GIẢI ĐÁP THẮC MẮC
Ly dị tái hôn có bị vạ tuyệt thông không?
Hỏi:
Thưa cha:
Vợ chồng con chẳng may đổ vỡ, chúng con đã ly dị và nay con đã kết hôn với một người khác. Con nghe người ta nói con, bố mẹ con và những người đi ăn cưới sẽ bị cha xứ phạt vạ tuyệt thông, bị đuổi khỏi giáo xứ và Giáo hội, không cho giữ đạo. Con và gia đình rất hoang mang, xin cha giải thích giúp con.
Một bạn ở giáo hạt Quỹ Nhất hỏi.
Giải đáp:
Vạ tuyệt thông, tiếng La tinh gọi là anathema sit dành cho những người chối bỏ Thiên Chúa và chống đối giáo huấn của Giáo hội một cách công khai và trầm trọng. Đây là tội vi phạm về tín lý – những điều phải tin (xem DENZINGER Các tín biểu, định tín và tuyên bố của Giáo hội Công giáo trong lãnh vực đức tin và phong tục, các số từ 421 đến 438). Còn người ly dị và đã kết hôn với người khác (quen gọi là người ly dị tái hôn) là tội vi phạm về luân lý – những điều phải giữ. Dĩ nhiên, tội vi phạm tín lý sẽ nặng hơn tội vi phạm luân lý.
Tông Huấn Familiaris Consortio (Gia Đình Kitô Hữu) của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, số 84 viết:
“Cùng với Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi nồng nhiệt kêu mời các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu hãy giúp đỡ những người ly dị đã tái hôn. Bằng một lòng bác ái rộng lớn, tất cả sẽ làm thế nào để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh, vì là những người đã được rửa tội, không những họ có thể mà còn phải dự phần vào đời sống Hội Thánh. Người ta sẽ mời họ lắng nghe Lời Thiên Chúa, tham dự Hy tế thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các công cuộc bác ái và vào các sáng kiến của Hội Thánh để phụng sự công lý, giáo dục con cái họ trong đức tin Kitô giáo, vun trồng tinh thần đền tội và làm các việc đền tội để ngày qua ngày thành khẩn nài xin ơn thánh của Thiên Chúa. Ước gì Hội Thánh cầu nguyện cho họ, khích lệ họ và tỏ ra là một người mẹ nhân từ đối với họ, và nhờ đó giữ họ trong đức tin đức cậy”.
Như thế, người đã ly dị tái hôn sẽ không bị vạ tuyệt thông, họ vẫn được Giáo hội nâng đỡ và cầu nguyện cho. Họ vẫn được hiệp thông với Giáo hội, bằng cách sống đạo, tham dự Thánh lễ, tham gia các sứ vụ của Giáo hội. Tuy nhiên, trong khi tham dự Thánh lễ, vì họ đang sống trong tình trạng tội lỗi (phá vỡ sự hiệp nhất vợ chồng là dấu chỉ sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo hội) nên họ không được rước lễ. Nhưng họ vẫn dự tiệc Lời Chúa, được lắng nghe Lời Chúa là Lời của sự sống, là món ăn tinh thần ngọt ngào (x. Ed 3,3). Ví dụ như đi dự tiệc, những người có bệnh gout hoặc tiểu đường thì không thể ăn thịt đỏ, hải sản… vì sẽ làm bệnh nặng thêm. Người đang sống trong tình trạng tội lỗi mà rước lễ sẽ làm tội nặng thêm.
Còn cha mẹ hay những người tham dự lễ cưới, cũng không đến mức bị vạ tuyệt thông. Tuy tội ấy của họ không nặng như tội của người ly dị tái hôn, nhưng họ vẫn phạm tội đồng lõa. Khi họ xưng tội, cha giải tội sẽ tùy nghi, tùy mức độ cộng tác với người ly dị tái hôn để phán quyết việc đền tội. Đôi khi cấm họ rước lễ trong một thời gian ngắn, giúp họ nhận ra sai lầm để ăn năn sám hối.
Email: vincmanhvsl@gmail.com