Tình yêu bị phản bội
Thứ hai - 11/04/2022 21:06
1114
Có người đã từng nói phản bội là một liều thuốc độc giết chết tình yêu, tình bạn và mọi mối tương quan. Thế nhưng khi đứng trước sự phản bội phũ phàng của các môn đệ thân tín nhất, Đức Giêsu vẫn hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa và một lòng yêu thương các môn đệ và Ngài đã yêu họ đến cùng.
Thật vậy, là một Thiên Chúa nhập thể, Ngài biết rõ những gì đang và sẽ xảy ra với Ngài. Ngài đã rất đau đớn, xót xa, tủi nhục trước sự phản bội của dân chúng, nhất là của các môn đệ, những người Ngài đã rất mực yêu thương và tín nhiệm giờ đây kẻ thì âm mưu bán đứng Ngài, người thì chạy trốn hoặc sợ hãi chối bỏ Ngài. Ngài đã cảnh tỉnh Giuđa đến lần thứ 3; Ngài đã dùng những lời nhắc nhở tế nhị, dùng cả hành động ân tình nhất hy vọng ông được thức tỉnh nhưng ông vẫn chai lì bước vào bóng đêm tội lỗi. Đây quả là một sự tủi nhục, đau đớn, thất vọng tràn trề mà người tôi tớ đau khổ của Giavê đã thốt lên: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì!” (Is 49,4).
Khi chiêm ngắm tình yêu bị phản bội của Đức Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ: “Thật là khủng khiếp khi phát hiện ra rằng một niềm tin được đặt vững chắc đã bị phản bội. Từ sâu thẳm trong tim chúng ta một nỗi thất vọng dâng lên,thậm chí có thể khiến cuộc sống dường như vô nghĩa. Điều này xảy ra bởi vì chúng ta được sinh ra để yêu và được yêu, và điều đau khổ nhất là bị phản bội bởi một người hứa sẽ trung thành và gần gũi với chúng ta. Chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng được Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, đã đau đớn như thế nào”.
Dù phải đối diện với thực tế vô cùng phũ phàng như thế, nhưng Chúa Giêsu vẫn vững vàng bước vào cuộc khổ nạn với tâm tình hoàn toàn tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa Cha. Ngài xác tín rằng giờ tử nạn của Ngài là giờ cứu độ, giờ Thiên Chúa được tôn vinh, tình yêu vô hạn của Thiên Chúa sẽ vượt thắng sự dữ. Ngài đã khiêm tốn và hiền hòa chấp nhận sự phản bội của con người và coi đó như con đường duy nhất Thiên Chúa dùng để cứu độ họ.
Trong bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Chúng ta hãy nhìn vào nội tâm mình. Nếu chúng ta thành thật với chính mình, chúng ta sẽ thấy những bất trung của mình. Bao nhiêu những giả dối, giả hình và những trò ăn ở hai lòng! Bao nhiêu những ý tốt lành bị phản bội! Bao nhiêu những thất hứa! Bao nhiêu những quyết tâm dở dang! Chúa biết lòng chúng ta hơn cả chúng ta. Ngài biết chúng ta yếu đuối và nửa vời như thế nào, chúng ta ngã bao nhiêu lần, khó khăn như thế nào để chúng ta đứng dậy và cam go ra sao để chữa lành một vết thương nhất định. Và Ngài đã làm gì để đến giúp chúng ta và phục vụ chúng ta? Ngài nói với chúng ta qua lời tiên tri: “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình” (Hs 14,5). Ngài đã chữa lành chúng ta bằng cách gánh lấy sự bất trung của chúng ta và bằng cách lấy đi từ chúng ta sự phản bội. Thay vì chán nản vì sợ thất bại, giờ đây chúng ta có thể nhìn vào cây thánh giá, cảm nhận cái ôm của Ngài và nói: “Này đây là sự bất trung của con, lạy Chúa Giêsu, Chúa đã gánh lấy lên mình Chúa, Chúa mở rộng vòng tay của Chúa ra với con, Chúa phục vụ con với tình yêu của Chúa, Chúa tiếp tục nâng đỡ con”.
Lời Chúa hôm nay còn mời gọi chúng ta noi gương Đức Giêsu người tôi tớ tín trung, trong những lúc gặp khó khăn thử thách, luôn nhìn lên thánh ý Chúa là nguyên nhân tối hậu; tin tưởng tín thác nơi Ngài với niềm xác tín: nếu chúng ta biết đón nhận những đau khổ với niềm tin tưởng mến yêu thì những đau khổ đó cũng có giá trị cứu độ trong chính hiến tế thập giá của Đức Ki tô.
Lạy Chúa, Chúa đã đau khổ đến tột cùng bởi sự bất trung của những người Chúa luôn rất mực thương yêu nhưng Chúa vẫn tuyệt đối trung thành, phó thác, vâng theo thánh ý Cha để hiến thân chuộc tội cho nhân loại. Xin cho chúng con luôn biết sống kết hợp mật thiết với Chúa để chúng con luôn nghe được tiếng Chúa, hiểu ý Chúa và sống đẹp lòng Chúa. Xin thức tỉnh lương tâm chúng con để chúng con đừng trở nên kẻ bội nghĩa với Chúa , với Giáo hội, với gia đình và tha nhân. A men.