Bình an giữa chốn phong ba của cuộc đời

Thứ bảy - 18/04/2020 04:56  1685
TUẦN II MÙA PS A
Ga 20, 19-31

download 1 4Chúa Nhật II Phục sinh luôn là Chúa Nhật của lòng Chúa xót thương, Chúa Nhật mang sứ điệp cầu chúc bình an, một sự bình an đích thực mà toàn thế giới hôm nay đang cần đến. Và sứ điệp ấy gợi lên trong tâm trí chúng ta BÌNH AN GIỮA CHỐN PHONG BA, bình an giữa bóng tối sặc mùi tử khí của chết chóc dịch bệnh hoành hành? Giả sử nơi vùng miền chúng ta đang sống có tỷ lệ ca tử vong tương đương với Mỹ: 29.567 ca nhiễm mới, 2.174 ca tử vong/24 giờ; Ý: 3.786 ca nhiễm, 525 ca tử vong/24 giờ, liệu rằng những người sống sót ở đó có thể bình an hay không? Hay sứ điệp bình an của Đấng Phục Sinh đã ban cho các môn đệ năm xưa có đụng chạm gì trước một thế giới đang bị giam hãm, đóng băng, mất hết nhuệ khí sinh hồn chỉ vì con Virus Corona ly ty hay không? Dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng tìm kiếm sự bình an Đấng đầy sẹo”; món quà không “đụng hàng”…

1. Bình an, món quà của “Đấng đầy sẹo”. Nếu kiểu nói “Bình an cho anh em” dường như còn xa lạ trong suốt thời gian hoạt động công khai của Đức Giêsu, thì sau phục sinh kiểu nói này lại trở nên thật quen thuộc, quen đến nỗi cứ mỗi lần tỏ mình ra cho các môn đệ, lời đầu tiên Đức Giêsu gởi tới các ông chính là “Bình an cho anh em”. Bình an quả thực là một món quà chỉ được ban sau phục sinh của Đức Giêsu. Bình an mà Người ban cho các ông đã được trả bằng một cái giá không hề rẻ: cái giá của những đòn vọt quất túi bụi vào thân xác, cái giá của mạo gai ngập sâu vào đầu, cái giá của những mũi đinh cắm phập vào tay chân và cái giá của lưỡi đòng đâm xuyên thấu cạnh sườn để chọc thủng con tim. Như thế, trong cái nhìn của người trần mắt thịt, thân xác của Đấng Phục Sinh cũng đồng nghĩa với thân xác của Đấng đầy sẹo. Những vết sẹo mà Đấng Phục Sinh đã dùng như bằng chứng để minh chứng cho các môn đệ thấy: người đang trò chuyện với các ông lúc ấy, không ai khác hơn là chính con người bằng xương bằng thịt của Thầy Giêsu đã quen thuộc với các ông trước đó.

2. Bình an, món quà không “đụng hàng”. Trong lời từ biệt trước khi bước vào cuộc thương khó (Ga 13,14,31), Chúa Giêsu đã nói rằng Ngài để lại bình an cho các môn đệ, Người trao ban bình an cho các ông và đã không quên chỉ ra rằng: bình an mà Người ban cho các các ông không như thế gian ban. Sau đó, Người còn trấn an các ông: “Anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi... Thầy ra đi rồi Thầy lại đến...” Chỉ trong văn mạch đó, ta mới hiểu rằng: Bình an chính là điểm tựa giúp các môn đệ không phải lo lắng và sợ hãi ngay cả khi Đức Giêsu ra đi, nhưng bình an Đức Giêsu ban cho các môn đệ đó là bình an nào? Đâu là điều làm cho bình an đó ‘không như’ bình an của thế gian?

Trước tiên cần tìm hiểu xem: bình an theo kiểu thế gian nghĩa là gì? Nói tới bình an, người ta thường nghĩ tới một tình trạng không gặp điều gì bất trắc, hiểm nguy hay xui xẻo... vì điều đó sẽ làm cho họ được sống trong một tâm trạng thoải mái, sung sướng và vui vẻ. Thế nhưng, sau khi lãnh nhận bình an của Chúa Phục Sinh, các môn đệ vẫn luôn phải đối diện với những bất ổn, hiểm nguy, đe dọa, thậm chí còn bị giết chết như trường hợp của Stêphanô đã được sách Công vụ (7,55-60) thuật lại. Cuộc đời của các môn đệ đầy long đong, lận đận, tự mình chèo chống con thuyền Giáo hội vào thuở khai sinh với bao nhiêu cơn sóng gió và nỗi truân chuyên. Sự khốc liệt của sứ vụ nhiều lúc dường như đã vắt cạn kiệt lửa nhiệt tình nơi các tông đồ, khiến trong đầu các ông chắc có lúc cũng đã thấp thoáng đâu đó ý tưởng đào ngũ.

Vậy đâu là dấu chỉ cho thấy môn đệ đang sở hữu sự bình an của Đấng Phục Sinh? Câu chuyện ‘Phêrô bị bắt và được giải cứu cách lạ lùng’ mà sách Công vụ (12,1-11) đã thuật lại có một chi tiết rất đặc biệt được ghi nhận: “Chính trong đêm trước ngày bị đưa ra xét xử, Phêrô ngủ giữa hai người lính, và bị khóa vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh... Bỗng thiên sứ đứng bên ông, và ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn Phêrô, đánh thức ông...” Mặc cho giờ xét xử đã gần kề, Phêrô vẫn cứ ngủ., mặc cho thân xác đang phải mang đầy xiềng xích, Phêrô vẫn thản nhiên ngáy, mặc cho lính canh lúc nào cũng cận kề ngay bên, Phêrô vẫn vô tư say giấc điệp, và mặc cho “ánh sáng chói lòa cả phòng giam” vì thiên thần xuất hiện, Phêrô vẫn miệt mài ‘kéo gỗ’. Chỉ khi bị “đập vào cạnh sườn” thật đau điếng, Phêrô mới đành phải trỗi dậy. Giấc ngủ ấy chỉ có thể có khi Phêrô đang nhâm nhi món quà bình an của Đấng Phục Sinh.

3. Bình an, món quà cho con người và thế giới hôm nay. Liệu rằng, người môn đệ hôm nay có thể cảm nghiệm được ơn bình an đó khi vẫn đang phải đối diện với những tất bật, lo toan, mệt mỏi, khổ đau; những rên siết quằn quại trong cơn khốn cùng của đại họa Covid, mà cả nhân loại đang phải hứng chịu? Chắc chắn thế giới đang rất cần lời giải cứu của Đấng có đầy quyền năng và hay thương xót. Nhưng điều gì giúp ta có thể cảm nhận được ơn bình an này trong vòng xoáy của cơm áo gạo tiền? Làm sao để có được bình an giữa chốn phong ba này, nếu ta không đặt niềm tin tưởng phó thác cho quyền năng của Đấng Phục Sinh? Chỉ như thế mới giúp người môn đệ Chúa Ki-tô có thể ngủ thật ngon, thật say giữa bộn bề cuộc sống hôm nay. Đây cũng là phương dược thần diệu đã giúp cho Phêrô có thể ngủ một giấc thật say sưa giữa những cơn giống tố đang gào thét như muốn muốt trửng lấy người tông đồ này.

Sau khi sống lại từ cõi chết và nhiều lần hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu đã trao ban cho các tông đồ ơn bình an, một hồng ân vô cùng cao quý giữa bao sóng gió và tối tăm của cuộc đời. Bình an của Chúa Phục Sinh là thứ bình an của Đấng đầy sẹo, bình an không đụng hàng, và bình an cả cho con người thời nay. Nguyện xin Chúa thương đến nhân loại đang phải gồng mình đối phó với Covid-19 mà trao ban ơn bình an đặc biệt của Ngài cho nhân loại để nhờ ơn bình an ấy, nhân loại của chúng con đủ sức mạnh để vượt qua khó khăn, biết chấp nhận tất cả trong thánh ý Chúa, bởi chỉ như thế, nhân loại chúng con mới đạt tới đích điểm của cuộc đời là hạnh phúc bên Chúa mãi mãi. Amen!

Tác giả: Lm. Giuse Phạm Văn Quang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập435
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm395
  • Hôm nay49,563
  • Tháng hiện tại909,924
  • Tổng lượt truy cập78,913,375
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây