Nên ở nhà để học chữ yêu (Ga 12,1-11)
Thứ hai - 06/04/2020 09:27
2124
Nếu yêu thương là bài học không có ngày ra trường, thì lời khuyến cáo nên ở nhà thời Covid lại là cơ may để ai nấy học cho tinh cho tường chữ yêu ấy. Làm sao để mỗi gia đình trở nên dễ thương, đẹp đẽ đáng yêu trong cái nhìn của Thiên Chúa? Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta bộ ba chị em đã trở nên đáng yêu như thế…
Câu hỏi đặt ra là tại sao Chúa Giê-su lại thương mến gia đình chị em Mátta, Maria, và Lagiaro đến thế? Có phải ba chị em có lắm của nhiều tiền, đã thiết đãi Chúa hạng víp với sơn hào hải vị thứ thiệt mỗi dịp Chúa đến thăm? Lại nữa, lúc ra về cứ thay nhau dấm dúi cho Chúa thứ nọ thứ kia? Có phải vì hai chị em Mát-Ma thuộc diện xinh xắn đặc biệt nên hay được Chúa qua lại? Thưa, chắc chắn là không rồi.
Chúa hay đến thăm đơn giản chỉ vì ba chị em này rất chân thành, thương nhau; yêu Chúa với cả trái tim, say sưa lắng nghe Lời Chúa: thiết đãi Chúa với 1 ly nước đon đả, 1 đĩa trái cây gửi vào đó niềm hiếu khách, 1 chiếc khăn đủ ấm… Rồi mặc lòng để Chúa hỏi han, nuốt lấy từng lời dặn dò, nghe Chúa dốc bầu tâm sự… Chỉ thế thôi, đủ ‘thốn tim’ Chúa. Hay nếu vay mượn từ ngữ trình thuật sứ thần truyền tin cho Đức Maria (Lc 1,26-38), thì 3 chị em đã lọt vào ‘mắt xanh’ của Chúa, được Chúa sủng ái nên Ngài không thể không ghé thăm mỗi khi có dịp…
Vì thương mến Mátta, Maria và Lazaro (Ga 11,5) nên khi nghe tin Lazaro đau bệnh Ngài đã thổn thức trong lòng, đã bật khóc, và quyết định trở về Giuđêa để ‘đánh thức’ kẻ Chúa yêu, mặc cho giới cầm quyền đang rình rập ‘ném đá’. Qua đó, Chúa làm giàu thêm khái niệm yêu: Yêu là không sợ nguy hiểm, đường xa, phiền hà, chịu thua thiệt để người mình yêu được phần hơn. Yêu là bước chân như hối thúc đi tìm, đôi tay đòi ban phát, và môi miệng chỉ toàn muốn nói những lời yêu thương.
Cũng chính tình yêu quá lớn mà ‘Sáu ngày trước lễ vượt qua’ (c 1), dù bận trăm công ngàn việc, ‘khăn gói quả mướp’ bước vào cuộc khổ nạn, đi chịu chết, Chúa Giêsu đã tới làng Bêtania, để từ biệt những kẻ Chúa yêu là ba chị em. Bầu khí chia tay thật bịn rịn. Bốn thầy trò ăn uống, hàn huyên thân tình, lời vàng ngọc chất chứa cho “người đi kẻ ở” thật cảm động…
Đến đây, chúng ta cần để ý một chi tiết khá quan trọng vì nó hướng lòng các Kitô hữu đi vào những ngày Cực Thánh này hữu ích hơn. Cũng như vì biết rằng, người Thầy đáng kính chẳng còn ở mãi cạnh bên, nên Maria đã chẳng ngần ngại lấy thứ dầu thơm cam tùng nguyên chất để xức chân Thầy, lấy tóc mà lau (c3), phá tan truyền thống: sống xức ở đầu, chết xức ở chân… Quả như cái lý rất Pascal: Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu được. Có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu, chỉ những người yêu nhau mới thấy quả là chí lý, trong khi Giuđa lại thấy phi lý, lãng phí quá, không thể chấp nhận được.
Một bài học thật giá trị hé mở cho chúng ta. Bao lâu và bao nhiêu khi còn có thể, chúng ta hãy yêu thương, tha thứ, chăm sóc, phục vụ nhau. Đó cũng là cách xức dầu khôn nhất, tốt nhất cho nhau, tỏ lòng hiếu nghĩa với nhau. Đừng để bố mẹ gần đất xa trời mới thương mới chăm mới khóc, thì thật tội nghiệp cho họ và cho cả những người mà họ đã mang nặng đẻ đau. Ước mong sao chúng ta học được bài học yêu thương không chỉ trong thời đại dịch, mà còn trong suốt thời cuộc đời chúng ta. Và cứ như thế, chúng ta sẽ lọt vào ‘mắt xanh’ của Thiên Chúa và tha nhân. Tắt một lời, độ tin cậy và yêu mến Chúa của ba chị em quá đủ để được Chúa Giêsu trao tặng món quà diệu vời cho những kẻ Chúa yêu.
Tác giả: Lm. Giuse Phạm Văn Quang