THỨ BẢY TUẦN 1 MÙA CHAY
Mt 5,43-48
“Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48)
Tiếp theo những bài giảng về sự công chính mới các môn đệ Đức Giêsu cần có, một sự công chính trổi vượt hơn sự công chính của các biệt phái và luật sỹ, bài Tin mừng hôm nay cho thấy mức độ tình yêu tối hậu các môn đệ Đức Giêsu cần thể hiện. Thật vậy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). Lý do phải làm thế là vì có “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ thù” thì mới giống Cha của chúng ta ở trên trời, “Đấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt và cho mưa rơi xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Còn nếu chúng ta chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình thì chẳng khác gì bao người khác, chẳng khác gì dân ngoại, họ chẳng làm thế sao? Vậy, “Hãy nên hoàn thiện, như cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Lời dạy của Chúa Giêsu về giới răn yêu thương trong Bài Tin mừng hôm nay là lời dạy về tình yêu với mức độ cao cả, vĩ đại nhất. Làm sao để có thể sống giới răn yêu thương tối hậu này đây?
Trước hết, để có thể sống giới răn yêu thương tối hậu này, chúng ta cần để tâm lưu ý đầy đủ lời dạy của Đức Giêsu. Vâng, chúng ta cần lưu ý ở đây hai việc phải làm đối với kẻ thù là: “yêu” và “cầu nguyện”. Đây không phải là hai hành động tách rời nhưng cần đi kèm với nhau. Chúng có tương quan hỗ tương với nhau, bổ xung cho nhau. Khi “yêu” kẻ thù mà không có “cầu nguyện” thì không có khả năng để yêu hay nếu có yêu thì tình yêu ấy có thể làm hại chính mình hay kẻ thù của mình vì họ “yêu” không đúng cách, yêu thiếu khôn ngoan, yêu thiếu quảng đại. Cũng có những khi “cầu nguyện” cho kẻ ngược đãi nhưng vì không “yêu” nên cầu nguyện với ý hướng không ngay lành, cầu nguyện với mong muốn không xứng hợp. Do đó, cũng nguy hại cho mình hoặc cho kẻ thù của mình. Nhưng nếu vừa “yêu” và vừa “cầu nguyện” thì chắc chắn chúng ta sẽ biết “yêu” thế nào cho đúng ý Chúa muốn, biết “cầu nguyện” thế nào cho đẹp lòng Chúa, ích lợi cho tha nhân và bản thân. “Yêu” sẽ thúc đẩy chúng ta tìm đến với cầu nguyện. Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta có đủ sức mạnh và sự khôn ngoan để yêu được và yêu đúng cách.
Tiếp đến, để có thể sống giới răn yêu thương tối hậu này, chúng ta cần để tâm lưu ý đến tấm lòng của Cha trên trời. Quả vậy, tình yêu cao cả, vĩ đại nhất, là mẫu gương cho chúng ta noi gương bắt chước chính là tình thương yêu quảng đại, vô điều kiện của Cha trên trời. Tình yêu quảng đại và vô vụ lợi này không phải là một ý tưởng xa lạ, cũng chẳng phải là lời dạy vu vơ nhưng là những bằng chứng rất gần gũi, cụ thể, ai ai cũng thấy, ai ai cũng kinh nghiệm và vẫn đang từng giây từng phút đón nhận, vẫn đang từng giây từng phút tận hưởng. Bằng chứng ấy là: Cha trên trời cho mặt trời mọc lên soi sáng cho mọi người, tốt cũng như xấu, cho mưa rơi xuống cho kẻ công chính những như bất chính.
Sau cùng, để có thể sống giới răn yêu thương tối hậu này, chúng ta cần để tâm lưu ý đến hiện thân tình yêu sống động của Cha trên trời là chính cuộc sống và cái chết vì yêu của Đức Giêsu Kitô. Ngài là hình ảnh của Chúa Cha vô hình. Ngài là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo. Ngài đã không chỉ dạy những lời yêu thương, không chỉ minh chứng bằng những những hành động yêu thương mà còn thể hiện bằng tất cả cuộc sống hết mình vì yêu. Yêu đến mức thí mạng sống vì kẻ mình yêu. Yêu đến mức, đối với Ngài không còn coi ai là kẻ thù. Đối với Ngài, kẻ thù cũng là người yêu. Thậm chí, kẻ thù còn được coi là đối tượng ưu tiên để yêu, đối tượng trước hết đón nhận tình yêu và sự tha thứ của Ngài. Thật vậy, trên thánh giá, trong bảy lời nguyện xin của Chúa Giêsu, lời nguyện đầu tiên là lời cầu nguyện xin ơn tha thứ cho kẻ thù, những kẻ đang chế giễu, hành hạ, làm khổ Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm (Lc 23,34).
Như vậy, để có thể sống giới răn tình yêu tối hậu Chúa Giêsu đã truyền lại, chúng ta cần ghi nhớ và thực hành yêu thương trong cầu nguyện và cầu nguyện trong yêu thương, không ngừng chiêm ngưỡng tình yêu quảng đại như nắng như mưa của Cha trên trời và tình thương yêu tha thứ của Đức Giêsu trên thập giá đối với kẻ ngược đãi mình. Amen.