Kính thưa Cha!
Con xin phép được trình bày một số vấn đề liên quan đến thủ tục hôn phối và mong Cha có thể hướng dẫn con cách giải quyết phù hợp.
Trước tiên, con xin trình bày sơ qua về hoàn cảnh của chúng con: Hiện tại, chúng con đang sống và làm việc ở nước ngoài. Chúng con dự định sẽ tổ chức lễ cưới và đám cưới vào dịp nghỉ Tết tại Việt Nam. Để chuẩn bị cho hôn phối, chúng con đã hoàn tất khóa học giáo lý và nhận bằng giáo lý hôn nhân tại nơi cư trú (nước ngoài) từ 8 tháng trước. Ngoài ra, chúng con cũng đã xin rao hôn phối tại Việt Nam, đồng thời rao hôn phối tại giáo xứ chúng con sinh hoạt tại nước ngoài xong rồi. Thời điểm là tháng 11 năm 2024 dương lịch. Và đã nhờ cha xứ tại nước ngoài nơi chúng con sinh hoạt gửi giấy xác nhận, giới thiệu về cho Cha bên Việt nam.
Theo quy định, chúng con sẽ nhận được giấy chứng nhận rao hôn phối, kèm theo giấy chứng nhận Rửa Tội và Thêm Sức, để gửi cho Cha sở nơi chúng con cử hành Bí tích Hôn Phối (bên nhà bạn gái). Tuy nhiên, Cha xứ tại quê nhà yêu cầu chúng con phải:
- Khảo kinh lại.
- Lao động công ích cho nhà thờ 10 ngày công.
Sau khi hoàn thành những yêu cầu này, Cha mới cấp giấy giới thiệu để chúng con có thể xin tổ chức Bí tích Hôn Phối tại nơi bên nhà bạn gái.
Vì điều kiện công việc, chúng con chỉ có thể về Việt Nam trong 12 ngày. Con đã xin phép Cha cho thuê người làm thay phần công ích nhằm rút ngắn thời gian và kịp hoàn thiện thủ tục. Tuy nhiên, Cha đã từ chối đề xuất này và yêu cầu chúng con phải trực tiếp gặp mặt, khảo kinh, và lao động đủ 10 ngày công. Điều này khiến chúng con không thể kịp hoàn tất các thủ tục để tổ chức lễ cưới trong thời gian nghỉ tại Việt Nam.
Nhận thấy việc tổ chức lễ cưới tại Việt Nam là bất khả thi, chúng con đã xin phép Cha xứ nơi cư trú (nước ngoài) để cử hành Bí tích Hôn Phối tại đây. Tuy nhiên, chúng con cần giấy chứng nhận Rửa Tội và Thêm Sức từ Cha xứ tại quê nhà. Hiện tại, Cha xứ lại không đồng ý cấp giấy, dù đây là yêu cầu cần thiết cho việc hoàn thiện thủ tục hôn phối của chúng con.
Sau nhiều lần bố mẹ đôi bên chúng con đến trình cha, cha không tiếp và có nói khi nào chúng con về nước đến gặp cha thì giải quyết. Hôm nay ngày 24 tháng 1 bạn gái con đã đến trình cha và nhận được câu trả lời: cha nghỉ tết rồi, qua mùng mười cha mới làm việc.
Vì vậy, con xin phép được hỏi Cha các vấn đề sau:
- Việc yêu cầu lao động công ích 10 ngày có thuộc luật hôn phối của Giáo hội Việt Nam không?
- Cha xứ tại quê nhà có nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận Rửa Tội và Thêm Sức để chúng con hoàn tất thủ tục hôn phối tại nơi cư trú hay không?
- Có hay chăng quyền chứng hôn và nhiệm vụ chứng hôn trong giáo luật Giáo Hội Việt nam đã bị hiểu sai?
Con rất mong nhận được sự hướng dẫn và chỉ bảo từ Cha để chúng con có thể sớm giải quyết được vấn đề này một cách ổn thỏa.
Con xin chân thành cảm ơn Cha.
Nguyện xin Thiên Chúa ban phúc lành cho Cha luôn mạnh khỏe và an lành.
Kính thư !
Trả lời:
Cám ơn bạn đã gửi email.
Đọc email của bạn, mình xin chia sẻ những khó khăn mà bạn đang gặp phải khi xin thủ tục để kết hôn.
- Giáo hội tại Việt Nam có quy định về thủ tục hôn phối, điều 21: Cha sở không có quyền cấm kết hôn, cũng không được phép đặt thêm quy định có giá trị như những luật cấm hay hạn chế việc kết hôn. Việc không chu toàn các nghĩa vụ trong giáo xứ không được coi như những lý do để từ chối việc ban các bí tích cho những người xin lãnh nhận cách thích đáng.
Như vậy, việc quy định làm công ích 10 ngày trước khi kết hôn là do cha sở của bạn tự ý quy định chứ Giáo luật và quy định chung thì không có đặt ra.
2. Điều 8: Khi tín hữu thuộc giáo xứ mình cử hành kết hôn ở một giáo xứ khác, cha sở có nghĩa vụ cấp giấy giới thiệu, trong đó chỉ ra những nơi mà người đó đã cư ngụ, và cấp chứng thư Rửa tội và Thêm sức.
Nếu không thể tìm thấy trong sổ hoặc có được chứng thư Rửa tội hay Thêm sức, cha sở có thể chứng nhận dựa theo lời tuyên bố của một nhân chứng đáng tin cậy hay lời thề của chính người đã được rửa tội, nếu họ đã lãnh nhận bí tích Rửa tội ở tuổi thành niên.
Như thế, cha xứ phải có bổn phận điều tra và cấp giấy chứng nhận để giáo hữu kết hôn. Nếu từ chối thì phải nêu rõ lý do khi có vi phạm về giáo luật quy định việc cấm kết hôn.
3. Quyền chứng hôn và nhiệm vụ chứng hôn thì Giáo hội tại Việt Nam không hiểu sai với quy định của bộ Giáo luật, đó là do các cha xứ hiểu và thi hành như thế mà thôi.
Trong trường hợp của bạn,
Có lẽ cha xứ của bạn đòi bạn phải đọc thuộc một số kinh văn theo quy định của người thuộc giáo phận Bùi Chu, một giáo phận dòng (do các cha dòng truyền giáo) nên có khác so với một số giáo phận. Bạn nên trình bày với cha xứ để học một số kinh văn cơ bản. Còn các quy định khác, chắc do cha xứ quy định tại giáo xứ của ngài, bạn cần gặp trực tiếp đối thoại hoặc qua điện thoại để ngài miễn giảm những điều kiện cho hoàn cảnh của bạn, do những quy định mà luật Giáo hội hoàn vũ và giáo hội Việt Nam địa phương không có quy định.
Nếu ngài nhất quyết không giúp đỡ, bạn có thể trình bày với cha xứ nơi chứng hôn để ngài thông cảm và bỏ qua những đòi hỏi khi thụ lý hồ sơ (Quy định về thủ tục hôn phối, điều 14).
Cám ơn bạn đã chia sẻ.