Thứ Bảy Tuần Thánh - Đêm canh thức
(Lc 24,1-12)
“Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24,5)
Bài Tin mừng hôm nay không cho thấy bằng chứng rõ ràng, trực tiếp nào về việc Chúa Giêsu đã sống lại. Quả vậy, trước hết, không một ai đã tận mắt chứng kiến Đức Giêsu đã sống lại. Cũng không có ai quả quyết mình đã thấy cảnh Ngài đã sống lại như thế nào. Trái lại, mọi chi tiết được thuật lại như chỉ cho thấy các bà đang đi tìm người chết. Họ đi viếng xác Đức Giêsu, một thân xác đã chết cái chết quá thảm và được chôn cất quá vội nên có lẽ có nhiều việc cần phải chỉnh chu lại cho chu đáo, tươm tất. Có lẽ các bà cảm thấy thương tâm, cảm thấy áy náy về cái chết và về việc an táng của Ngài. Do vậy, sau ngày nghỉ sabát, ngày thứ nhất trong tuần, lúc vừa tảng sáng, các bà đã đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Nhưng khi đi đến mộ, họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ, không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. Chỉ thấy ngôi mộ trống không!
Tiếp đến, các bà còn đang hoang mang, sợ hãi thì bổng thấy có hai người đàn ông mặc y phục sáng chói đứng bên hỏi một câu “sốc não”: “Sao các bà lại tìm Người Sống giữa người chết?” Một câu hỏi “sốc não” bởi quả là các bà đang đi tìm người chết, cụ thể là cái xác bầm giập của Đức Giêsu. Trong tình huống này và lúc này làm sao có thể tìm ai khác, tìm cái gì khác ngoài xác chết bầm giập ấy được? Không chờ để các bà trả lời mà nói cho ngay các bà có hiểu, có nghĩ gì khá đâu mà trả lời. Trong đầu, trong lòng của các bà chỉ có một mối bận tâm duy nhất là đi tìm cái xác của Đức Giêsu mà thôi. Tìm xác để mà xức dầu thơm, đề chỉnh chu lại chút cho đỡ tang thương, áy náy. Hai người đàn ông ấy đã trả lời luôn cho các bà: “Người không còn ở đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi” (Lc 24, 6). Người đã trỗi dậy như Người đã nói với các bà trước kia.
Thật vậy, để đọc ra ý nghĩa của ngôi mộ trống, các bà cần lắng nghe lời nhắc nhở của hai người đàn ông mặc áo trắng: “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà khi còn ở Galilê, là Người bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.” Thánh Luca tiếp tục ghi nhận: “Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giêsu đã nói” (Lc 24,8). Đây là điều quan trọng. Không nhớ lại lời Chúa sẽ không thấy được kế hoạch của Chúa, không nhận ra được, không ráp nối được ý nghĩa những gì đã xảy ra. Điều quan trọng không kém là kể lại chân thành những gì đã xảy ra với mình. Cứ kể như sự thật là. Không thêm, không bớt. Không tô vẽ, không suy diễn. Có sao có vậy. Thánh Luca kể tiếp hoạt động của các bà: “Khi từ mộ ra về, các bà kể lại cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Các bà nói đây bao gồm bà Maria Mácđala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacôbê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy” (Lc 24, 9-10). Nếu ai cũng kể lại sự thật đã xảy ra với mình, như nó đã thực sự diễn ra thì lời chứng ấy có giá trị rất lớn. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta. Sự thật sẽ cho chúng ta được tự do. Sự thật sẽ liên kết chúng ta, sẽ đưa chúng ta tới sự thật toàn diện là chính Chúa, chính kế hoạch cứu độ của Ngài.
Sau cùng, khi các Tông Đồ nghe các bà kể lại những gì đã diễn ra, thánh Luca ghi lại rất chân thành, chân thành đến mức khi đọc lại có vẻ quá vụn vặt, tỏn mọn, có vẻ như chẳng liên quan, thậm trí bất lợi cho niềm tin vào Đức Giêsu đã sống lại. Thật vậy, thánh Luca ghi nhận: “Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin. Dầu vậy, ông Phêrô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông chỉ thấy còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.” (Lc 24,11-12). Tuy nhiên, khi lời chứng được thuật lại như nó là, không tô vẽ, lại cho thấy niềm tin của các tông đồ là niềm tin đáng tin vì niềm tin ấy đã được sàng lọc rất kỹ, không hề là một sự nhẹ dạ, tin đại; cũng không hề là một sự tưởng tượng, tính toán. Trái lại, khi thuật lại cách chân thành khách quan, sự tường thuật ấy là một bằng chứng sống cụ thể, trần trụi nhờ vậy độc giả có cơ hội trực tiếp đụng chạm vào những dữ kiện rất thật mà không bị lớp màn chủ quan che khuất, bóp méo, lèo lái.
Như vậy, sự kiện “ngôi mộ trống” không phải là bằng chứng cho việc Chúa Giêsu đã sống lại nhưng là bằng chứng thân xác Ngài không còn ở đó nữa. Ngôi mộ trống mời gọi ta nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói khi còn sống. Ngôi mộ trống là ngôi mộ trống, không tô vẽ, không thêm thắt, không chỉnh chu. Ngôi mộ trống đưa ta tới niềm tin vào Đức Giêsu Kitô - Đấng đã tiên báo, đã trải qua đau khổ và đã phục sinh. Amen.