Sống Năm Thánh 2025 trong viễn tượng truyền giáo
Thứ năm - 15/05/2025 05:14
306
Ngày Thế giới Truyền giáo trong Năm Thánh Hy Vọng 2025 sẽ được cử hành vào ngày 19 tháng 10, với khẩu hiệu: “Những nhà truyền giáo của niềm hy vọng giữa muôn dân”. Khẩu hiệu này nhắc nhở mỗi Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh - cộng đoàn những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội - về ơn gọi nền tảng của chúng ta, là những người bước theo Chúa Kitô, trở thành sứ giả và người kiến tạo hy vọng. Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 99 này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả tín hữu, từ trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, người trưởng thành cho đến người cao tuổi, hãy tích cực tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng chung của Hội Thánh bằng chứng tá đời sống, bằng lời cầu nguyện, bằng những hy sinh và lòng quảng đại của mình.

Tại Việt Nam, dưới sự ủy thác của Hội đồng Giám mục, Ủy ban Loan báo Tin Mừng nhận trách nhiệm xây dựng một lộ trình truyền giáo mang tính khả thi và bền vững, khởi đi từ Năm Thánh 2025, nhằm khơi dậy lòng nhiệt thành truyền giáo trong mọi thành phần Dân Chúa và góp phần kiến tạo nền văn hoá truyền giáo tại Việt Nam. Theo sát những đề nghị thực hành của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thư Mục vụ 2025 gửi cộng đồng Dân Chúa, Uỷ ban đã đưa ra một kế hoạch giúp các tín hữu sống Năm Thánh 2025 một cách ý nghĩa và thiết thực hơn, với bốn gợi ý cụ thể như sau: 1/hành hương cầu nguyện; 2/loan báo Tin Mừng từ gia đình; 3/sử dụng phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng; và 4/khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các cộng đoàn tín hữu.
Dựa theo giáo huấn của Giáo Hội, cùng những đề nghị của Uỷ ban Loan báo Tin Mừng, xin chia sẻ ba điểm thực hành để giúp mỗi Kitô hữu cùng chung nhịp bước với Giáo Hội trong Năm Thánh Hy Vọng này. Đó là: cầu nguyện để nuôi dưỡng niềm hy vọng; sống chứng nhân cho niềm hy vọng, và lên đường để gieo rắc niềm hy vọng. Đây cũng là những phương thế giúp mỗi tín hữu sống “tinh thần truyền giáo thường trực” mà Giáo Hội mong muốn. Tất nhiên những chỉ dẫn này không chỉ được thực hành trong Năm Thánh 2025 mà đòi hỏi cần được tiếp tục trong thời gian tiếp theo.
1. Cầu nguyện để nuôi dưỡng niềm hy vọng
Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo dạy: Việc cầu nguyện của Hội Thánh và của cá nhân nuôi dưỡng đức cậy (spes/espérance/hope: trông cậy/hy vọng) trong lòng chúng ta. Đặc biệt các Thánh vịnh, với ngôn từ cụ thể và đa dạng của chúng, dạy chúng ta đặt lòng trông cậy nơi Thiên Chúa, là nguồn hy vọng (x. Rm 15,13): “Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa, Ngài nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu” (Tv 40,2). Nói cách khác, đức cậy được diễn tả và nuôi dưỡng trong kinh nguyện, nhất là trong Lời Kinh của Chúa, là bản toát yếu của tất cả những gì mà đức cậy khiến chúng ta ước ao.
Với Thông điệp Spe Salvi, Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI lặp lại tư tưởng của Thánh Augustinô cho rằng cầu nguyện là trường học của hy vọng: “Bối cảnh thiết yếu đầu tiên cho việc học hỏi hy vọng là cầu nguyện. Khi không còn ai lắng nghe tôi nữa, Chúa vẫn nghe tôi. Khi tôi không còn có thể tâm sự hay kêu cầu được với ai, tôi luôn luôn có thể thưa với Chúa. Khi không còn ai giúp tôi biết xử sự thế nào trước nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng hy vọng của con người, Chúa có thể giúp tôi. Dù tôi bị đắm chìm ngập lụt trong cô liêu hoàn toàn...; nếu tôi cầu nguyện thì tôi không bao giờ hoàn toàn đơn côi”. Đó phải chăng cũng là lý do tại sao Thánh Augustinô lại định nghĩa: “Cầu nguyện là sức mạnh của con người và là sự yếu đuối của Thiên Chúa”.
Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô lại nhấn mạnh: “Chúng ta đừng quên rằng cầu nguyện là hành động truyền giáo đầu tiên, và đồng thời cũng là sức mạnh đầu tiên của niềm hy vọng”. Những nhà truyền giáo của hy vọng là những con người cầu nguyện, bởi vì “người có hy vọng là người cầu nguyện, đối tượng của lời cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng” như Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận từng viết trong cuốn Đường hy vọng (số 964). Cứ nhìn vào những con người cầu nguyện cách xác tín, chân thành thì hẳn niềm hy vọng nơi họ phải rất vững vàng, mạnh mẽ.
Để tiếp tục “sứ mạng hy vọng cho nhân loại”, mỗi tín hữu trước tiên phải phát triển “một đức tin trưởng thành vào Chúa Kitô” được nuôi dưỡng qua lời cầu nguyện. Quả thực, chính đời sống cầu nguyện củng cố niềm hy vọng và thúc đẩy trong lòng mỗi người khao khát loan báo niềm hy vọng cho người khác. Giữa vô vàn khó khăn và thử thách của cuộc sống, cầu nguyện duy trì sự nhìn nhận và lòng biết ơn của chúng ta, vì nó mang lại sức sống cho niềm hy vọng của chúng ta.
Cùng với đó, siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa, đặc biệt là cầu nguyện với Lời Chúa, cũng là những cách thế hữu hiệu để nuôi dưỡng niềm hy vọng. Bởi lẽ “những lời Tin Mừng truyền dạy chẳng là gì khác mà chính là giáo huấn của Thiên Chúa, là nền móng để xây lên đức cậy, rường cột củng cố đức tin, lương thực nuôi dưỡng tâm hồn, tay lái hướng dẫn đường đi, sự trợ giúp để đạt tới ơn cứu độ. Ở đời này, những lời ấy giáo dục tâm hồn các tín hữu đạo hạnh, và dẫn đưa họ vào Nước Trời”.
2. Sống chứng nhân cho niềm hy vọng
Trong một nền văn hoá bị công nghệ thống trị, những hình thức buồn bã và cô đơn mà con người (kể cả những người trẻ) đang rơi vào, dường như đang gia tăng gấp bội. Đây là lý do tại sao cảm giác u sầu và buồn chán nơi con người nảy sinh quá nhiều ngày nay, và dần dẫn đến tuyệt vọng. Trong thế giới ấy, chúng ta cần có những chứng nhân của niềm hy vọng và niềm vui đích thực, để xua đuổi những ảo tưởng hứa hẹn về hạnh phúc dễ dàng cùng với những thiên đường nhân tạo. Khoảng trống sâu sắc của nhiều người chỉ có thể được lấp đầy bằng niềm hy vọng mà chúng ta mang trong lòng và niềm vui đến từ niềm hy vọng đó. Thế giới không cần những thầy dạy hấp dẫn cho bằng những chứng nhân sống động của niềm hy vọng.
Trước đây, Đức cha Enrico Masseroni cũng từng nhận định: “Ngày nay, cơn cám dỗ mạnh nhất là cơn cám dỗ chống lại niềm hy vọng”. Đức Hồng y Godfried Danneels thì khẳng định: “Có một nhu cầu tối cần về niềm hy vọng. Thật vậy, cơn cám dỗ nặng nề nhất không phải là chống lại đức tin hay đức ái. Các thánh cũng đều bị cám dỗ chống lại đức cậy; như thánh nữ Têrêsa Lisieux, cha sở họ Ars. Và cơn cám dỗ chống lại đức cậy đến với người trẻ dưới hình thức thất vọng, nghi ngờ”. Năm Thánh là cơ hội để chúng ta sống “niềm hy vọng không làm thất vọng” (x. Rm 5,5). Mỗi dịp hiếu hỉ, mỗi biến cố trong đời là dịp để chúng ta làm chứng cho niềm hy vọng ấy. Nhưng đó phải là niềm hy vọng được bén rễ sâu trong niềm tin vào sự phục sinh của Đức Kitô, cắm mỏ neo vững chắc trong niềm hy vọng sự sống đời đời, chứ không phải cậy dựa vào sức mình hoặc những an ủi đến từ các thế lực trần gian. Cần tránh mọi hình thức ưu phiền, mê tín như thể những người không có niềm hy vọng (x. 1Tx 4,13).
Sống chứng nhân cho niềm hy vọng đồng thời cũng là làm chứng cho tình yêu tha thứ và giải thoát. Ý nghĩa sâu xa nhất của Năm Thánh luôn luôn là kinh nghiệm về sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Điều này sẽ càng trở nên quan trọng hơn khi đứng trước việc loan báo niềm hy vọng. Trọng tâm của Năm Thánh là thúc đẩy sự hoán cải và đổi mới thiêng liêng. Có kinh nghiệm về sự biến đổi tâm hồn, canh tân đời sống thì mới có những trải nghiệm sâu sắc về niềm hy vọng. Toà giải tội là nơi để mỗi tín hữu sống kinh nghiệm về sự đổi mới và nên giống Chúa Kitô hơn, để tiếp tục hành trình nên thánh trong tin yêu và hy vọng. Nói khác đi, toà giải tội là một nơi chốn đặc biệt để chúng ta sống chứng nhân cho niềm hy vọng.
Ngạn ngữ Latinh có câu: “Nemo dat quod non habet” (No one gives what they do not have/ Không ai có thể cho cái mình không có). Trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta phải “tràn đầy niềm hy vọng” (x. Rm 15,13) để làm chứng một cách khả tín và hấp dẫn về đức tin và tình yêu trong lòng chúng ta; nhờ đó chúng ta vui tươi trong đức tin, nhiệt thành trong đức mến; sao cho mỗi người có thể trao đi dù chỉ là một nụ cười, một cử chỉ thân tình, một cái nhìn huynh đệ, một sự lắng nghe chân thành, một sự phục vụ vô vị lợi, vì biết rằng, trong Thần Khí của Chúa Giêsu, điều này có thể trở thành hạt giống trổ sinh hy vọng nơi những ai đón nhận. Có như thế, chúng ta mới trở thành những nhà truyền giáo không mệt mỏi của niềm vui.
Ngoài ra, mỗi tín hữu còn được mời gọi trở thành những người mang niềm hy vọng vào những không gian mới của các quan hệ xã hội là phương tiện truyền thông xã hội và mạng xã hội, qua việc chia sẻ những nội dung tích cực, lan toả tin vui, tin mừng, sự hiệp nhất... Dưới đây là một vài gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở nên chứng nhân của niềm hy vọng trên môi trường kỹ thuật số: “Hãy khám phá và chia sẻ nhiều câu chuyện về lòng tốt ẩn giấu trong các bản tin, giống như những người tìm vàng đãi cát không mệt mỏi để tìm được một hạt vàng nho nhỏ. […] Hãy là chứng nhân và thúc đẩy một nền truyền thông không gây hấn; hãy giúp lan tỏa văn hóa chăm sóc, xây những nhịp cầu và phá bỏ những rào cản hữu hình lẫn vô hình của thời đại. Hãy kể những câu chuyện thấm đẫm niềm hy vọng, hãy quan tâm đến vận mệnh chung của chúng ta, và nỗ lực cùng nhau viết nên lịch sử cho tương lai”. Khi cố gắng tìm kiếm và chia sẻ những hạt giống hy vọng như thế, thế giới chúng ta sẽ bớt điếc lác trước tiếng kêu của người nghèo, bớt thờ ơ, và bớt khép kín vào chính mình.
3. Lên đường để gieo rắc niềm hy vọng
Năm Thánh 2025 cũng là một cơ hội tuyệt vời suy gẫm về giá trị đích thực của niềm hy vọng Kitô giáo, để chính bản thân mỗi người được niềm hy vọng nâng đỡ. Hy vọng Kitô giáo không chỉ là một cảm xúc hay một sự lạc quan thoáng qua, mà là một niềm xác tín sâu sắc được xây dựng trên nền tảng vững chắc của lời hứa Thiên Chúa. Hy vọng Kitô giáo không chỉ là cảm giác mong đợi điều gì đó tốt đẹp, mà còn là niềm tin chắc chắn vào tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa. Hy vọng cũng không phải là sự trốn tránh khó khăn hay tìm kiếm một con đường dễ dàng, mà là sự dũng cảm đối diện với mọi thử thách bằng niềm tin sâu sắc và lòng can đảm. Hy vọng Kitô giáo không chỉ là lời hứa về tương lai mà là sự hiện diện sống động ngay trong hiện tại. Trong tính năng động không thể tách rời của ba nhân đức đối thần, có thể nói rằng, hy vọng định hướng, hoặc vạch ra phương hướng và mục tiêu cho đời sống của người tín hữu. Như thế, “hy vọng” trở thành căn cước của Kitô giáo. Thánh Phaolô gọi các tín hữu là “những người có niềm hy vọng” (1Tx 4,11), khác với dân ngoại là những “kẻ thiếu hy vọng” (Ep 2,12).
Lên đường (hành hương) là đặc điểm của những người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Mà những người hành hương thì không thể thiếu niềm hy vọng. Một niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp phía trước. Một niềm hy vọng đặt để nơi tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô từng cảnh báo thái độ bi quan, cam chịu và hoài nghi: Một số người không dấn thân cho truyền giáo bởi vì họ nghĩ sẽ chẳng thay đổi được gì và có cố gắng bao nhiêu cũng vô ích. Và ngài kết luận rằng đó là một thái độ tự huỷ diệt, vì “người ta không thể sống mà không có hy vọng: cuộc đời sẽ trở nên vô nghĩa và không thể chịu đựng nổi”. Thậm chí có thể nói như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong một cuộc điện đàm với giới trẻ nhân chuyến thăm Hoa Kỳ vào năm 1987: “Không có hy vọng, chúng ta bắt đầu chết dần”.
Trong tinh thần cùng nhau loan báo Tin Mừng, những “nhà thừa sai của niềm hy vọng” không chỉ sẵn sàng lên đường đến với những vùng ngoại biên về mặt địa lý, mà còn mau mắn đặt bước chân đến với “những vùng ngoại biên hiện sinh” đang cần ánh sáng hy vọng. Trong suốt cuộc đời, cách đặc biệt trong Năm Thánh này, chúng ta được mời gọi trở nên những dấu chỉ hy vọng hữu hình cho những anh chị em đang sống trong những hoàn cảnh khốn cùng. Đó có thể là những tù nhân, bệnh nhân, giới trẻ, người di cư, người cao tuổi, người nghèo. Một trong những cách thế mà Giáo Hội khuyến khích là việc kích hoạt và thúc đẩy một “nền văn hoá phòng ngừa và bảo vệ”, làm cho các cộng đồng thành những nơi an toàn hơn cho các trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương. Nhưng thực ra, chính những thành viên yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội lại là những người dạy chúng ta cách sống trong hy vọng.
Khi bước theo Chúa Kitô, các Kitô hữu được kêu gọi truyền bá Tin Mừng bằng cách chia sẻ những hoàn cảnh sống cụ thể của những người họ gặp gỡ và do đó trở thành những người mang hy vọng và xây dựng hy vọng. Loan báo Tin Mừng không gì khác hơn là loan báo và làm cho con người ngày nay hy vọng vào Đấng Tuyệt Đối. Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội hướng tới sự viên mãn niềm hy vọng trời mới đất mới, là xác tín “quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Giáo Hội không trao tặng cho nhân loại một thứ hy vọng ngắn ngủi nhưng là niềm hy vọng của một đời sống vĩnh cửu.
Hành trang lên đường mà “những nhà truyền giáo của niềm hy vọng giữa muôn dân” cần đến là lòng can đảm và sự sáng tạo. Bởi lẽ, “sợ hãi không dám ra khỏi vùng an toàn thì chẳng bao giờ có sáng kiến đột phá. Ngại va chạm trong các sinh hoạt chung thì không thể cùng nhau làm được việc gì. Quá để tâm đến những chướng ngại cũng không thể nhìn xa và tiến xa hơn được. Cứ bám theo đường mòn lối cũ thì không bao giờ nhìn thấy hướng vào cao tốc...”. Hy vọng không phải là một món quà để giữ cho riêng mình, mà là một kho báu được chia sẻ và nhân rộng. Cha Pierre Teilhard de Chardin, SJ, nhắc nhở chúng ta: “Tương lai thuộc về những người trao cho thế hệ sau lý do để hy vọng”.
Trên đường hành hương của hy vọng, trên hành trình gieo rắc niềm hy vọng, chúng ta không lẻ loi. Chúng ta có Chúa Giêsu là Nhà Truyền Giáo thần linh của niềm hy vọng. Chúng ta có chứng từ hùng hồn nhất của niềm hy vọng chính là Mẹ Maria, ngôi sao hy vọng của chúng ta. Các Thánh Tử đạo cũng là những chứng từ thuyết phục về niềm hy vọng. Gần đây, chúng ta có thể kể đến Thánh Têrêsa Calcutta như một chứng nhân xuất sắc của hy vọng cho những người bị bỏ rơi trong cuộc sống, hay Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là “chứng nhân của một niềm hy vọng lớn lao không tàn lụi ngay cả trong những đêm đen của cô liêu”. Dẫu đối diện với thử thách của bệnh tật, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn tiếp tục sứ mạng của mình với tinh thần lạc quan và kiên vững. Ngài trở thành một biểu tượng của hy vọng, một thông điệp đặc biệt ý nghĩa trong Năm Thánh 2025.
Sống chứng nhân và loan báo niềm hy vọng không phải chỉ là một giải pháp “tức thời”, vào một thời điểm nào đó, nhưng là một cách thế truyền giáo năng động và lâu dài. Suy cho cùng, nếu hiểu truyền giáo là đem Chúa Giêsu đến với người khác thì cũng có thể nói truyền giáo là loan báo niềm hy vọng, bởi như Thánh Phaolô Tông đồ xác tín: Đức Kitô Giêsu chính là niềm hy vọng của chúng ta (x. 1Tm 1,1).
x. Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2025, Dẫn nhập và số 3.
x. Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng - HĐGMVN, Kế hoạch thực hiện sống Năm Thánh 2025 - Cùng nhau Loan báo Tin Mừng, theo WHĐ (23/11/2024): https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/uy-ban-loan-bao-tin-mung-ke-hoach-thuc-hien-song-nam-thanh-2025---cung-nhau-loan-bao-tin-mung
x. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục vụ 2025 gửi cộng đồng Dân Chúa: “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”, theo WHĐ (20/9/2024): https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-muc-vu-nam-2025-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-gui-cong-dong-dan-chua-%E2%80%9Ccung-nhau-loan-bao-tin-mung%E2%80%9D
x. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (1992), số 1820 và 2657.
Trích khảo luận của thánh Síprianô, giám mục, tử đạo, về kinh Lạy Cha; x. Bài đọc 2 Kinh Sách - Thứ Ba Tuần I Mùa Chay: Chúa Con ban sự sống cho ta và cũng dạy ta cầu nguyện.
x. Phanxicô, Chúa yêu thương con - Hành trang của người lữ hành trong hy vọng, John Toại, MI chuyển ngữ, Nxb Đồng Nai 2025, tr. 75-76.
x. Enrico Masseroni, Thầy đã làm gương cho anh em, Lm. Augustinô Nguyễn Văn Dụ chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2007, tr. 170.
x. Phanxicô, Sắc chỉ Spes non confundit (09/5/2024), số 18; x. Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 39 (năm 2024): “Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh” (Is 40,31), theo Vatican News (18/9/2024): https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-09/su-diep-dtc-ngay-gioi-tre-the-gioi-39.html
Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông năm 2025: “Hãy chia sẻ niềm hy vọng trong tâm hồn anh chị em một cách hiền hoà” (x. 1Pr 3,15-16).
x. Trần Phạm Hoàng Gia Thi, Hy vọng trong thời đại kỹ thuật số: Những đề xuất mục vụ cho giới trẻ, theo WHĐ (16/12/2024): https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hy-vong-trong-thoi-dai-ky-thuat-so-nhung-de-xuat-muc-vu-cho-gioi-tre
x. Phanxicô, Sắc chỉ Spes non confundit (09/5/2024), số 18.
x. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh XIV: Niềm hy vọng hồng phúc, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2016, tr. xi.
x. Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), số 275.
x. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Kỳ Lần Thứ XVI, Văn kiện chung kết (26/10/2024), số 150, bản dịch Việt ngữ để tham khảo của Lm. Lê Công Đức, PSS, Nxb Đồng Nai 2024, tr. 175-176.
x. Kiều Công Tùng, Thư mục vụ Mùa Chay và Phục Sinh 2025: “Chúng ta hãy cùng nhau bước đi trong hy vọng”, theo WGPPD (01/3/2025): https://phatdiem.org/hiep-hanh-huong-toi-nam-thanh/thu-muc-vu-mua-chay-va-phuc-sinh-2025-gm-phero-kieu-cong-tung.html
x. Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2025, số 1.
x. Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi (30/11/2007), số 49-50.
x. Phanxicô, Sắc chỉ Spes non confundit (09/5/2024), số 20.
x. Đức Hồng Y Roche: ‘Ngọn hải đăng hy vọng’ Thánh Têrêsa được tưởng nhớ trong các bản văn phụng vụ, theo Vatican News (13/02/2025): https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2025-02/dhy-roche-ngon-hai-dang-hy-vong-thanh-teresa.html
Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi (30/11/2007), số 32.
x. Vlog Năm Thánh số 9: Sống hy vọng ngang qua biến cố nhập viện của Đức Thánh Cha, theo Vatican News (05/3/2025).
Tác giả: Xuân Giang
Nguồn tin: ĐẠI CHỦNG VIỆN BÙI CHU, Tập san Ra Khơi số 32, tr. 16-27.