Báo cáo tổng hợp của THĐ về Hiệp Hành (4)

Thứ ba - 07/11/2023 08:04  274
(tiếp tục)
5. Một Giáo Hội "từ mọi bộ lạc, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia"

Đúc kết ý kiến

a) Các tín hữu sống trong các nền văn hóa cụ thể, mang Chúa Kitô đến với các nền văn hóa ấy trong Lời Chúa và các Bí tích, tham gia phục vụ bác ái với lòng khiêm nhường và niềm vui, đón nhận mầu nhiệm Chúa Kitô vốn đã chờ đợi chúng ta ở mọi nơi và mọi lúc. Bằng cách này, chúng ta trở thành một Giáo Hội chào đón mọi người từ "mọi chi tộc, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia" (Kh 5:9).

b) Các bối cảnh văn hóa, lịch sử và lục địa nơi Giáo Hội hiện diện cho thấy những nhu cầu tinh thần và vật chất khác nhau. Điều này định hình văn hóa của các Giáo hội địa phương, các ưu tiên truyền giáo của họ, các mối quan tâm và ân sủng mà mỗi Giáo hội mang đến cho cuộc đối thoại hiệp hành, và các ngôn ngữ mà họ sử dụng để thể hiện bản thân. Trong những ngày của Đại hội, chúng tôi đã có thể trải nghiệm trực tiếp, và hầu hết  là vui mừng, những biểu hiện đa dạng của Giáo hội.

 
Có thể là hình ảnh về 5 người

c) Các Giáo hội sống trong bối cảnh ngày càng đa văn hóa và đa tôn giáo. Điều này đòi hỏi phải tìm cách thức tạo ra cuộc đối thoại giữa các tôn giáo và văn hóa, mà các Kitô hữu cần tham gia cùng với nhiều nhóm cấu thành xã hội. Thực hiện sứ mạng của Giáo Hội trong những bối cảnh này đòi hỏi một phong cách hiện diện, phục vụ và loan báo nhằm tìm cách xây dựng những nhịp cầu, vun trồng sự hiểu biết lẫn nhau và tham gia vào việc rao giảng Tin Mừng đồng hành, lắng nghe và học hỏi. Trong Đại hội, hình ảnh "cởi bỏ giày dép" để bước qua ngưỡng gặp gỡ người khác vang lên như một dấu chỉ của sự khiêm nhường và tôn trọng đối với một không gian thánh thiêng, trên một cơ sở bình đẳng.

d) Di cư định hình lại các giáo hội địa phương thành các cộng đồng đa văn hóa. Những người di cư và tị nạn, nhiều người trong số họ mang những vết thương của việc phải ly hương, chiến tranh và bạo lực, thường trở thành một nguồn canh tân và làm phong phú cho các cộng đồng đón nhận họ và là cơ hội để thiết lập các liên kết trực tiếp với các Giáo hội xa xôi về mặt địa lý. Trước những thái độ ngày càng thù địch đối với những người di cư, chúng ta được mời gọi thực hành một sự đón tiếp cởi mở, đồng hành với họ trong việc xây dựng một cuộc sống mới và xây dựng sự hiệp thông liên văn hóa thực sự giữa các dân tộc. Tôn trọng các truyền thống phụng vụ và thực hành tôn giáo của người di cư là một phần không thể thiếu của sự đón tiếp chân thành.

e) Các nhà truyền giáo đã hiến mạng sống của mình để mang Tin Mừng đến cho toàn thế giới. Sự dấn thân của họ là một bằng chứng tuyệt vời cho sức mạnh của Tin Mừng. Tuy nhiên, cần có sự chú ý và nhạy cảm đặc biệt trong bối cảnh mà "truyền giáo" là một từ chứa đầy những ký ức lịch sử đau đớn gây cản trở sự hiệp thông ngày nay. Ở một số nơi, việc loan báo Tin Mừng gắn liền với thực thuộc địa hóa, thậm chí là diệt chủng. Truyền giáo trong những bối cảnh này đòi hỏi phải thừa nhận những sai lầm đã mắc phải, học hỏi sự nhạy cảm mới mẻ đối với các vấn đề này, và đồng hành với thế hệ đang tìm cách xây dựng bản sắc Kitô giáo vượt ra khỏi chủ nghĩa thực dân. Thái độ tôn trọng và khiêm nhường là những điều cần thiết để nhận ra rằng chúng ta bổ túc cho nhau và những cuộc gặp gỡ với các nền văn hóa khác nhau có thể làm phong phú thêm cuộc sống và suy nghĩ về đức tin của các cộng đồng Kitô hữu.

f) Giáo hội dạy về sự cần thiết và khuyến khích việc thực hành đối thoại liên tôn như một phần của việc xây dựng sự hiệp thông giữa tất cả các dân tộc. Trong một thế giới bạo lực và chia rẽ, chứng tá về sự hiệp nhất của nhân loại, với nguồn gốc chung và vận mệnh chung của nó, trong một tình liên đới phối hợp và hỗ tương hướng tới công bằng xã hội, hòa bình, hòa giải và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, ngày càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Giáo Hội ý thức rằng Chúa Thánh Thần có thể nói qua những con người thuộc mọi tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa.

Các vấn đề cần xem xét

g) Chúng ta cần trau dồi sự nhạy cảm lớn hơn đối với giá trị phong phú trong các biểu hiện đa dạng của chúng ta về việc thế nào là Giáo hội. Điều này đòi hỏi phải tìm kiếm một sự cân bằng năng động giữa chiều kích của toàn thể Giáo hội và bản sắc cội nguồn địa phương của nó, giữa việc tôn trọng mối dây hiệp nhất của Giáo hội và nguy cơ đồng nhất bóp nghẹt sự đa dạng. Ý nghĩa và ưu tiên thay đổi giữa các bối cảnh khác nhau, và điều này đòi hỏi phải xác định và thúc đẩy các hình thức tản quyền.

h) Giáo hội cũng bị ảnh hưởng bởi sự phân cực và mất lòng tin trong các vấn đề quan trọng như đời sống phụng vụ và suy tư luân lý, xã hội và thần học. Chúng ta cần nhận ra nguyên nhân của từng vấn đề thông qua đối thoại và thực hiện các tiến trình can đảm để làm hồi sinh sự hiệp thông và các tiến trình hòa giải để khắc phục chúng.

i) Trong các Giáo hội địa phương của chúng ta, đôi khi chúng ta gặp phải những căng thẳng giữa các cách hiểu khác nhau về truyền giáo: nhấn mạnh vào chứng tá sự sống, cam kết thăng tiến con người, đối thoại với các tôn giáo và nền văn hóa, và công bố Tin Mừng một cách rõ ràng. Tương tự, một sự căng thẳng nảy sinh giữa việc công bố rõ ràng về Chúa Giêsu Kitô và việc đánh giá cao các đặc điểm của mỗi nền văn hóa để tìm kiếm những nét Tin Mừng (semina Verbi) mà nó đã chứa đựng.

j) Sự nhầm lẫn có thể xảy ra giữa sứ điệp Tin Mừng và văn hóa của những người tham gia truyền giáo đã được đề cập như là một trong những vấn đề cần được khám phá.

k) Xung đột gia tăng, với việc buôn bán và sử dụng vũ khí ngày càng mạnh mẽ, đặt ra câu hỏi, được nêu ra trong nhiều nhóm, về sự suy tư và đào tạo nhiều hơn để chúng ta có thể quản lý các cuộc xung đột một cách bất bạo động. Đây là một đóng góp quý giá mà các Kitô hữu có thể cống hiến cho thế giới ngày nay trong cuộc đối thoại và cộng tác với các tôn giáo khác.

Đề nghị

l) Cần chú ý trở lại câu hỏi về ngôn ngữ chúng ta sử dụng để nói với tâm trí và trái tim của mọi người trong nhiều bối cảnh khác nhau theo cách vừa đẹp vừa dễ tiếp cận.

m) Chúng ta cần một khuôn khổ chung để quản lý và đánh giá các thử nghiệm với các hình thức tản quyền, xác định tất cả các tác nhân liên quan và vai trò của họ. Vì lợi ích của sự gắn kết, các tiến trình biện phân liên quan đến tản quyền phải diễn ra theo phong cách hiệp hành, cân nhắc đến sự đồng thuận và đóng góp của tất cả các chủ thể liên quan ở các cấp độ khác nhau.

n) Cần có các mô hình mới cho việc tham gia mục vụ với các dân tộc bản địa, dưới hình thức của một hành trình chung chứ không phải là một hành động được thực hiện cho họ hoặc vì họ. Sự tham gia của họ vào các tiến trình ra quyết định ở mọi cấp độ có thể góp phần vào một Giáo hội sống động và truyền giáo hơn.

p) Từ công việc của Đại hội, có lời kêu gọi hiểu biết rõ hơn về các giáo huấn của Công đồng Vatican II, giáo huấn hậu Công đồng và học thuyết xã hội của Giáo hội. Chúng ta cần biết rõ hơn các truyền thống khác nhau của mình để trở thành một Giáo hội của các Giáo hội trong sự hiệp thông, hiệu quả hơn trong việc phục vụ và đối thoại.

q) Trong một thế giới nơi mà con số người di cư và tị nạn đang gia tăng trong khi sự sẵn sàng chào đón họ đang giảm dần và nơi người nước ngoài bị nhìn với sự nghi ngờ ngày càng tăng, thật thích hợp cho Giáo hội để dấn thân một cách dứt khoát vào giáo dục, trong văn hóa đối thoại và gặp gỡ, chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại, đặc biệt là thông qua việc đào tạo mục vụ. Tương tự, cần phải tham gia vào các dự án cụ thể để hội nhập người di cư.

r) Chúng tôi khuyến nghị tiếp tục tham gia đối thoại và phân định về công bằng chủng tộc. Các hệ thống trong Giáo hội tạo ra hoặc duy trì sự bất công chủng tộc cần phải được xác định và giải quyết. Các tiến trình chữa lành và hòa giải nên được tạo ra, với sự giúp đỡ của những người bị tổn hại, để xóa bỏ tội phân biệt chủng tộc.

1.6 Các Giáo hội Đông phương và Truyền thống Giáo hội Latinh

Đúc kết ý kiến

a) Trong số các Giáo Hội Đông Phương, có những giáo hội hiệp thông trọn vẹn với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô được hưởng một sự khác biệt về phụng vụ, thần học, giáo hội học và giáo luật làm phong phú thêm toàn thể Giáo Hội. Đặc biệt, kinh nghiệm của họ về sự hiệp nhất trong sự đa dạng có thể mang lại đóng góp có giá trị cho sự hiểu biết và thực hành tính hiệp hành.

b) Xuyên suốt lịch sử, mức độ tự trị được trao cho các Giáo hội này đã trải qua những giai đoạn khác nhau. Một số phong tục và thủ tục hiện được coi là lỗi thời, chẳng hạn như Latinh hóa. Trong những thập niên gần đây, con đường công nhận tính đặc thù, sự khác biệt và quyền tự trị của các Giáo hội này đã phát triển đáng kể.

c) Sự di cư đáng kể của các tín hữu Công giáo theo nghi lễ Đông phương vào các lãnh thổ đa số theo Công giáo Latinh đặt ra những vấn đề mục vụ quan trọng. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục hoặc gia tăng, có thể có nhiều thành viên của các Giáo hội Công giáo Đông phương trong cộng đồng hải ngoại hơn là trong các lãnh thổ chính thức. Vì nhiều lý do, việc thiết lập hàng giáo phẩm Đông phương tại các quốc gia nhập cư là chưa đủ để giải quyết vấn đề, nhưng cần có sự tham gia các Giáo hội theo nghi lễ Latinh địa phương, nhân danh tính hiệp hành, để giúp các tín hữu Đông phương di cư bảo tồn căn tính của họ và nuôi dưỡng di sản đặc thù của họ, mà không trải qua các quá trình đồng hóa.

Các vấn đề cần xem xét

d) Chúng tôi đề nghị nghiên cứu thêm về sự đóng góp mà kinh nghiệm của các Giáo hội Công giáo Đông phương có thể mang lại cho sự hiểu biết và thực hành tính hiệp hành.

e) Vẫn còn một số khó khăn liên quan đến vai trò của Đức Giáo Hoàng trong việc đồng ý với các giám mục được bầu bởi Thượng Hội đồng các Giáo hội sui iuris  cho lãnh thổ của họ và việc bổ nhiệm các giám mục bên ngoài lãnh thổ giáo luật. Yêu cầu mở rộng thẩm quyền của các Thượng phụ bên ngoài lãnh thổ Thượng phụ cũng là một vấn đề để phân định và đối thoại với Tòa Thánh.

f) Ở những khu vực có sự hiện diện của các tín hữu của các Giáo hội Công giáo khác nhau, chúng ta cần tìm ra các mô hình thể hiện rõ ràng các hình thức hiệp nhất hiệu quả trong sự đa dạng.

g) Chúng ta cần suy tư về sự đóng góp mà các Giáo hội Công giáo Đông phương có thể mang lại cho sự hiệp nhất Kitô giáo và vai trò của họ trong các cuộc đối thoại liên tôn và liên văn hóa.

Đề nghị

h) Trước hết, đề nghị thành lập một Hội đồng thường trực gồm các Thượng phụ và Tổng Giám mục của các Giáo hội Công giáo Đông phương cho Đức Thánh Cha.


i) Một số người yêu cầu triệu tập một Thượng Hội đồng đặc biệt dành riêng cho các Giáo hội Công giáo Đông phương, căn tính và sứ mệnh của họ, cũng như giải quyết các thách thức mục vụ và giáo luật trong bối cảnh chiến tranh và di cư ồ ạt.

j) Chúng ta cần thành lập một ủy ban hỗn hợp gồm các nhà thần học, sử học và giáo luật Đông phương và Latinh để giải quyết các vấn đề đòi hỏi phải nghiên cứu thêm và xây dựng các đề xuất chỉ ra hướng đi phía trước.

k) Cần phải có sự đại diện đầy đủ của các thành viên của các Giáo hội Công giáo Đông phương trong các cơ quan của Giáo triều Rôma để làm phong phú toàn thể Giáo hội bằng quan điểm của họ, giúp giải quyết các vấn đề khi chúng phát sinh và cho phép họ tham gia đối thoại ở các cấp độ khác nhau.

l) Để thúc đẩy các hình thức tiếp nhận tôn trọng di sản của các tín hữu của các Giáo hội Đông phương, chúng ta cần tăng cường mối liên hệ giữa các giáo sĩ Đông phương ở nước ngoài và các giáo sĩ Latinh để đào sâu sự hiểu biết lẫn nhau và công nhận các Truyền thống tương ứng.

7. Trên Con Đường Hướng Tới Sự Hiệp Nhất Kitô Giáo
Đúc kết ý kiến

a) Kỳ họp này của Thượng Hội đồng khai mạc bằng một cử chỉ đại kết sâu sắc. Đêm canh thức cầu nguyện "Cùng nhau" đã chứng kiến sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo khác và đại diện của các cộng đoàn Kitô giáo khác nhau bên cạnh Đức Thánh Cha Phanxicô, một dấu chỉ rõ ràng và đáng tin cậy về ý chí cùng nhau bước đi trong tinh thần hiệp nhất đức tin và trao đổi ân sủng. Sự kiện hết sức quan trọng này cũng cho phép chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang ở trong một kairos – khoảnh khắc- đại kết và tái khẳng định rằngnhững gì liên kết chúng ta thì lớn hơn những gì chia rẽ chúng ta. Vì chung chúng ta có cùng "một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa và Cha của tất cả mọi người, Đấng trên hết tất cả, giữa tất cả và trong tất cả" (Ep. 4: 5-6).

b) Bí tích Rửa tội, vốn là nền tảng của nguyên tắc hiệp hành, cũng cấu thành nền tảng của đại kết. Thông qua đó, tất cả các Kitô hữu tham dự vào cảm thức đức tin (sensus fidei) và vì lý do này, họ nên được lắng nghe cẩn thận, bất kể truyền thống của họ là gì, như Thượng Hội đồng đã làm trong tiến trình phândidnhj của mình. Không thể có tính hiệp hành nếu nếu thiếu chiều kích đại kết.

c) Đại kết trước hết và trên hết là một vấn đề đổi mới tâm linh vốn đòi hỏi các tiến trình sám hối và chữa lành ký ức. Đại hội đã xúc động khi nghe lời chứng của các Kitô hữu thuộc các truyền thống giáo hội khác nhau, những người chia sẻ tình bạn, lời cầu nguyện và trên hết là cam kết phục vụ những người nghèo khó.  Sự cống hiến cho những người bé mọn nhất trong số này gắn kết và giúp chúng ta tập trung vào những gì đã hiệp nhất tất cả các tín hữu trong Đức Kitô. Do đó, điều quan trọng là đại kết phải được thực hành trước hết trong cuộc sống hàng ngày. Trong cuộc đối thoại thần học và thể chế, việc kiên nhẫn dệt nên sự hiểu biết lẫn nhau tiếp tục trong một bầu không khí ngày càng tin tưởng và cởi mở. 

d) Ở không ít khu vực trên thế giới có một "phong trào đại kết bằng máu", bắt nguồn từ các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác nhau, những người hiến mạng sống mình vì đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Lời chứng về sự tử đạo của họ hùng hồn hơn bất kỳ lời nói nào. Sự hiệp nhất đến từ Thánh Giá của Chúa.

e) Sự hợp tác giữa tất cả các Kitô hữu là rất quan trọng trong việc đối phó với các thách đố mục vụ của thời đại ngày nay. Trong các xã hội tục hóa, điều này cho phép tiếng nói của Tin Mừng có sức mạnh lớn hơn. Trong bối cảnh nghèo đói, nó thúc đẩy mọi người hợp lực phục vụ công lý, hòa bình và phẩm giá của những người bé mọn nhất. Trong mọi trường hợp, nó là nguồn lực chữa lành nền văn hóa hận thù, chia rẽ và chiến tranh khiến các nhóm, dân tộc và quốc gia chống lại nhau.

f) Hôn nhân giữa các Kitô hữu thuộc các Giáo hội hoặc cộng đồng giáo hội khác nhau (hôn nhân liên giáo hội) có thể tạo thành những thực tại trong đó sự khôn ngoan của sự hiệp thông có thể trưởng thành, và có thể loan báo Tin Mừng cho nhau.

Các vấn đề cần xem xét

g) Đại hội của chúng tôi đã có thể cảm nhận được những cách thức khác nhau mà các truyền thống Kitô giáo hiểu về cấu trúc hiệp hành của Giáo hội. Trong các Giáo hội Chính thống, tính hiệp hành được hiểu theo nghĩa chặt chẽ như là một biểu hiện của việc thực thi quyền bính một cách tập thể của các giám mục (Thánh Công đồng). Nói chung, nó đề cập đến sự tham gia tích cực của tất cả các tín hữu vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Cũng có một số đề cập đến các thực hành trong các cộng đồng giáo hội khác, làm phong phú thêm các cuộc tranh luận của chúng tôi. Tất cả điều này đòi hỏi phải nghiên cứu sâu hơn.

h) Một chủ đề khác cần được khám phá liên quan đến mối liên hệ giữa tính hiệp hành và quyền tối thượng ở các cấp độ khác nhau (địa phương, khu vực, toàn cầu) trong sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng. Chúng ta cần đọc lại lịch sử để vượt qua những khuôn mẫu và định kiến. Các cuộc đối thoại đại kết đang diễn ra đã cung cấp một sự hiểu biết tốt hơn, dưới ánh sáng của các thực hành của thiên niên kỷ thứ nhất, về thực tế rằng tính hiệp hành và quyền tói thượng là những thực tại liên quan, bổ sung và không thể tách rời nhau. Việc làm sáng tỏ điểm nhạy cảm này có những hệ quả đối với cách hiểu thừa tác vụ Phêrô trong việc phục vụ sự hiệp nhất, theo những gì Thánh Gioan Phaolô II mong muốn trong thông điệp Ut unum sint.

i) Chúng ta cần xem xét vấn đề Thánh Thể (Communicatio in sacris) từ các quan điểm thần học, giáo luật và mục vụ dưới ánh sáng của mối liên hệ giữa bí tích và hiệp thông giáo hội. Vấn đề này có tầm quan trọng đặc biệt đối với các cặp vợ chồng liên giáo hội. Nó làm tăng nhu cầu suy tư rộng hơn về các cuộc hôn nhân giữa các Giáo hội.

j) Việc suy tư cũng được kêu gọi về hiện tượng các cộng đoàn "phi giáo phái" và các phong trào "phục hưng" lấy cảm hứng từ Kitô giáo, cũng được tham gia với số lượng lớn bởi các tín hữu ban đầu là Công giáo.

Đề nghị

k) Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm Công đồng Nicaea (325), tại đó biểu tượng đức tin hiệp nhất tất cả các Kitô hữu đã được xây dựng. Một kỷ niệm chung về sự kiện này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách thức các vấn đề gây tranh cãi trong quá khứ đã được thảo luận và giải quyết cùng nhau trong Công đồng.
 
l) Cũng trong năm đó, 2025, theo sự an bài của Thiên Chúa, ngày lễ Phục sinh sẽ trùng nhau đối với tất cả các Giáo hội và cộng đồng Kitô hữu. Đại hội bày tỏ một mong muốn mãnh liệt đến một ngày chung cho lễ Phục sinh để chúng ta có thể cử hành sự Phục sinh của Chúa, sự sống và ơn cứu độ của chúng ta, trong cùng một ngày.

m) Cũng có mong muốn tiếp tục mời gọi các Kitô hữu của các Giáo hội khác và các truyền thống giáo hội khác vào các tiến trình hiệp hành ở tất cả các cấp và mời thêm các phái đoàn huynh đệ tham dự phiên họp tiếp theo của Đại hội vào năm 2024.

n) Một đề nghị đã được đưa ra bởi một số người để triệu tập một Thượng Hội đồng đại kết về sứ mệnh chung trong thế giới đương đại.
 
o) Cũng có đề nghị rằng chúng ta có thể soạn thảo một danh sách các chứng tá tử đạo mang tính đại kết.
(Còn tiếp) 

Tác giả: Duc Trung Vu, CSsR 

TIN BÀI KHÁC


***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập189
  • Máy chủ tìm kiếm66
  • Khách viếng thăm123
  • Hôm nay70,214
  • Tháng hiện tại1,179,009
  • Tổng lượt truy cập71,206,766
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây