Thứ Tư tuần II Mùa Chay
Không chỉ nơi Tin Mừng hôm nay chúng ta mới thấy Đức Giê-su nói về việc chọn chỗ, chọn ghế cho mình; nhưng Ngài đã từng nói đến việc thích chọn chỗ nhất khi đi dự tiệc của nhiều người rồi (x.Lc 14, 8-10). Thế nên, có thể nói tâm lý con người xưa hay nay đều vậy, luôn chọn và muốn đạt được chỗ, muốn có một vị trí thật ngon chứ không ai muốn ngồi một nơi không ra gì cả. Vậy phải chăng việc chọn chỗ ngồi bên tả và bên hữu Thầy Giê-su là quá đỗi bình thường nơi hai môn đệ? Câu trả lời của Chúa Giê-su thật rõ ràng: “Giữa anh em thì không được như vậy” (Mt 20, 26).
Cái ghế là đồ vật rất thông thường và quen thuộc, là vật dụng để ta ngồi nhưng cũng là một từ để chỉ chức vụ, một địa vị cụ thể nào đó như khi nói: anh ta được cất nhắc vào ghế chủ tịch. Chính vì thế, xu hướng bình thường và phổ biến ai cũng thích ghế, dù ghế này là ở ngoài đời hay trong tôn giáo. Việc tìm cách có ghế, giữ ghế và bằng mọi cách để có được ghế cao hơn đó vẫn là sự hao tâm tổn trí của nhiều người. Có người thẳng thắn không giấu giếm điều đó như bà mẹ và hai môn đệ con mình trong Tin Mừng hôm nay, nhưng cũng không thiếu gì những người vẫn đang âm thầm ấp ủ điều đó trong lòng như các tông đồ còn lại. Họ không nói ra, nhưng cái ghế mà mình mong muốn nay bị hai môn đệ công khai xin thì các tông đồ còn lại đâm hoảng và ghen tức. Như thế, cũng chỉ vì cái ghế mà thế giới này đâm ra nhiễu loạn và đầy xung đột tranh giành.
Có một ông giám đốc người Nhật nhận xét thiết thực về người Việt rằng: người Việt chỉ thích làm quan chức. Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy câu nói của ông ta thật không sai chút nào. Xã hội bây giờ ai cũng thích làm quan chức, học đại học xong ra trường ai chũng chỉ phấn đấu làm quan, nói thì cái gì cũng hay nhưng chẳng ai muốn làm. Nhưng tại sao lại như vậy? Có phải lỗi tại người lao động không? Chắc chắn không hoàn toàn lỗi từ phía người lao động. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là sự hấp dẫn từ thu nhập khủng của quan chức. Nhiều quan sáng chỉ cắp ô đi tối lại cắp về nhưng lương của họ so với người cả ngày đầu tắt mặt tối lại khác xa một trời một vực. Nếu như thế, ai còn muốn lao động trực tiếp nữa mà không tìm đủ mọi cách có cái ghế ngồi mát ăn bát vàng.
Trước chủ nghĩa thực dụng và hưởng thụ như thế, ngày nay không thiếu những người muốn theo Chúa, muốn làm môn đệ Chúa nhưng với điều kiện là không có thập giá, khổ đau trong khi người môn đệ đích thực không thể tách rời thập giá Chúa Kitô được vì những hy sinh những đau khổ chỉ có ý nghĩa, khi chúng ta biết liên kết với Chúa và sống vì Chúa mà thôi. Thế nên, Ðức cố Hồng Y Phan-xi-cô Xaviê Nguyễn Văn Thuận thật sâu sắc khi nói: “Ai cũng kính trọng những người được in năm dấu thánh, nhưng ai cũng sợ Chúa in năm dấu thánh trên mình bằng hy sinh” (Ðường Hy Vọng 152).
Lạy Chúa Giêsu, cũng chỉ vì tranh giành cái ghế mà trên thế giới này chiến tranh chưa bao giờ kết thúc: vì có những dân tộc muốn thống trị toàn thế giới, vì có những cá nhân muốn áp đặt ý mình trên mọi người. Bao nhiêu người giành giật địa vị, tranh chấp quyền lực. Bao nhiêu người tìm cách ngoi lên chiếm lấy một địa vị xã hội để khỏi bị chèn ép. Bản thân mỗi chúng ta cũng khó hạ mình xuống để chịu cho người khác hơn mình. Ước chi mỗi người chúng ta chỉ mong theo Chúa với một tinh thần phục vụ như Chúa dạy, để yêu thương và trao ban tình yêu của Chúa tới cho từng người chúng ta gặp gỡ; đừng vì tranh giành cái ghế mà mất đi tình tương thân tương ái với mọi người.