Yếu tính TM và chìa khoá đời sống kitô hữu

Thứ bảy - 20/02/2016 21:15  1189

Lòng thương xót, yếu tính Tin Mừng và chìa khoá đời sống kitô hữu (tiếp) 

II. Lời đáp thần linh trước sự hỗn loạn và thảm kịch của tội lỗi.

Ý nghĩa trang trọng nổi bật về Lòng xót thương của Thiên Chúa mà Thánh Kinh làm chứng không bó khung trong cách sử dụng ngôn từ. Nhưng, ý nghĩa ấy còn có thể được kiểm chứng trong toàn bộ lịch sử Thánh Kinh về ơn cứu độ. Nó được bắt đầu với trình thuật sáng tạo: Thiên Chúa làm ra mọi sự tốt đẹp, thực sự là rất tốt đẹp (St 1,4.10.12.18.20.25.31). Ngài đã tạo ra con người giống hình ảnh Ngài. Ngài đã dựng con người có nam có nữ; Ngài chúc lành cho họ và mời gọi họ hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất. Ngài trao phó mọi thụ tạo cho họ gìn giữ và để chăm sóc canh tác (St 1,27-30; 2,15). Mọi sự đều tốt lành, và quả thực là rất tốt lành.

Nhưng liền sau đó, câu chuyện đã rơi vào một thảm kịch. Con người muốn trở thành như Thiên Chúa và tự quyết định về điều tốt và xấu (St 3,5). Mất Thiên Chúa, con người cũng xa rời căn tính của mình và quay lưng lại những người khác. Đất đai trở thành xỏi đá và đầy gai góc, nó phải được canh tác bằng vất vả mồ hôi và nước mắt. Sự sống được sinh ra trong đớn đau; chồng và vợ từ chối không nhìn nhận nhau (St 3,16-19); Ca-in giết A-ben (St 4). Sự dữ chồng chất lên nhau tựa núi tuyết băng sạt nở; lòng con người chỉ toan tính làm những chuyện gian ác (St 6,5).

Tuy vậy, Thiên Chúa không để cho thế giới và nhân loại trở về tình trạng hỗn mang thuở ban đầu hay rơi vào cảnh điêu tàn. Trái lại, ngay từ ban đầu, Ngài đã ôm ấp một dự án tái tạo không mỏi mệt chống lại hỗn mang và thảm họa. Dù cho hạn từ Lòng thương xót không xuất hiện ở những chương đầu tiên của sách Sáng thế, nhưng Lòng thương xót của Thiên Chúa đã bàng bạc có mặt ngay từ đầu. Thực vậy, khi đôi vợ chồng đầu tiên bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, chính Thiên Chúa đã trao cho họ quần áo để họ có thể chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, để họ che đi lỗi xấu hổ trước mặt người khác và để gìn giữ nhân phẩm của họ (St 3,20). Ngài cảnh báo sẽ trừng phạt những ai làm hại Cain và ghi một dấu trên trán của ông để bảo vệ ông khỏi bị người khác giết hại (St 4,15). Cuối cùng, Ngài muốn thực hiện một khởi đầu mới với Nô-ê sau Lụt đại hồng thủy. Ngài đảm bảo sự tồn tại mãi của nhân loại trong trật tự của vũ trụ, Ngài chúc lành cho một nhân loại mới. Ngài đặt để sự sống của con người, vốn được tạo dựng theo hình ảnh Ngài, dưới quyền bảo vệ đặc biệt của Ngài (St 8,23; 9,1-5tt).

Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Lòng kiêu ngạo của con người không cùng; họ xây cho mình tháp Ba-bel mà đỉnh tháp muốn chạm tới trời. Tính kiêu căng này dẫn con người tới chỗ bất đồng về ngôn ngữ; con người không còn hiểu nhau nữa và họ bị tản mát khắp nơi trên mặt đất (St 11). Một lần nữa, Thiên Chúa không bỏ mặc con người cho định mệnh chia rẽ phe nhóm, chống đối lại nhau. Ngài chống lại hỗn mang và thảm họa. Ngài làm một khởi đầu mới với việc lên tiếng gọi Áp-ra-ham (St 12,1-3). Ta có thể nói rằng, với Áp-ra-ham, Thiên Chúa bắt đầu một khúc quanh về câu chuyện lịch sử cứu độ con người. Nơi Áp-ra-ham, mọi thế hệ, mọi dân tộc trên mặt đất được chúc lành (St 12,3)[1]. Thánh Kinh muốn truyền tải đôi điều nền tảng và hoàn toàn dễ hiểu nơi cụm từ chúc lành: sống thanh thản, bình an, sự sống trọn vẹn trong ân huệ của Thiên Chúa[2]. Như thế, với Áp-ra-ham, một trang sử mới được bắt đầu cho nhân loại, một lịch sử được chúc lành. Hay nói cách khác, đó là lịch sử cứu độ. Thực vậy, ân huệ và lòng tín trung của Thiên Chúa đã được thấy đó đây trong câu chuyện của Áp-ra-ham (St 24,12; 14,27; 32,11).

Rõ ràng, ngay từ đầu của lịch sử, Thiên Chúa đã hành động chống lại thảm họa đổ vỡ[3]. Từ rất sớm của khởi đầu, hành động thương xót (Erbarmen) của Thiên Chúa thật quyền năng hiệu nghiệm. Lòng thương xót của Ngài thể hiện khi Ngài tặng ban khả năng chống lại sự gian ác mỗi ngày một gia tăng. Ngài không làm điều đó một cách cưỡng ép hay hung bạo; Ngài cũng không đơn thuần là chỉ chống lại, mà đúng hơn do được thôi thúc bởi Lòng thương xót, Thiên Chúa đã không ngừng sáng tạo. Ngài tặng ban cơ hội mới cho sự sống và mối phúc lành.
 

[1] St 18,8; 22, 18; 24,4…
[2] X. W. Beyer, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 2:751-63.
[3] Gerhard Lohfink, Maria-nicht ohne Israel: Eine neue Sicht der Lehre von der Unbeflekten Empfängnis, Freiburg: Herder, 2008.

Tác giả: Vincent Mai Kim chuyển ngữ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập274
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm233
  • Hôm nay47,965
  • Tháng hiện tại908,326
  • Tổng lượt truy cập78,911,777
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây