Thứ Bảy tuần V Mùa Chay
(Ga 11,45-57)
“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50).
Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu với tin vui khi nhắc lại việc Đức Giêsu cho Ladarô chết bốn ngày sống lại và hệ quả của việc ấy là có nhiều kẻ tin vào Đức Giêsu hơn nữa. Nhưng cái may, cái vui của người này lại có thể hoá ra cái hoạ, cái buồn của người khác. Thật vậy, các thượng tế và các Pharisêu lại thấy đó là mối nguy cho uy tín của họ cũng như cho sự yên ổn của dân chúng nên đã quyết định giết Đức Giêsu. Họ lí luận rằng: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Trước tình hình đó, Đức Giêsu không đi lại công khai giữa người Dothái nữa. Ngài đi đến một vùng gần hoang địa, một thành có tên là Épraim để ở với các môn đệ. Trong khi đó, dân chúng bàn tán, tự hỏi không biết Đức Giêsu có lên Giêrusalem vào dịp lễ Vượt qua sắp đến không? Còn các Thượng Tế và Pharisêu thì ra lệnh ai biết Đức Giêsu ở đâu thì phải báo cho họ để họ đến bắt.
Bài Tin Mừng cho thấy hai cách nhìn hay hai lối tính toán: một của con người, một của Chúa. Trước hết, một phép lạ cả thể: Ladarô đã chết bốn ngày được Đức Giêsu cho sống lại, tự ra khỏi mồ. Tin này ai chẳng vui, ai chẳng mừng. Thấy vậy, ai cũng thán phục Đức Giêsu, người đã làm phép lạ cả thể này. Dân chúng là những người đơn sơ, chất phác. Họ đã thấy và đã mừng vui. Họ mừng cho Ladarô, họ thán phục, ngưỡng mộ và tin vào Đức Giêsu và quyền năng của Ngài. Đó là cách nhìn tự nhiên, đúng đắn. Đó là cái nhìn của những kẻ đẹp lòng Chúa. Tuy nhiên, cũng sự kiện Ladarô sống lại đó lại bị những thượng tế và Pharisêu có phản ứng hoàn toàn trái ngược. Họ tức tối, buồn bực, lo sợ. Họ tìm cách triệt hạ Đức Giêsu, triệt hạ luôn cả Ladarô nữa bởi do anh mà nhiều người bỏ họ mà theo Đức Giêsu (x. Ga 12,10-11). Thật vậy, Caipha đã đưa ra quyết định: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50).
Tiếp đến, câu nói của Caipha: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” là câu nói tính toán theo kiểu thế gian của kẻ tiểu nhân. Trong cuộc sống thường ngày hiện nay cũng không thiếu những kiểu tính toán tiểu nhân như Cai pha ngày xưa. Vì ganh ghét, vì thiếu khả năng, thay vì cạnh tranh lành mạnh, không ít kẻ đã chơi xấu bằng cách vu oan giáng hoạ, bằng cách đốn ngã, bịt miệng đối phương, thậm chí bằng cách giết hại đối thủ của mình. Nhưng Thiên Chúa khôn ngoan lại có thể viết đường thẳng trên những dường cong. Nếu ngày xưa, Thiên Chúa đã dùng sự ganh tị và ác ý của anh em Giuse tổ phụ để khiến Giuse bị bán đi rồi sau đó trở thành kẻ cứu mạng cho chính họ và cả gia tộc Giacóp thì lúc này đây, Thiên Chúa cũng đang dùng chính sự ganh ghét và hận thù của các thượng tế và biệt phái đối với Đức Giêsu mà cứu toàn dân. Thánh Gioan nhận xét rằng câu nói của Caipha trên đây không nói với tư cách cá nhân nhưng với tư cách thượng tế. Câu nói ấy không chỉ cho thấy tính toán hơn thiệt, tiểu nhân kiểu nhân loại mà còn là câu nói tiên tri cho thấy Đức Giêsu sắp phải chết cho dân nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối. Ôi kỳ diệu thay kế hoạch khôn ngoan và đầy nhân hậu của Chúa!
Sau cùng, việc Đức Giêsu không đi lại công khai nhưng ở khu vực gần hoang địa có thể bị coi như là hành động của kẻ sợ hãi: sợ bị bắt, sợ bị giết. Nhưng đấy là cái nhìn nhân loại nông cạn, hạn hẹp. Thật ra, Đức Giêsu không đi lại công khai là để tránh tạo cớ khiêu khích, gây hấn với các Thượng tế và biệt phái. Một hành động chính trực, không bao giờ là một hành động mang tính khiêu khích, chọc giận hay liều lĩnh. Trái lại, đó là những hành vi hết sức bình tĩnh, an nhiên, tự tại. Ngài ở lại khu vực gần hoang địa để có thêm thời gian cầu nguyện cùng Chúa Cha, có thêm thời gian gần gũi với các môn đệ, an ủi và củng cố niềm tin cho các ông. Đặc biệt, Ngài không công khai vào Giêrusalem những ngày này vì giờ của Ngài chưa đến. Như chúng ta sẽ thấy trong những ngày tới, dịp lễ Vượt Qua như thánh Gioan cho thấy, Ngài sẽ đến Giêrusalem giảng dạy và điều gì đến sẽ đến (x. Ga 18,12). Ngài sẵn sàng đón nhận.
Như vậy, cái nhìn của con người thế gian, xác thịt thì ghen tị, hời hợt, nóng vội, tiểu nhân còn ai có cái nhìn siêu nhiên, cái nhìn của Chúa thì quảng đại, trầm lắng, can đảm và dấn thân. Amen.