Kitô hữu Việt Nam sống chứng tá xưa và nay  

Thứ năm - 14/11/2024 04:33  413
Hội Thánh luôn ở trong tình trạng tử đạo. Đây là một lời xác quyết của các nhà Thần học về Giáo Hội suốt hơn 2000 năm qua. Đặc biệt với Giáo Hội Việt Nam, hạt giống đức tin vừa được gieo vãi năm 1533 những tưởng đã chết ngạt dưới  áp bức và giết chóc nhưng lại không ngừng trổ sinh hoa trái nhờ các chứng nhân Tử đạo. Xưa các ngài đã lấy máu mình để tuyên xưng niềm tin thì giữa thời đại 4.0 này, những người theo Chúa Kitô càng phải can đảm sống vì đạo qua tư tưởng, lời nói và đời sống chứng tá cụ thể. Vậy mới có câu: Xưa chết vì đạo – Nay sống vì đạo. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta cùng nhìn lại dòng  thời gian. 
 
00 00 martyr vn

Giáo hội Việt Nam phải trải qua nhiều thời kỳ chịu bách hại. Giai đoạn lịch sử thời 117 thánh Tử Đạo Việt Nam kéo dài đúng 117 năm, tính từ hai vị tử đạo tiên khởi 1745 là thánh Phanxicô Tế và thánh Matthêu Đậu đến vị cuối cùng 1862 là thánh Phêrô Đa, qua các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, đặc biệt với nhóm Văn Thân. Nhà cầm quyền thời đó đã dùng mọi hình phạt dã man để khủng bố tinh thần các vị Tử đạo Việt nam, nhưng các Ngài đã anh dũng chịu đựng vì Chúa. Không có hình phạt nào có thể tách rời các vị anh hùng ra khỏi tình yêu của Chúa.

Xưa nay có cách thức phân biệt các thánh tử đạo với các thánh giáo phụ, hiển tu, trinh nữ vv... Nhưng chúng ta quên rằng thánh nào cũng là thánh, và thánh nhân Kitô giáo nào trước tiên cũng phải là chứng nhân của Tin mừng. Cái chết "vì đạo" chỉ là một cách thức làm chứng, chứ không phải làm thay đổi bản chất người chứng của Chúa Kitô. Đọc lại sắc dụ cấm đạo được ban hành ngày 18-9-1855 để thấy được một phần nào những hình khổ mà các Ngài phải chịu: "Các quan theo đạo Giatô tại triều đình Huế hạn cho một tháng phải bỏ đạo. Các quan tỉnh thì ba tháng. Lính tráng và người dân thì sáu tháng, bằng không thì phải kể là trọng phạm. Các người theo đạo Giatô không được thi cử, không được giữ chức tước gì. Ai đưa đường hay chứa chấp đạo trưởng thì bị xử tử. Đạo trưởng Tây phương thì chém đầu vất xác xuống sông. Các giáo đồ giúp các đạo trưởng thì phải chém đầu. Các cụ đạo bản quốc cũng phải chém đầu. Các giáo đồ theo các cụ đạo này thì phải thích chữ vào mặt và phát lưu. Phải đốt cho sạch các nhà thờ nhà xứ".

Nhiều người giầu tưởng tượng bèn nghĩ rằng các thánh Tử Đạo "cao trọng" hay "có giá" hơn các thánh khác. Tại sao? Vì Giáo Hội khi phong thánh cho các ngài không đòi phải có phép lạ như nơi các thánh hiển tu chẳng hạn. Thế nên, nhiều người nghĩ cách đơn giản rằng thay vì phải sống đạo cho tốt và giữ luật Chúa suốt cả cuộc đời, thì ta chỉ nên chờ cơ hội để đi đường tắt cho nhan, nghĩa là chấp nhận chịu đau khổ, thí mạng sống vì Chúa chỉ trong giây phút để được làm thánh theo kiểu người trộm lành trên Núi Sọ.

Thực ra, việc bước ra pháp trường để chết vì Đạo là cả một tiến trình triền miên trải qua nhiều giai đoạn chông gai: từ hồi tâm, sửa đổi cuộc sống tới tuyên xưng Đức Tin một cách can truờng và nhẫn nại chịu đựng mọi cực hình dã man nhất mà con người có thể nghĩ ra. Các bậc tiền nhân của chúng ta hầu như có đời sống bình thường, thánh thiện đáng đem ra làm gương trong xã hội và Giáo Hội. Cho dù cũng có một vài vị mang tật xấu như thánh Gẫm có vợ nhỏ, thánh Huy ham mê cờ bạc, nhưng các ngài đã hồi tâm ăn năn tội lỗi, sửa mình sống đời Phúc Âm khi chấp nhận cái chết vì Chúa Kitô. Dĩ nhiên, các ngài phải được sự hỗ trợ đắc lực của Chúa Thánh Thần thì mới bỏ được các nết hư tật xấu và không sợ chết theo lẽ thường tình.

Chúng ta đừng quên rằng từ lúc các ngài bị bắt cho tới ngày diễm phúc được tử đạo là cả một thời gian dài, có khi cả hàng năm, chứ không chỉ chớp nhoáng có vài ngày hay vài tiếng đồng hồ. Trong thời gian này các ngài phải đối diện với nhiều lựa chọn: thí dụ có nên giả vờ bước qua Thánh Giá hay không, miễn là trong lòng vẫn giữ đạo theo kiểu đạo tại tâm không? Có nên chết vì Chúa mà lỗi luật bác ái bỏ vợ con, cha mẹ bơ vơ là những người đang cần sự giúp đỡ của mình không? Có nên lấy tiền bạc vua quan cho đem về nuôi dưỡng mẹ già hay các nhà truyền giáo còn sống ẩn nấp chưa bị bắt bớ không?

Xin trích ra đây một đoạn trong bản báo cáo về việc xử Cha cố Du tại Thợ Đức ngày 30-11-1835: "Họ cột chân tay Ngài vào một cây cột. Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn. Sau hồi chuông báo hiệu, tên lính cầm kìm đã được nung đỏ kẹp vào ngực kéo ra hai miếng thịt nơi vú liệng xuống đất. Tên khác cầm dao xẻo thịt phía sau hông - rồi đến đùi thì chúng lấy kìm kéo thịt ra rồi dùng lưỡi dao xẻo đứt từng miếng. Cha ngất đi, đầu rũ xuống và Ngài tắt hơi về chầu Chúa lúc 17giờ. Cha chết rồi, lính chặt đầu Ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi... đoạn họ cởi trói lật úp xác xuống, phân thây ra từng khúc bỏ vào thùng vôi. Tiếp theo họ lấy đầu của ngài treo giữa chợ ba ngày... rồi lấy xuống nghiền nát ra bỏ vào thùng đựng xác rồi vất tất cả xuống biển cho mất tích".

Cha ông chúng ta đã dám đổ máu đào để bảo vệ đức tin và làm chứng cho Tin Mừng trong điều kiện đầy khó khăn và gian khổ. Máu của các Ngài đã đổ ra để bảo vệ và truyền lại đức tin cho con cháu. Chắc chắn các thánh Tử Đạo Việt Nam cũng mong muốn con cháu mình phải tiếp tục bảo vệ đức tin trong thế giới hôm nay. Nhất là khi truyền thông Giáo Hội đang bị xuyên tạc và khủng bố, rất cần người tín hữu công khai bảo vệ niềm tin của mình. Trong những năm gần đây, người ta dựng nên một Đạo Thánh Đức Chúa Trời với một phong trào rầm rộ cả nước Việt Nam. Rõ ràng đây là âm mưu nhằm xuyên tạc tín lý Giáo Hội Công Giáo và khủng bố niềm tin nơi giáo dân, ngay cả một số linh mục tu sĩ có tiếng tăm cũng tham gia vào giáo phái này. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà người ta sống ảo nhiều hơn sống thực. Thế giới ảo phải chăng chính là môi trường cần thiết để chứng tá Tin mừng được ghi dấu? Thế giới ảo phải chăng là lời mời gọi người Kitô hữu dùng chính nó để lan truyền Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người? 

Chắc chắn khi chúng ta dám làm chứng cho sự thật, dầu ở môi trường nào cũng là đối kháng lại với thế gian nên sẽ gặp những chống đối, quy chụp và bách hại… Xưa “thời thế tạo anh hùng” làm nên các vị thánh Tử Đạo Việt nam, nay giữa lòng xã hội có nhiều biến động. Thử hỏi liệu có còn những chứng nhân Tin mừng cho trần gian trong thời đại chúng ta ngày nay hay chăng? Sống vì đạo hôm nay chính là can đảm sống niềm tin, sống tử đạo trắng, tử đạo xanh, tử đạo kim châm trong đời sống gia đình hay tu trì trên dải đất hình chữ S thân yêu để góp cho Giáo Hội hoàn vũ không chỉ nhiều vị thánh Tử đạo tiền nhân xưa kia mà cả những vị thời nay nên thánh trong bậc sống và môi trường sống của mình. 

Lạy Các thánh Tử đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu, biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các Ngài ca ngợi tạ ơn Chúa muôn đời.

Tác giả: Tiểu Nhị 117

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập287
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm50
  • Khách viếng thăm236
  • Hôm nay34,562
  • Tháng hiện tại894,923
  • Tổng lượt truy cập78,898,374
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây