THỨ NĂM TUẦN THÁNH
(Ga 13, 1-15)
"Người yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1).
Bài Tin mừng thứ Năm Tuần thánh, (thánh lễ ban chiều) thánh lễ Tiệc li thuật lại bữa tiệc li biệt, chia tay vì giờ Đức Giêsu phải rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha sắp đến. Vì Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian và yêu thương họ đến cùng nên sau bữa ăn tối, “Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”(Ga 13,5). Phêrô từ chối vì không dám nhưng khi Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ không được dự phần với Thầy" (Ga 13,8). Ông Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa (Ga 13,9) Ngài cũng tiên báo trong các ông có kẻ phản bội. Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Anh em có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy như vậy. Vậy nếu Thầy là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho anh em để anh em cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho anh em"(Ga 13,12-15).
Như tên gọi của Thánh lễ chiều nay là Thánh lễ Tiệc li nhưng thánh Gioan, khác với các tác giả Tin mừng khác đã không thuật lại bữa tiệc một cách chi tiết mà lại tập trung vào cử chỉ rửa chân cho các môn đệ mà thôi. Do vậy, chúng ta cũng gọi Thánh lễ chiều nay là Thánh lễ Rửa chân. Đây là điều lạ thường vì bữa tiệc li này rất quan trọng. Đó là bữa tiệc trong đó Chúa Giêsu lập bí tích Thánh thể, lập thiên chức Linh mục. Ấy vậy mà Gioan lại không thuật lại việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh thể nhưng chỉ thuật lại việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ mà thôi. Điều này có nghĩa là đối với thánh Gioan, rộng hơn nữa là cộng đoàn của thánh Gioan, cho thấy một cái nhìn thần học về việc rửa chân cho các môn đệ cũng có giá trị rất lớn so với bí tích Thánh thể. Nói cách khác, bí tích Thánh thể có thể và hơn nữa cần phải được cử hành một cách khác. Cách khác ấy là “rửa chân cho nhau.”
Thật ra, việc “rửa chân” ở đây không chỉ hiểu đơn thuần như một nghi thức chúng ta vẫn chứng kiến vào mỗi Thánh lễ tiệc li chiều thứ Năm Tuần thánh, cũng không phải chỉ là việc “rửa chân” trong đời sống thường ngày với nhau cho có lệ, hay “rửa chân” cho nhau một cách miễn cưỡng. Đọc lại Tin mừng thánh Gioan chương 13, 1-15, chúng ta thấy cử chỉ rửa chân Chúa Giêsu làm cho các môn đệ là một cách thể hiện tình yêu tha thiết, cháy bỏng của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, một tình yêu đến cùng, một tình yêu không muốn bị gián đoạn ngay cả khi Ngài rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha (Ga 13,1).
Để thực hiện hành vi yêu thương phục vụ này, Ngài đã “đứng dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu.” Các cử chỉ Gioan ghi nhận không chỉ có nghĩa đen nhưng mang một ý nghĩa biểu tượng, thiêng liêng sâu sắc. Ngài “đứng dậy” nghĩa là rời bỏ vị thế ông chủ của mình. Ngài “cởi áo” không chỉ có nghĩa là cởi áo Ngài đang mặc mà còn có nghĩa là cởi bỏ địa vị, danh dự, quyền lực của mình như một vị Thầy, như một vị Chúa để rồi đóng vai một người phục vụ; không chỉ là phục vụ thông thường mà phục vụ một cách tận tình, phục vụ một cách chu đáo, hết mình như một người hầu, như một kẻ nô lệ dành cho ông chủ của mình. Ngài “lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu,” rồi quỳ xuống mà lau.
Ngài đã rửa chân cho tất cả các môn đệ, kể cả Guiđa một cách kính cẩn, chu đáo. Một vị thế hoàn toàn đảo ngược đã diễn ra đúng như Ngài đã nói: Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy như vậy. Vậy nếu Thầy là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau (Ga 13,13-14). Đó là mệnh lệnh yêu thương phục vụ của Chúa Giêsu. Ngài đã không chỉ nói. Ngài đã làm. Vâng, Ngài đã làm gương cho chúng ta để chúng ta cũng bắt chước mà làm như Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta.
Việc “rửa chân” phục vụ như Đức Giêsu đã làm là điều cần thiết để được chung phần vinh phúc với Chúa Giêsu. Nếu không đón nhận và trao ban sự phục vụ này, chúng ta sẽ không được hưởng vinh quang như Đức Giêsu đã nói với Phêrô.
Vậy, chúng ta hãy mở lòng đón nhận tình yêu phục vụ của Chúa và đến lượt mình, chúng ta cũng hãy phục vụ nhau như Đức Giêsu đã phục vụ và nêu gương cho chúng ta. Khi phục vụ nhau như Đức Kitô đã phục vụ là chúng ta đang hiến thân, là chúng ta đang noi gương Chúa Giêsu cử hành bí tích Thánh thể vì nói cho cùng, bí tích Thánh thể cũng là bí tích của chia sẻ, bí tích của tình yêu dâng hiến, tình yêu phục vụ. Nói cách khác, ‘rửa chân” phục vụ lẫn nhau là một hình thức khác của việc sống bí tích Thánh thể, bí tích tình yêu. Amen.