Thứ Hai sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Ga 6,22-29
Cơm bánh là nhu cầu không thể thiếu của đời sống con người. Vật chất vẫn là cơn cám dỗ thường trực của nhân loại. Bánh ăn cũng là thứ đầu tiên mà ma quỷ sử dụng để cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa năm xưa (x. Mt 4,1-4; Lc 4,1-4). Cơm áo gạo tiền nghe có vẻ tầm thường nhưng lại là nhu cầu rất thiết thân. Tuy vậy, cơn khát của cải vật chất chưa bao giờ có điểm dừng. Chúng ta từng chứng kiến biết bao người vì tham lam quá độ, mải miết chạy theo đồng tiền, bất chấp mọi thủ đoạn chiếm hữu để rồi vướng vào vòng lao lý, khi tỉnh ngộ thì đã quá muộn. Người ta nói lòng tham không đáy là vậy.
Trong hành trình ra khỏi Ai Cập, rong ruổi suốt bốn mươi năm trong sa mạc để tiến về miền Đất Hứa, toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en đã nhiều lần kêu trách Mô-sê và A-ha-ron cũng chỉ vì cái bụng: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” (x. Xh 16,2-3). Nỗi nhớ “thịt béo, củ hành củ tỏi Ai Cập” khiến họ chấp nhận thà chết trong cảnh nô lệ hơn là một cuộc sống tự do nhưng phải đói ăn trước mắt: “Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai Cập! Thà làm nô lệ Ai Cập còn hơn chết trong sa mạc!” (x. Xh 14,12). Thật vậy, dân Ít-ra-en xưa đã giản lược ơn giải thoát của Thiên Chúa nơi các thực tại trần thế, nhất là nơi sự no đủ về cái ăn cái mặc.
Đám đông dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Họ cũng xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Chúa Giêsu nhưng không phải vì đã tin nhận Ngài là Đấng quyền năng hay để lắng nghe Lời ban sự sống mà chỉ với hy vọng được ăn bánh no nê. Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, khi định tôn Đức Giêsu làm Vua, chắc hẳn đám đông đã nghĩ đến chuyện sẽ được Ngài đảm bảo nhu cầu “ăn uống”. Có vẻ như họ cũng muốn “ăn không ngồi rồi” để được an nhàn hưởng thụ. Họ là hiện thân của loài người đang lạc hướng, của những não trạng đang quay cuồng trong chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa thực dụng. Tuy nhiên, nếu cứ dừng lại loay hoay ở thế giới vật chất thì một ngày kia con người sẽ cảm thấy không được thoả mãn.
Chúa Giêsu dạy cho chúng ta tìm kiếm của ăn nuôi dưỡng linh hồn thì quan trọng hơn là thứ lương thực mau hư nát. Bởi lễ, nếu quá gắn bó với của cải, lợi lộc trần gian dễ dàng lãng quên những giá trị Nước Trời. Thứ lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh là tìm kiếm và thi hành Thánh ý của Thiên Chúa. Và để thực hiện điều ấy thì phải tin vào Đấng Người đã sai đến. Chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy mọi khát vọng trong tâm hồn con người. Chỉ có Chúa Giêsu mới làm thoả mãn cơn đói đời đời của nhân loại bởi Ngài là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận và chính Ngài là Bánh Bởi Trời, Bánh Hằng Sống. Sau này, chính Chúa Giêu khẳng định: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35).
Nhìn lại đời sống đạo của mình, chúng ta cũng cần đặt lại câu hỏi cho mình: Tôi đang theo Chúa vì động cơ gì? Tôi đang tìm kiếm Chúa hay vun vén cho chính tôi? Thứ lương thực nào tôi đang khao khát? Có phải chúng ta ước mong hạnh phúc đích thực nhưng lại mải mê chạy theo những ảo ảnh phù phiếm của thế gian. Chúng ta đang lữ hành tiến về Nước Trời nhưng ham thích dừng lại sa đà vào những thoả mãn chóng qua dọc đường. Chúng ta được mời gọi tỉnh thức nhưng đang ngủ say trong cơn mê mộng mị của danh vọng, tiền tài, địa vị. Chúng ta dành hết thời giờ sức lực để xây đắp hạnh phúc đời này nhưng chẳng mấy quan tâm đến đời sống vĩnh cửu mai sau.
Lạy Chúa, đang khi chúng con vất vả làm việc để nuôi sống thể xác và hưởng dùng lương thực đời này, xin dạy chúng con luôn biết khao khát Bánh trường sinh là của ăn nuôi dưỡng linh hồn. Amen.