Thứ Ba sau Chúa Nhật III Mùa Chay
Thiên Chúa là Đấng từ bi, nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan dung, nhưng con người lại hay xét đoán và kết tội lẫn nhau nên các mối tương quan trong cuộc sống luôn bế tắc. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta sống quảng đại, yêu thương và tha thứ luôn luôn, mãi mãi, vô điều kiện như Thiên Chúa. Đó là cách duy nhất để kiến tạo bình an, hạnh phúc trong tâm hồn, trong gia đình, cộng đoàn và xã hội. Đó cũng là điều kiện cần để lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy lòng thương xót tha thứ vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho con người. Sau câu hỏi của Phêrô: “Phải tha thứ đến mấy lần?”, Chúa Giêsu cho biết phải tha thứ “đến bảy mươi lần bảy”. Yêu cầu ấy có nghĩa là ta phải tha thứ luôn luôn, mãi mãi và vô điều kiện. Điều này được giải thích trong dụ ngôn ông vua tha thứ cho tên đầy tớ của mình. Vị vua giầu lòng thương cảm đã tha cho người mắc nợ ông mười ngàn nén bạc là hình ảnh của Thiên Chúa nhân hậu từ bi. Người ta ước tính mười ngàn nén bạc tương đương với một trăm triệu ngày công – lương một ngày công là một đồng. Vào thời Chúa Giêsu, người La mã chiếm đóng Palestine, và mỗi năm họ thu thuế vùng đất này chỉ được sáu trăm nén bạc, tức tương đương khoảng sáu triệu ngày công. Như thế món nợ mười ngàn nén bạc là món nợ khổng lồ dù có bán hết tài sản của y, bán cả vợ con y thì cũng không thể trả hết. Thế mà, vừa nghe người này van xin, vua động lòng thương trả tự do ngay, rồi tha cho y hết thảy. Cái chạnh lòng thương này là cái chạnh lòng thương của Thiên Chúa. Người chạnh lòng thương và sẵn sàng tha thứ cho ta tất cả, tha mãi mãi dù món nợ đó lớn đến vô phương hoàn trả theo cách tính của con người.
Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc Thiên Chúa tha thứ cho ta cách vô cùng hào phóng, mà Ngài còn dạy chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Đây là việc không dễ thực hiện như tên đầy tớ vừa được tha nợ mười ngàn nén, gặp người bạn của mình nợ một trăm nén, liền bóp cổ và tống người bạn này vào ngục. Nhưng đó lại là điều kiện để được Chúa thứ tha: “Tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,34 - 35).
Thực ra, nhân vô thập toàn nên sai lầm là điều khó tránh khỏi nơi mỗi người. Điều chúng ta cần làm là bỏ qua những sai lầm mắc phải và làm lại từ đầu đồng thời cũng nên hiểu rộng, cảm thông, tha thứ cho những sai lầm của người khác. Không nên quá khắt khe với những sai lỗi của tha nhân. Cũng đừng chỉ nhìn vào những lỗi lầm để đánh giá một con người. Hãy cố gắng nghĩ đến những điều tốt đẹp họ đã làm, những cố gắng nỗ lực họ đã bỏ ra để trân trọng, yêu mến và biết ơn nhau. Nếu đã nhận ra lỗi lầm và quyết tâm sửa đổi một người rất cần sự rộng lượng bao dung của mọi người để có cơ hội làm lại cuộc đời. Đứng trước khuyết điểm của một người, bao dung có sức mạnh hơn nhiều so với sự trừng phạt. Khi không biết tha thứ cho người khác, chúng ta cũng khó tha thứ cho bản thân và kiến tạo bình an trong tâm hồn. Nếu ta không biết tha thứ mà luôn nghĩ tới những điều tiêu cực mà ai đó đã làm cho ta thì chẳng khác gì ta đang uống độc dược mà lại mong cho người ấy chết đi.
Tha thứ không phải là việc dễ dàng thực hiện nhưng lại là cách duy nhất để bản thân có thể suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tích cực, làm cho tâm hồn trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, an vui. Học cách tha thứ là lối sống tốt đẹp và cần thiết để lòng từ bi và nhân hậu của Thiên Chúa được thể hiện trong thế giới. Tha thứ là cho người khác cũng là cơ hội để thay đổi bản thân. Tha thứ sẽ làm thay đổi các mối quan hệ, làm thay đổi chất lượng cuộc sống. Tha thứ là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa dành cho con người. Tha thứ dẫn đưa con người vào cung lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa là nguồn an vui bất tận cho con người.
Sở dĩ chúng ta khó tha thứ cho tha nhân bởi vì cái tôi thì vĩ đại và lòng tự ái của ta thường thổi phồng tới mức tối đa, làm cho những khuyết điểm của người khác trở thành quá lớn, những xúc phạm của họ tới ta quá nặng. Trong khi thói kiêu căng tự phụ của chúng ta lại che khuất, làm giảm thiểu tội lỗi, thiếu sót của chúng ta tới mức tối thiểu, những tổn thương ta gây cho tha nhân chẳng có gì đáng kể. Có rất nhiều lý do khiến ta phải hành xử, nói năng như thế. Chúng ta khó tha thứ vì chúng ta đoán xét, cố chấp đòi lẽ “công bằng”, đòi sự hoàn hảo nơi người khác nên trái tim ta trở nên nhỏ mọn không thể dung chứa tha nhân. Để có thể cảm thông và tha thứ, mỗi chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận những yếu đuối, lầm lỗi của mình, yêu thương và quảng đại hơn, chủ động đi bước trước và thực tâm hòa giải, thay thế những tư tưởng, hành động trả thù bằng những lời cầu nguyện, những lời hay, những hành động đẹp cho tha nhân. Chỉ có thế oán hận mới chấm dứt và bình an mới có cơ hội lớn lên trong tâm hồn.
Lạy Chúa, khi dựng nên con giống hình ảnh Chúa là Chúa đã đặt vào trong con khả năng yêu thương và tha thứ không giới hạn của Chúa. Chúa còn gia tăng khả năng ấy cho chúng con hằng ngày qua bí tích Thánh Thể. Xin cho con đừng nghĩ rằng không thể tha thứ cho tha nhân vì những xúc phạm của họ đối với con là quá nặng nề để rồi phải sống trong đớn đau, ray rứt. Mùa Chay là mùa sám hối, ăn năn, xin cho chúng con khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi thiếu sót của mình để thông cảm với nhau và xác tín rằng tha thứ cho tha nhân là tha thứ cho chính mình và chỉ khi biết tha thứ tâm hồn con mới hạnh phúc, an vui. Amen.