Giải đáp thắc mắc: Tội phá thai và vạ tuyệt thông
Thứ năm - 29/05/2025 23:27
1705
Câu hỏi: Thưa cha, con nghe nói một người phạm tội phá thai, bị vạ tuyệt thông, khi đi xưng tội chỉ được tha tội, còn vạ thì chưa được tha. Con hoang mang quá, vậy khi nào mới được tha vạ?
Một bạn hỏi qua điện thoại
Trả lời: Theo giáo luật điều 1398: “Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết”. Như vậy, phá thai là một tội nặng, bị vạ tuyệt thông tiền kết vì thuộc loại vi phạm đến sự sống của con người. Tuy nhiên, theo Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1857 thì tội nặng cần hội đủ 3 điều kiện: “Phạm một lỗi nặng, với đầy đủ ý thức và cố tình" (x. RP: Tông Huấn Sám hối và Hòa giải 17). Bộ Giáo luật điều 981: “Tùy theo tính chất và số lượng của tội, và cũng tùy theo hoàn cảnh của hối nhân, cha giải tội phải ra việc đền tội hữu ích và cân xứng. Hối nhân có bổn phận đích thân thi hành việc đền tội”.
Vạ tuyệt thông tiền kết: được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ (ipso facto), không cần Giáo hội phải ra công bố, nhưng nếu có công bố thì đó là một tội phạm công khai, để ngăn chặn những hậu quả xấu đi kèm. Vạ tuyệt thông tiền kết nghĩa là đương nhiên bị vạ này khi phạm một trong những tội hay lỗi nghiêm trọng, chỉ có Giáo hoàng hay những người được luật quy định mới giải vạ này. Tuy nhiên, trong trường hợp nguy tử thì bất cứ linh mục nào cũng được phép tha mọi tội và giải vạ tuyệt thông tiền hay hậu kết (Giáo luật, điều 976).
Người mang vạ tuyệt thông là người tự tách mình ra khỏi mọi hiệp thông với Giáo hội. Cho nên, chính họ không được lãnh nhận hay cử hành mọi bí tích là nguồn cội của sự thông hiệp vào Nhiệm Thể Chúa Kitô trong yêu thương và hiệp nhất. Vì thế, họ tạm thời ở bên ngoài Giáo hội cho đến khi vạ được tha bởi người có thẩm quyền trong Giáo hội.
Vạ tuyệt thông, dù là hình phạt nặng nhất của Giáo hội, nhưng không có nghĩa là lời kết án vĩnh viễn cho ai phải ra khỏi sự hiệp thông với cộng đồng Dân Chúa. Mà chỉ là hình phạt dược hình (phương thuốc chữa bệnh). Nghĩa là Giáo hội vẫn mở rộng cửa để đón nhận trở lại những ai phạm tội có thiện chí ăn năn, và xin được tha tội. Vì thế, theo Giáo hội hình phạt này chỉ tạm thời cho những người ngoan cố không chịu ăn năn, sửa lỗi.
Theo quy chế ban Ân xá của năm thánh 2025: Các tin hữu có thể đến các địa điểm hành hương Năm Thánh để lãnh nhận Bí tích Hòa giải, các cha Giải tội sẽ ban ơn xá giải cho mọi hối nhân. Tất cả các tín hữu thực sự sám hối, loại trừ mọi ham muốn tội lỗi (x. Enchiridion Indulgentiarum, IV ed., Norm. 20, § 1) và được thúc đẩy bởi tinh thần bác ái và, trong Năm Thánh, đã được thanh tẩy nhờ bí tích Sám hối và được Rước lễ, cầu nguyện theo ý của Đức Thánh Cha. Từ kho tàng của Giáo hội, họ sẽ có thể nhận được ơn Toàn xá, sự giải thoát và tha thứ tội lỗi của mình; những điều này có thể được áp dụng cho các linh hồn trong Luyện ngục dưới hình thức cầu bầu.
Các tín hữu sẽ có thể nhận được Ân Xá nếu, cá nhân hoặc theo nhóm, sốt sắng đến viếng bất kỳ địa điểm Năm Thánh nào và ở đó, trong một khoảng thời gian thích hợp, thực hành việc tôn thờ và suy niệm Thánh Thể, kết thúc bằng Kinh Lạy Cha, Tuyên xưng Đức Tin dưới bất kỳ hình thức hợp pháp nào và những lời cầu khẩn lên Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, để trong Năm Thánh này mọi người “sẽ có thể cảm nghiệm được sự gần gũi trìu mến nhất của những người mẹ, những người không bao giờ bỏ rơi con cái của mình” (Spes non confundit, 24).
Trong trường hợp câu hỏi của bạn, tội phá thai đúng là tội nặng, bị tuyệt thông tiền kết. Tuy nhiên, với lòng sám hối ăn năn, thông thường cần phải xưng tội với cha xứ, khi tha tội cho bạn, cha sẽ đồng thời tha vạ và ra việc đền tội. Việc đền tội, không phải là vạ mà là việc làm đạo đức, công bằng… để đền bù những hậu quả của tội do hối nhân đã gây ra. Đặc biệt trong Năm Thánh 2025 này, hối nhân có thể đến bất cứ điểm hành hương nào để xưng tội, với lòng sám hối, hối nhân sẽ nhận được ơn xá giải khỏi tội và vạ.
Tác giả: Lm. Vinc. Nguyễn Bản Mạnh