Thứ Hai Tuần Thánh
Is 42,1-7; Ga 12, 1-11
Trong ba ngày đầu Tuần Thánh, các bài đọc thứ nhất đều trích từ sách ngôn sứ Isaia, viết về Người tôi tớ của Thiên Chúa. Người Tôi Trung đã vui lòng đón nhận tất cả những đau khổ nhục nhã ê chề: bị người đời đối xử bất công, bị hành hạ về thể lý, bị nhục mạ về tinh thần, vì muốn sống trọn lòng vâng phục của mình với Thiên Chúa, trung tín với sứ mạng được trao phó. Những lời ngôn sứ về tình cảnh đau thương của Người Tôi Trung đã được ứng nghiệm trong Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu (x. Mt 26,57; 27,30; Mc 14,65; 15,16-20; Lc 22,63). Còn các bài Tin Mừng thì thuật lại những việc xảy ra trong những ngày cuối cùng trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu được xức dầu tại Bêtania “Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua”, tức là sáu ngày trước khi Ngài chết. Chúng ta biết trong gia đình Bêtania có ba chị em: Matta, Maria và Lazarô - người đã chết được Chúa cho sống lại. Chị Matta đã biến cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu thành một bữa tiệc, bởi lẽ theo chị nấu những món ăn thiết đãi Chúa và các môn đệ là để tỏ lòng hiếu khách, cũng là tỏ lòng biết ơn Chúa đã cải tử hoàn sinh cho Lazarô. Còn cô Maria đã “lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà”. Bình dầu thơm mà Maria đã đổ ra để xức chân Chúa Giêsu có giá khoảng 300 đồng, bằng tiền lương 300 ngày công, nghĩa là gần suốt một năm làm việc. Quả là một số tiền lớn đối với gia đình Bêtania không khá giả gì.
Qua cử chỉ ấy, chúng ta thấy rõ tình yêu sâu đậm của chị đối với Chúa Giêsu. Đó là một tình yêu quảng đại, không so đo tính toán thiệt hơn. Trước đây, Maria cũng đã làm hài lòng Chúa khi bỏ hết mọi việc để ngồi bên chân Ngài và lắng nghe lời Ngài (Lc10,38-42). Lòng yêu mến của Maria dành cho Chúa không phải chỉ là tình cảm, cũng không chỉ bằng lời nói suông, mà còn bằng thái độ không tiếc bất cứ thứ gì với Chúa, nhất là tiền bạc và thời gian. Đó là một tình yêu khiêm nhu, vì theo tục lệ thời đó, chủ nhà hay bất cứ phần tử nào trong gia đình thường xức thuốc thơm trên đầu người khác để tỏ lòng quí mến, nhưng Maria khiêm tốn nghĩ mình chỉ đáng xức dầu thơm vào chân Chúa thôi. Đó là một tình yêu tự hạ, thể hiện qua việc lấy tóc mình để lau chân Chúa. Chúa Giêsu đã chấp nhận cử chỉ nói lên lòng kính trọng, yêu mến của Maria, và còn coi đây là việc làm trước để tẩm liệm mai táng Ngài.
Mẫu gương yêu mến của Maria đối với Chúa Giêsu nhắc ta nhìn lại tương quan của mỗi chúng ta với Chúa. Chúng ta thể hiện lòng yêu mến Chúa như thế nào? chúng ta có so đo tính toán với Chúa về tiền bạc và thời gian không? Nếu chúng ta thực sự giữ điều răn thờ phượng và kính mến Chúa trên hết mọi sự, thì chúng ta sẽ dành cho Chúa những gì tốt nhất, quý giá nhất. Chúng ta sẽ không dám vì công ăn việc làm mà không tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, hay vì tiền bạc mà lỗi phạm luật Chúa về đức công bằng, bác ái.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống làm sao để đáp lại mối tình bao la của Chúa đã thí ban người Con Một vì phần rỗi nhân loại, cũng như để đáp lại mối tình của Chúa Giêsu đã sẵn lòng đón nhận cái chết ô nhục vì yêu thương loài người chúng con và để cứu độ chúng con. Amen.