Yếu tính TM và chìa khoá đời sống kitô hữu
Thứ năm - 31/03/2016 04:05
1195
VII. Ca ngợi Thiên Chúa nơi các Thánh vịnh
Nơi các Thánh vịnh, có rất nhiều câu diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa với vẻ đẹp thi ca. Ở đây chỉ nêu ra một số ví dụ:
«Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín,
Đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật của Ngài» (Tv 25,10).
«Lạy Chúa, tình thương Ngài cao ngất trời xanh,
Lòng thành tín Ngài vượt ngàn mây biếc» (Tv 36,6).
«Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương» (Tv 103,8; 145,8).
«Như người cha chạnh lòng thương con cái,
Chúa cũng chạnh lòng thương những kẻ kính sợ Ngài» (Tv 103,13).
Cũng như nơi các ngôn sứ, các Thánh vịnh diễn tả rõ ràng: Thiên Chúa lắng nghe, an ủi và trợ giúp người nghèo (Tv 9,10.19; 10,14.17; 22,25; 113,4-8 v.v.).
Cùng với lời ca tụng lòng thương xót Thiên Chúa, chúng ta thường nghe thấy một điệp khúc âm vang trong các Thánh vịnh: «Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân hậu với con» (Tv 4,1; 6,2 v.v.). Hay còn đặc biệt ấn tượng với lời mở đầu Thánh vịnh nổi tiếng Miserere (xin dủ lòng thương) mà người ta thường gán cho Đa-vít là tác giả. Sau khi phạm tội ngoại tình với Bát-se-va, vợ của U-ri-gia, được ngôn sứ Na-than tới nhắc nhở, Đa-vít đã sám hối và sáng tác:
«Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
Mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm» (Tv 51,3).
Và cuối cùng, lời khẩn xin tha thiết được thay thế bởi lời tán tụng tạ ơn và ngợi ca:
«Hãy ca ngợi Thiên Chúa,
Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương» (Tv 106,1; 107,1).
Thánh vịnh 136 đã lặp đi lặp lại điệp khúc ca ngợi này tới 36 lần. Có thể nói, cả Thánh vịnh này là một bài ca độc đáo về lòng thương xót của Thiên Chúa. Sách Khôn ngoan đã lấy lại bài ca này để ca ngợi lòng xót thương:
«Nhưng phần Ngài, lạy Thiên Chúa chúng con,
Ngài tốt lành, chân thật và kiên nhẫn,
Lấy lòng xót thương mà cai quản mọi loài» (Kn 15,1).
Vào những ngày sau đó của Ít-ra-en, những người đơn sơ (am-haarez) trở nên nghèo nàn và bị khinh thường bởi tầng lớp tri thức và bởi những người có ảnh hưởng trong xã hội. Họ hình thành nên một nhóm anawim – người nghèo, nhỏ bé, khó khăn, bị áp bức, hiền lành, khiêm nhường. Họ chẳng mong đợi gì từ phía con người, nhưng mong đợi tất cả từ một mình Thiên Chúa.[1] Cộng đoàn sống ở Qum-ran cũng thuộc những người nghèo của Đức Chúa như vậy. Theo ngôn sứ I-sa-i-a đệ tam, Đấng Cứu Tinh (Mê-si-a) ý thức rằng mình được gửi đến cho những người nhỏ bé nghèo hèn đó, mang cho họ Tin mừng và chữa lành tất cả những tấm lòng tan vỡ. Ngài công bố ân xá cho kẻ bị giam cầm, phóng thích cho những tù nhân, và an ủi những ai lầm than khóc lóc (Is 61,1-3). Si-mê-on và An-na nơi Tân Ước cũng thuộc nhóm người đơn sơ, đạo đức đang mong đợi Đấng Cứu Tinh (Lc 2,25-38). Chúa Giê-su đã đón nhận niềm hy vọng này và đưa nó tới sự kiện toàn trong chính bản thân Ngài. Ngài ý thức rằng Ngài được sai đi mang Tin mừng cho người nghèo (Lc 4,16-21).
Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng: Sứ điệp lòng xót thương của Thiên Chúa thấm đượm toàn bộ Cựu Ước. Từng bước một, Thiên Chúa nén giận cơn lôi đình thánh thiện công minh của Ngài, và tỏ lòng thương xót cho dân lầm lạc của Ngài. Dù họ bất trung, Ngài vẫn tặng cho họ một cơ hội để ăn năm sám hối. Ngài là người bào chữa gìn giữ những người nghèo khó và những ai không chỗ nương thân. Các Thánh vịnh trên đây cung cấp cho ta thấy những bằng chứng không thể chối cãi, ngược lại với lối suy nghĩ cho rằng Thiên Chúa nơi Cựu Ước là Thiên Chúa ghen tương, báo oán và nóng giận. Đúng hơn, từ sách Xuất hành tới các Thánh vịnh, Thiên Chúa nơi Cựu Ước là «Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giầu tình thương» (Tv 145,8; x. 86,15; 103,8; 116,5).
[1] F. Hauck, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 894-902.
Tác giả: Vincent Mai Kim chuyển ngữ