Yếu tính TM và chìa khoá đời sống kitô hữu
Chủ nhật - 28/02/2016 22:06
1077
Lòng thương xót: yếu tính và chìa khoá đời sống đức tin kitô hữu (tiếp theo)
IV. Lòng xót thương như là sự khôn dò thấu và toàn quyền trọn vẹn của Thiên Chúa.
Trong Cựu Ước, chúng ta còn thấy một mặc khải đặc biệt về lòng xót thương của Thiên Chúa nơi ngôn sứ Hô-sê. Cùng với A-mốt, ngài là một trong những ngôn sứ đầu tiên của Thánh Kinh. Hô-sê sống và thi hành sứ mạng trong những ngày cuối cùng bi thương của vương quốc Miền Bắc (Ít-ra-en), rồi bị xóa sổ (722/721 tcn). Sứ điệp nhuốm màu thê thảm của ông phản ảnh rõ bối cảnh đớn đau của thời đại. Dân chúng đã phá vỡ giao ước với Thiên Chúa, họ trở thành những «cô gái điếm mất hết danh dự». Thành ra, Thiên Chúa cũng phá bỏ mối tương giao với họ. Ngài đã quyết định không tỏ thêm lòng thương xót nữa với dân bất trung của Ngài (Hs 1,6). Dân sẽ không còn phải là dân Ngài nữa (1,9).
Thế là, mọi sự xảy ra vượt khỏi tầm kiểm soát, và tương lai xem ra bị lệch đường thẳng. Nhưng, một khúc quanh quyết định đã đến. Thiên Chúa công bố tâm tư của Ngài như sau: «Trái tim ta thổn thức trong Ta» (Hs 11,8). Hiệp hội dịch thuật[1] Thánh Kinh thống nhất đã chuyển ngữ lời công bố quyết định của Thiên Chúa như trên. Nhưng cách dịch này đã làm giảm đi ý nghĩa thật của bản văn Thánh Kinh. Thực vậy, bản văn gốc tiếng Do-thái diễn tả ý nghĩa sâu xa tận căn hơn: chính Thiên Chúa để cho công lý của Ngài bị hạ thấp; Ngài bỏ qua công lý ấy để lên tiếng nói. Thay vì chính dân chúng phải chịu trừng phạt, thì một mình Ngài đã hứng chịu sự đớn đau ấy[2]. Tại sao? Vì lòng từ bi [Mitleid] của Ngài bừng cháy, và Ngài quyết định không thi hành cơn thịnh nộ của Ngài nữa. Nơi Thiên Chúa, lòng thương xót chiến thắng công lý.
Khúc quanh của biến cố mặc khải này chỉ ra rằng: Thiên Chúa không hề giận dữ độc đoán, nhưng cho thấy chính Ngài đã làm dịu cơn giận theo chiều hướng là để cho lòng nhân hậu của Ngài lần nữa được biểu lộ. Vẫn theo ngôn sứ Hô-sê, ơn công chính hóa mà Thiên Chúa tặng ban còn huyền nhiệm và sâu xa hơn nữa. Nó diễn tả huyền nhiệm thần linh sâu thẳm trọn vẹn của Ngài: «Vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ» (Hs 11,9). Đây là một lời tuyên bố thật ngỡ ngàng: hữu thể của Thiên Chúa hoàn toàn khác, ngược lại với tất cả phàm nhân. Ngài không biểu lộ sự thánh thiện của mình với công lý thịnh nộ, hay với tính siêu nghiệm khôn dò thấu và không thể đạt tới. Nhưng, Thiên Chúa đã tự vén mở chính mình với lòng thương xót của Ngài. Như thế, lòng thương xót là ngôn ngữ diễn tả yếu tính thần linh của Ngài.
Đoạn văn sâu xa cảm động này cho thấy nơi Cựu Ước, Thiên Chúa không phải là một Đấng giận dữ, công minh, nhưng đúng hơn Ngài là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài cũng không phải là Đấng ngự trên ngai lạnh lùng vô cảm, lãng quên tội lỗi và đớn đau của nhân loại. Trái lại, Ngài là Đấng có con tim bừng cháy cơn thịnh nộ, nhưng sau đó cơn thịnh nộ ấy lại quay trở về với chính Ngài, để Ngài tỏ lòng xót thương. Việc để cơn thịnh nộ quay lại với chính mình cho thấy rằng: một đàng Thiên Chúa thay đổi quyết định của mình, giống như con người «sám hối»; đàng khác Ngài tự mặc khải là Đấng hoàn toàn khác với phàm nhân. Ngài tự vén mở như là Đấng Thánh, Đấng hoàn toàn khác. Chính lòng thương xót của Ngài là yếu tố nền tảng để phân biệt căn tính của Ngài đối với mọi thụ tạo và làm cho Ngài vượt trội trên hết mọi phàm nhân. Đó là sự kỳ vĩ và toàn quyền của Ngài, đó cũng là căn tính thánh thiện của Ngài.
Thiên Chúa biểu lộ quyền toàn năng của mình vượt lên trên mọi sự tha thứ và khoan dung. Chỉ có Đấng vượt lên trên công lý, chứ không phải ở dưới, mới có thể tha thứ và khoan hồng. Chỉ có Đấng này mới có thể tha thứ công lý trừng phạt để ban tặng một khởi đầu mới. Chỉ mình Thiên Chúa mới tha thứ tội lỗi, yếu tính của Ngài là lòng thứ tha.
«Lạy Chúa, Ngài nhân hậu và khoan dung,
Giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin» (Tv 86,5).
«Vì Ngài sẽ rộng lòng thứ tha» (Is 55,7).
«Ngài yêu thích tỏ lòng nhân nghĩa» (Mk 7,18; x. Xh 34,6; Tv 130,4).
Dù khoa thần học không đặt nặng quá về cách sử dụng lý trí thế nào, nhưng ta phải thừa nhận ngay rằng: Thần học sẽ thất bại, nếu nó muốn mổ xẻ Thiên Chúa. Bởi vì Ngài không bao giờ để mình bị đóng khung trong bất cứ một khuôn khổ nào. Chúng ta cũng không thể nói về Thiên Chúa một cách nước đôi như là những điều hiển nhiên trong thế giới: hoặc Thiên Chúa công minh, hoặc Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Nhưng với ngôn ngữ con người, chúng ta có thể nói: lòng thương xót là một mặc khải về tính siêu nghiệm của Thiên Chúa, vượt lên trên tất cả mọi phàm nhân và trên tất cả mọi tính toán con người. Nơi lòng thương xót, Thiên Chúa tự mặc khải một cách nghịch lý: cùng lúc Ngài càng là Đấng Hoàn Toàn Khác và là Đấng quá gần gũi với chúng ta. Tính siêu nghiệm của Ngài không phải là một khoảng xa cách vô định, và sự gần gũi của Ngài cũng không phải theo kiểu gần gũi thân thiện của con người. Thiên Chúa giàu lòng xót thương không đơn thuần như kiểu nói «Thiên Chúa yêu thương», Đấng làm ngơ trước sự bất trung và gian dối của chúng ta. Trái lại, Ngài gần gũi để giải thoát. Sự gần gũi giải thoát này là một cách diễn tả hữu thể khác biệt của Ngài, và cũng là cách nói về việc ẩn mình khôn thấu của Ngài (Is 55,15). Một cách cụ thể, với sự gần gũi giải thoát, Deus revelatus (Thiên Chúa mặc khải) diễn tả Ngài là Deus absconditus (Thiên Chúa hiện diện với). Lòng xót thương của Thiên Chúa hướng chúng ta tới Hữu Thể Hoàn Toàn Khác và hướng tới sự thật không thể thấu hiểu về Ngài. Việc không thể thấu hiểu này đi liền với thực tại về tình yêu và ân sủng của Ngài.
[1] Đây là nhóm dịch thuật Thánh Kinh từ gốc Híp-ri và Hy-lạp ra tiếng Đức. Nhóm này được thiết lập khoảng những năm 1960-1980. Mục đích dịch Thánh Kinh để dùng trong phụng vụ, và đã xuất bản trong cuốn Thánh Kinh Công Giáo (Đức ngữ). X. Đnl 4,31; Tv 86,15. [2] Hans Wal-ter Wolff, Dodekaprophetens, XIV/1, Neukirchen-Vluyn: 1976, 261.
Tác giả: Vincent Mai Kim chuyển ngữ