Kinh Mân Côi là một lời kinh đơn sơ nhưng sâu sắc (RVM 1), một lời kinh quá dễ đọc nhưng lại rất phong phú (RVM 43); là một kinh nguyện giản dị nhưng hữu hiệu[1], cổ kính nhưng luôn mới mẻ; vốn có tính chất mộc mạc của lòng đạo đức bình dân, nhưng cũng có chiều sâu thần học của việc cầu nguyện thích hợp cho những ai cảm thấy nhu cầu chiêm ngưỡng thâm sâu hơn (RVM 39). Những nhà thông thái tìm thấy nơi các lời kinh này một giáo lý rất sâu xa, và những kẻ bé mọn lại gặp thấy nơi đó những giáo huấn quen thuộc nhất (SRs, Bông hồng 25[2]). Người ta sẽ không cảm thấy khô khan, nhàm chán, nếu xem kinh Mân Côi như một sự dâng trào của tình yêu không ngừng hướng về Đấng mình yêu mến, với những cách diễn tả tuy giống nhau trong nội dung, nhưng luôn luôn mới mẻ về phương diện cảm xúc (RVM 26).
Vào năm 2002, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Tông thư về Kinh Rất Thánh Mân Côi (Rosarium Virginis Mariae), trong đó công bố Năm của kinh Mân Côi (từ tháng 10 năm 2002 đến tháng 10 năm 2003) với mong muốn kinh Mân Côi sẽ được đặc biệt đề cao và cổ võ trong các cộng đồng Kitô giáo khác nhau (RVM 3). Đồng thời, ngài cũng mời gọi các Giám mục, Linh mục và các tín hữu tái khám phá vẻ đẹp và ý nghĩa trọn vẹn của kho tàng quý báu này (RVM 3 và 43).
Quả thực, kinh Mân Côi là một lời kinh có giá trị lớn lao trong đời sống người Kitô hữu, cùng với những hoa trái tốt lành thánh thiện mà nó đem lại. Đến nỗi có thể nói rằng lần chuỗi Mân Côi không những là việc nên làm mà còn là việc phải làm, vì đọc kinh Mân Côi là con đường chắc chắn của ơn cứu độ, “để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa” và “để dễ dàng mở cửa thiên đàng cho ta” (x. SRs, Bông hồng 29). Một trong những ý nghĩa mà kinh Mân Côi đem lại, là giúp con người bước vào một huyền nhiệm của sự gặp gỡ. Trong bối cảnh Giáo Hội đang phát triển một nền văn hoá gặp gỡ[3], theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, xin gợi ra một vài khía cạnh để sống huyền nhiệm gặp gỡ nơi lời kinh Mân Côi.
Như thế, chúng ta có thể nói như chân phước Bartolo Longo (1841-1926), vị tông đồ đích thực của kinh Mân Côi (x. RVM 8), rằng tràng hạt Mân Côi của Đức Maria chính là mối dây êm ái liên kết chúng ta với Thiên Chúa[5]. Mỗi khi đọc kinh Mân Côi là chúng ta gặp gỡ chính kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện nơi cuộc đời Đức Kitô, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Nơi kinh Mân Côi, chúng ta thực sự bước vào một cuộc gặp gỡ huyền nhiệm với Thiên Chúa Tình Yêu.
Gặp gỡ Đức Maria
Kinh Mân Côi rõ ràng là một việc sùng kính dâng lên Mẹ Thiên Chúa (RVM 4). Nếu hiểu thấu kinh Kính Mừng cách đúng đắn, chúng ta sẽ thấy đặc tính Thánh Mẫu học của lời kinh không đối nghịch với đặc tính Kitô học, trái lại, nó thật sự làm nổi bật và gia tăng đặc tính Kitô học (RVM 33). Quả thực, kinh Mân Côi đưa chúng ta tới bên Mẹ Maria một cách huyền diệu như khi Mẹ bận tâm chăm sóc đến sự tăng trưởng nhân bản của Đức Kitô trong ngôi nhà Nadarét. Điều đó giúp Mẹ có khả năng dạy dỗ chúng ta và uốn nắn chúng ta với cùng một sự chăm sóc, cho tới khi Đức Kitô được thành hình trọn vẹn trong chúng ta (x. Gl 4,19; x. RVM 15). Qua kinh Mân Côi, chúng ta để cho Mẹ hướng dẫn, giúp chúng ta thấm nhuần Tin Mừng[6]: “Ad Jesum per Mariam” (Đến với Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria).
Trong sự hài hoà với truyền thống của nhiều thế kỷ, Đức Mẹ khi hiện ra tại Fatima đã giải thích rằng kinh Mân Côi có thể được định nghĩa một cách đúng đắn là “lời kinh của Mẹ Maria”: lời kinh mà trong đó Đức Mẹ cảm thấy được liên kết với chúng ta một cách rất đặc biệt[7]. Từ phía con người, kinh Mân Côi đầy sức mạnh có thể giúp chúng ta chạm tới Trái Tim của Đức Mẹ. Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng để khắc sâu tình yêu đối với Mẹ Thiên Chúa trong tâm hồn, thì không có gì hiệu quả hơn cho bằng việc thực hành lần hạt Mân Côi. Kinh Mân Côi đưa tất cả những ai đặt tin tưởng nơi nó vào mối hiệp thông với Đức Mẹ. Thánh Josemaria Escriva dạy chúng ta hãy tìm biết Mẹ bằng cách sốt sắng lần hạt Mân Côi, để rồi từ đó có thể yêu mến Mẹ[8].
Nói về tương quan của người tín hữu với Đức Maria nhờ kinh Mân Côi, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận viết: “Chuỗi Mân Côi là dây ràng buộc con với Mẹ, là cuốn phim kỷ niệm con đường hy vọng của Mẹ […] Đừng bỏ chuỗi Mân Côi Mẹ đã trao và nhắn nhủ con sống như Mẹ, với Mẹ, nhờ Mẹ và trong Mẹ” (Đường hy vọng, số 922). Như thế, tràng chuỗi Mân Côi là một phương thế giúp chúng ta gần gũi thiết thân với Mẹ Maria. Một cách đặc biệt, với lời kinh Kính Mừng, chúng ta phó thác đời sống và giờ lâm tử của chúng ta cho lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ (RVM 33). Thánh tiến sĩ Hilariô (315-369) xác định: “Dầu tội lỗi đến đâu, nếu tôn sùng Mẹ, cũng không hư mất đời đời được”[9].
Gặp gỡ các thánh
Khi lần chuỗi Mân Côi là chúng ta đang bước theo các chứng nhân (RVM 8), bởi lẽ kinh Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Maria là một lời kinh được vô vàn các vị thánh yêu thích và được Huấn quyền khuyến khích (x. RVM 1). Rất nhiều vị thánh và nhiều vị Giáo hoàng trong Giáo hội yêu mến, siêng năng lần chuỗi và cổ võ việc thực hành đọc kinh Mân Côi. Vì thế có thể nói, chính kinh Mân Côi giúp chúng ta đi tới cuộc gặp gỡ thiêng liêng với các thánh. Những di huấn, cùng kinh nghiệm thiêng liêng và lời bảo đảm của các ngài về giá trị của kinh Mân Côi là những chỉ dẫn, định hướng và gợi hứng cho chúng ta trên hành trình nên thánh. Tất nhiên sẽ không thể nêu tên tất cả các vị thánh đã khám phá trong kinh Mân Côi một con đường đích thực để tăng trưởng trong sự thánh thiện (RVM 8). Ở đây, chỉ xin nêu ra một số vị thánh nổi bật:
Thánh Đaminh (1170-1221) là người có công rất lớn trong việc truyền bá kinh Mân Côi. Trong suốt đời mình, thánh nhân đã hết lòng chăm lo việc ngợi khen Đức Mẹ, rao giảng và khuyến khích mọi người tôn kính Mẹ bằng kinh Mân Côi (SRs, Bông hồng 8). Thánh Đaminh cũng giúp chúng ta hiểu rõ vị trí của kinh Mân Côi trong đời sống phượng tự Giáo Hội: “Sau Thánh lễ và kinh phụng vụ, không có sự tôn kính nào đẹp lòng Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Người bằng sốt sắng đọc kinh Mân Côi”.
Nói đến việc sùng kính Đức Trinh Nữ Maria nơi chuỗi Mân Côi thì không thể không kể đến thánh Louis Marie Grignion de Montfort (1673-1716), một vị tông đồ nhiệt thành của kinh Mân Côi. Ngài là tác giả của một tác phẩm xuất sắc về kinh Mân Côi: Le Scret admirable du très saint Rosaire pour se convertir et se sauver (Bí quyết diệu kỳ của kinh Mân Côi để được ơn hối cải và ơn cứu độ). Trong đó, thánh nhân chỉ cho mỗi người thấy sự tuyệt hảo của lời kinh này, cũng như hướng dẫn các tín hữu đọc kinh Mân Côi cách thánh thiện.
Gần chúng ta hơn là thánh Gioan Phaolô II (1920-2005), vị “Giáo hoàng của Đức Maria” với khẩu hiệu “Totus Tuus” (Tất cả của con là của Mẹ, con hoàn toàn thuộc về Mẹ). Không chỉ trung thành với việc lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày, chính thánh nhân đã thêm vào Năm mầu nhiệm sự Sáng để giúp mọi người chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc đời công khai nơi trần thế, “để tăng thêm sức mạnh Kitô học của kinh Mân Côi” (RVM 19).
Gặp gỡ tha nhân
Cầu nguyện chung là phần quan trọng trong đời sống cộng đoàn Kitô hữu. Chính Đức Kitô hằng hiện diện ở giữa và là linh hồn của cộng đoàn cầu nguyện: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (x. Mt 28,20; Ga 15,7.16). Việc đọc kinh Mân Côi thường diễn ra trong bối cảnh cộng đoàn giúp nối kết mọi người với nhau và với Chúa. Nhiều nơi vẫn giữ tập tục đọc kinh liên gia vào tháng 10, tháng Mân Côi Đức Mẹ. Đó là một truyền thống tốt đẹp, phản ánh tâm thức cộng đoàn, mà dân gian nhà đạo hay nói nôm na: “một kinh chung bằng thùng kinh riêng”. Giáo Hội cũng khuyến khích việc thực hành lần chuỗi Mân Côi trong các cộng đoàn lớn nhỏ: “Những ai lần hạt chung một chuỗi Mân Côi trong các nhà thờ hoặc nhà nguyện hay trong gia đình, trong cộng đoàn tu trì, trong hiệp hội đạo đức, hoặc khi nhiều người họp nhau nhằm mục đích tốt, thì được hưởng một ơn đại xá; còn đọc trong những hoàn cảnh khác, thì được hưởng một ơn tiểu xá”[10].
Kinh Mân Côi cũng là lời kinh cầu cho hoà bình, vì những hoa trái bác ái mà nó sản sinh. Khi được thực hiện tốt theo một thể thức suy ngắm đích thật, kinh Mân Côi dẫn ta đến gặp Đức Kitô trong các mầu nhiệm của Người, và vì thế, ta không thể không quan tâm tới dung nhan Đức Kitô nơi những người khác, nhất là nơi những người đau khổ nhất (x. RVM 40). Như thế, kinh Mân Côi cũng hướng sự quan tâm của các Kitô hữu tới những người nghèo khổ, bệnh tật, thấp cổ bé miệng, yếu thế… trong xã hội. Nhiều lời nguyện xin sau mỗi ngắm trong kinh Mân Côi hướng chúng ta tới việc sống mối tương quan tốt đẹp với người khác.
Hơn nữa, kinh Mân Côi cũng là và luôn luôn là lời kinh của gia đình và cho gia đình. Lời kinh này hết sức thân thiết với các gia đình và hẳn đã làm cho các gia đình xích lại gần nhau hơn. Thật vậy, gia đình mà cầu nguyện chung thì ở chung với nhau. Các thành viên trong gia đình, khi hướng mắt nhìn về Đức Kitô, thì cũng có được khả năng nhìn thẳng vào mắt nhau, thông hiệp, tỏ tình liên đới, tha thứ lẫn cho nhau và nhìn thấy giao ước tình yêu của họ được đổi mới trong Thần Khí của Thiên Chúa (x. RVM 41). Mà gia đình nào biết cầu nguyện chung sẽ giữ được sự hiệp nhất. Một gia đình hiệp nhất chắc chắn sẽ là một bảo đảm cho việc xây dựng một xã hội có trách nhiệm[11].
Ngoài ra, việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi còn giúp chúng ta nhận ra nhau, nhận ra mình cùng là môn đệ của Đức Kitô, con cái của Đức Mẹ. Chính kinh Mân Côi đã nối kết những tâm hồn khao khát sự thánh thiện… Cách đây không lâu có một hình ảnh rất đẹp được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Đó là bức hình một người đàn ông đứng tuổi làm nghề lái xe ôm trong lúc chờ khách, đang cầm tràng chuỗi trên tay để lần hạt. Thi sĩ kia bắt gặp, liền sáng tác bài thơ: “Sao anh siêng lần chuỗi?” và sau đó được một nhạc sĩ dệt thành ca khúc, với những lời thân thương: “Giữa phố phường rong ruổi/ Tràng chuỗi vẫn trên tay/ Theo bước anh từng ngày/ Chẳng ngại gì trời gió mưa”. Đọc bài thơ hay nghe bài hát, lòng nhiều người được đánh động, và liên tưởng tới một ca khúc khác có tựa đề “Sao em không lần chuỗi?” (lời thơ Xuân Ly Băng, nhạc Thông Vi Vu).
Gặp gỡ chính mình
Việc chăm chỉ đọc kinh Mân Côi mỗi ngày không phải chỉ là thói quen đạo đức tốt lành nhưng nó còn được hun đúc bởi đời sống nội tâm sâu xa trong những tâm hồn thánh thiện. Đức Phaolô III và thánh Giáo hoàng Piô V tuyên bố rằng: Kinh Mân Côi đã được lập ra và ban cho các tín hữu để họ chắc chắn đạt được sự bình an và niềm an ủi thiêng liêng (x. SRs, Bông hồng 29). Linh hồn nào càng thấm nhuần lời kinh này, sẽ càng được soi sáng trong tâm trí, càng được nồng nàn trong trái tim, và càng được mạnh sức để chống lại kẻ thù (x. SRs, Bông hồng 17).
Quả thật, khi chiêm ngắm về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu khi lần chuỗi Mân Côi, người tín hữu có thể nối kết với những biến cố buồn vui trong cuộc đời mình, cùng với những nỗi lòng, băn khoăn lo lắng, để dâng lên Chúa Giêsu và Mẹ Người. Bằng chính kinh nghiệm khi nhìn lại các khó khăn trong 25 năm thi hành chức vụ Giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II tha thiết mời gọi mỗi Kitô hữu bước vào sự cảm nghiệm một cách đích thân: “kinh Mân Côi đánh dấu nhịp sống của con người, khi làm cho nó hoà hợp với nhịp sống của Thiên Chúa, trong sự hiệp thông hân hoan với Thiên Chúa Ba Ngôi, định mệnh của cuộc sống chúng ta và khát vọng sâu xa nhất” (RVM 25).
Trong bài viết có tựa đề “10 lý do tại sao cần lần hạt Mân Côi” trên trang Dynamic Catholic, tác giả chỉ cho thấy sức mạnh hiện đại của lời kinh cổ đại. Kinh Mân Côi là một phương thế tuyệt vời cho phép chúng ta rời xa thế giới trong một thời gian ngắn để có được cái nhìn mới. Tất nhiên, kinh Mân Côi không thay đổi, nhưng chính bản thân chúng ta được thay đổi: thay đổi những thắc mắc, thay đổi những nỗ lực và mối quan tâm, thay đổi niềm tin và sự nghi ngại, thay đổi vị trí trong hành trình đi theo Chúa… Việc lần hạt Mân Côi thường xuyên khuyến khích chúng ta sống chậm lại, giúp chúng ta nhìn lại con người của mình và thách đố chúng ta trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình[12].
Ngoài ra, chúng ta có thể nhận thấy những ý hướng cầu nguyện mà Giáo Hội gợi ý sau từng ngắm trong kinh Mân Côi cũng hướng chúng ta đến việc sống tốt những mối tương quan. Tất nhiên, lời nguyện xin nào cũng là dâng lên Chúa nhưng nó cũng thể hiện khát vọng cháy bỏng của con người:
- Trong tương quan với Chúa: xin được giữ nghĩa cùng Chúa, vác thánh giá theo chân Chúa, sống xứng đáng là con Thiên Chúa, tin vào lòng Chúa thương xót, xứng đáng rước Mình Thánh Chúa, yêu mến những sự trên trời, lòng đầy ơn Chúa Thánh Thần.
- Trong tương quan với Đức Mẹ: xin noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa, xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ, xin Đức Mẹ phù hộ để được cùng Mẹ hưởng phúc thiên đàng.
- Trong tương quan với tha nhân: xin được ơn khiêm nhường, lòng khó khăn, chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng, vâng lời chịu luỵ.
- Trong tương quan với chính mình: xin được ăn năn tội cho nên, hãm mình, đóng đanh tính xác thịt, được ơn biến đổi, sống lại thật về phần linh hồn.
Tạm kết
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II từng khẳng định rằng kinh Mân Côi là một lời kinh kỳ diệu, kỳ diệu qua chính vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó (RVM 2). Sức mạnh của chuỗi hạt Mân Côi nằm ở sự đơn giản, đơn giản đến mức có thể được cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh nhưng lại là vũ khí cầu nguyện mạnh mẽ mà chúng ta có. Kinh Mân Côi đi vào giữa lòng đời sống Kitô hữu; nó trao ban một cơ hội quen thuộc nhưng đem lại nhiều hoa quả thiêng liêng và giáo dục cho đời sống chiêm ngưỡng cá nhân, đào tạo Dân Thiên Chúa và công cuộc Phúc Âm hoá mới (RVM 3). Trung thành với việc sùng kính và lần chuỗi Mân Côi mọi ngày, người ta sẽ đứng vững trong ân sủng của Thiên Chúa, và tấn tới trên con đường nhân đức trong cuộc sống hằng ngày (SRs, Bông hồng 39).
Qua kinh Mân Côi, con người có thể gắn kết cách mầu nhiệm với Thiên Chúa, bước vào cuộc gặp gỡ thiêng liêng với Đức Mẹ và các thánh, củng cố mối tương quan với nhau cũng như đi vào chiều sâu nội tâm trong cuộc gặp gỡ với chính bản thân mình. Nếu như kinh Mân Côi là một kinh nguyện phổ biến mà mọi tín hữu có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi, thì nó cũng giúp mỗi người có thể sống huyền nhiệm gặp gỡ ở mọi nơi mọi lúc. Nhờ yêu mến Kinh Mân Côi, năng đọc và suy ngắm các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng ấy mà chúng ta có thể nếm hưởng những hoa trái quý báu: “Ta hãy cố hái hoa tìm quả/ Quả cùng hoa rất lạ rất nhiều/ Rất thơm tho mỹ vị ngọt ngào/ Ngoạn hứng chỉn không bao là chán”[13].
Dẫu vậy, để kinh Mân Côi thực sự là lời kinh kết nối, giúp chúng ta bước vào một huyền nhiệm của sự gặp gỡ, thì trong việc thực hành, chúng ta cần am hiểu lời kinh trong tính chất biểu tượng phong phú của nó và trong sự hoà hợp đối với những yêu cầu của cuộc sống hằng ngày. Nếu không, kinh Mân Côi chẳng những có nguy cơ không làm phát sinh những hiệu quả thiêng liêng, mà ngay cả tràng hạt thường được dùng để đọc kinh, cũng có thể trở thành một loại bùa phép hay linh vật, như thế là bóp méo hoàn toàn ý nghĩa và công dụng của nó (RVM 28).
Các chữ viết tắt:
RVM: Tông thư Rosarium Virginis Mariae (16/10/2002) của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
SRs: The Secret of the Rosary của thánh Louis de Montfort, bản Tiếng Việt: Bí quyết diệu kỳ của Kinh Mân Côi, Đaminh Trần Thái Đỉnh chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2010.
[1] x. Bênêđictô XVI, Huấn dụ buổi triều kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô ngày 09/5/2012, trích theo: Tân Đan Sĩ, Kinh Mân Côi - Một kho tàng cần được tái khám phá, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2017, tr. 25.
[2] Những “bông hồng” trong bài viết này được trích từ cuốn: Louis Marie Grignion De Montfort, Bí quyết diệu kỳ của kinh Mân Côi để được hối cải và ơn cứu độ, Đaminh Trần Thái Đỉnh chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2010.
[3] x. Phanxicô, Tông huấn Fratelli Tutti (03/10/2020), số 215-221.
[4] Phaolô VI, Tông huấn Marialis Cultus (02/02/1974), số 47, x. RVM 12.
[5] x. Lời khẩn cầu dâng lên Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi của chân phước Bartolo Longo; trích theo: RVM 43.
[6] x. Bênêđictô XVI, Huấn dụ Buổi đọc kinh Truyền tin ngày 07/10/2012.
[7] Gioan Phaolô II, Diễn từ tại Fatima (13/5/1982), trích lại theo: Donald H. Calloway, Chuỗi ngọc: Kho tàng ân sủng trong tầm tay, Lm. Fx. Trần Kim Ngọc OP. dịch, Nxb Văn hoá - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr. 53.
[8] x. Josemaria Escriva, Tràng hạt Mân Côi, Đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2023, tr. 11.
[9] “Quantumcumque quis fuerit peccator, si Mariae devotus exstiterit, nunquam in aeternum peribit” (Cap. 12, in Matth.).
[10] Trích “Thủ bản về ân xá”, ấn bản 1999, Ân Ban số 17.
[11] GIOAN PHAOLÔ II, Huấn từ cho những người tham dự hành hương Năm Thánh của Cộng hoà Tiệp Khắc (01/4/2000), trích theo: Battistina Capalbo (sưu tầm), Gia đình trong trái tim và trong vai trò ngôn sứ của Đức Gioan Phaolô II, Lm. Augustinô Nguyễn Văn Dụ chuyển ngữ, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr. 268.
[12] x. Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời, Vi Hữu chuyển ngữ từ dynamiccatholic.com, theo WGPSG (01/10/2020): https://tgpsaigon.net/bai-viet/kinh-man-coi-doi-moi-cuoc-doi-61334
[13] x. Phiên bản thi ca của kinh Mân Côi: Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca của Phạm Trạch Thiện.
Tác giả: Xuân Giang
Nguồn tin: ĐẠI CHỦNG VIỆN BÙI CHU, Tập san Ra Khơi số 30, tr. 35-50