Chúa Nhật Lễ Lá
Mt 26,14-27,66
Bài thương khó theo Tin mừng thánh Mat-thêu đặc biệt chú trọng đến nhân vật Giu-đa Its-ca-ri-ốt trong khi các thánh sử khác lại ít bàn đến.
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Giu-đa chỉ được nhắc tới một lần trong danh sách Nhóm Mười Hai (Mt 10,4). Điều này có nghĩa là Giu-đa được tuyển chọn, huấn luyện và đồng hành với Chúa Giê-su như các tông đồ khác. Tuy nhiên, mãi gần đến khi Chúa Giê-su chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ, Giu-đa Its-ca-ri-ốt mới lại được nhắc đến trong ý định bán Thầy mình, điều mà chỉ mình Mát-thêu mới cẩn thận ghi lại mẩu đối thoại ngắn ngủi của Giu-đa và các thượng tế: “Quý vị muốn trả cho tôi cái gì, tôi sẽ nộp ông ấy cho quý vị?” (Mt 26,15).
Lời đề nghị đó cho ta thấy: Giu-đa đã không có ý định nộp Chúa Giê-su, bởi vì nếu có ý, thì ông sẽ phải nói: “Tôi sẽ nộp ông ấy cho quý vị, vậy quý vị muốn trả cho tôi bao nhiêu?” Đàng này Giu-đa lại nói: “Quý vị muốn trả cho tôi điều gì?” Hóa ra, kiểu nói bán Chúa theo cái nhìn thánh sử Mát-thêu chỉ là món hàng cho cuộc ngả giá hơn thua của Giu-đa với các thượng tế mà thôi.
Chúng ta thử hỏi: Tại sao đam mê giao dịch của Giu-đa lại lớn đến độ không ngần ngại biến Thầy mình trở thành món hàng để mua bán đổi chác như thế? Điều mà thánh sử không hề manh nha ý đồ Giu-đa sẽ thực hiện trong suốt thời hoạt động công khai của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, thánh sử Gioan lại cung cấp cho chúng ta một chi tiết quan trọng để khơi sáng “vì Giu-đa giữ túi tiền” (Ga 13,29), là người quản lý của nhóm 12, người có trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất cả nhóm. Mà có tiền thì có uy có quyền, “có tiền mua tiên cũng được cơ mà”. Và theo logic của vòng vây này, vô tình ông đã dần lún sâu trong ý định giao dịch: “Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Anh đã nói điều đó” (Mt 26,25).
Vậy là thầy đã biết mọi sự, “toang thật rồi”, Giu-đa đã thảng thốt như thế. Nếu suy diễn theo lẽ thường, thì kẻ bị phát giác sẽ hoãn binh hãm kế, hoặc là chữa cháy, ngụy biện, đổ lỗi cho người khác, hoặc trốn chạy… Thế nhưng, không lâu sau đó, Giu-đa vẫn cả gan thực hiện “phi vụ” bán Thầy cách công khai với cả một “toán quân mang gươm giáo gậy gộc” (Mt 26,47). Điều đó minh định rằng: lòng ham mê tiền bạc đã làm cho Giu-đa không biết sợ hãi hay xấu hổ là gì. Tiền bạc đã làm mê hoặc lòng người. Túi tiền đã biến ông trở thành con thiêu thân say sưa lao vào cuộc đổi chác ấy…
Cuối cùng, đã có sự hối hận trong ý hướng hành động ở mút cùng của giây phút bù giờ, trong cái khoảnh khắc sống còn đã là quá muộn: “Bấy giờ, Giu-đa, kẻ nộp Người, thấy mình bị kết án thì hối hận. Hắn đem 30 đồng ấy trả lại… Hắn ném số bạc vào đền thờ, lui về rồi đi thắt cổ” (Mt 27,3-5).
Bạn mến, vụ án Giê-su có thể được nhìn dưới nhiều góc cạnh. Trong dòng suy tư này, chúng ta vừa cùng nhau phân tích diễn biến nội tâm của Giu-đa với TÚI TIỀN VÀ THÁI ĐỘ SÁM HỐI MUỘN MÀNG để ai nấy rút tỉa cho riêng mình những bài học. Túi tiền là nút thắt quan trọng nhất để mở ra vụ án và lòng sám hối dù có muộn màng với thái độ ném trả lại 30 đồng bạc và ra đi thắt cổ tự tử như cái nút mở để đóng lại vụ án vô tiền khoáng hậu.
Ngày nay, có lẽ chúng ta không dùng Chúa để đổi chác như Giu-đa, nhưng khi kiếm tiền bằng mọi cách, sẵn sàng bán rẻ lương tâm, chà đạp nhân phẩm và sự sống người khác; hay khi sống câu ranh ngôn: “thật thà thẳng thắn thường thua thiệt, luồn lách lươn lẹo mới lên lương” là chúng ta cũng đang bán Chúa rồi. Đã bao lần chúng ta buông xuôi, mất niềm tin cậy vào Thiên Chúa, chối bỏ tình thương tha thứ của Thiên Chúa, chối bỏ bản chất Ki-tô hữu của mình để rong chơi, phiêu bạt, lầm lỗi là chúng ta đã đem Chúa ra giao dịch. Xin cho chúng ta biết không ngừng sám hối về những yếu hèn bất toàn của chúng con. Xin đừng để chúng con giữa ranh giới của sự sống sự chết mới sám hối ăn năn thì e là quá muộn. Khi ấy thật khốn chúng con. Amen!