Yếu tính TM và chìa khoá đời sống kitô hữu

Thứ sáu - 04/03/2016 20:20  1475

Lòng thương xót, yếu tính TM và chìa khoá cho đời sống kitô hữu (tiếp)

V. Lòng thương xót, thánh thiện, công minh và trung tín của Thiên Chúa

Nơi Cựu Ước, lòng thương xót của Thiên Chúa nối kết chặt chẽ với cách thức mặc khải khác lạ của Thiên Chúa. Lòng xót thương của Ngài không thể tách rời khỏi bối cảnh Cựu Ước, và cũng không thể đề cập tới chủ đề này một cách độc lập. Thật vậy, biến cố Thiên Chúa mặc khải tên của Ngài cho Mô-sê đã chỉ cho thấy rằng: Lòng thương xót đã bao hàm ý nghĩa lòng nhân hậu và trung tín. Còn nơi ngôn sứ Hô-sê, khi Thiên Chúa tự mặc khải chính mình, Ngài cho thấy rằng lòng thương xót của mình gắn liền với sự thánh thiện của Ngài, và coi sự thánh thiện như là cách diễn tả về lòng xót thương.

Sự gắn kết chặt chẽ giữa lòng thương xót và sự thánh thiện của Thiên Chúa là điều rất quan trọng. Trong tiếng Do-thái, hạn từ thánh (qados) có nghĩa nguyên thủy là cắt đi hay đặt riêng ra. Như thế, sự thánh thiện của Thiên Chúa khác tận căn, vượt lên trên mọi sự trần thế và mọi sự dữ[1]. Trong thị kiến trên ngai của ngôn sứ I-sa-i-a, sự thánh thiện của Thiên Chúa được mô tả một cách rất hùng vĩ. Chính Ngôn sứ nghe tiếng các thiên thần Sê-ra-phim hát: «Thánh, Thánh, Chí Thánh». Thị kiến này tạo ra nơi ngôn sứ cảm xúc run hãi thánh thiêng; nó làm cho ông ý thức về sự mong manh và tội lỗi của mình: «Khốn cho tôi, tôi chết mất. Vì tôi là một con người môi miệng nhơ uế và tôi ở giữa đám dân môi miệng nhơ uế» (Is 6,3-5). Điều này chỉ cho thấy rằng chúng ta không thể coi nhẹ lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta cũng không thể coi Ngài như là một người khờ dại làm thinh trước những lỗi lầm gian ác và để mặc chúng hoành hành nơi chúng ta. Nietzsche đã mỉa mai khái niệm này về Thiên Chúa và nói rằng Thiên Chúa đã chết do lòng thương xót của Ngài[2]. Người ta không thể khinh thường Thiên Chúa, Ngài không để mình bị nhạo báng đâu (Gl 6,7). Với lòng trắc ẩn xót thương, Thiên Chúa tỏ cho thấy Ngài thánh thiện và lớn lao vĩ đại.

Vì sự thánh thiện của mình, Thiên Chúa chỉ có thể tặng ban sức mạnh chống lại sự gian ác. Thánh Kinh gọi đó là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa[3]. Có thể, thoạt đầu khá nhiều người đã có cái nhìn sai lệch về thành ngữ «thịnh nộ» của Thiên Chúa và cảm thấy khó chấp nhận. Thực ra, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa không hề có nghĩa là một cơn nóng giận quá trớn hay là một sự can thiệp bực tức. Nhưng đúng hơn đó là sức mạnh của Thiên Chúa chống lại tội lỗi và bất công. Ta có thể nói, thịnh nộ là thành ngữ năng động diễn tả yếu tính thánh thiện của Thiên Chúa. Trong chiều hướng này, thông điệp về sự phán xét không thể bị xóa khỏi sứ điệp của Cựu và Tân Ước, hay bị giải thích một cách sai lạc.

Sự thánh thiện của Thiên Chúa đi liền với sự công lý của Ngài (zedakah).[4] Khái niệm về lề luật và công lý là tâm điểm của Cựu Ước. Với những người sùng đạo nơi Cựu Ước, công lý của Thiên Chúa là yếu tố nền tảng hiển nhiên không cần tranh luận. Dựa trên nền tảng thánh thiện của Ngài, Thiên Chúa không thể là Đấng chỉ phạt điều dữ và thưởng điều lành. Đối với Cựu Ước, sự thánh thiện không hề là việc đón nhận sự thật do bởi sợ hãi, trái lại, thánh thiện diễn tả niềm hy vọng. Người công chính trong Cựu Ước đặt hy vọng vào mặc khải phổ quát về công lý của Thiên Chúa (Tv 5 – 9; 67,5; 96,13; 98,9 .v.v) và đợi trông công lý của Ngài được sáng tỏ (Tv 71,15, v.v). Niềm hy vọng cánh chung này hướng trực tiếp tới biến cố xuất hiện Đấng Mê-si-a công chính (Is 11,4). Tỏa sáng đức công chính giữa một thế giới bất công, đó đã là công trình của lòng xót thương dành cho những người bị áp bức và cho quyền lợi những ai bị vùi dập.

Như thế, sứ điệp lòng thương xót của Thiên Chúa không hề là ân sủng rẻ tiền. Thiên Chúa ước mong chúng ta làm điều chân chính và công minh (Am 5,7; 24,6.12). Nói một cách khác, Ngài đợi chúng ta làm điều tốt lành chân chính (Hs 2,21; 12,2). Vì lý do này, lòng thương xót không hề trái ngược sứ điệp công lý. Do lòng xót thương, Thiên Chúa nén cơn giận dữ của Ngài. Thực vậy, Ngài nén giận. Ngài làm điều đó nhằm tặng ban cho con người cơ hội thuận tiện để mà sám hối. Lòng thương xót thần linh này tặng cho tội nhân một khoảng thời gian ân sủng và thôi thúc họ sám hối. Đi đến cùng, lòng thương xót chính là ân sủng để sám hối.

Chỉ cần nêu ra một đoạn Thánh Kinh là đủ để minh họa. Thật vậy, sau khi dân Chúa bị trừng phạt vì tội bất trung của họ, thì do lòng xót thương Thiên Chúa đã cho họ một cơ hội mới:

«Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi,
nhưng vì lòng xót thương vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp.
Lúc lửa giận bừng bừng,
Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi,
nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót….
Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay,
tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót phán như vậy» (Is 54,7-8.10).[5]

Lòng thương xót là công lý sáng tạo và phong phú của Thiên Chúa. Nó vượt lên trên lý lẽ cứng ngắc về mặc cảm tội lỗi hay về sự trừng phạt nghiêm khắc. Nhưng nó không hề mâu thuẫn với công lý. Đúng hơn, lòng xót thương phục vụ công lý. Thật vậy, Thiên Chúa không chịu lệ thuộc vào một lề luật xa lạ vượt lên trên chính Ngài. Ngài chẳng là vị thẩm phán xét xử theo một luật đã mặc định sẵn cho Ngài. Ngài càng không là một quan chức thực thi mệnh lệnh của một người khác. Trái lại, với sự toàn quyền của mình, Thiên Chúa thiết lập lề luật.

Thiên Chúa toàn quyền tự do. Nhưng tự do của Ngài không hề độc đoán, cũng không hề nhất thời hay ngẫu hứng quan tâm tới nỗi thống khổ của con người. Đúng hơn, nó diễn tả chính lòng trung tín của Thiên Chúa (emet)[6]. Trong mặc khải tên Thiên Chúa, lòng nhân nghĩa (hay lòng thương xót) và lòng trung tín đã hòa quyện vào nhau. Trong danh từ emet đã có sự hiện diện của danh từ aman, với ý nghĩa như thể «đứng vững», hay «nắm chắc». Theo nghĩa này, lòng thương xót của Thiên Chúa tương ứng với lòng trung tín của Ngài. Như thế, từ một quyết định tự do thương xót, một khi Thiên Chúa đã tặng ban giao ước, thì giao ước ấy bền vững. Giao ước này thiết lập một nền tảng đứng vững. Lòng thương xót diễn tả lòng tốt lành tự nguyện mãi mãi  của Thiên Chúa đối với chính Ngài và đối với dân mà Ngài tuyển chọn. Trong sự tự do tuyệt đối của Ngài, Thiên Chúa cùng lúc vững bền mãi mãi. Người ta có thể tín thác nơi Ngài; trong mọi hoàn cảnh, người ta có thể tin tưởng ở Ngài. Vì nơi Ngài có sự bền vững tuyệt đối.

Danh từ emet aman còn được thấy trong thành ngữ Thánh Kinh và Phụng vụ của lời tuyên xưng: «Amen». Trong Tân Ước, danh từ aman đến từ động từ gốc Hy-lạp pisteuein có nghĩa là tin. Tin không có nghĩa đơn giản là chấp nhận điều gì đó là thật. Nhưng đúng hơn, trong tiến trình đón nhận một điều gì đó là thật, thì tin có nghĩa là tùy thuộc vào Thiên Chúa, xây dựng đời mình trên nền tảng là Ngài, hay gắn kết đời mình với Ngài, và đặt nơi Ngài một điểm tựa vững chắc cho cuộc đời. Đức tin là hành động tín thác đặt để đời mình phục tùng lòng thương xót và lòng tín trung của Thiên Chúa. «Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững» (Is 7,9). «Hãy vững tin vào Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ được tồn tại» (2Sbn 20,20). Như thế, chúng ta có thể nói rằng: khi nói «có đức tin» có nghĩa là nói amen vào Thiên Chúa; điều này cũng có nghĩa là tín thác vào lòng nhân hậu, lòng tín trung và lòng thương xót không bờ bến của Ngài. Con người đứng vững trong đức tin. Nơi đức tin, họ nhận được quà tặng sống trong bầu khí tin tưởng.
 

[1] O. Proksch and G. Kuhn, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 1: 82-112.
[2] Freidrich Nietsche, Thus Spake Zarathustra, trs. Thomas Common, Carlton House, 96.
[3] J. Fichtner and G. Stählin, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 5: 395-410.
[4] G. Quell, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 2:176-80.
[5] X. Is 44,26.28; 49,10-13; Gr 3,12; 12,15.
[6] G. Quell, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 1: 233-51.

Tác giả: Vincent Mai Kim chuyển ngữ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập224
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm202
  • Hôm nay58,653
  • Tháng hiện tại645,535
  • Tổng lượt truy cập70,673,292
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây