Hội nghị do “Trung tâm nghiên cứu và nhân loại học về các ơn gọi” tổ chức trong hai ngày 01 và ngày 02 tháng Ba này ở Roma, với sự tham dự của nhiều học giả, triết gia, thần học gia và các nhà sư phạm, để suy tư về nhân loại học Kitô, sự đa nguyên, đối thoại giữa các nền văn hóa và tương lai của Kitô giáo.
Vì bị khàn tiếng do cảm cúm, nên bài diễn văn của Đức Thánh cha đã được Đức ông Ciampanelli đọc thay, còn ngài ứng khẩu chào thăm các tham dự viên, qua đó ngài lên án ý thức hệ Gender, vốn chủ trương xóa bỏ sự khác biệt tự nhiên giữa nam và nữ.
Lập trường này đã được Đức Thánh cha nhiều lần bày tỏ và ngài gọi đó là một “sự thực dân ý thức hệ”, “một sự hiểu lộ bất mãn và cam chịu”. Trong diễn văn trước Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh hồi đầu năm nay, Đức Thánh cha gọi ý thức hệ này là điều rất nguy hiểm.
Trong bài phát biểu hôm mùng 01 tháng Ba nói trên, Đức Thánh cha cho biết đã yêu cầu nghiên cứu về ý thức hệ Gender, “là điều rất xấu ngày nay, vì nó xóa bỏ mọi khác biệt nam nữ, làm cho mọi sự giống như nhau. Xóa bỏ như thế là xóa bỏ nhân loại. Trái lại, người nam và người nữ ở trong một tương quan “khác biệt phong phú”.
Hồi năm 2019, Bộ Giáo dục Công giáo đã công bố một văn kiện tựa đề “Chúa dựng nên có nam có nữ. Tiến tới một con đường đối thoại về vấn đề Gender trong việc giáo dục”. Đó là một tài liệu hữu ích để đề cập đến việc tranh luận về tính dục con người và những thách đố nổi lên trong ngành giáo dục ngày nay.
Trong diễn văn trao tay cho các tham dự viên, Đức Thánh cha nhấn mạnh về tầm quan trọng khi khởi xướng những suy tư, trên bình diện học thuật, về những ơn gọi trong Giáo hội và xã hội, đề cao chiều kích nhân học và khởi hành từ chân lý sơ đẳng cơ bản, theo đó “Cuộc sống con người là một ơn gọi”, nghĩa là nó được biểu lộ trong sự lắng nghe, đáp lại, chia sẻ chính cuộc sống và những hồng ân với nhưng người khác, để mưu cầu công ích. Sự khám phá này giúp chúng ta ra khỏi tình trạng cô lập vì tự tham chiếu và giúp chúng ta nhìn bản thân như một căn tính tương quan, nghĩa là tôi hiện hữu và sống trong tương quan với người đã sinh ra tôi, với thực tại vượt lên tôi, với tha nhân và với thế giới quanh tôi, trong mối liên hệ qua đó tôi được kêu gọi thực hiện một sứ mạng đặc thù và đích thân, trong vui mừng và với tinh thần trách nhiệm”.
Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA