Ăn để sống dồi dào

Thứ bảy - 11/04/2020 04:42  1870
Thứ Năm Tuần Thánh

download 2 4Lời mở

Thứ Năm Tuần Thánh, người tín hữu Kitô kỷ niệm Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể để trở thành tấm bánh kỳ diệu đem lại sự sống thần linh cho nhân loại. Trong dịch bệnh Covid-19 này, tín hữu được mời gọi vượt qua tất cả những nghi lễ phụng tự bên ngoài để khám phá lại ý nghĩa sâu xa của việc “ăn để sống” trong sinh hoạt thường ngày. Tổ tiên ta thường dạy: người ta “ăn để sống”  chứ không phải “sống để ăn”. Nhưng rất nhiều người chưa hiểu sống là gì, sống như thế nào mới đáng ăn như ta đã suy niệm trong mấy tuần vừa qua về sự sống và cái chết, nên cũng không biết ăn là gì, ăn như thế nào mới đáng sống.

1. Sống để ăn hay ăn để sống?

Tính cho đến hôm nay, 9/4/2020, dịch bệnh đã lan đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vì đã có hơn 1,5 triệu người nhiễm bệnh, 4-5 tỷ người phải ở yên trong nhà, chỉ được ra đường khi cần thiết để mua lương thực, thuốc men. Các nhà hàng ăn uống không được nhận khách, chỉ bán hàng qua hệ thống online hay giao đồ ăn cho khách mang về. Nhiều người, nhiều gia đình đã thay đổi cách ăn uống của mình. Đây là cơ hội thuận tiện giúp chúng ta nhìn lại hành động rất quan trọng và phải làm hầu như hằng ngày trong đời sống để đạt được sức khoẻ và sự sống toàn diện cho mình cũng như cho mọi người.

Nhiều người chỉ ăn để sống, nên coi việc ăn uống như một hành động bất đắc dĩ vì cho rằng “miếng ăn là miếng nhục”. Họ xem thường đời sống thể chất, vì nghĩ rằng thân xác đối nghịch với tinh thần, nên ăn uống kham khổ, qua loa, thiếu chất dinh dưỡng. Không thiếu những tôn giáo cho rằng “miếng ăn là miếng tội”, nên bày ra các hình thức chay tịnh, kiêng thứ này, bỏ thứ kia và dạy rằng giữ chay càng lâu dài bao nhiêu thì tinh thần càng thanh tịnh bấy nhiêu. Kết quả là thân xác bị suy yếu trong một tinh thần bạc nhược.

Con người là một thực thể duy nhất, có hồn và xác luôn gắn bó mật thiết với nhau, nên ta cần phải biết coi trọng việc ăn uống để nạp đủ năng lượng cho cơ thể. Muốn bay vào không gian vô tận, hồn giống như chiếc tên lửa, phải nạp đủ năng lượng vật chất thì mới có thể thoát ra khỏi sức hút của trái đất và dục vọng của con người. Hơn nữa, vì tinh thần định hình cho thể chất, nên việc chay tịnh không được đánh giá theo những đồ ăn kiêng cữ, mà căn cứ vào nhận thức và ý muốn khi thực hiện hành vi chay tịnh của mỗi con người hay mỗi tôn giáo.

Trái lại, không ít người lại sống để ăn. Nhưng vì đời sống của họ giới hạn vào sự tồn tại của thể xác, nên họ tốn nhiều tiền của và thời giờ để tìm ăn uống những của ngon vật lạ, những món đặc sản, những chai rượu ủ lâu vài chục năm. Thậm chí có người còn mơ ước được ăn những củ nhân sâm ngàn năm hoặc kỳ hoa dị thảo để kéo dài tuổi thọ của kiếp người như Tần Thuỷ Hoàng (259-210 TCN) (x. bài Thẻ tre 2000 năm, Internet, ngày 12/3/2018); hay như các yêu quái muốn ăn thịt Đường Tăng để được trường sinh bất tử trong truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.

Thật ra, những món ngon vật lạ theo “văn hoá ẩm thực” kia chỉ thoáng qua trên mũi ngửi và miệng lưỡi của người ăn. Xuống đến dạ dày và đi theo hệ tiêu hoá, chúng sẽ tự động chuyển hoá, phân giải thành những đơn chất Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, Calci, Kali, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm… mà bốn chất đầu đã chiếm tới 96% trọng lượng cơ thể. Dù ăn thật nhiều chất dinh dưỡng, nhưng cơ thể chỉ thu nhận và dự trữ những chất cần thiết cho sự sống trong một ít ngày mà thôi. Nếu cơ thể không thải được chất dư thừa ra ngoài qua hệ bài tiết, sự sống sẽ bị tổn thương (x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.14,78,350-361). Điều này nhắc nhở ta phải tìm hiểu và ăn uống theo khoa học, đừng vội tin các lời đồn thổi và kinh nghiệm dân gian mà ăn con này, cây nọ để chữa bệnh tật nào đó của mình.

Ngoài các thực phẩm chứa đầy hoá chất độc hại gây nguy hiểm cho sự sống thể lý, ta còn phải chú ý đến những lương thực độc hại cho tinh thần. Chúng có thể gây tổn thương nặng nề cho tinh thần, kéo theo sự suy nhược cho thể xác, vì “hồn lành trong xác mạnh” như cách ngôn của người Rôma thường nói. Những cuốn sách, bài báo, trò chơi, phim ảnh, mạng xã hội hiện nay chứa đầy những điều tiêu cực, sai lầm, giả dối, hô hào những kiểu sống xa hoa, đồi truỵ, hưởng thụ nên chỉ đưa con người đến nghiện ngập, nô lệ, suy nhược, chết chóc. Tuy nhiên, vì được bao bọc bằng những kỹ thuật hiện đại với những âm thanh, màu sắc hết sức hấp dẫn, nên không ít người đã chết vì những “món ăn khoái khẩu” này.

Vì thế, vào cuối ngày sống ta nên tự kiểm xem những đồ ăn mình dùng có thật sự bồi bổ cho sự sống thể xác và tinh thần không, dù ta ăn để sống hay sống để ăn.

2. Ăn là hoà hợp với tất cả trong sự sống và tình yêu

Nền văn hoá ẩm thực của người Việt chúng ta không phải chỉ nằm ở những cách chế biến món ăn với vài cô gái người mẫu “giả nai” trong các chương trình truyền hình hiện nay. Nó nằm ở tinh thần hoà hợp với người sống cũng như với người chết khi con cháu đặt một món ăn ưa thích của người đã khuất lên bàn thờ gia tiên, hay qua việc mời nhau trước mỗi bữa ăn. Nó được diễn tả qua lòng biết ơn mọi người, mọi vật vì đã đóng góp trong bữa ăn của con người: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng”, “Giả ơn cái cối cái chày. Đêm khuya giã gạo có mày có tao”. Nhất là lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hoà: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”.

Việc hoà hợp, hay còn gọi là “hiệp thông” theo ngôn ngữ Công giáo, có nghĩa là hợp lại thành một thể thống nhất, hài hoà với nhau, thể hiện rất rõ trong từng bữa ăn. Ăn là hoà hợp vào một gia đình, một cộng đồng: từ gia đình riêng có ông bà, cha mẹ, con cháu đến gia đình rộng hơn là dân tộc, nhân loại, vũ trụ và lớn hơn cả là gia đình Thiên Chúa. Trong đó mỗi thành viên đều có sứ mệnh và trách nhiệm phải xây dựng, hy sinh cho nhau để phát triển sự sống nhờ tình yêu, như các tế bào trong cùng một thân thể vĩ đại nhiệm mầu.

Trong mỗi bữa ăn, bao sinh vật hy sinh để ta được sống. Chúng yêu ta nên mới dám chết cho ta vì Thiên Chúa Tạo Hoá đã đặt tình yêu vào bản chất của muôn loài. Rồi khi đón nhận chúng để tạo nên sự sống cho mình, ta cũng giúp chúng hoà hợp thành một với ta để được chia sẻ sự sống muôn đời, vì chỉ con người có tinh thần mới có thể đạt đến sự sống toàn diện, vĩnh hằng. Như thế, ăn cũng là dịp để cứu độ.

Hơn nữa, ăn còn là hoà hợp với muôn người: với người thân trong đời sống hằng ngày, với nông dân, ngư dân qua bát cơm, miếng cá, với tổ tiên anh hùng đổ máu xương để bảo vệ đất nước, với bao người trên khắp thế giới miệt mài lao động trong mọi lĩnh vực cho lương thực thể xác cũng như tinh thần của gia đình nhân loại được đầy đủ, an toàn. Tất cả đều bắt nguồn từ tình yêu thương muốn bảo vệ sự sống, nên ta phải trân trọng sự sống của mình cũng như của muôn người, bằng việc chăm chỉ học hành, làm việc và sống xứng đáng với tình yêu đó.

Do đó, bữa ăn huynh đệ của người tín hữu Kitô đang diễn tả sự hoà hợp này, và được yêu cầu thể hiện hằng ngày trong các nhà nguyện, nhà thờ trên khắp thế giới. Trong bữa ăn đó, Đức Giêsu cầm lấy tấm bánh và chén rượu (x. 1Cr 11,22-26), tượng trưng cho hoa mầu ruộng đất và lao công của con người trong vũ trụ và gia đình nhân loại. Rồi nhờ tác động thần linh, Người biến chúng thành Thịt Máu của chính Con Thiên Chúa để chia sẻ sự sống toàn diện vĩnh hằng cho những ai tin vào Người.

Lời kết
Vài suy tư nhỏ bé về bữa ăn hằng ngày trong đại dịch Covid-19 như mời gọi ta khám phá thêm những ý nghĩa sâu xa hơn, để ta biết hoà hợp với tất cả trong sự sống và tình yêu.

Tác giả: Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập453
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm426
  • Hôm nay49,656
  • Tháng hiện tại910,017
  • Tổng lượt truy cập78,913,468
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây