CN IV PS A: Mục tử 5G

Thứ bảy - 02/05/2020 19:43  1681
MỤC TỬ 5G
“Tôi là cửa cho chiên ra vào” (Ga 10,7)

images 1Ngày nay, người ta nói nhiều đến 5G (thế hệ mạng di động thứ 5, the Fifth Generation), với tốc độ cao hơn 4G tới 100 lần, mở ra nhiều khả năng hấp dẫn của “mạng lưới vạn vật kết nối” (IoT: Internet of Things) như xe tự lái, thực tế ảo, thành phố thông minh[1]… Chắc hẳn 5G mang lại nhiều tiện ích và cơ hội, nhưng nhìn vào mặt trái, người ta cũng lo ngại vềnhững tác hại và nguy cơ.

Câu chủ đề của lễ Chúa Chiên Lành năm nay là “Tôi là cửa cho chiên ra vào” (Ga 10,7). Trong khi cánh cửa internet càng ngày càng rộng mở và bao quát vào mọi ngóc ngách của đời sống con người, chúng ta tự hỏi: cánh cửa mục tử thì sao? Cơn khát thánh lễ trong đại dịch covid 19 vừa qua cho thấy cánh cửa internet vẫn không có cửa để thay thế cho cánh cửa mục tử. Thánh lễ online quả thực không thay thế được cơn khát Thánh Thể trong lòng tín hữu!

Nhưng làm thế nào để cánh cửa mục tử rộng mở? Thế hệ 5G cũng mong chờ các mục tử 5G! Cảm hứng từ tập sách nói về “mười trực giác truyền cảm hứng”[2], chúng ta cùng nhau chia sẻ năm điểm nhấn mục vụ cho người mục tử hôm nay với 5 chữ G: gắn bó chặt chẽ với Chúa Giêsu, giản dị trong lối sống, gần gũi dân chúng, giàu lòng thương xót và giảng dạy có chất lượng.


Gắn bó chặt chẽ với Chúa Giêsu – Mục tử nhân lành

Điểm khác biệt giữa cánh cửa công nghệ và cánh cửa mục tử là sự khác biệt giữa “ảo” và “thực”. Bước vào cánh cửa mục tử, người ta gặp được trái tim mục tử, một trái tim đong đầy tình yêu của Chúa Giêsu, vị mục tử đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên của mình. Nơi đó, đoàn chiên kín múc được tình thương và ân sủng để giúp họ sống và sống dồi dào.

Điều này giả thiết các mục tử của Chúa có mối tương quan gắn bó với Chúa Giêsu. Đó là một sự “kết nối” với “máy chủ” của mình, vì “không có Thầy chúng con chẳng làm được gì”. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, việc thường xuyên chiêm ngắm Trái Tim nhân lành của Chúa Giêsu, say mê Thánh Thể, trung thành với đời sống cầu nguyện, bí tích, hăng say sống sứ vụ đức ái mục tử sẽ giúp cho sự “kết nối” này luôn được đong đầy và bền vững[3].
  1. Giản dị trong lối sống
“Hãy sống giản đơn để tha nhân có thể dễ sống” (Mẹ Têrêsa).Người mục tử sống giản dị sẽ là cánh cửa rộng mở cho các tín hữu của mình. Mỗi lần đến với mục tử của mình, họ sẽ không phải lo lắng về những thủ tục rườm rà, những lễ nghi phiền toái, những chi tiết cầu kỳ. Họ có thể đến với ngài trong sự đơn sơ của họ: đôi chân đất, bàn tay trắng, con người thật…

Cuộc sống giản dị không chỉ là một chứng tá về đức nghèo khó theo Phúc Âm, nhưng còn là cánh cửa mở ra cho lòng bác ái và sứ vụ truyền giáo. Chỉ khi sống thanh thoát người mục tử mới có thể mở rộng cửa lòng để sẵn sàng trao ban chính mình và đón nhận tha nhân.
  1. Gần gũi dân chúng
Trong Tin Mừng ta thấy hình ảnh người Mục Tử tốt lành rất gần gũi với chiên: biết chiên, lắng nghe chiên, chăm sóc chiên, bảo vệ chiên. Cánh cửa là lối vào để chiên tìm về chốn bình an, để được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, chở che; cánh cửa cũng là lối ra để chiên vươn tới những khung trời ước mơ và hy vọng, nơi ấy có đồng cỏ tươi, có dòng suối mát, có sự sống dồi dào. Người mục tử với hình ảnh “cửa ràn chiên” như thế đồng hành sát sao với các con chiên của mình bằng một trái tim nồng ấm yêu thương và một nhãn quan nhìn xa trông rộng.

Cách thức mục vụ quan liêu trưởng giả không còn phù hợp nữa. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các mục tử hãy “mang lấy mùi chiên” chứ đừng “giấu mình trong văn phòng hay ngồi trong xe với cặp kính râm để chạy ngoài đường”[4]. Hình ảnh một người cha, người thầy, người anh em gần gũi, cảm thông, chia sẻ giữa đoàn chiên thật là đẹp biết bao.

Đây là sự gần gũi mang lại sự thấu cảm, một sự hiểu biết đến từ trái tim và trải nghiệm: “Chúng ta phải chung vui với những đôi tân hôn, cùng cười với trẻ thơ được đem đến giếng rửa tội, đồng hành với các đôi bạn trẻ đính hôn, thông chia đau khổ với những bệnh nhân lãnh nhận xức dầu trên giường bệnh, khóc với những người đang chôn cất người thân… Đối với linh mục chúng ta, những gì xảy ra không giống như một tờ tin tức. Chúng ta biết dân của mình, chúng ta cảm nhận những gì có trong trái tim của họ”.[5]
  1. Giàu lòng thương xót
Lòng thương xót trước tiên thể hiện ở sự cảm thông với những thân phận nhỏ bé trong cộng đoàn hay xã hội. Đó là sự “chạnh thương” (quặn lòng) trước những thân phận “bơ vơ không người chăn dắt”[6].

Đó cũng là sự chăm sóc và bảo vệ dành cho những người nghèo khổ nhất, yếu đuổi nhất, dễ bị tổn thương nhất, hay bị quên lãng nhất: “Là linh mục, chúng ta đồng hóa mình với những người bị loại trừ”![7]

Lòng thương xót nơi linh mục cũng được thể hiện qua cung cách mục vụ hiền lành, khiêm nhường, nhẹ nhàng, lắng nghe, đối thoại, đoạn tuyệt với não trạng “giáo sĩ trị”, xây dựng cộng đoàn thành một giáo hội yêu thương hiệp nhất, một giáo hội hiệp thông, tham gia, đồng trách nhiệm. Như thế, lòng thương xót cũng đồng nghĩa với sự kiên nhẫn, chịu đựng và vị tha của đức ái mục vụ; đồng nghĩa với “sự đi ra khỏi vùng tiện nghi” và đi đến với “các vùng ngoại vi” đang cần được Tin Mừng chiếu soi (EG 20).
  1. Giảng dạy có chất lượng
Trong tông huấn đầu tay, Vị Cha Chung đã dành ra 25 mục (EG 135-159) để nói về bài giảng. Bài giảng có chất lượng là một bài giảng được chuẩn bị cẩn thận qua việc học hỏi, cầu nguyện, suy tư và sự sáng tạo mục vụ, có khả năng chạm đến trái tim người nghe, thúc đẩy họ biến đổi và hành động[8].

Bài giảng có sức thuyết phục khi được minh họa bằng chứng tá cuộc sống. Đó là một thứ “hương thơm” của “dầu hoan lạc” mang lại sức sống và truyền cảm hứng cho đời sống cộng đoàn.

Trong hoàn cảnh hôm nay, “bữa ăn” tinh thần chính yếu cho các tín hữu là các bài giảng. Vì thế, việc đầu tư thời gian, tâm lực cho việc chuẩn bị bài giảng là điều hết sức quan trọng. Cần có dài thời gian và dày công sức để giảng ngắn giảng hay, súc tích và ý nghĩa, mang lại dinh dưỡng thuần khiết thơm ngon cho đời sống đức tin của cộng đoàn.

*****
Trong đại dịch covid 19, có hàng trăm linh mục và tu sĩ đã qua đời. Rất nhiều người trong số họ đã tử vong vì lây nhiễm virus trong khi phục vụ bệnh nhân. Đặc biệt, chúng ta có thể kể đến cha Giuseppe Berardelli, 72 tuổi, đã qua đời vì covid 19 sau khi nhường máy trợ thở cho một bệnh nhân trẻ tuổi hơn mình[9]

Vẫn còn đó những tấm gương mục từ xả thân phục vụ và hy sinh vì đoàn chiên của mình theo gương Thầy Chí Thánh. Họ là những cánh cửa rộng mở để chiên có thể dễ dàng ra vào. Họ là những người đã sống chức linh mục với lòng biết ơn, tinh thần hy sinh và làm cho cuộc đời của mình trở thành khúc ca ngợi khen[10].

Nguyện xin Chúa Kitô, Linh Mục tối cao, Mục Tử tốt lành, nâng đỡ các vị mục tử của chúng ta trong hành trình dâng hiến và phục vụ, để các ngài trở nên hình ảnh sắc nét và hiện thân sống động của Chúa Kitô mục tử trong lòng Dân Thánh và giữa lòng thế giới.

 
Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng
 

[1]Cf. Website của Vietsunshine, “Mạng 5G là gì? Những cơ hội nào sẽ mở ra với công nghệ 5G?”,  https://www.vietsunshine.com.vn/2019/02/26/mang-5g-la-gi-nhung-co-hoi-nao-se-mo-ra-voi-cong-nghe-5g/.
[2]J. H. Kroeger, Đức Thánh Cha Phanxicô và Thiên Chức Linh Mục, Mười trực giác truyền cảm hứng, Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên chuyển ngữ, Lưu hành nội bộ.
[3]Ibidem, mục I.
[4] Ibidem, mục II, tr. 13.
[5] Ibidem, mục II, tr. 17.
[6] Ibidem, mục II, tr. 15;
[7] Ibidem, mục IX, tr. 49.
[8] Ibidem, mục VI, tra. 33.35.
[10] Cf. Sứ điệp ngày Quốc tể ơn gọi 2020.
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập187
  • Máy chủ tìm kiếm49
  • Khách viếng thăm138
  • Hôm nay40,842
  • Tháng hiện tại893,339
  • Tổng lượt truy cập70,921,096
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây