Yếu tính TM và chìa khoá đời sống kitô hữu

Thứ ba - 24/05/2016 05:30  2240

IV. Chúa Giê-su hiện diện cho người khác

Việc Đức Giê-su bước vào đời sống công khai và sứ điệp khởi đầu của Ngài đã gợi lên cho thính giả một làn sóng nhiệt tình. Nhiều đám đông đã đến với Ngài. Nhưng chẳng bao lâu liền có một sự đảo ngược. Có nhiều người đã chống đối chỉ trích Ngài, vì Ngài làm những điều tốt lành trong ngày Sa-bát (Mc 3,6; Mt 12,14; Lc 6,11) và dám tha tội. Làm sao một người phàm có thể nói và làm những điều tương tự? (Mc 2,6tt; Mt 9,2; Lc 5,20-22) Cho đến cùng, thì chính sứ điệp của Ngài và những hành động tỏ lòng xót thương của Ngài đã gợi lên sự chống đối; chính những hành động ấy bị coi như là xì-căng-đan (gây tai tiếng) và đã đưa Ngài tới thập giá. Chúa Giê-su đã trả lời với những lời rắn rỏi và phán xét. Bởi vì, lề luật của Thiên Chúa là cơ hội cuối cùng và quyết định để bảo đảm tính toàn vẹn của con người, thành ra ai bỏ lề luật này thì cùng lúc cũng bị tách mình ra khỏi ơn cứu rỗi. Như thế, chúng ta cũng không cần phải dấu diếm hay cắt xén đi những lời kết án của Đức Giê-su về sự hiểu lầm sứ điệp lòng xót thương của Ngài.[1]  Những lời kết án của Ngài như là một lời nhắc nhở khẩn thiết: hãy sám hối; những lời ấy cống hiến cơ hội cuối cùng và làm cho lòng xót thương của Thiên Chúa có thể được biểu lộ.

Đức Giê-su ý thức về lời rao giảng của mình bị chối bỏ, và cái chết sắp đến gần, một cái chết tàn bạo, Ngài quyết định lên Giê-ru-sa-lem với các môn đệ.[2] Như những ngôn sứ trước Ngài, Đức Giê-su biết rằng Ngài cũng sẽ bị giết ở đó (Lc 13,34). Vượt trên tất cả, Ngài ghi nhớ vận mạng của Gio-an Tẩy Giả trong tâm tư mình (Mc 6,14-29; 9,13). Ngài thấy khá rõ những gì đang đợi Ngài. Vâng phục thánh ý Chúa Cha và sứ mạng Ngài trao phó, Đức Giê-su đã quyết định bước vào con đường cứu rỗi dân Ngài và toàn nhân loại, dù với bất cứ kết cục nào. Trong một lần loan báo với các môn đệ, Ngài đã nói tới đau khổ và cái chết sắp xảy đến. Để giải thích, Ngài lấy lại tư tưởng được trình bày trong sách I-sai-a đệ nhị (Is 53,10-12). Ở đó, chúng ta thấy nói về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, người mang lấy tội lỗi cho muôn người (53,12).

Trong bối cảnh của Cựu Ước, lời đó thật là một bí ẩn khó giải thích. Nhưng với Chúa Giê-su, bây giờ chúng ta thấy chính Ngài là lời giải thích cuối cùng và làm cho nó hoàn tất. Nối kết với lời loan báo này (về người tôi trung đau khổ), Chúa Giê-su nói về chính mình: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người (avnti pollwn) (Mc 10,45).[3] Ngài hiểu rằng con đường Ngài đi như là một lời mời gọi «phải» (deiv), mà theo ngôn từ Thánh Kinh, nó có nghĩa là chính ý muốn của Thiên Chúa mà Đức Giê-su hoàn toàn vâng phục đón nhận.[4] Như thế, sau khi lời rao giảng của Ngài bị từ chối, Ngài đã quyết định bước vào con đường đau khổ ở giữa dân Ngài; con đường diễn tả quà tặng đích thực lớn lao nhất của Thiên Chúa về lòng thương xót. Khi Si-mon Phê-rô chối bỏ ý định chịu đau khổ và chịu chết của Thầy mình, thì về phần Ngài, Đức Giê-su đã quở trách ông một cách nặng lời. Những từ «anh, Sa-tan» là những từ sắc bén không có lời nào hơn được. Những từ ấy diễn tả rằng Phê-rô không muốn điều Thiên Chúa muốn, và như thế ông cũng muốn làm trệch đi công trình của Chúa Giê-su (Mc 8,31-33; Mt 16,21-23; Lc 9,22).

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn và chịu chết, Đức Giê-su cũng lấy lại những tư tưởng trên qua lời nói của Ngài ở bữa Tiệc Ly. Ta có thể nói rằng, lời nói của Chúa Giê-su diễn tả chính ước muốn cuối cùng và là lời trăn trối của Ngài. Dù cho có khác nhau về cách truyền lại những lời Đức Giê-su nói trong bữa Tiệc Ly, ít nhất chúng ta có chắc chắn những từ chung: «vì anh em» (Lc 22,19; 1 Cr 11,24), hay «vì muôn người» (Mt 26,28; Mc 14,24). Những từ đó đóng vai trò tâm điểm nơi những bản văn khác nhau[5]. Trong bản văn của Lu-ca và Phao-lô, lời «vì anh em» được giải thích theo chiều hướng Bài Ca thứ hai về Người Tôi Tớ, theo đó Người Tôi Tớ hiến trao mạng sống, lấy cái chết của mình để thay thế cho cái chết của những người khác. Như vậy, các trình thuật này về Bữa Tiệc Ly đều diễn tả cách cô đọng về cốt lõi cuộc đời Đức Giê-su mà ta có thể gọi là: «Chúa Giê-su hiện diện vì chúng ta và vì tất cả mọi người»; Ngài hiện diện là hiện diện cho. Thành ngữ pro nobis [vì chúng ta] hàm ẩn nội dung đầy ý nghĩa: chính Chúa Giê-su hiện diện cho và hiến trao đến chết. Như vậy, thành ngữ này mang ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu đối với tất cả thần học Tân Ước[6].

Thực ra, đây không phải là chỗ đi vào tìm hiểu tất cả những vấn nạn đặt ra về từ ngữ trong các trình thuật khác nhau về Bữa Tiệc Ly. Mà đây chỉ nêu ra vài yếu tố cần phải được hiểu một cách chính xác về sự mua chuộc và thay thế [Stellvertretungsgedanken]. Đối với ý niệm về sự mua chuộc, nó gây ra mâu thuẫn giữa trách nhiệm của một người và hành động chủ thể của chính người đó. Ta tự hỏi, làm sao mà một người khác có khả năng hành động thay cho chúng ta, trừ khi chúng ta đã minh nhiên cho họ quyền hành động này? Thực sự điều này hoàn toàn không thể hiểu, vì nó nảy sinh một cớ vấp phạm trầm trọng, vì theo cái nhìn này: Thiên Chúa đã muốn hy sinh chính Con Một duy nhất của mình để chuộc tội nhân loại. Một câu hỏi gay gắt hơn nữa được đặt ra: Đó là Thiên Chúa kiểu gì vậy mà lại có thể đang tâm bước trên xác chết, xác chết chính con yêu của mình? Khá nhiều người ngày hôm nay coi những câu hỏi trên như là những lời trách móc và coi đó như là một lý lẽ chủ yếu để chống lại Ki-tô giáo.

Chính vì lý do này mà nền thần học tự do đã giải thích ý tưởng đền tội thay bằng những từ ngữ «Chúa Giê-su muốn liên đới với nhân loại», đặc biệt là việc Ngài ưu tiên những người bị áp bức, những người kém may mắn. Và nền thần học này đã tìm cách thay thế ý niệm đền tội thay bằng ý niệm vừa trình bày. Một vài hướng thần học Công giáo gần đây cũng đi theo hướng giải thích trên.[7] Nhưng dù sao thì cách giải thích «nhẹ nhàng» ấy không hợp với sứ điệp sâu xa và mãnh liệt của Thánh Kinh. Tiềm năng mãnh liệt của lời chứng Kinh Thánh chỉ được vén mở khi chúng ta khiêm tốn nhận mình là những con người bị ngã quỵ trong tội lỗi. Lúc ấy ta cảm nhận thấy vực thẳm sâu xa và mức độ nghiêm trọng của nỗi cùng khốn, không chỉ ở trên bình diện xã hội, mà còn cả mức độ tâm linh nữa; cùng lúc ấy, chúng ta bị tha hóa và mất hết nhân phẩm.

Thánh Kinh hiểu rằng: các tội nhân phải đền trả chính mạng sống của mình, và đáng phải chết vì tội lỗi của họ. Lương bổng của tội lỗi là sự chết (Rm 6,23). Theo cách hiểu chung của Thánh Kinh hay lối suy nghĩ tương thân của nhân loại, nỗi khốn cùng đụng chạm tới con người, không chỉ trên bình diện cá nhân, mà còn ở bình diện tập thể và toàn thể nhân loại nữa. Điều gian ác của một người sẽ «lây nhiễm» tất cả mọi người; thế nên mọi người đều lệ thuộc sự chết. Khái niệm về việc «đền thay» chỉ có thể được hiểu trong bối cảnh của việc «tương thân» này.[8] Kinh nghiệm căn bản về mớ lùng nhùng của tội lỗi và về sự thống trị của cái chết, chẳng ai có thể tự hào cho mình khả năng thoát khỏi vòng xoáy đó với  sức riêng của mình. Nhưng trên hết, đơn thuần như là một phàm nhân, chúng ta không thể tái tạo cuộc sống bằng sức riêng của mình, mà chỉ có Thiên Chúa, Đấng làm chủ sự sống và sự chết. Ngài không muốn sự chết, nhưng là sự sống; chính Ngài giải thoát ta khỏi tội lỗi sự chết, tặng ban cho ta sự sống, và làm cho sự sống có khả năng mới. Chẳng có một phàm nhân nào cả, chỉ một mình Thiên Chúa mới giải thoát ta khỏi kẻ thù độc hiểm nhất, đó là bất hạnh của sự chết.

Tuy nhiên, Thiên Chúa không thể đơn giản hóa, làm ngơ trước sự gian ác có mặt trong lịch sử; Ngài cũng không thể coi chúng như là một vài điều vô can, không tích sự. Như thế sẽ chỉ là những ân sủng không đáng giá và là lòng thương xót giả dối. Trái lại, lòng thương xót luôn nhìn nhận một cách nghiêm túc nhân phẩm con người với những hành động của họ. Thực vậy, với lòng xót thương, Thiên Chúa cũng muốn phục vụ công lý[9]. Thế nên, đứng vào vị thế con người chúng ta [stellvertretend], Đức Giê-su thực sự mang vào mình tất cả tội lỗi của nhân loại; thậm chí Ngài còn trở thành hiện thân của tội lỗi (2Cr 5,21). Nơi Ngài, một lần nữa Thiên Chúa chứng minh cách tỏ tường là Thiên Chúa giầu lòng thương xót (Ep 2,4tt), Ngài cho chúng ta tái sinh để nhận niềm hy vọng do lượng hải hà của Ngài (1Pr 1,3).

Khái niệm về việc đền tội thay này phá tan ngộ nhận cho rằng Thiên Chúa báo thù, Ngài cần một nạn nhân để làm nguôi cơn giận của Ngài. Trái lại, do lòng thương xót, khi muốn cái chết của Con Một, Thiên Chúa mang lấy cơn lôi đình vào thân mình để hiến trao lòng xót thương và sự sống cho nhân loại. Nơi Con Một, chính Thiên Chúa cũng đứng vào vị thế con người chúng ta, Ngài mang vào mình những hậu quả chết chóc do tội lỗi gây ra, để ban tặng chúng ta sự sống mới. «Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi!» (2Cr 5,17). Không phải do chúng ta là người có thể giao hòa với Thiên Chúa. Nhưng, chính Ngài là Đấng đã giao hòa chúng ta với Người (2Cr 5,18).

Dĩ nhiên, việc đền tội thay [Stellvertretung] cũng không phải là một hành động thay thế [Ersatzhandlung], như thể là nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa trao ban ơn cứu rỗi cho chúng ta mà không cần sự cộng tác của chúng ta. Thiên Chúa giao hòa chúng ta với Ngài tới độ Ngài tái lập mối tình thân giao ước với chúng ta. Thánh Au-gút-ti-nô đã nói khá rõ ràng: Ngài dựng nên con thì không cần có con, nhưng để cứu độ con thì Ngài cần có con[10]. Hành vi cứu rỗi cho phép chúng ta làm mới lại lời thưa «vâng» trong đức tin, hay nói cách khác đó là làm vang lên sự đồng thuận của ta. Nếu như hành vi cứu rỗi hoàn toàn mang tính Ki-tô học, thì cùng lúc ngầm hiểu nó cũng mang tính nhân loại học.[11]

Cùng với việc Thiên Chúa giao hòa nhân loại với Ngài, một câu hỏi được đặt ra: làm thế nào để giải thích những lời trong bữa Tiệc Ly: «máu đổ ra cho nhiều người» (u-per pollwn) (Lc 14,24; Mt 26,28; x. Mc 10,45)? Theo ngôn ngữ Do-thái, một nghĩa rộng, nếu không lầm thì người ta hiểu «cho nhiều người» tương xứng với nghĩa là «cho tất cả»[12]. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là «cho tất cả mọi cá nhân», nhưng đúng hơn là «cho toàn thể nhân loại», hay nói cách khác là «cho muôn người không thể đếm nổi».[13] Nơi Tân Ước, khái niệm về toàn thể không có nghĩa đơn thuần là toàn thể con cái Ít-ra-en, nhưng đúng hơn là toàn thể những người Do-thái và Dân Ngoại, toàn thể nhân loại. Những lời trong 1Tm 2,6 được hiểu theo nghĩa này, rất rõ ràng không hề trừu tượng: «Đấng (Đức Giê-su Ki-tô) đã tự hiến làm giá chuộc mọi người» [u-per pa,ntwn]. Tính phổ quát này được truyền thống Tân Ước xác định như là một tổng thể (Ga 6,51; Rm 5,18; 2Cr 5,15; Dt 2,9). Như vậy, không hề còn nghi ngờ gì về ước muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa và ý định phổ quát hiến dâng mạng sống mình cho mọi người[14].

Từ ý định của Đức Giê-su hiến dâng mạng sống mình «cho tất cả» [Gesamtheit] nhân loại, người ta không thể lập một giả thuyết cứu rỗi phổ quát với kết luận rằng tất cả những cá nhân sau hết sẽ được giải thoát[15]. Thực ra việc Đức Giê-su đền tội thay, một đàng có nghĩa là chỉ có Ngài là Đấng trung gian cứu rỗi duy nhất; đàng khác việc đền tội thay của Ngài như là tháp nhập chúng ta vào trong hiến tế của Ngài. Và như vậy thì việc đền thay này không phải là hành động thay thế những gì chính chúng ta có thể và phải làm. Nó cũng không thay cho tinh thần trách nhiệm cá nhân của mỗi người, nhưng đúng hơn nó làm cho tinh thần ấy lại được tự do đích thực. Việc đền thay này tái lập tinh thần trách nhiệm của con người, sau khi vì phạm tội, họ đã làm cho nó ra hư hỏng; việc đền thay này cho phép người ta sống tinh thần trách nhiệm mới và tạo ra sự phấn đấu mới mẻ. Khi Chúa Giê-su đền tội thay cho chúng ta, Ngài giải thoát, tặng ban cho ta sự sống mới và làm cho chúng ta thành thụ tạo mới. Thế nên, trong cái nhìn của đức tin, chúng ta có thể xác tín mạnh mẽ rằng: Chúa Giê-su đã hiến trao mạng sống mình cho tất cả mọi người, trong đó có tôi, trong mọi cảnh vực của cuộc sống cá nhân. Thánh Phao-lô cảm nếm điều này khi Ngài chia sẻ rằng: tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, «Đấng đã yêu tôi và hiến mạng sống vì tôi» (Gl 2,20).[16]

Quả thực, niềm xác tín trên không hề và không thể là một giáo huấn trừu tượng được. Bởi vì nó có ý nghĩa sống chết với tất cả mọi người trong mối tương giao cá vị của họ với Đức Giê-su. Chúng ta cũng thấy tư tưởng này nơi thánh Bernard de Clairvaux. Trước hết, thánh nhân nhấn mạnh tới lòng trắc ẩn hướng tâm về Đức Ki-tô, một ngôi vị phổ quát và là Đấng Huyền nhiệm. Ngài thường mô tả bằng hình ảnh: Đức Ki-tô sống động cúi xuống và ôm hôn ngài. Thánh Bernard diễn tả ý nghĩa của sự kiện này với ngôn từ: «Khi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, Đấng hiến dâng ta mạng sống mình, chúng ta được biến đổi» (trasformatur cum conformatur) [17]. Linh đạo này được tiếp tục triển khai nơi nhà thần bí Henry Suso, rồi trong cuốn Gương Chúa Giê-su của Thomas de Kempis, một cuốn sách đã trở thành một linh đạo cổ truyền. Còn đối với linh đạo hiện đại, thì phương pháp linh thao của thánh Ignace de Loyola đã được thẩm quyền chính thức xác nhận. Trong các bài linh thao, Ignace đã có những lời kinh độc thoại với Đấng Chịu Đóng Đinh. Chúng ta lại có thể nhận ra cùng một cảm nhận sâu xa về lòng trắc ẩn nơi bài hát nổi tiếng của Paul Gerhard với tựa đề Ôi Trái Tim cực thánh bị đâm thâu:

«Đớn đau và khổ nạn đắng cay của Ngài,
Vì tất cả chúng con phạm tội;
Chính con đã xúc phạm,
Mà Ngài phải chịu đớn đau cực hình…
Còn lời nào diễn tả thay
lòng biết ơn Ngài, ôi Người Bạn quý giá,
Có lời nào tri ân cho hết
 vì cái chết đớn đau,
và vì lòng trắc ẩn khôn cùng của Ngài?»[18]


[1] Ulrich Wilckens, Theologie des Neuen Testament, 2/1, Neukirchen-Vluyn, 2007, I/1, 316-19.
[2] W. Kasper, Jesus the Christ, New York: Paulist Press, 1977, 113-21.
[3] Wilckens, Theologie des Neuen Testament, I/1, 15-18.
[4] W. Grundmann, Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 2:21-25.
[5] H. Riesenfeld, , Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 8: 510-18.
[6] Hans Urs von Balthasar, Theo-Drama: The Person in Christ, San Fancisco, 1992, 244-45.
[7] Idib.
[8] Hartmut Gese, The Atonement, In Essays on Biblical Theology, Minneapolis: Augsburg, 1981, 93-116.
[9] Benedict XVI, Jesus of Nazareth: Holy Week: F-rom the Entrance into Jerusalem to the Resurrection, San Francisco: 2011, 132-33.
[10] Augustine, Sermon 169 c. 11, n. 13.
[11] Menke, Jesus ist Gott der Sohn, 133.
[12] Joachim Jeremias, The Euc-haristic Word of Jesus;  and Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament,  ed. Gerhard Kittell et all., 1949-79, 6: 544.
[13] Joachim Jeremias, The Euc-haristic Word of Jesus, 227-31.
[14] Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments on Octobre 17, 2006.
[15] X. ch. V,3.
[16] Va II, Gaudium et Spes.
[17] Bernard of Clairvaux, Canticle of Canticles, Sermon 62,5.
[18] Veangelical Lutheran Worship: Minneapolis: Augsburg Fortres Press, 2006, 351

Tác giả: Vincent Mai Kim chuyển ngữ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập407
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm383
  • Hôm nay52,826
  • Tháng hiện tại913,187
  • Tổng lượt truy cập78,916,638
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây