Nghiên cứu “Giới trẻ: kỳ vọng, lý tưởng và niềm tin” được thực hiện tại 8 quốc gia: Argentina, Brazil, Ý, Kenya, Mexico, Philippines, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh, với gần 5.000 bạn trẻ, tuổi từ 18 đến 29, trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến 12/2023.
Cuộc nghiên cứu về tâm linh nơi giới trẻ do Đại học Công giáo Thánh Tâm ở Roma cùng với 7 Đại học khác trên khắp thế giới thực hiện dựa trên một mẫu quốc tế với phương pháp lắng nghe liên tục. Kết quả được trình bày ngày 29/02 vừa qua cho thấy một cái nhìn tổng quan đáng khích lệ về người trẻ.
Sự gia tăng về ý thức tâm linh này được nhận thấy đặc biệt ở Kenya, Philippines và Brazil, nơi có khoảng 82% đến 92% người trẻ xác định là “người có đức tin”. Mặc dù đang có một quá trình tục hóa ở Ý và Tây Ban Nha, nhưng những người được phỏng vấn vẫn bộc lộ niềm xác tín sâu sắc về đức tin. Thật vậy, 60% bạn trẻ Công giáo Tây Ban Nha và Ý coi việc tham dự Thánh lễ là điều quan trọng, cũng như việc rước lễ.
Sau đó, có những quốc gia ở vị trí “ở giữa” về việc thể hiện đức tin của người trẻ: Mexico (71%) và Argentina (51%). Tình hình lại khác ở Vương quốc Anh, nơi 48% những người được phỏng vấn tự nhận mình là người có đức tin. Trong số những người này, 88% nói rằng họ cầu nguyện vài lần một tuần và 68% tham dự Thánh lễ ít nhất mỗi tháng một lần.
Cuộc nghiên cứu cho thấy tôn giáo ở Philippines, Kenya và Brazil được sống với lòng sùng kính mạnh mẽ. Tại quốc gia châu Á, với đa số là Công giáo có 67% người thực hành đạo; ở Kenya người Công giáo là 26%, trong khi 71% những người được phỏng vấn có niềm tin thuộc các tôn giáo khác. Ở Brazil, niềm tin được thực hành nhiều nhất là Kitô giáo, trong đó có 31% Tin lành và 27% Công giáo.
Theo nghiên cứu, Philippines, Kenya và Brazil đều có những đặc điểm tương tự. Ở ba quốc gia này, một phần đáng kể người trẻ tự nhận mình là người có đức tin và do đó nhận ra rằng tâm linh hiện diện trong cuộc sống của họ và ngày càng gia tăng. Nói chung, người trẻ thường xuyên cầu nguyện, tuân theo các thực hành và niềm tin tôn giáo và thường tham gia các buổi cử hành phụng vụ. Hơn nữa, phụ nữ có đức tin chiếm một tỷ lệ lớn, ở Kenya (93%), Philippines (83%) và Brazil (81%), và nói chung số trên toàn cầu, tỷ lệ phụ nữ Công giáo cũng cao hơn (52%).
Về tầm nhìn của Giáo hội, đa số các tín hữu coi Giáo hội là một tổ chức đóng góp cho lợi ích của xã hội (76%). Về các vấn đề xã hội, một phần quan trọng của mẫu khảo sát tố cáo tham nhũng chính trị (trong đó, 94% những người có đức tin, 85% những người không có đức tin) và các vấn đề liên quan đến sinh thái (93% những người có đức tin, 85% những người không có đức tin). Tử hình và sự biện minh cho chiến tranh đều vấp phải sự phản đối từ cả người Công giáo, tín đồ các tôn giáo khác lẫn người vô thần. Cũng có sự đồng thuận lớn trong việc phản đối việc hợp pháp hóa mại dâm (70%). Trong số những người trong mẫu được xác định là “người vô thần”, xuất hiện mối quan tâm đến cuộc sống sau khi chết và hiểu biết đầy đủ về đau khổ, với tỷ lệ phần trăm cao hơn tại Kenya và Philippines. Ở hai quốc gia này, phần lớn những người được hỏi đều tuyên bố rằng họ coi việc cầu nguyện là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống.
Tác giả: Vatican News