Máu các Thánh Tử đạo trên mảnh đất Bùi Chu

Thứ sáu - 15/11/2024 21:38  691
tudaovnVăn sĩ Tertulianô (khoảng 155/160-240) từng nói: “Sanguis martyrum semen christianorum”[1] (Máu các thánh Tử đạo là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu). Câu nói lừng danh này của ông đúng với dòng Máu của Chúa Giêsu, vị tử đạo vĩ đại, đã đổ ra trên Thánh Giá để Giáo Hội lan tới năm châu bốn bể. Và câu nói này cũng đúng với dòng máu đào của các thánh tử đạo Việt Nam, đã làm phát sinh một Giáo Hội rất phong phú, đa dạng, giàu sức sống, với một nguồn ơn gọi dồi dào như hiện nay.

Trong dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam, người ta ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã làm chứng cho đức tin và tình yêu đối với Chúa và anh em của mình. Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn lên bàn thờ 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam. Các thánh tử đạo Việt Nam là những bậc tiền nhân đã trung kiên trên hành trình thập giá để nên giống Chúa Giêsu. Dòng máu của các ngài đã đổ ra, tuôn trào, tưới gội Hội Thánh Việt Nam. Như thế, các ngài đã tự nguyện đi vào “con đường hạt lúa” chịu mục nát như chính Thầy đã trải qua: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).


1. Máu đào đổ ra minh chứng niềm tin
 
Không riêng gì tại Việt Nam, lịch sử của Giáo Hội nói chung là lịch sử của bách hại. Đức Giêsu, Đấng sáng lập Đạo Thánh, đã là nạn nhân bị lên án tử hình. Hầu hết các môn đệ của Ngài cũng đã chết vì nối gót Thầy Chí Thánh Giêsu. Các Kitô hữu đầu tiên tại Rôma đã bị truy bức suốt ba trăm năm. Khắp nơi và mọi thời, Đạo Chúa luôn luôn là đối tượng của nghi kỵ và phân biệt đối xử. Giáo Hội Việt Nam ngay từ lúc khai sinh, cũng đã trải qua những giờ phút đen tối đầm đìa mồ hôi, nước mắt và máu đào[2]. Chính trong những trang sử đau thương ấy lại bừng sáng tấm gương của bậc chứng nhân anh hùng tử vì đạo.

Trong Bài giảng Thánh lễ tuyên phong 117 vị thánh tử đạo Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Truyền thống của anh chị em nhắc chúng ta nhớ rằng lịch sử tử đạo của Hội Thánh Việt Nam từ khởi đầu đã rất phong phú và phức tạp. Từ năm 1533, nghĩa là từ lúc khởi đầu việc rao giảng Kitô giáo tại Đông Nam Á, trong suốt ba thế kỷ, Hội Thánh tại Việt Nam đã phải chịu những cuộc bách hại khác nhau, nối tiếp nhau, có đôi lúc ngưng nghỉ, như những gì đã xảy ra cho Hội Thánh phương Tây trong ba thế kỷ đầu tiên. Hàng ngàn Kitô hữu phải chịu chết vì Đạo, và rất đông là những người phải chết trên núi, trong rừng, nơi những miền đất độc hại họ bị lưu đày. Làm sao kể lại cho hết?”[3].

Quả thật, các thánh Tử đạo Việt Nam đã lấy tình yêu và máu hồng để tuyên xưng đức tin, tuyên xưng sự hiện diện sung mãn của Thiên Chúa trên mảnh đất hình chữ S này. Cái chết anh dũng và tấm lòng tha thứ bao dung dành cho những kẻ giết mình của các ngài lại là những lời rao giảng hùng hồn nhất về một Thiên Chúa là tình yêu, yêu đến nỗi chịu chết treo trên thập giá để cứu độ loài người. Dù sự sống hay sự chết, hoặc bất cứ sức mạnh nào cũng không tách các ngài ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu (x. Rm 8,38-39).

Khi những cuộc bách hại càng khốc liệt, càng đẫm máu thì đức tin của các ngài càng được nung nấu, càng được tôi luyện thành sắt thép vững chắc nhờ đức mến nồng nàn và đức cậy trông mạnh mẽ. Chắc hẳn lời tuyên xưng niềm tin của các thánh tử đạo Việt Nam không chỉ là lời tuyên bố trong một khoảnh khắc nhất thời trước khi chết, nhưng đó là hoa trái kết tinh từ một đời sống thấm nhuần Lời Chúa. Các ngài đã sống đức tin, đã thể hiện Tin Mừng yêu thương và lòng tha thứ trong chính đời sống của mình. Nơi các ngài, “đức tin ngời sáng tươi dòng máu đỏ, tình mến sắt son thắm sắc da vàng”. Và chính “dòng máu thắm tô đẹp cuộc đời, còn lưu danh thiên thu”.


Bùi Chu tự hào là mảnh đất được diễm phúc đón nhận hạt giống Tin Mừng đầu tiên tại Việt Nam (vào năm 1533). Nơi đây còn thêm vào trang sử hào hùng của Giáo Hội Việt Nam: trong số 117 vị thánh Tử đạo Việt Nam, có 26 vị sinh quán tại Giáo phận Bùi Chu và 18 vị phục vụ tại đây. Như vậy, Bùi Chu có 44 vị được tuyên thánh, trong số 514 tôi tớ Chúa và khoảng 16.500 người đã chết để làm chứng cho Chúa, thuộc hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và giáo dân trong Giáo phận Bùi Chu[4].


2. Trổ sinh những hoa trái dồi dào
 
Thư công bố Năm Thánh 2010 của Hội đồng Giám mục Việt Nam có viết: “Các thánh Tử đạo đã nhiệt tâm làm chứng cho đức tin đến độ dám hy sinh cả mạng sống. Máu các ngài đổ ra đã tưới thắm mảnh đất quê hương, trở nên hạt giống làm nẩy sinh nhiều cộng đoàn tín hữu trên đất nước Việt Nam”. Với xác tín Hội Thánh Việt Nam được trưởng thành nhờ dòng máu hào hùng của các chứng nhân đức tin, Toà Thánh đã sắp xếp lễ “Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo” vào đúng ngày thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam (1960), ngày 24 tháng 11 hằng năm.

Quả thực, Giáo Hội Việt Nam cũng như giáo phận Bùi Chu hôm nay được thừa hưởng một di sản đức tin quý báu, vì nhờ máu các thánh tử đạo đổ ra, là nguồn ân sủng chứa chan thấm nhuần sơn hà, làm cho cánh đồng truyền giáo ngày càng thêm màu mỡ, trổ sinh muôn hạt vàng tín hữu, trong đó có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ. Các thánh Tử đạo xưa là những người đã gieo trong nước mắt đau thương để Hội Thánh nay gặt trong vui mừng hân hoan.
  • Trổ sinh các Kitô hữu
Như Giáo Hội toàn cầu được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu trên thập giá và phát triển theo từng giai đoạn với những cuộc bách hại, Giáo Hội Việt Nam cũng đi lại những quãng đường gian khổ như thế trong lịch sử đời mình. Biết bao thế hệ tín hữu Việt Nam đã kiên cường giữ vững đức tin lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Những giọt máu hồng đổ ra vì đức tin thấm vào lòng đất Mẹ Việt Nam để làm những hạt giống đức tin sinh sôi nảy nở. Theo Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, tính đến tháng 8 năm 2022, Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam gồm 27 giáo phận với số giáo dân là 7.294.713 người, chiếm tỷ lệ 7,21% trên tổng số dân cả nước[5].

Riêng Giáo phận Bùi Chu, tại thời điểm tách từ địa phận Trung (Bùi Chu)[6] ngày 09/3/1936 có số giáo dân: 210.000 trong tổng số 900.000 dân (23,33%), cùng với 390 thầy giảng, 520 thánh đường lớn nhỏ, do 100 linh mục Việt Nam và một số thừa sai dòng Đaminh người Tây Ban Nha coi sóc[7]. Cho đến năm 1954, Giáo phận Bùi Chu đã là một giáo phận phát triển khá vững mạnh với 178 linh mục triều, 14 linh mục dòng, 78 đại chủng sinh, một số lớn nữ tu và khoảng 230.000 giáo dân trên tổng số gần 944.900 (24,45%) người dân trên địa bàn, với 103 xứ.

Sau biến cố di cư 1954[8], Giáo phận rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cả Giáo phận còn lại 35 linh mục hầu hết là già yếu, nhiều cha đã về hưu nay phải trở lại coi xứ, cùng với 54 thầy giảng và 90 nữ tu. Nhưng với ơn Chúa quan phòng, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và của cha thánh Đaminh, cùng với những hy sinh lớn lao của các vị chủ chăn và mọi thành phần dân Chúa, Giáo phận Bùi Chu đã vượt qua được những thăng trầm của lịch sử, để có được những thành quả tốt đẹp như ngày hôm nay. Và tất cả đều xác tín rằng đó cũng là hoa trái thơm tho nẩy sinh từ hạt giống đức tin mà các thánh tử đạo cha anh đã can đảm gìn giữ bằng chính mạng sống.

Theo thống kê năm 2021, số người Công giáo của Giáo phận Bùi Chu là 427.505, chiếm khoảng 33,3% tổng số dân trên địa bàn[9], được chia thành 13 giáo hạt với khoảng 180 giáo xứ và chuẩn xứ. Như vậy, hiện nay giáo phận Bùi Chu cùng với giáo phận Xuân Lộc là những nơi có tỷ lệ người Công giáo cao nhất tại Việt Nam, và Bùi Chu là Giáo phận có số tín hữu đông nhất tại miền Bắc và đứng thứ tư trong các giáo phận tại Việt Nam (sau Xuân Lộc, Sài Gòn và Ban Mê Thuột).
  • Trổ sinh ơn gọi dâng hiến
Máu các thánh Tử đạo đổ ra, được Lời Chúa làm cho nên phong phú, đang mang lại hoa trái dồi dào, mà các dấu chỉ nhận ra được hôm nay không chỉ qua số lượng tín hữu, mà còn thể hiện trong đời sống đức tin mạnh mẽ của Dân Thiên Chúa và con số ngày một gia tăng các ơn gọi tu sĩ và linh mục tại quê hương Bùi Chu. Tính đến tháng 11 năm 2024, linh mục đoàn tại Giáo phận Bùi Chu gồm hơn 260 linh mục triều (trong đó có 16 cha hưu dưỡng) và một số linh mục dòng. Trong Giáo phận hiện có khoảng 1.000 nữ tu. Ngoài ra, rất nhiều linh mục và tu sĩ xuất thân từ mảnh đất Bùi Chu hiện đang phục vụ tại các giáo phận và trong các Hội dòng khắp cả nước, cũng như ở hải ngoại.

Trong Giáo phận có Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu, chính thức tuyển sinh từ năm 2010, tiếp nhận và đào tạo cho các chủng sinh đến từ Giáo phận Bùi Chu cũng như một số Giáo phận khác. Học viện liên Dòng nữ Têrêsa Avila (hoạt động từ năm 2002) đào tạo Thần học cho các nữ tu thuộc các hội Dòng và Tu hội trong giáo phận.

Giáo phận Bùi Chu cũng là nơi khai sinh của một số Dòng tu. Dành cho nam, có Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc (CRM), được chính thức thành lập theo Giáo luật ngày 02/02/1953, tại xứ Liên Thuỷ, do cha Đaminh Trần Đình Thủ. Các dòng nữ: Dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao - Bùi Chu (1670, tái lập 1957) Dòng Nữ Đaminh Bùi Chu (1951); Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu (08/9/1946); Dòng Mẹ Thăm Viếng Bùi Chu (02/02/1960); Dòng Nữ Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương Bùi Chu (1962).
  • Hoa trái trong đời sống đức tin
Một đời sống đức tin trưởng thành thì không chỉ được lượng giá nơi những ngôi thánh đường nguy nga, hay những cuộc rước và lễ nghi hoành tráng nhưng cốt yếu ở lòng đạo đức. Người giáo dân Bùi Chu dù ở đâu cũng luôn yêu mến Thánh lễ và các Bí tích, tích cực tham gia vào đời sống Giáo Hội. Tại Giáo phận Bùi Chu hiện nay vẫn lưu giữ và thực hành những truyền thống đạo đức bình dân tốt đẹp như: dâng hoa kính Đức Mẹ, lần chuỗi Mân Côi, ngắm sự thương khó, nghi thức đóng đanh và táng xác… Đó là những nét son trong đời sống đạo, một khi được định hướng đúng đắn sẽ mang lại nhiều hoa trái thánh thiện.

3. Viết tiếp những trang sử hào hùng trên mảnh đất quê hương
 
Không hề nghi ngờ viên ngọc quá khứ Giáo Hội Việt Nam sáng ngời nhất trong mẫu gương can đảm, sự kiên trung của các tín hữu cha ông, đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin, thắng vượt mọi thử thách đau thương và cả cái chết[10]. Mà “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Vinh phúc lớn lao ấy cần được đón nhận với niềm kiêu hãnh thánh thiện và quyết tâm sống cho cân xứng. Nhắc lại tấm gương các thánh Tử đạo với lòng biết ơn cũng là cơ hội nhắc nhở nhau rằng “chúng ta là dòng giống các thánh tử đạo”, nguyện “tiếp nối đức tin của tổ tiên và truyền sang nhiều thế hệ tương lai”. Và nói như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: “chiêm ngắm chứng từ cao quý của các ngài để kích động đức mến, gia tăng đức cậy và củng cố đức tin mà đôi lúc bị thử thách bởi chính đời sống thường ngày của chúng ta”[11].

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta ơn đức tin qua hạt giống máu các thánh tử đạo. Nhưng hạt giống của máu tử đạo quý trọng ấy cũng cần những điều kiện để nẩy mầm vươn cao. Tử đạo hôm nay đối với các Kitô hữu không chỉ là dám chết mà còn là dám sống cho đức tin. Nếu ngày nay chúng ta không phải trải qua “tử đạo đỏ” thì chúng ta có thể chấp nhận những cuộc “tử đạo trắng” hoặc “tử đạo xanh” trong cuộc sống. Hào khí đau thương hiên ngang đến pháp trường “chết vì đạo” giờ được thay thế bằng hào khí vui tươi “sống vì đạo”, hầu trở nên những môn đệ, những tông đồ, những chứng nhân của tình yêu Chúa, sẵn sàng “đổ máu” trong hy sinh phục vụ để góp phần làm trong sạch hoá đức tin và làm lành mạnh hoá môi trường sống: “Thuyền ngược, nước xuôi, đời khó xử/ Trời lộn, đất nhào, đạo không lay”.

Lịch sử Giáo Hội Việt Nam nói chung và tại giáo phận Bùi Chu nói riêng được mong đợi sẽ không chỉ dừng lại ở các vị chứng nhân đức tin mà còn mở ra với các vị thánh khác: mục tử, hiển tu, đồng trinh và đủ loại thánh nam nữ như trong lịch sử Giáo Hội toàn cầu[12]. Ước gì ngọn lửa đức tin mà các bậc cha anh đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam. Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào lòng đất quê hương, cũng hoà trong huyết quản mỗi người tín hữu Việt Nam hôm nay để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái. Cha ông đã vo tròn, cháu con nguyện tiếp nối, viết lên những trang sử hào hùng trên mảnh đất thân thương, bằng thái độ sẵn sàng “đi ra” để đem về cho Chúa những mùa gặt bội thu. Tất cả đều được mời gọi “ra khơi với Đức Kitô” để thả lưới và bắt được nhiều “cá người” cho Thiên Chúa thay vì đứng yên trên bờ hay vui chơi trên bãi biển theo xu hướng cầu an hưởng thụ của con người thời nay.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhậm lời các ngài chuyển cầu mà cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng[13]. Xin cho chúng con là con cháu các ngài, biết can trường sống đức tin trong một thế giới dường như vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ.
 

[1] Tertulianô, Apologeticus (Hộ giáo), chương 50.
[2] Nguyễn Chí Linh, Bài giảng Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2010 tại Sở Kiện, Hà Nội, ngày 24/11/2009.

[3] x. Bài giảng của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong lễ tuyên phong 117 vị thánh Tử đạo Việt Nam ngày 19/6/1988, Đức ông Vinhsơn Trần Ngọc Thụ dịch từ nguyên bản tiếng Ý, theo WHĐ (18/6/2023): https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-giang-dgh-gioan-phaolo-ii-trong-le-tuyen-phong-thanh-117-thanh-tu-dao-viet-nam-ngay-19-6-1988-32723

[4] x. “Chương 26: Giáo phận Bùi Chu”, trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo Hội Công giáo Việt Nam: Niên giám 2016, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr. 534-535.
[5] x. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Bản Tổng hợp toàn quốc Thượng Hội đồng Giám mục cấp Giáo phận, theo WHĐ (15/8/2022): https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-ban-tong-hop-toan-quoc-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-cap-giao-phan-46380
[6] Giáo phận Bùi Chu trước đây thuộc về Địa phận Bùi Chu (1924-1936), Địa phận Trung (1848-1924), Địa phận Đông Đàng Ngoài (1679-1848), Địa phận Đàng Ngoài (1659-1679).
[7] x. “Chương 26: Giáo phận Bùi Chu”, trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo Hội Công giáo Việt Nam: Niên giám 2016, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr. 534-535; x. Trần Đức Huynh, Lịch sử địa phận Bùi Chu, Hội Ái hữu Bùi Chu tại Hoa Kỳ, 2000, tr. 158-159.176.
[8] Ngày 20/7/1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước. Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi, cha chính, cha văn phòng cùng với phần lớn các cha (khoảng 142 cha), trong đó có cha giám đốc, ban giáo sư đại chủng viện và chủng sinh, các bề trên và các hội dòng: Gioan Thiên Chúa, Đồng Công (nay là Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc), Khiết Tâm (thầy giảng Bùi Chu), Mân Côi, Đaminh, Mến Thánh Giá và Dòng Kín Cát Minh đã di cư vào miền Nam bằng nhiều phương tiện, cùng với trên 100.000 giáo dân.
[9] x. Đỗ Huy Hoàng, “Công giáo Bùi Chu trong lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam”, trong Viện Tôn Giáo Và Tín Ngưỡng - Toà Giám Mục Bùi Chu, Công giáo Nam Định: Lịch sử và hiện tại, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2022, tr. 43.
[10] x. Đào Trung Hiệu, “Toả sáng ngọc quý Nước Trời - Những bước thăng trầm của Giáo Hội Việt Nam 60 năm”, trong Tập san Hiệp thông / HĐGMVN, số 121 (tháng 11 & 12 năm 2020).
[11] Thư Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI gửi Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam dịp lễ khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện, ngày 24/11/2009.
[12] x. Đào Trung Hiệu - Nguyễn Ngọc Sơn, “Chương 12: Các thánh Việt Nam”, trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo Hội Công giáo Việt Nam: Niên giám 2016, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr. 204.
[13] Lời tổng nguyện Lễ các thánh Tử đạo Việt Nam (24/11).

Tác giả: Xuân Giang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập285
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm250
  • Hôm nay35,803
  • Tháng hiện tại896,164
  • Tổng lượt truy cập78,899,615
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây