Sống đạo, thờ phượng Chúa thời Covid-19
Thứ năm - 02/04/2020 06:29
3636
Thứ Năm lại là ngày đầu tháng đặc biệt với lời của một bài hát vốn đã quen: Ta về thôi vì thánh lễ đã hết, nhưng đời ta là thánh lễ nối dài, mà nay sao lạ quá? Trộm nghĩ, tôi sẽ vẫn hát như thế ngay cả khi chẳng thể đến nhà thờ dâng lễ như đã xa mất rồi. Thiết tưởng tôi và bạn vẫn đang dâng lễ cuộc đời, nối dài thánh lễ mà Đấng Cứu Thế đã một lần dâng trên thập giá năm xưa.
Nhật ký thánh lễ chia tay (30/03) gợi lại trong tôi: Ai nấy trở về nhà mình (Ga 7,53), chúng ta sẽ tạm xa nhau một thời gian theo tinh thần cách ly để diệt Virus Corona cho tốt. Dù xa mặt nhưng không cách lòng; nay hợp mai tan, nay tạm xa, mai lại gần… Khi ấy, ai cũng chạnh lòng, nghẹn ngào, một số rơi lệ, bịn rịn cái ghế, chỗ ngồi, người bên cạnh đã trở nên quen thuộc; ước muốn cho thời gian trở lại!
Trong khi đang ước muốn cho thời gian ấy trở lại để hợp đoàn dâng lễ, thì bạn nên nhớ rằng: Hàng ngày, vẫn có hàng ngàn thánh lễ được dâng trên địa cầu. Dù dâng chung hay riêng, dù đông đảo hay vài người tham dự, thì tự bản chất thánh lễ vẫn sinh ơn ích cứu độ thiêng liêng và thánh hóa con người: “Hàng đêm, khi chúng ta ngủ, có muôn ngàn tu sĩ canh thức để luân phiên cầu nguyện cho chúng ta. Có những nơi chầu Mình Thánh Chúa 24/24 giờ, để đền tội cho cả thế giới và cho chúng ta… Mỗi giờ đồng hồ, ít nhất có 2000 linh mục đang dâng lễ chỗ nọ chỗ kia trên trái đất này cho nên hiểu theo nghĩa đó, hành tinh của chúng ta là một bàn thờ luôn luôn có thánh lễ, luôn luôn có người đang tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa. Con hãy tự hỏi, có bao giờ con đang thực sự tham gia vào lực lượng cầu nguyện đó chưa?” (Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, ĐHGTGTHN, XVI).
Có lẽ cũng vì thế mà những con dân ‘nghiện lễ’ đã đứng ngoài ‘hóng lễ’, dù cửa đóng then cài và láng máng tiếng thưa gửi bên trong. Thánh lễ online qua màn hình nơi mỗi gia đình, dường như không làm họ thỏa mãn cơn khát thánh lễ với người thật, việc thật. Kiểu xem lễ thời Covid ấy là biểu hiện khát vọng trở lại cái thời mà từ Covid chưa xuất hiện để họ được ở trong Nhà Chúa thay vì phải hóng lễ từ khuôn viên (TV 84,11).
Vì thế, thời Covid đến lại là dịp tốt giúp tín hữu hiểu và sống thánh lễ nối dài, thánh lễ bằng mầu nhiệm niềm tin, bằng sự hiệp thông, bằng sức sống nội tại nhiều hơn. Hiểu và sống thánh lễ khi trân nhận rằng: "Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem… Nhưng giờ đã đến-và chính là lúc này đây-giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." (Ga 4,21-24).
Mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người. Cũng vì corona mà bạn mới chợt nhận ra cơn đói khát Chúa, bạn hãy nhớ rằng Chúa đã đói khát mong chờ bạn từ bao giờ; nếu bạn chưa bao giờ biết chờ Ngài thì Ngài vẫn luôn đứng đó gõ cửa trái tim bạn, hôm qua hôm nay và cho đến muôn đời.
Có một cái làm bạn thấm đượm hơn khi Tuần Thánh sắp cận kề là khoảnh khắc đăng quang của Đấng chịu đâm thâu trên đỉnh cao thập giá. Nơi ấy, khi mọi sự đã hoàn tất (Ga 19,30-37) tiếng vọng trái tim yêu thương đến cùng vẫn thốt lên lời chất chứa: “Ta khát” (Ga 19,28-29). Ngài khát tình yêu, lửa mến; khát sự tha thứ và hiệp nhất, khát con người chung tay bảo vệ sự sống thay vì ngang nhiên giết hại và loại trừ nhau.v.v… Nỗi khát mong của Ngài cần được hiểu rằng: ngay cả khi đã cho đi tất cả, khi không còn gì để cho nữa, khi không thể làm gì được nữa, Ngài vẫn không hề nguôi cơn khát. Ngài khát hơn rất nhiều điều mà chúng ta đang khát…
Ước mong sao, với chút suy tư về cơn khát thánh lễ thời Covid sẽ phần nào giúp các tín hữu hiểu và SỐNG ĐẠO - THỜ CHÚA - THỜ PHƯỢNG CHÚA CHA TRONG SỰ THẬT VÀ CHÂN LÝ tốt đẹp và trưởng thành hơn, ngõ hầu được chung phần với Ngài (Ga13,3-12).
Tác giả: Lm. Giuse Phạm Văn Quang