THỨ BẢY TUẦN 3 MÙA CHAY
(Lc 18,9-14)
“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).
Bài Tin mừng thuật lại dụ ngôn Chúa Giêsu nói về hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, cầu nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình,… Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng Chúa một phần mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Kết quả sau khi hai người cầu nguyện là: người thu thuế thì được trở nên công chính, còn người Pharisêu thì không. Tại sao vậy? Đức Giêsu đã trả lời một cách tế nhị: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Nhưng ai là kẻ tôn mình lên? Ai là kẻ hạ mình xuống?
Trước hết, “kẻ tôn mình lên” không phải là bất cứ kẻ nào thuộc tầng lớp cao, thuộc hàng ngũ những người có học, những kẻ được coi là danh giá. Còn những “kẻ hạ mình xuống” cũng không phải bất cứ ai thuộc về nhóm những kẻ bị coi là thấp kém, tội lỗi như nghề thu thuế chẳng hạn thì đương nhiên được kể là những kẻ “hạ mình xuống.” Bài Tin mừng có vẻ như cho thấy kẻ thuộc tầng lớp cao là kẻ tôn mình lên, còn người bị coi là thấp hèn là kẻ hạ mình xuống. Thật ra, đó chỉ là một sự trùng lặp cái nhiên mà thôi. Ai đó được trở nên công chính hay vẫn còn là kẻ bất chính không hệ tại họ thuộc tầng lớp xã hội nào. Nicôđêmô hay Giuse Arimathê chắc chắn không phải là những kẻ tôn mình lên, tức là những kẻ bất chính. Trái lại, không thể nói rằng mọi kẻ thu thuế đều là những “kẻ hạ mình xuống,” đều sẽ trở thành người công chính hết. Trở nên công chính hay vẫn còn là kẻ bất chính phụ thuộc vào cái gì đó khác nữa như ta sẽ thấy sau.
Thứ đến, được kể là công chính hay vẫn còn là kẻ tội lỗi cũng không phụ thuộc vào hình thức cầu nguyện như thế nào: âm thầm kín ẩn hay rõ ràng công khai. Cả hai người cầu nguyện trong bài Tin mừng đều có những dấu chỉ vừa công khai rõ ràng, vừa âm thầm kín ẩn. Người Pharisêu đứng thẳng khi cầu nguyện. Tư thế đứng thẳng có thể khiến ta cho rằng đó là thái độ tự kiêu, thiếu khiêm tốn. Nhận xét này mang tính chủ quan. Nếu nói sự âm thầm, kín đáo là nét đẹp và là dấu chỉ của sự khiêm tốn thì người Pharisêu này cũng có. Chúa Giêsu nói rõ: ông ta cầu nguyện thầm rằng. Ông ta cầu nguyện thầm chứ không lớn tiếng, chứ không biểu diễn để qua đó mọi người nghe thấy được. Còn người thu thuế, có vẻ như rất khiêm tốn khi không dám đến gần bàn thờ, đứng từ xa và nhất là chẳng dám ngước mắt lên trời. Tuy nhiên, anh ta vẫn có những cử chỉ bề ngoài rõ ràng công khai, ai cũng có thể thấy được: “vừa đấm ngực vừa thưa rằng” và có thể thưa to tiếng. Như vậy, khi cầu nguyện, đứng xa hay đứng gần bàn thờ, cầu nguyện thầm lặng hay có tiếng, có cử chỉ bên ngoài hay không có cử chỉ không phải là điều làm cho chúng ta trở nên công chính hay cản trở, khiến ta không trở nên công chính được. Nhưng được công chính hay vẫn còn là tội nhân hệ ở đặc điểm sau đây.
Cuối cùng, được kể là công chính hay vẫn còn là kẻ tội lỗi tuỳ vào chính thái độ hay tâm tình chúng ta có với Chúa. Kẻ nào đến với Chúa với thái độ tự mãn, khoe khoang, cậy mình, coi kinh người khác thì họ vẫn còn là chính họ. Kẻ nào đến với Chúa với thái độ khiêm tốn, cầu xin lòng thương xót, sự tha thứ của Chúa thì sẽ được tha thứ. Họ trở nên thanh thoát, trong sáng vì Chúa đã đoái nhận lòng sám hối và lời cầu xin của họ. Quả là, người Pharisêu trong bài Tin mừng, ông ta đến có tạ ơn Chúa bằng lời nói nhưng trong tâm thế của kẻ tự kiêu, kể nể sự thành công, sự hy sinh của mình và nhất là có thái độ khinh khi người khác. Còn người thu thuế thì chỉ nhìn vào mình với sự yếu hèn, tội lỗi của mình và có công khai thân thưa với Chúa nhưng đó là những lời thú tội, đó là những lời tha thiết kêu xin lòng thương xót của Chúa. Ông ta cầu xin và Chúa đã ban như lòng ông ta thật lòng kêu xin.
Như vậy, không phải ta là ai, ta cầu nguyện với dáng vẻ bề ngoài thế nào sẽ làm cho ta trở nên công chính nhưng chính là thái độ khiêm tốn, thành khẩn nài xin tự bên trong lòng thương xót của Chúa mà ta được trở nên công chính. Ta được trở nên công chính nhờ lòng thương xót của Chúa chứ không phải do công trạng của ta. Amen.