Yếu tính TM và chìa khoá đời sống kitô hữu
Thứ năm - 14/04/2016 11:34
1507
II. Tin mừng Chúa Giê-su về lòng thương xót Chúa Cha
Thánh sử Mác-cô cũng bắt đầu Tin mừng theo cách thức giống Mát-thêu, nhưng với một cách thức ấn tượng hơn: «Khởi đầu Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa». Ngài cô đọng tính mới mẻ toàn vẹn của Tin mừng (euvagge,lion) trong một câu vắn gọn: «Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần» (Mc 1,15).[1] Thời kỳ đã mãn là khái niệm phổ biến trong văn chương khải huyền thời xưa của Do-thái. Chúa Giê-su cũng sử dụng khái niệm này và vượt qua ý nghĩa đương thời của nó. Ngài không nói gì hơn là: bây giờ thời gian đã đến. Với sự xuất hiện của Ngài, điều đã được loan báo và mong đợi, một khúc quanh lịch sử đã đến. Bây giờ, sự đột nhập của vương quốc Thiên Chúa đã hoàn tất. Nhưng điều đó xảy đến thế nào? Chương tiếp theo của Tin mừng Mác-cô cống hiến cho ta câu trả lời rõ ràng. Triều đại Thiên Chúa đã đột nhập vào nhân loại qua việc: chữa lành mọi tật nguyền của con người, xua trừ ma quỷ là những quyền lực đe dọa sự sống con người.
Lu-ca trình bày khía cạnh này rõ hơn nữa. Trong Tin mừng của mình, Lu-ca sử dụng sự kiện vắn gọn của Mác-cô để thuật lại lần đầu tiên Đức Giê-su xuất hiện công khai trong hội đường Na-da-rét ngày Sa-bát. Ở đó, Đức Giê-su đọc sách ngôn sứ I-sa-i-a:
«Ngài đã xức dầu tấn phong tôi,
Để tôi mang Tin mừng (euvaggelein) cho người nghèo khó,
…Công bố năm hồng ân của Chúa» (Lc 4,18-19).
Đối với Lu-ca, Tin mừng Đức Giê-su là việc công bố năm hồng phúc, năm giải thoát người nghèo khó (Lv 25,10). Chúa Giê-su nói thêm: «Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe» (Lc 4,18.21). Lu-ca cũng gắn kết chặt chẽ hành động của Chúa Giê-su với con người Ngài. Theo cách thức đó, lần này sứ điệp của Đức Giê-su gây khó chịu cho những người đồng hương của Ngài lại diễn tả căn tính cụ thể của Ngài.
Nơi Tin mừng Mát-thêu ta cũng thấy một lời tương tự. Khi các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả tới hỏi Đức Giê-su có phải Ngài là Đấng phải đến chăng? Để trả lời, Ngài đã khái lược sứ mạng công khai của Ngài bằng việc quy chiếu lời ngôn sứ I-sa-i-a 61,1: «Kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phong cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, kẻ chết trỗi dậy và Tin mừng được loan báo cho người nghèo». Đối với Mát-thêu, sứ mạng của Chúa Giê-su là: với lòng thương xót, Ngài chữa lành và giúp đỡ người đau khổ. Theo đó, sứ mạng thiên sai của Đức Giê-su là chăm sóc những ai có nhu cầu cần giúp đỡ, những người nghèo, những người nhỏ bé và những ai không có giá trị trước mặt người đời.[2] Chúa Giê-su nối kết sứ mạng này với con người của Ngài: «Phúc cho những ai không vấp ngã vì ta» (Mt 11,5t; Lc 7,22t).
Điều mà ba bản văn Nhất Lãm đã đề cập ở trên còn được diễn tả ở ngay đầu Bài Giảng Trên Núi: «Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó» (Mt 5,3; Lc 6,20). Những người nghèo khó, không chỉ là những ai nghèo về kinh tế xã hội, mà hơn nữa họ còn là những ai có tấm lòng tan vỡ, những ai chán nản thất vọng, và tất cả những ai hiện diện trước mặt Thiên Chúa như là một người ăn xin.[3] Chúa Giê-su hướng tới tất cả những ai đang phải mang gánh vác nặng nề và ngỏ lời: «Hãy đến với tôi, hỡi tất cả những ai đang mang gánh vác nặng nề, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền từ và khiêm nhường trong lòng» (Mt 11,28tt).
Chúa Giê-su không chỉ rao giảng lòng thương xót của Chúa Cha, mà chính Ngài còn sống nữa. Điều gì Ngài rao giảng, Ngài sống. Chúa Giê-su chăm nom những người ốm đau bệnh tật và những ai bị thần dữ quấy nhiễu. Chính Ngài nói về mình: «Tôi là người hiền hậu và khiêm nhường trong lòng» (Mt 11,29). Ngài đã động lòng thương (splagcnisqeij) khi thấy một người phong cùi (Mc 1,41), hay động lòng trắc ẩn trước người mẹ góa mất đứa con trai duy nhất (Lc 7,13). Ngài có lòng trắc ẩn [Mitleid] với những ai bệnh tật (Mt 14,14) và những ai đói nghèo (Mt 15,32). Ngài cũng tỏ lòng thương khi thấy hai người mù kêu xin Ngài dủ lòng thương [Erbarmen] (Mt 20,34); Ngài động lòng trắc ẩn thương những ai tựa đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt (Mc 6,34). Tại ngôi mộ của người bạn thân La-da-rô, Ngài đã xúc động mạnh và khóc (Ga 11,35.38). Trong bài diễn văn về cuộc phán xét chung, Ngài đã tự đồng hóa mình với những ai nghèo hèn, đói khát, bần cùng, bị bách hại (Mt 25,31-46).[4] Ngài luôn nhìn đến những ai kêu than: «Xin dủ lòng thương xót tôi» hay «Xin dủ lòng thương xót chúng tôi» (Mt 9,27; Mc 10,47 t). Thậm chí, trên thập giá, Ngài còn tha thứ cho anh trộm biết ăn năn và Ngài cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài vào thập giá (Lc 23,34-43).
Khác với Cựu Ước, điều mới mẻ trong sứ điệp của Chúa Giê-su là: chính Ngài loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người theo một cách thức tuyệt hảo. Ngài mở lối đến với Thiên Chúa, không phải chỉ dành cho một số người công chính, mà cho hết thảy mọi người. Tất cả mọi người được mời gọi vào trong Nước Thiên Chúa: không ai bị đẩy ra ngoài. Cuối cùng, Thiên Chúa đã nén cơn lôi đình của Ngài và mở rộng cánh cửa cho tình yêu và lòng xót thương của Ngài.[5]
Chúa Giê-su đối xử với những tội nhân một cách đặc biệt; họ là những người thực sự nghèo khó về đời sống thiêng liêng. Khác với những luật sỹ và người Pha-ri-siêu, Chúa Giê-su không tránh xa những người tội lỗi. Ngài ăn uống và đồng bàn với họ (Mc 2,13-17). Ngài được kể như là người bạn của những phường thu thuế và tội lỗi (Lc 7,34). Tại nhà ông biệt phái Si-mon, Chúa Giê-su đã tỏ lòng thương xót cho cô gái điếm, người tội lỗi trong thành (Lc 7,3-50). Và Chúa cũng đối xử tương tự như thế đối với người thu thuế tên là Gia-kêu, khi Ngài tới thăm nhà ông (Lc 19,1-10). Khi những người Pha-ri-siêu phê phán Chúa, Ngài trả lời họ: «Tôi không đến kêu gọi những người công chính, nhưng là những người tội lỗi biết ăn năn» (Lc 5,32; x. 19,10). Và Chúa Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn về hai người lên Đền thờ cầu nguyện, một người Pha-ri-siêu và một người thu thuế. Người Pha-ri-siêu khoe khoang về những việc làm của mình. Khi trở về nhà, ông ta không được trở nên công chính. Còn người thu thuế thì đấm ngực và cầu nguyện: «Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương con là kẻ tội lỗi» (Lc 18,9-14). Người thu thuế này đã được nên công chính.
Thiên Chúa là Cha chúng ta, đó là tâm điểm của sứ điệp mà Đức Giê-su rao giảng.[6] Thực vậy, cách thức mà Chúa Giê-su thưa với Thiên Chúa như là Cha mình «Áb-ba, Cha ơi» được ghi tạc nơi các tín hữu thời sơ khai. Cách thức thân thưa này được truyền lại bằng tiếng Hy-lạp trong môi trường ngôn ngữ A-ram cho thấy rằng: ngay từ rất sớm, cách thưa với Thiên Chúa này được coi như là nét rất riêng đối với Chúa Giê-su và đối với các tín hữu. Thế nên, lời kinh «Lạy Cha» (Mt 6,9; Lc 11,2) mà Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện đã thực sự trở thành lời kinh được biết đến nhiều nhất và thông dụng nhất đối với các tín hữu. Lời kinh này diễn tả điều sâu kín nhất trong lòng chúng ta về sự hiểu biết Thiên Chúa và mối tương giao của chúng ta đối với Ngài. Nó nói với chúng ta rằng, chúng ta sống mối liên hệ cá vị với Đấng Thần Linh, Đấng biết chúng ta, lắng nghe chúng ta, nâng đỡ và yêu thương chúng ta.
Chúa Giê-su còn dạy chúng ta rằng: không nên nhiều lời khi cầu nguyện, vì Chúa Cha biết rõ những gì ta cần (Mt 6,8). Chúng ta có thể trao gửi về Ngài những nỗi lắng lo của chúng ta. Vì Ngài biết chăm sóc cho chim trời, hoa cỏ đồng nội, thì Ngài còn biết rõ hơn tất cả những gì con người cần (Mt 6,25-34). Chính Ngài chăm nom cho các con chim sẻ, thì Ngài cũng đếm từng sợi tóc trên đầu chúng ta (Mt 10,2tt). Ngài là Cha chúng ta và là Cha của tất cả nhân loại. Tất cả đều là con cái của Ngài, tất cả là con trai và con gái của Ngài. Ngài cho mặt trời mọc lên trên kẻ lành cũng như người xấu, cho mưa rơi trên người lương thiện cũng như kẻ bất lương (Mt 5,45). Cha chúng ta ở trên trời (Mt 5,16; 18,10.14.32.tt) không xa cách chúng ta, vì Ngài là Cha cả trên trời cũng như dưới đất (Mt 11,25; x. 6,10). Cuộc sống dưới đất của chúng ta được Cha trên trời hướng dẫn. Chúng ta có thể nhận ra dấu ấn bàn tay Chúa Cha trong mọi sự; chính chúng ta cảm nhận được an toàn khi có Ngài ở trong mọi hoàn cảnh; và chúng ta có thể thưa với Ngài như là Cha, Đấng thấu hiểu tất cả những nhu cầu của chúng ta. Như thế, chúng ta không sống trong một vũ trụ vô nghĩa, lãnh đạm và vắng bóng Cha. Chúng ta cũng không hề là sản phẩm của ngẫu nhiên vô nghĩa hay của một sự tiến bộ không định hướng.
Thánh sử Lu-ca muốn trình bày sứ điệp của Chúa Giê-su một cách nổi bật. Nếu Mát-thêu trong Tin mừng của mình đề cập tới sự hoàn thiện của Thiên Chúa (Mt 5,48), thì Lu-ca lại lưu tâm hơn về lòng xót thương của Ngài (Lc 6,36). Và như thế, đối với Lu-ca, lòng thương xót là chính yếu tính hoàn hảo của Thiên Chúa. Thiên Chúa không kết án, nhưng đúng hơn Ngài thứ tha, Ngài nuôi dưỡng, tặng ban ân huệ dư tràn và vượt mọi cân đong đo đếm. Như thế, ta có thể nói rằng lòng thương xót của Thiên Chúa vượt quá mọi giới hạn và vượt lên trên mọi đo lường[7].
[1] Rudolf Pesch, Das Matthäusevangelium, Freiburg: Herder, 1976, 100-4. [2] Gnilka, Das Matthäusevangelium, 409 t. [3] Schürmann, Das Lukasevangelium, 231. [4] Paul Billeerbeck et ed., Kommentar zum Neuen Testament aus Talmud und Midrasch, Munich: 1985-89, IV/1, 559-610. [5] Ulrich Wilckens, Theologie des Neuen Testament, 2/1, Neukirchen-Vluyn, 2007, 190-95. [6] G. Schrenk, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, ed. Gerhard Kittell et all., 1949-79, 5: 984-86. [7] Schümann, Das Lukasevangelium, 358-65.
Tác giả: Vincent Mai Kim chuyển ngữ