Bi kịch thương đau!

Thứ sáu - 03/04/2020 21:31  1695
LỄ LÁ
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 27,11-54

 
download 6Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Chúa Nhật lễ Lá, ngày kỷ niệm Chúa Giêsu vinh quang tiến vào thành Giêrusalem trong tư cách con vua Đavít, Đấng nhân danh Chúa mà đến, Giáo Hội cho chúng ta nghe trình thuật cuộc thương khó của Chúa Giêsu theo thánh Matthêu. Qua trình thuật thương khó, Giáo Hội muốn chúng ta hiểu rằng để cứu độ nhân loại, để đền bù những tội lỗi bất trung của con người, Đức Giêsu phải trải qua đau khổ, cái chết và phục sinh. Ngài phải đau khổ nhiều và chịu chết bởi thái độ hèn nhát, ham sống sợ chết và tham danh lợi của Philatô; bởi thái độ ganh tỵ của những thượng tế, biệt phái và kinh sư; bởi thái độ thiếu hiểu biết và không lập trường của dân chúng, chỉ biết làm theo sự xui khiến của người khác.

Trong tư cách là tổng trấn xét xử, Philatô hỏi Đức Giêsu: “Ông là vua dân Do Thái sao?” Đức Giêsu đáp lại: “Chính ngài nói đó.” Câu trả lời của Đức Giêsu rất ngắn, nhưng tái khẳng định một sự thật: “Ngài là vua dân Do Thái”. Sau câu trả lời ấy, Đức Giêsu không nói bất cứ lời nào nữa dù chỉ là một lời minh oan cho những tố cáo dối gian của người Do Thái. Sự im lặng của Ngài làm cho tổng trấn Philatô phải ngạc nhiên. Dù biết rõ Đức Giêsu vô tội và hiểu rằng Đức Giêsu bị trao nộp chỉ vì sự ghen tỵ của người Do Thái, Philatô vẫn không đứng về phía Đức Giêsu. Ông phóng thích Baraba, một tên trộm cướp giết người theo yêu cầu của dân chúng, rửa tay nói lên sự vô can của mình, trao Đức Giêsu cho người Do Thái để họ đánh đòn và đem đi đóng đinh vào thập giá. Ông không dám đứng về phía Đức Giêsu chỉ vì nhu nhược, hèn nhát, ham sống sợ chết, tham danh lợi và quyền lực. Một người như ông chẳng đáng kính trọng, nhưng thật đáng chê ghét phỉ nhổ.

Những thượng tế, kinh sư và biệt phái một mực muốn giết Đức Giêsu vì nhiều lý do. Trước hết, họ cho rằng Đức Giêsu đã phạm thượng vì tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ kết án Đức Giêsu như vậy vì cho rằng mình hiểu Thiên Chúa và biết rõ Đức Giêsu là ai. Họ tưởng làm thế là bảo vệ thánh ý của Thiên Chúa, nhưng kỳ thực họ đã chống lại thánh ý của Thiên Chúa vì tất cả những gì Đức Giêsu nói và làm đều nhân danh Thiên Chúa và nằm trong kế hoạch của Người. Sau đó, họ nghĩ rằng Đức Giêsu có thể sẽ trở thành nguyên cớ cho quân Roma tấn công dân tộc họ và phá hủy nơi thánh của họ vì Ngài làm quá nhiều dấu lạ nên dân chúng tin theo. Sau cùng, họ bảo rằng Đức Giêsu lộng ngôn đòi phá hủy đền thờ là nơi thánh, nơi Thiên Chúa hiện diện và ba ngày sẽ xây dựng lại, trong khi họ phải mất nhiều năm mới hoàn thành. Tất cả những lý do họ đưa ra dường như vô vị lợi, nhưng kỳ thực chỉ là vẻ bên ngoài che đậy thâm tâm xấu xa đê hèn của họ là sợ mất uy tín, mất quyền lợi và danh vọng. Thánh Matthêu đã nói rõ điều này trong Tin Mừng “chỉ vì ghen tỵ mà họ nộp Ngài.”

Dân chúng là đám đông ô hợp, không hiểu biết, không lập trường riêng nên đã sẵn sàng làm theo lời xúi giục của giai cấp lãnh đạo. Bị các thượng tế và kinh sư xúi đòi tha Baraba và giết Đức Giêsu, họ đòi Philatô tha Baraba và giết Đức Giêsu. Khi được hỏi trong hai người, một là Baraba và hai là Giêsu, họ muốn tha ai, họ đồng thanh trả lời tha Baraba và giết Đức Giêsu. Giết Đức Giêsu không theo cách bình thường mà phải đóng đinh vào thập giá cho đau đớn cho nhục nhã. Quân lính cùng một thái độ như dân chúng, nên khi được trao Đức Giêsu cho, họ đã cho đánh đòn, lột áo Ngài ra, khoắc cho Ngài một tấm áo choàng đỏ, kết một vòng gai làm vương miệng đặt lên đầu Ngài, trao vào tay Ngài một cây sậy, quỳ gối xuống nhạo báng Ngài là vua dân Do Thái. Sau khi đã đánh đòn và xỉ nhục, bắt Ngài vác thánh giá lên núi Gôngôtha và đóng đinh Ngài vào thập giá, chúng còn tiếp tục lời qua tiếng lại nhục mạ Ngài “Mi là kẻ phá đền thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá đi nào!”; “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Israel! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!”

Anh chị em thân mến,

Dù bị kết án bất công, trải qua nhiều đau khổ, bị từ chối, bị xúc phạm và chịu chết cách nhục nhã, Đức Giêsu vẫn cam lòng chịu đựng với một lòng phó thác. Vượt lên trên những bất công xỉ nhục, khổ đau và chết chóc, Đức Giêsu đã hoàn tất thánh ý của Chúa Cha và đạt đến vinh quang phục sinh. Sau khi sống lại, Ngài không giữ lại vinh quang ấy cho riêng mình mà trao tặng cho tất cả những ai tin tưởng bước theo Ngài. Trước hết là các thánh đã an giấc ngàn thu được trỗi dậy ra khỏi mồ hưởng vinh quang phục sinh với Chúa. Kế đó là các tông đồ và các môn đệ thân tín được Chúa sống lại hiện ra. Cuối cùng là mỗi kitô hữu chúng ta được chia sẻ sự sống mới của Ngài qua bí tích Rửa tội tái sinh làm cho nên công chính và các bí tích khác nuôi dưỡng sự sống ấy ngày một lớn lên, đến lúc viên mãn như Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì những hồng ân đặc biệt này. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng ta được mạnh mẽ và can đảm theo Ngài đến cùng ngay cả trong khổ đau và cái chết. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm73
  • Hôm nay45,187
  • Tháng hiện tại905,548
  • Tổng lượt truy cập78,908,999
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây