Gải đáp thắc mắc: Làm gì khi con bị đồng tính?
Thứ hai - 15/07/2024 21:53
776
Hỏi:
Thưa cha:
Vợ chồng con có đứa con năm nay 14 tuổi, nó vừa cho chúng con biết là bị đồng tính. Chúng con phải làm thế nào bây giờ? Hay chúng con gửi nó vào nhà dòng ạ? Vợ chồng con hoang mang quá..
Một bạn hỏi qua điện thoại.
Giải đáp:
Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) định nghĩa: “Đồng tính luyến ái, hay đồng tính chỉ việc bị hấp dẫn trên phương diện tình yêu hay tình dục hoặc việc yêu đương hay quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau, trong hoàn cảnh nào đó hoặc trong một thời gian nào đó. Đồng tính luyến ái cũng chỉ sự tự nhận của cá nhân dựa trên những hấp dẫn đồng giới và sự tham gia vào một cộng đồng cùng giới tính”. Trong tiếng Việt, thường dùng từ: ái nam ái nữ, bóng, lẹo cái, xăng pha nhớt, hifi, PD (pédéraste)… tuy nhiên có chút mang tiếng miệt thị, nên dùng từ đồng tính sẽ dung hòa hơn. Trong tiếng Anh, homosexuality là từ chỉ chung về đồng tính luyến ái; gay chỉ người đồng tính nam; lesbian chỉ người đồng tính nữ (đọc ngắn là les). Tuy nhiên, ngày nay từ homosexuality có ý khinh biệt nên thường dùng từ gay và les sẽ dung hòa hơn.
Một cách dễ hiểu, theo tâm lý học, đồng tính là một bất đồng giữa tâm lý và sinh lý. Ví dụ: một người có sinh lý là nam nhưng tâm lý lại là nữ và ngược lại. Ngày nay, còn thêm những tình trạng song tính (bisexual), dị tính (heterosexual), chuyển giới (transgender)…
Theo sách Sáng Thế Ký: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 27), nên Giáo hội Công giáo chỉ nhìn nhận có hai giới tính là nam và nữ, còn những tình trạng khác là một tình trạng tâm lý mà thôi. Con người bị đồng tính do nhiều nguyên nhân, chung quy lại có hai nguyên nhân chính: Bẩm sinh, ngay từ trước khi sinh ra, do lượng hormone Estrogen và Testosterone là những hormone giới tính có vai trò đối với sự phát triển của tuyến sinh dục; Đắc thủ: là bị sau khi sinh ra, do điều kiện ăn uống và điều kiện giao tiếp môi trường xã hội làm những hormone tâm lý giới tính phát triển không đồng nhất với sinh lý. Trường hợp trẻ sinh ra trong môi trường có bạo lực gia đình, trọng nam khinh nữ… cũng có thể gây nên đồng tính. Hiện nay có một số quốc gia công nhận hôn nhân đồng tính như: Hoa Kỳ, Hy Lạp, Đức… còn một số quốc gia khác đang dè dặt.
Sự nhận biết đồng tính rõ nhất khoảng từ 13 tuổi, tuổi của sự dậy thì. Khi ai đó bị đồng tính, cá nhân người ấy cũng hoang mang, lúc đầu giấu kín, sau có cơ hội mới bộc lộ cho người khác biết. Một số người cố gắng biến đổi tâm lý cho hợp với sinh lý, một số khác đi phẫu thuật sinh lý cho hợp với tâm lý (chuyển giới). Hiện nay, chưa có một chương trình rõ ràng về phương pháp chữa đồng tính, chưa có cở sở giáo dục tâm lý nào dám khẳng định có thể chữa được đồng tính.
Trong trường hợp của con bạn, xin lỗi mình quên không hỏi là nam hay nữ, vì mình nghĩ đồng tính nam hay nữ thì cách khắc phục cũng khá giống nhau. Bạn cần cầu nguyện, chia sẻ với con về Thiên Chúa tạo dựng con người chỉ có hai giới tính nam và nữ, giá trị của mỗi giới tính. Sự hấp dẫn và sự bổ túc của người khác phái với nhau, nhất là việc bổ túc để kết hôn, sinh sản và giáo dục em bé. Bạn cần bình tĩnh và cảm thông, thấu hiểu cùng giải thích cho con hiểu sơ bộ về giới tính và đồng tính, động viên con tìm cách biến đổi tâm lý sao cho phù hợp với sinh lý. Đồng thời, tìm hiểu xem con bị đồng tính do nguyên nhân gì. Nếu bị do bẩm sinh, cần xem lại chế độ ăn uống, thời trang, đồ chơi, sở thích… của con cho phù hợp với sinh lý. Nếu bị do đắc thủ, cần tách khỏi những giao tiếp xã hội gây nên (giao tiếp với người đồng tính) để con biến đổi từ từ. Bạn cũng không nên gửi con vào nhà dòng tu vì các dòng tu không phải là nơi chữa đồng tính. Bên cạnh đó, những thành viên của dòng tu nếu bị phát hiện là đồng tính thì cũng bị mời về gia đình. Sau nữa, nếu gửi con vào dòng tu có cùng giới tính với con, thì cơ hội phát triển đồng tính càng cao, nếu gửi vào dòng tu có giới tính khác với con thì gây cám dỗ cho người trong dòng đó.
Lm. Vinc. Nguyễn Bản Mạnh
Email: vincmanhvsl@gmail.com
Tác giả: Lm. Vinc. Nguyễn Bản Mạnh