Như thường lệ, sau khi Đức Thánh cha tiến qua các lối đi ở Quảng trường để chào thăm các tín hữu, buổi tiếp kiến bắt đầu lúc gần 9 giờ với phần lắng nghe Lời Chúa qua bài đọc trích từ Tin mừng theo thánh Luca (2,8-11):
“Trong miền ấy có một vài mục tử qua đêm ngoài trời, canh thức suốt đêm để canh giữ đoàn chiên. Một thiên thần Chúa xuất hiện trước họ và vinh quang của Chúa bao phủ họ. Họ rất sợ hãi, nhưng thiên thần nói với họ: “Đừng sợ: này đây tôi báo cho các anh một tin vui lớn, sẽ là tin vui của toàn dân: ngày hôm nay, trong thành của Vua Đavít, đã sinh ra cho các anh một Đấng Cứu Thế, là Chúa Kitô”.
Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”. Bài thứ hai mươi sáu này có tựa đề: “Loan báo là niềm vui”.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Sau khi gặp gỡ các chứng nhân khác nhau về việc loan báo Tin mừng, tôi đề nghị tổng hợp chu kỳ huấn giáo này về lòng nhiệt thành tông đồ trong bốn điểm, lấy hứng từ Tông huấn “Evangelium gaudium”, Niềm vui Tin mừng, trong tháng này, Tông huấn tròn 10 năm.
Điểm thứ nhất, mà chúng ta thấy hôm nay, liên hệ tới thái độ là nòng cốt trong việc loan báo Tin mừng là niềm vui. Sứ điệp Kitô, như chúng ta đã nghe qua lời thiên thần nói với các mục tử, là lời loan báo “một niềm vui lớn” (Lc 2,10). Đâu là lý do của niềm vui này? Phải chăng là một tin vui, một ngạc nhiên, một biến cố? Hơn thế nữa, đó là một Nhân Vật, là Chúa Giêsu! Chính Ngài là Thiên Chúa nhập thể làm người yêu thương chúng ta mãi mãi, đã hiến mạng sống vì chúng ta và muốn cho chúng ta được sự sống đời đời! Chính Ngài là Tin mừng của chúng ta, là nguồn mạch một niềm vui không qua đi! Anh chị em thân mến, vì thế vấn đề không phải là có loan báo Chúa hay không, nhưng là loan báo Ngài như thế nào, và cách thức loan báo ấy là niềm vui.
Vì thế, một Kitô hữu không hài lòng, buồn sầu, bất mãn và tệ hơn nữa, chua cay và oán hận thì không đáng tin cậy. Điều thiết yếu là cảnh giác đối với những tâm tình của chúng ta. Nhất là trong những bối cảnh trong đó Giáo hội không còn được hưởng sự nhìn nhận về mặt xã hội, thực vậy, có nguy cơ có những thái độ buồn sầu hoặc trả thù và điều này không tốt. Chúng ta loan báo Tin mừng như một hoạt động nhưng không, do sự sung mãn, chứ không phải do đòi hỏi từ một sự thiếu thốn.
Chứng nhân đáng tin cậy và uy tín được người ta nhận ra, khi họ có tâm hồn vui tươi và hiền lành, nét mặt thanh thản và tử tế xuất phát từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, từ lòng hăng say chân thành, nhờ đó cống hiến cho mọi người điều mà họ đã nhận lãnh nhưng không, chứ không phải do công trạng. Sự giáng sinh của Chúa Giêsu trong lịch sử cũng như trong cuộc sống là nguyên lý tạo nên vui mừng: anh chị em hãy nghĩ đến điều đã xảy ra cho các môn đệ trên đường Emmaus. Họ vui mừng quá nên không thể tin nổi, và những môn đệ khác, khi Chúa Giêsu đến nhà Tiệc Ly, họ cũng vui quá, không ngờ Chúa Giêsu đã phục sinh. Nhưng họ vui mừng vì có Chúa Giêsu sống lại. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu luôn mang lại niềm vui và nếu bạn không cảm thấy niềm vui như vậy, thì đó không phải là cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu.
Và biến cố ấy nói với chúng ta rằng những người đầu tiên phải được loan báo Tin mừng chính là các môn đệ, để tái khám phá Chúa Giêsu như một Nhân Vật đang sống và không phải như một đề tài đã được biết. Hai môn đệ, được Chúa hướng dẫn, Người cùng đi với họ, giải thích Kinh thánh, kiểm điểm đức tin chưa trưởng thành của họ, còn theo kiểu trần tục, gắn liền với những mong đợi thành công theo tinh thần thế tục. Nhưng rồi, được cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu linh hoạt, nghĩa là Lời Chúa làm cho con tim nồng cháy và sự hiện diện yêu thương của Người trong Bánh được bẻ ra, tái nảy sinh trong chúng ta và trở nên những người loan báo nhiệt thành. Sách Tông đồ công vụ kể lại: “Họ ra đi không chút do dự và trở về Jerusalem” (Lc 24,33). Và như thế: niềm vui Kitô không đến từ chúng ta, đó là hồng ân do Thánh Linh của Đấng Phục Sinh.
Vì thế, những người đầu tiên cần được loan báo Tin mừng là chính các Kitô hữu chúng ta. Ngụp lặn trong bầu không khí chóng qua và hỗn độn ngày nay, cả chúng ta cũng có thể sống niềm tin với một cảm thức tinh tế về sự từ bỏ, được thuyết phục rằng đối với Tin mừng không còn được lắng nghe nữa và dấn thân loan báo Tin mừng là điều chẳng bõ công. Thậm chí, chúng ta có thể bị cám dỗ vì ý tưởng để cho “những người khác” đi theo con đường của họ. Trái lại, chính đây là lúc trở về với Tin mừng để khám phá rằng Chúa Kitô “luôn luôn trẻ trung và là nguồn mạch liên lỷ sự mới mẻ” (EG 11). Khi con tim mệt mỏi và chân trời đen tối, thì đó là giờ gặp gỡ với Chúa Giêsu, với vẻ đẹp rạng rỡ, sáng ngời và gây phấn khởi, và khi ấy, như do bản năng, chúng ta muốn loan báo Chúa cho những người quanh chúng ta, vì “mỗi kinh nghiệm chân chính về sự thật và vẻ đẹp tìm kiếm cho bản thân sự lan tỏa” (ibidem, 9).
Như thế, cũng như hai môn đệ trên đường Emmaus, ta trở về đời sống thường nhật với sự hăng hái của người đã tìm được một kho tàng. Và ta khám phá thấy rằng nhân loại đầy những anh chị em đang chờ đợi một lời hy vọng. Đúng vậy, Tin mừng đang được chờ đợi ngày nay: con người mỗi thời đại đang cần, cả nền văn minh không tin tưởng được hoạch định và sự tục hóa được định chế hóa; đúng hơn, chính xã hội tại những không gian cảm thức tôn giáo trở nên hoang vắng. Đây là lúc thuận tiện cho việc loan báo Chúa Giêsu. Vì thế, tôi muốn lập lại với tất cả mọi người: “Niềm vui Tin mừng làm đầy tâm hồn và đời sống nội tâm của những người gặp Chúa Giêsu. Những người để cho mình được Chúa cứu thoát thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn sầu, trống rỗng nội tâm, cô độc. Với Chúa Giêsu Kitô luôn nảy sinh và tái sinh niềm vui. [...] Tôi mời gọi mỗi Kitô hữu, tại bất kỳ nơi nào và trong tình trạng nào, ngày hôm nay hãy canh tân cuộc gặp gỡ đích thân với Chúa Giêsu Kitô” (Ibid.1.3). Chúa là khởi đầu công cuộc loan báo Tin mừng, là nguồn mạch niềm vui!
Sau khi Đức Thánh cha trình bày bằng tiếng Ý, bài huấn dụ trên đây được tóm tắt trong nhiều thứ tiếng cho các nhóm tín hữu thuộc các ngôn ngữ khác nhau.
Khi chào bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha nhắc đến các tín hữu hành hương đến từ Anh quốc, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và Mỹ. Ngài nói: Tôi khẩn cầu cho niềm vui và an bình của Chúa xuống trên tất cả anh chị em và thân nhân của anh chị em. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!
Khi chào bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ nước Pháp và các thành viên Liên hiệp toàn quốc các Hiệp hội gia đình Công giáo và ngài nói: “Đứng trước thế giới chúng ta bị tục hóa, chúng ta đừng than vãn, nhưng hãy coi tình trạng này là một lời kêu gọi hãy kiểm điểm đức tin của chúng ta và thông truyền niềm vui Tin mừng cho tất cả những người khao khát Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn được làm chứng đức tin hằng ngày bằng tình huynh đệ và thân hữu sống thực với mỗi người.
Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Tại đất nước anh chị em, Tin mừng cũng đang được chờ đợi và việc loan báo Tin mừng phải được đi kèm với những công việc bác ái cụ thể. Nhân ngày Thế giới Người nghèo sắp tới, tôi khích lệ anh chị em tiếp tục quảng đại theo tinh thần Tin Mừng đối với những người túng thiếu, đặc biệt bao nhiêu người tị nạn từ Ucraina đau thương. Tôi thành tâm chúc lành cho anh chị em và những người anh chị em nâng đỡ”.
Sau cùng, khi chào bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến hiệp hội những người thiện nguyện ở nước này về việc hiến máu. Ngài nói: “tôi đề cao giá trị luân lý đạo đức của việc hiến máu, hành động này giúp cứu bao nhiêu nhân mạng. Ngài không quên nhắn nhủ các bạn trẻ thuộc Phong trào hướng đạo Công giáo ở thành phố Foligno, cùng với các em giúp lễ và nhóm mục vụ ơn gọi, được thân nhân cùng đi. Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ hãy trở thành những người giữ vai chính trong môi trường sống của mình, hãy trở thành những chứng nhân vui tươi của Tin mừng, xây dựng những nhịp cầu và đừng bao giờ dựng lên những bức tường!
Đức Thánh cha không quên chào những người cao niên, các bệnh nhân và các đôi tân hôn, cũng như đông đảo người trẻ, đặc biệt là nhóm thuộc Học viện Miraglia ở Lauria. Đức Thánh cha nói: “Những tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ mời gọi chúng ta ý thức về niềm hy vọng Kitô giáo. Trong viễn tượng này tôi mời gọi anh chị em luôn đón nhận ý nghĩa và giá trị các kinh nghiệm thường nhật và cả những thử thách, ý thức rằng “tất cả đều cộng tác vào thiện ích của những người yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8,28). Sau cùng, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina, Palestine, Israel, Sudan và tại những nơi có chiến tranh.
Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.
Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA