi mãi Giêsu Nazareth là Ngôi Hai Thiên Chúa…[25]

Như thế nơi Đức Kitô, chúng ta có thể nhận thấy sự tương nhập giữa thần học và nhân học, và cũng chính từ đó mà đức tin Kitô giáo có sức hấp dẫn hết sức đặc biệt.[26] Theo đó, toàn thể đời sống của Đức Giêsu Kitô đã xác nhận mạnh mẽ ngôi vị duy nhất của Người.[27] Sự ngôi hiệp không bao giờ bị gián đoạn, cả khi Đức Giêsu chịu khổ nạn và chịu chết. Do đó, sẽ không có được chiều sâu bản chất, nếu ta không rõ kẻ chịu đau khổ đó là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng ngang bằng với Thiên Chúa.[28] Những hành động minh chứng rằng Chúa Giêsu đã không chỉ hành động với sức mạnh tự nhiên của con người, nhưng với quyền năng của Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật. Đức Giêsu là mầu nhiệm Nước Thiên Chúa bằng xương bằng thịt mà nơi Người, tương lai là hiện tại, Vương quốc Thiên Chúa đang hiện diện nơi Người.[29]

Tóm lại, dù mầu nhiệm Ngôi hiệp mãi là mầu nhiệm mà lý trí con người không thể hiểu một cách thấu đáo như 2+2 = 4, bởi bất cứ ai chỉ muốn nhìn thấy Đức Kitô ngày hôm qua, thì sẽ không bao giờ tìm ra Ngài, và bất cứ ai chỉ muốn có Ngài của ngày hôm nay cũng tương tự như vậy, sẽ không gặp được Ngài.[30] Nhưng việc tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật sẽ là chìa khóa mở cánh cửa giúp chúng ta đi vào mầu nhiệm hiệp thông với Ngài.[31] Nhờ đó, chúng ta cảm nhận được tình yêu cao cả mà Thiên Chúa dành cho con người. Để rồi, càng biết Ðức Giêsu, thì càng biết về Thiên Chúa. Có điều là muốn biết Ngài, thì nhất thiết phải vâng giữ và sống theo lời Ngài (x. Ga 8:31-32; 14:21.23)[32].
 

[1] Cf. https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/VeDucKyto/GiesuKyto/02TinDieuNgoiHiep.
[2] Cf. Joseph Ratzinger, Đức Giêsu ở Nazareth, trọn bộ, Nxb. Tôn Giáo, tr. 335
[3] Cf. Joseph Ratzinger, Dẫn nhập Đức tin Kitô giáo, Nxb. Tôn giáo, tr. 37
[4] Cf. Fernando Ocariz-Lucas F. Mateo Seco-Jose Antonio Riestra, Mầu nhiệm Đức Kitô, Giáo trình Kitô học, TTHĐM, tr. 9
[5] Cf. Ibid. , tr. 148
[6] Cf. Ibid. , tr. 8
[7] Cf. Ibid. , tr. 141
[8] Cf. Ibid. , tr. 149
[9] Cf. Joseph Ratzinger, Dẫn nhập Đức tin Kitô giáo, Nxb. Tôn giáo, tr. 274-275
[10] Cf. Ibid. , tr. 301
[11] Cf. Fernando Ocariz-Lucas F. Mateo Seco-Jose Antonio Riestra, Mầu nhiệm Đức Kitô, Giáo trình Kitô học, TTHĐM, tr. 21
[12] Cf. Ibid. , tr. 141
[13] Cf. Ibid. , tr. 152
[14] Cf. Blaise Pascal, Suy Tưởng, Nxb Khoa học xã hội, số 764, tr. 321
[15] Cf. Fernando Ocariz-Lucas F. Mateo Seco-Jose Antonio Riestra, Mầu nhiệm Đức Kitô, TTHĐM, tr. 141-142
[16] Cf. Heinrich Denzinger, Các tín biểu, định tín và tuyên bố của Giáo hội Công Giáo trong lãnh vực đức tin, Lm. Nguyễn Văn Hòa chuyển ngữ, Nxb. Tôn Giáo, số 301-302
[17] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 464-469
[18] Cf. Angelo Scola-Gilfredo Marengo-Javier Prades Lopez, Nhân vị nhân học thần luận, Nxb. Tôn Giáo, tr. 276
[19] Cf. Joseph Ratzinger, Dẫn nhập Đức tin Kitô giáo, Nxb. Tôn giáo, tr. 302
[20] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, GS số 22
[21] Cf. Teilhard De Chardin, Hiện tượng con người, Nxb. Tri Thức, tr. 512-513
[22] Cf. ĐHY Robert Sarah, Chúa hoặc không, Đối thoại đức tin, tr. 309
[23] Cf. Kinh tin kính Công đồng Nicea-Constantinopoli
[24] Cf. Joseph Ratzinger, Dẫn nhập Đức tin Kitô giáo, Nxb. Tôn giáo, tr. 302
[25] https://tgpsaigon.net/bai-viet/suy-tu-ve-mau-nhiem-nhap-the-theo-luoc-do-than-hoc-cua-chalcedoine-Đức Tổng Gm Phaolo Bùi Văn Đọc.
[26] Cf. Joseph Ratzinger, Dẫn nhập Đức tin Kitô giáo, Nxb. Tôn giáo, tr. 301
[27] Cf. Angelo Scola-Gilfredo Marengo-Javier Prades Lopez, Nhân vị nhân học thần luận, Nxb. Tôn Giáo, tr. 276
[28] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu ở Nazareth, trọn bộ, Nxb. Tôn Giáo, tr. 341
[29] Cf. Joseph Ratzinger, Chết và sự sống đời sau, tìm hiểu cánh chung Kitô giáo, Nxb. Tôn Giáo, tr.55
[30] Cf. Joseph Ratzinger, Tuyển tập Joseph Ratzingert, Lieven Boeve và Gerdad Mannion biên soạn, Cao Viết Huấn dịch, tr. 136
[31] Cf. https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/VeDucKyto/GiesuKyto/02TinDieuNgoiHiep.htm
[32]Cf.  https://catechesis.net/khao-luan-ve-kito-hoc-duc-giesu-la-thien-chua-6/
 

Tác giả: Khiêm Nhu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập170
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm149
  • Hôm nay37,655
  • Tháng hiện tại898,016
  • Tổng lượt truy cập78,901,467
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây