Khi còn là Tổng Giám Mục Giáo phận Buenos Aires, năm 2009, Đức Cha Jorge Bergoglio đã quay một đoạn video cho Đại hội Caritas Argentina cấp quốc gia, trong đó Ngài đã giải thích những hệ quả đối với những người “lựa chọn những người nghèo”. Đức cha nói rằng, khi bạn chèn mình vào thực tế của họ, “lối sống của bạn sẽ thay đổi. Bạn sẽ không thể chi trả cho những thứ xa xỉ mà trước đây bạn đã từng có nữa…”
Đức TGM Bergoglio hiểu rằng để thực sự hiểu người nghèo và định giá được văn hóa của họ, người ta phải kết nối với họ. Sự kết nối của Ngài với những nỗi khổ của con người sống tại các khu villas miserias- khu ổ chuột tại thành phố Buenos Aires- đã cảm hóa Ngài, và dạy cho Ngài hiểu rằng khi xa cách những trải nghiệm thực sự về những cuộc gặp gỡ, cầu nguyện và những lễ bẻ bánh với người nghèo, ý niệm về Thiên Chúa thiếu đi tính siêu việt và tính xác đáng.
Vị “Giám mục của những khu ổ chuột”, nay là Giám mục Roma, và Ngài kêu mời toàn thể Giáo hội hãy Phúc âm hóa chính bản thân bằng một cuộc gặp gỡ sâu sa hơn với người nghèo. Cái cách nhìn một “Giáo hội nghèo cho người nghèo” được hiểu một cách rõ nhất trong bối cảnh của những thần học gia Mỹ Latinh, đã ảnh hưởng lên Bergoglio và hiện tại Đức Thánh Cha Phanxicô đang hợp nhất với những giáo huấn của Giáo hội hoàn vũ.
Địa điểm để gặp gỡ
Trong thần học Mỹ Latinh, tín ngưỡng bình dân được định nghĩa là những niềm tin tôn giáo được đúc rút ra từ con người. Nó còn được gọi là “lòng đạo đức bình dân”, ám chỉ đến cách mà người nghèo sống tín ngưỡng của họ trái ngược với những nghi lễ và tín ngưỡng chính thức.
Mặc dù vấn đề về văn hóa đã từng được đưa ra thảo luận trong Công đồng Vaticanô II, vấn đề về đạo đức bình dân cũng như vấn đề về sự giải thoát, như một phần của chức năng truyền giáo, lại không được đề cập đến. Hai khái niệm này đã được đúc rút lại thông qua các Giám mục Mỹ Latinh tại Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ ba diễn ra vào năm 1974 với chủ đề “phúc âm hóa trong thế giới hiện đại”. Trong cuộc gặp gỡ đó, các Giám mục đến từ khắp thế giới cân nhắc chủ đề về sự giải thoát như một chức năng phù hợp với công việc truyền giáo của giáo hội trong mỗi nền văn hóa. Những kết luận của Thượng hội đồng đã được đúc kết trong tông huấn Evangelii Nuntiandi do Đức Thánh Cha Phaolo VI ban hành năm 1975.
Năm 1985, khi còn là giám đốc của trường dòng Colegio Maximo de San Jose của Dòng Tên tại thành phố Buenos Aires, sau đó là TGM Bergoglio, đã tổ chức công nghị đầu tiên về vấn đề Phúc âm hóa Văn hóa và Hội nhập văn hóa Tin mừng. Trong bài phát biểu của mình, Đức TGM nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo hội trong việc đến gần với những trải nghiệm sống của con người, để tạo lên những quy trình truyền giáo có khả năng thúc đẩy xã hội thay đổi. Đề xuất này của Ngài đã nhấn mạnh rằng chính lòng đạo đức bình dân là một nơi đặc biệt để nhận biết những người nghèo và những người bình dân suy nghĩ và sống như thế nào.
Tông huấn “Niềm vui của Tin mừng” (2013) của Đức Thánh Cha Phanxico được xây dựng dựa trên những nhìn nhận này. Dựa trên những tài liệu của Hội đồng giám mục Mỹ Latinh và Caribê lần thứ năm được tổ chức vào năm 2007 tại Aparecida, Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng “linh đạo bình dân” hay “khoa thần bí của dân chúng” được biểu hiện trong những diễn đạt hàng ngày của niềm tin Kitô giáo như một locus theologicus (cơ sở thần học) mà có khả năng rao giảng tin mừng đến tất cả mọi người ở tất cả mọi nơi.(Số 122-26).
Đề xuất của Đức Thánh Cha Phanxicô đưa hai dòng suy nghĩ và hành động về một mối. Đầu tiên là việc tân phúc âm hóa văn hóa qua tri thức và mối liên hệ với các tôn giáo phổ biến của các dân tộc. Thứ hai là một cuộc hành động mục vụ giải thoát phát xuất bởi sự chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, nhằm thúc đẩy thay đổi giáo hội và xã hội, trong khi tố cáo tất cả những cấu trúc và cách sống- về xã hội, kinh tế và giáo hội- mà hạ thấp phẩm giá bằng việc biến con người thành những thực thể chỉ dùng một lần. Tân phúc âm hóa Văn hóa
Trong tầm nhìn của Đức Thánh Cha về giáo hội, “Dân Thiên Chúa được nhập thể giữa các dân tộc trên thế giới” (Số 115). Giáo hội phải phục vụ mỗi con người, nhằm thúc đẩy sự giải thoát từ bất kì sự phụ thuộc nội bộ hay ảnh hưởng bên ngoài, bất kể là chính trị, kinh tế hay tư tưởng. Mục đích là để tránh rơi vào sự cám dỗ của việc đồng nhất đức tin của các tín hữu hay đối xử với chúng như một khối không có sự sống hay lịch sử. Để biết và để phục vụ con người ngụ ý biết được nguồn gốc của họ, cách suy nghĩ hay sự tôn trọng thực tế mà “mỗi dân tộc là người sáng tạo nền văn hóa của mình và là vai chính của lịch sử của họ” (Số 122).
Với tông huấn “Niềm vui của tin mừng”, ĐTC Phanxico đề xuất theo lộ trình này và làm rõ ràng cách tiếp cận mang tính mục vụ thần học, lấy cảm hứng từ xã hội, giáo hội và kinh nghiệm thần học của Ngài ở Mỹ Latinh. Do vậy, Ngài giới thiệu vào Huấn quyền phổ quát một khái niệm đến từ thần học Mỹ Latinh, đặc biệt từ thần học của dân tộc Argentina, cụ thể là thần bí bình dân. Thần bí sống và học hỏi trong những nền văn hóa phổ biến- đặc biệt là những trải nghiệm của người nghèo- trở thành trung tâm mới và nguồn gốc của suy tư thần học. (Số 126).
Điều này đòi hỏi một sự thay đổi trong Giáo hội hiện tại bởi nó giả định rằng nơi thích hợp nhất mà giáo hội hiện hữu- cả về mục vụ và về học thuật- đó là ở giữa những người nghèo, phục vụ họ và được cam kết cho sự đấu tranh và niềm hy vọng của họ, từ những vị trí khác nhau nơi chúng ta có thể tìm thấy chính mình đang làm việc giữa xã hội. Đó là cách tổ chức giáo hội, trong mọi thứ, là được mời gọi để chính bản thân được phúc âm hóa bởi sự sắp xếp của con người, tuôn đổ ra từ thần bí bình dân, cho “tài năng thiên bẩm của mỗi dân tộc, theo cách riêng của mình, đón nhận trọn vẹn Tin Mừng và hội nhập Tin Mừng trong các cách biểu hiện của mình về cầu nguyện, tình bằng hữu, công lý, sự đấu tranh và việc cử hành” (Số 237).
Đây là những cách mà người nghèo và người thấp kém liên hệ với Thiên Chúa, không chỉ trong những nhu cầu cá nhân của họ, nhưng còn trong những thăng trầm hay những khao khát chung của họ. Những cách sống này có thể phúc âm hóa những xã hội rời rạc hay những gia đình không bình thường của chúng ta; chúng có thể mở rộng trái tim và tâm trí của chúng ta đến một thực tế hiểu biết rộng hơn và lành mạnh hơn, trong khi kết nối đời sống và những công việc của chúng ta với những đau khổ và hy vọng của đa số nhân loại.
Theo sau tài liệu Aparecida của Hội đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh và Caribe, “Niềm vui của tin mừng” đặt đạo đức bình dân trong sự hiểu biết về đức tin chân thành và giản đơn, thấm vào toàn bộ cuộc sống của người Ki-tô hữu. Trong thần bí bình dân, chúng ta có thể thấy được tin mừng hội nhập dưới khao khát vĩnh cửu này để cảm nghiệm được lối đi của thần khí giữa những biến cố xảy ra với chúng ta mỗi ngày mà dường như không thể giải quyết. Tất cả những biểu hiện này- cầu nguyện, tình bằng hữu, công lý, đầu tranh- trở thành những nền tảng thần học cần thiết cho việc tân phúc âm hóa đời sống văn hóa, chúng không chỉ đơn thuần là việc thực hành cầu nguyện, nhưng còn là một trải nghiệm thân mật, ngập tràn trong tình liên đới và nhu cầu của công bằng xã hội, là một cách sống với niềm hy vọng nảy sinh từ mối quan hệ thân tình và tin tưởng nơi Thiên Chúa. Nói cách khác, nó xác quyết niềm tin của người tín hữu với Đức Kitô khổ nạn, chịu đóng đinh và một Đức Ki tô hoàn toàn không còn sức lực gì trên thánh giá, nhưng hơn cả là hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Sự kết hợp của các khái niệm về thần bí bình dân vào huấn quyền phổ quát qua tông huấn “Niềm vui của tin mừng” có ý nghĩa lớn vào đời sống và suy nghĩ vượt ra ngoài Châu Mỹ Latinh. Nó không có nghĩa là cuộc sống bình dân của người Mỹ Latinh trở thành một kiểu mẫu cho các nền văn hóa khác. Đúng hơn, tính ưu việt được ban tặng cho thế giới của những người nghèo nhất ở mọi nền văn hóa, bởi chúng là những suy tư mang tính tha thứ, cùng những nơi để học hỏi dưới quan điểm của Thiên Chúa- đó là, trong ánh sáng của lòng thương xót Chúa- thực trạng của thế giới hiện nay, niềm hy vọng và hạn chế của nó. Nhưng tính ưu việt này chỉ có thể được hiểu khi người Ki-tô hữu tự chèn mình vào thế giới của những người nghèo trong các xã hội cụ thể của họ.
Thần học cho người dân
Thần học Mỹ La-tinh về con người nhận định rằng sự phản ánh về hội nhập văn hóa của Tin Mừng không phải là một vấn đề dành riêng cho những người làm mục vụ. Không có một nền thần học nào mà không được kết nối với thực trạng của con người cụ thể, với những đau khổ hàng ngày họ gặp phải và cách họ chấp nhận những thử thách của đức tin. Những suy ngẫm tài tình của ĐTC Phanxico bắt nguồn từ cách tiếp cận mục vụ thần học này, không phải từ một ý tưởng trừu tượng của học thuyết mà đi sau việc gặp gỡ người khác. Vì vậy, như ĐTC đã chia sẻ vào tháng Chín năm ngoái trong thánh lễ tại Havana Plaza de la Revolución, "Phục vụ không bao giờ mang tính ý thức hệ, bởi chúng ta không phục vụ những ý tưởng, mà phục vụ những con người." (20 tháng 9 năm 2015).
Nếu không thì, Phúc âm hóa và giáo huấn sẽ có nguy cơ trở thành công cụ gieo rắc giáo điều. Thiếu những chủ thuyết thần bí này, các nhà thần học sẽ trở nên những người lãnh đạo những mớ kiến thức trừu tượng mà không mang lại bất kỳ tác động nào. Và con người, nhất là người nghèo, sẽ được dùng cho các mục đích khác nhau, từ học thuật đến kinh doanh, nhưng sẽ không nhận định được hai mặt điều kiện hợp pháp của họ: 1) là đại diện cho quá khứ và tương lai của chính họ và 2) là một nơi thông diễn quan trọng trong việc giải thích và biện hộ của sứ điệp tin Mừng và đời sống Công Giáo.
Khái niệm “nhân dân” đặt chúng ta trước một thực trạng của sự bất bình đẳng, nó không đơn thuần là sự chênh lệch về kinh tế trên thế giới, nhưng theo Thánh Gioan Phaolo II viết, sự tồn tại của những thế giới khác nhau- thế giới thứ nhất, thế giới thứ hai, hay thế giới thứ ba- “ở trong lòng một thế giới duy nhất của chúng ta” (Thông điệp Quan tâm đến vấn đề xã hội, Số 14). Những thế giới này bị lãnh đạo bởi một chủ nghĩa đế quốc mà chỉ tìm kiếm một cách đồng nhất cũng như áp đặt một tiêu chuẩn và phương thức thực hiện duy nhất.
Điều này đã làm gia tăng thêm những nhóm văn hóa nghèo nàn, bị đặc trưng bởi sự áp đặt và bình thường hóa của một chủ nghĩa cá nhân nghiêm trọng, là yếu tố nhằm tạo ra những “con người” không có khả năng để sống một cuộc đời hiện tại hay một tương lai đầy hứa hẹn, con người mất khi khả năng tạo ra những khả năng, mà theo ĐTC Phanxico, “vô số người bị loại trừ và gạt ra bên lề: không việc làm, không phương tiện, không có bất kỳ lối thoát nào”. (Niềm vui của tin mừng, Số 53).
Nghèo đói, bất bình đẳng và tôn thờ tiền bạc ở trong và giữa những thế giới này là những thực trạng có thể đẩy lùi nếu chúng ta hành động vì lợi ích chung và dành những chọn lựa ưu tiên cho người nghèo. Nhờ thế, giáo hội sẽ trở thành “một giáo hội nghèo cho người nghèo”, nhằm mang lại một đích điểm của sự gặp gỡ và nhân đạo, có được như một kiểu mẫu nơi mà con người có liên quan với nhau trong một nền văn hóa chung. Tồn tại một sự thần bí của việc sống tốt mà chyển thành những mối quan hệ nhân bản. Đức Thánh Cha Phanxico mô tả kinh nghiệm này trong bài huấn dụ tại Bolivia vào ngày 9 tháng 7 năm 2015, như là…
“sự gắn bó với làng xóm, đất đai, lãnh thổ, công ăn việc làm, công đoàn, điều này nhận ra mình trong khuôn mặt người khác, sự gần gũi hằng ngày, với những lầm than cơ cực, bởi chúng tồn tại và chúng ta có thể thấy chúng trong những cử chỉ anh hùng thường nhật. Điều này giúp thực thi sứ mạng yêu thương, không phải đi từ những ý tưởng hay ý niệm, nhưng từ cuộc gặp gỡ chân thành giữa con người với nhau, vì ta không yêu thương những ý niệm hay ý tưởng, nhưng ta yêu thương con người.”
Thần bí tôn giáo triển nở từ nền văn hóa bình dân là một cơ sở biện chứng bên cạnh tính ưu việt, cái mà làm cho nó có thể vượt qua những rào cản ngăn cách chủ yếu từ những lý thuyết thần học trừu tượng, hay là đức tin của người nghèo, những người đang sống giữa những thăng trầm của cuộc sống, từ những tổ chức và những phụng vụ của giáo hội. Hơn nữa, nó làm điều đó trở thành hiện thực, để hiểu rằng, phúc âm hóa đời sống văn hóa bắt nguồn bằng việc đặt bản thân mình- cả cá nhân và tổ chức- vào thế giới của những người bên lề xã hội và hành động cho sự giải thoát trọn vẹn của tất cả mọi người trong toàn cầu này. Điều đó có nghĩa là cần phải mở rộng các mối quan hệ của chúng ta, cũng như vươn mình ra khỏi những bó buộc. Như ĐTC Phanxico đã nhấn mạnh trong thư gửi cho ĐHY Aurelio Poli trong dịp kỉ niệm 100 năm thành lập trường ĐH Công Giáo Argentina:
Đừng chỉ ngồi mãi nơi bàn làm việc. Hãy đưa mình ra những vùng ngoại biên. Nhà thần học tốt, cũng như vị mục tử tốt, phải có mùi của dân chúng và đường phố, và với suy tư của họ, họ đổ dầu và rượu chữa lành những vết thương của con người.
Joseph Đinh chuyển ngữ,
Nguồn: Rafael Luciani, Félix Palazzi, Pope Francis’ theology begins with the people’s faith, American Magazine.